Vietnamville http://www.vietnamville.ca

Chính trị, Nhẫn tâm, Nghĩa tận và Mùa đảng tang
12.10.2018

Trần Thị Hải Ý (Danlambao) - “Nếu xa xưa Thương Ưởng bị ngũ mã phanh thây bởi chính cái luật Hộ khẩu do ông ta đẻ ra, thì nay Trần chủ tịch đã đang lãnh chịu quả báo nhãn tiền vì cái Luật An ninh mạng do ông bày têu, ấy vì “người chết thì câm / un mort est muet”, nghĩa là Trần chủ tịch hết cơ hội để thanh minh thanh nga những thành tích thủ ác của mình là vì ai: Vì nhân dân hơn 90 triệu người hay vì cái đảng của ông ta với 4 triệu thành viên?”.



*

Từ khi biết đọc biết viết, người soạn bài này chưa một ngày không đọc sách - đa phần bằng ngoại ngữ do bị / được lưu lạc trên một xứ sở đa ngôn ngữ từ thiếu thời, nhưng do đầu óc ù ù và trí nhớ cạc cạc thế cho nên, đặc biệt về chính trị, chỉ mới ú ớ gà mờ mót ra được 3 loại hay 3 giai đoạn chính trị gồm vỏn vẹn đúng 12 chữ sau đây, xin được mạo muội trình bày lại theo văn phong ba rọi và cảm quan riêng, hoàn toàn tùy theo độ nhuận trường trong quá trình tiêu hoá sách, như thế này:

Loại thứ nhất: Chính trị bàn phím (Politique en clavier, trước kia thường là Chính trị phòng khách / Politique au salon), tức nay là bàn loạn chính trị trên mạng, ví dụ đệ nhất tào lao là Hải Ý em đây.

Loại thứ hai: Chính trị đảng phái (Politique du parti / Politique partisane), tức là một số người cùng chí hướng sau khi tràng giang tranh luận đã đời trên mạng, cụ thể tụ nhau lại ngoài đời thực, đi đến quyết định thành lập cái gọi là đảng với một cái tên ABC nào đó, đính kèm một cương lĩnh DEF nào đó. Tiện thể xin hỏi: Có thứ cương lĩnh chính đảng nào chẳng Từ dân, Do dân, Vì dân? Cương lĩnh cũng là Lời hứa trên giấy mà.

Loại thứ ba: Chính trị chính quyền (Politique gouvernementale"). Mục đích tranh đấu trước hết và sau cùng của Chính đảng đương nhiên là nắm, thậm chí cướp bằng được quyền cai trị ngõ hầu áp dụng cương lĩnh của đảng mình, tức gọi tắt là Chính quyền.

Mấy xứ Hải Ý em tạm dung trên 30 năm nay và e mãn đời, một chính quyền (tức đảng đắc cử đương nắm quyền điều hành đất nước) mà không thi hành đúng một số Lời hứa dân sinh căn bản khi tranh cử thì mùa bầu cử sau coi như đi đoong, phải xếp hàng lại từ đầu trong mùa bầu cử kế tiếp. Dân vi quý, xã tắc thứ chi, đảng vi khinh là rứa đó. Và bởi là rứa đó mà dù chậm hay mau, xứ họ luôn luôn tiến tới. Tiến tới nhưng không bao giờ tự mãn là toàn bích, là “đỉnh cao trí tuệ loài người”. Khác hoàn toàn với các xứ chuyên chính vô sản còn sót lại trên trái đất như Việt Nam xã nghĩa! Ai đời cương lĩnh đảng cs nắm quyền lại tùy tiện công khai ấy bậy lên cả Hiến pháp, ấy vì đại chúng nhân dân có bao giờ được quyền trực tiếp bầu ra chính quyền cai trị và bảo vệ họ đâu, tất tần tật là đảng người ta tự biên tự diễn tự vỗ tay mà! Do đó, chính quyền ở Việt Nam xã nghĩa trong thực tế không cần cử tri, nhưng rất cần đại chúng nhân dân "thắt lưng buộc bụng"... đóng thuế, để ít nhất trả những món nợ mình chưa bao giờ ký vay. Đó là nợ công, chỉ 431 tỉ đô la Mẽo thôi! (1).

Riêng mấy nhóm chữ được liên tu nhơi đi nhơi lại như “Chính trị là gì?”, “Đấu tranh chính trị là phải thế này, là nên thế kia”; “đấu tranh chính trị không thể là trò tiêu khiển”, thậm chí “làm chính trị là phải điếm như Hồ Chí Minh”, v.v... lại thuộc đề tài u minh tinh tinh khác, phải-cần-nên khoanh tay - nhưng không được cúi đầu, nhường lời cho hạng nghiên cứu chính trị có bề dài tròm trèm 50 năm trở lên!

*

Đọc tiểu sử các chính trị gia chóp bu nói riêng từ cổ chí kim, từ đông sang tây, hẳn ai cũng phải nhận thấy rằng trước khi lên nắm quyền cai trị trong vài năm hay vài chục năm, tất thảy đều dày chữ Nhẫn và chữ Tâm. Có điều, một khi đã nắm được quyền cai trị thì cũng tất thảy đều dày hai chữ Nhẫn tâm.

Nhân nước CH xhcn Việt Nam đã và đang được Mùa đảng tang 2018, bài này do đó chỉ chú tâm tản mạn về vài trường hợp sau đây:

1-. Kể từ sau mùa xuân 1975 đến nay, băng đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có làm chính trị nữa không?

Dứt khoát là không! Chẳng là sau khi cưỡng chiếm được nước VNCH, họ tự biên tự diễn vỡ độc quyền cai trị toàn thể hình cong chữ S, họ chỉ ngay ngáy làm chính quyền của “người miền Bắc có lý luận” với đủ thứ chiêu trò ma mị bịp đời, mà mục tiêu tối thượng chỉ để giữ cái gọi là chính đảng của họ, dù chẳng chính danh vì chưa từng có giấy phép lập đảng. Để giữ cái đảng của họ, họ đã bao lần núp sau bốn chữ Cách mạng Nhân dân, nhẫn tâm “biến nguyên cái hồ cá thành một tô súp cá”, cũng như họ đang nhẫn tâm biến nguyên một quốc gia “tiền rừng bạc biển”với non trăm triệu dân thành một tỉnh huyện theo lộ trình mật ước 1990 với “nước láng giềng có chung đường biên giới với tỉnh Quảng Ninh”; nôm na hơn là, để giữ được cái đảng, họ đã đang nhẫn tâm từng bước “tự diễn biến, tự chuyển hoá” để thà làm đuôi con voi nặng tròm trèm 1 tỉ 500 ngàn ký hơn làm đầu con gà chừng trăm triệu ký.

*

Trong năm 2018 này, thành ngữ “nghĩa tử là nghĩa tận” xuất hiện tràn lan trên thế giới ảo, đặc biệt là sau cái chết bất ngờ vì “virus hiếm và độc hại” của cựu Đại tướng, Bộ trưởng Công an và đương chức Chủ tịch nước CH xhcn Việt Nam Trần Đại Quang hôm 21/09 - thọ 62 hay 68 tuổi? (2). Luận về sự kiện hi hữu này, Facebooker Trịnh Hữu Long có mở đầu bài viết với câu: “Muốn thiên hạ có “nghĩa” với mình khi mình chết thì tối thiểu khi còn sống [mình] cũng phải có “nghĩa” với thiên hạ. Còn khi sống mà trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra tội ác, hoặc im lặng về hùa với kẻ ác, thì đừng trách người ta vui mừng khi mình chết, bởi cái chết đồng nghĩa với việc không còn khả năng gây ra tội ác nữa” (3). Luận điểm này của Trịnh Hữu Long na ná ý tại ngôn ngoại trong câu của Guy Moquet - đảng viên đảng cộng sản Pháp: “Un bon communiste est un communiste mort / Một người cộng sản tốt là một người cộng sản đã chết”.

2-. Cựu cố Thủ tướng nước CH xhcn Việt Nam Phan Văn Khải

Nhắc tới ông Phan Văn Khải trong bài này là chuyện chẳng đặng đừng, vì đối với Hải Ý em, ông Phan Văn Khải là một nhân vật chính trị không có gì độc đặc suốt thời gian đảm trách chức vụ Thủ tướng (1997-2006), ngoại trừ sự phát triển vô phương ngăn chận của Ung thư Tham nhũng xhcn; giam tù tùy tiện những nhà tranh đấu vì dân chủ như Bs Nguyễn Đan Quế, Bs Phạm Hồng Sơn, Ls Lê Chí Quang, Nguyễn Khắc Toàn, Mục sư Nguyễn Hồng Quang, Gs Trần Khuê, Hòa thượng Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Độ v.v... và dù đã từ nhiệm trước hạn kỳ, nhưng không may đương sự là đầu têu của Mùa đảng táng 2018. 

Bức phối ảnh dưới đây được cảm hứng từ bài viết “Nhân ngôn luận” của tác giả Lê Nhân - bạn đồng khoá với Phan Văn Khải, cũng như Tội tòng phạm làm mất đất đai, biển đảo vào tay Tàu cộng của Phan Thủ tướng nặng nhẹ ra sao, hiện vẫn còn nguyên ở đây:

http://danlambaovn.blogspot.com/2013/09/nhung-su-that-can-phai-biet-phan-23.html

Ảnh ghép Photoshop, TTHY.

3-. Cựu cố Đại tướng, Bộ trưởng Công an, Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Luận về ông Trần Đại Quang thì đã có cơ man bài viết trên mạng xã hội, chủ yếu là nhắm vào sự nhẫn tâm tuyệt đối của ông khởi từ thời ông mới là Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an là chính, vì đầy chết chóc, máu và nước mắt với vô vàn chứng tích không thể chối cãi. Đơn cử vụ tàn sát dân oan đòi quyền sống đạo ở Tây Nguyên, nhân danh “dẹp loạn” giai đoạn 2000-2004, với “hàng ngàn người chết, và vài trăm người bị tù đày”. Nhờ “thành tích đẩm máu” này Trần Đại Quang được thăng chức Thiếu tướng Công an năm 2003.

Thời làm Bộ trưởng Công an nhân dân (2011-2016), thay vì phải có bổn phận bảo vệ nhân dân -người đóng thuế nuôi mình thì, để bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ chuyên chính bất nhân, Trần Đại Quang là “thanh bảo kiếm” bất nghĩa, nhẫn tâm tàn độc đối với “thế lực thù địch” tức đại chúng nhân dân trong các cuộc biểu tình chính đáng và ôn hoà như chống Tàu cộng bá quyền xâm lược, khiếu nại oan sai trong vấn nạn đất đai “sở hữu toàn dân” v.v...

Trần Đại Quang là tác giả sách “Không gian mạng: Tương lai và Hành động”, nxb Công an nhân dân, 2015. Từ 24/01/2016, được đùn lên làm Chủ tịch nước - chức vụ thực chất có tính lễ lạc, điếu đóm “ngồi chơi xơi nước” (dlv nick xanh Nguyenthimynguy), không có thực quyền sinh sát như chức vụ Bộ trưởng Công an - dấu ấn cuối cùng trước khi đột tử của Trần Đại Quang là Luật An ninh mạng được thông qua ngày 12/06/2018 tức là Luật bóp hầu bóp họng những người bất đồng chính kiến. Luật này sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019.


Cả cuộc đời hành xử như kẻ vô thần. Cả cuộc đời nhẫn tâm làm vô số điều bất nghĩa đối với những kẻ đóng thuế nuôi mình. Cả cuộc đời nhúng tay vào máu và nước mắt đồng bào mình, vậy mà trước khi đột tử Trần Đại Quang lại có lắm màn diễn hồi hướng Phật tín! Sau khi chết, hình vong lại được đặt trước hình Đức Phật, chung một bàn thờ và cả một tiểu đoàn gần 500 sư ni nón cối tại Thành Hồ, một đại đội trên trăm ni sư tại Ninh Bình hành lễ Cầu siêu (22/09/2018). 

Là một Phật tử quy y nhị bảo, HY em tuyệt đối tôn kính Đức Phật như một trí tuệ đại giác, triết lý của ngài tựu trung dạy làm người, khuyến lành tránh ác. HY em tin quyết Đức Phật không có phép mầu, không có ý nghĩ “xin-cho”, kiểu chỉ cần qua vài hồi kinh mà giải được ác nghiệp chất chồng, siêu thoát dễ dàng cho vong linh một sát thủ nhẫn tâm lúc còn sống, ví dụ điển hình như Trần Đại Quang!

Nếu xa xưa Thương Ưởng bị ngũ mã phanh thây bởi chính cái luật Hộ khẩu do ông ta đẻ ra, thì nay Trần chủ tịch đã đang lãnh chịu quả báo nhãn tiền vì cái Luật An ninh mạng do ông bày têu, ấy vì “người chết thì câm / un mort est muet”, nghĩa là Trần chủ tịch hết cơ hội để thanh minh thanh nga những thành tích thủ ác của mình là vì ai: Vì nhân dân hơn 90 triệu người hay vì cái đảng với 4 triệu thành viên của ông ta? 

Ảnh ghép Photoshop, Dân Làm Báo.

Tin vỉa hè: Theo báo lề đảng, mỗi người đi biểu tình chống Khựa, chống băng đảng và nhà cầm quyền cs VN đều được “thế lực thù địch” trả cho 300 ngàn Hồ tệ; thì ngày mai 27/09/2018, mỗi người xuống đường Khóc tiễn CTN Trần Đại Quang sẽ được nhận thù lao tươi ròng là 500 ngàn Hồ tệ! Lăn lộn khóc thảm thiết sẽ được trả thêm 200 ngàn Hồ tệ! Giá 1 triệu Hồ tệ cho ai khóc tiễn quan tài Trần Chủ tịch từ Hà Nội đến tận đại lăng trên đất ruộng rộng gần 30 ngàn m2 của nông dân ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Trần Thị Hải Ý (Danlambao) - “Sống thời biệt phủ, xe sang, Chết thời giành ruộng bạt ngàn xây lăng! Bởi dốt nên mới hỏi rằng: Vậy mà vô sản, vô thần được sao? – Té ra mầy dốt hơn tao: Có lăng mới có chỗ vào ấy chơi! Việt Nam – dân tộc lạ đời, Lãnh đạo thất lộc lại cười hô hô! Gẫm ra mới biết đạo Hồ, Trồng người, người lại hoá đồ chi mô!”

*

Hôm qua 27/09/2018, người soạn bài này theo dõi buổi lễ di đại quan của đại tác giả đại tác phẩm “Không gian mạng: Tương lai và Hành động” (1) tức cố ĐT, G$, T$, BT Công an, CTN Trần Đại Quang (1950-2018) từ Nhà tang lễ Quốc gia Hà Nội về sinh quán của ông ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Tuy không có màn “lăn lộn khóc thảm thiết” như mục Tin vỉa hè ở cuối Phần 1 bài này, nhưng phải-cần-nên tấm tắc thừa nhận buổi lễ thật sự là “hoành tráng”, ngang ngửa tang lễ Tổng thống hay Thủ tướng các xứ Cộng hoà giãy chết bên Âu-Mỹ. Nhưng (lại nhưng) khi nhìn diện tích nơi chôn cất Trần Chủ tịch thì đất trời ngã ngửa: So với cái mả của Trần Chủ tịch thì mộ phần của mỗi cố Tổng thống hay Thủ tướng Âu-Mỹ may ra chỉ bằng gói thuốc lá Philip Morris mà Hồ Chủ tịch rất thích!


Nghị định số 23/2016/NĐ-CP về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/05/2016, quy định rõ ở Điều 4 về diện tích của mỗi phần mộ, diện tích sử dụng đất cho mỗi phần mộ hung táng và chôn cất một lần tối đa không quá 5m2 (năm mét vuông)! Cho nên trước quần thể lăng tẩm 30 ngàn mét vuông (2) của Trần Chủ tịch, dân gian đã có ngay bài vè:

Sống thời biệt phủ, xe sang,
Chết thời giành ruộng bạt ngàn xây lăng!
Bởi dốt nên mới hỏi rằng:
– Vậy mà vô sản, vô thần được sao?
– Té ra mầy dốt hơn tao:
Có lăng mới có chỗ vào ấy chơi!

Những ánh mắt trong tang lễ Trần Chủ tịch. Ảnh ghép Photoshop, Dân Làm Báo.

*

Việt Nam – dân tộc lạ đời,
Lãnh đạo thất lộc lại cười hô hô!
Gẫm ra mới biết đạo Hồ
Trồng người, người lại hoá đồ chi mô!

3-. Phúng lâm sàng cựu Thủ tướng và Tổng Bí thư băng đảng cộng sản Việt Nam Đỗ Mười Nguyễn Duy Cống.

Về “thành tích thủ ác” của Đỗ Mười, nhờ Google, Hải Ý em trích lược từ thời ông làm Phó Thủ tướng kiêm Trưởng ban Cải tạo Công thương nghiệp xhcn, phụ trách vấn đề cải tạo Công thương nghiệp xhcn tại miền Nam (thay thế Nguyễn Văn Linh), giai đoạn 1977 - 1980; Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay dùng lại danh xưng VNCH là Thủ tướng), 1988 - 1991; rồi Tổng Bí thư, 1991 - 1997.

A-. “Cải tạo công thương nghiệp miền Nam”, tức Chiến dịch X.

Trong buổi họp tuyệt mật hai ngày 21-22/03/1978 tại Hội trường của trường đảng Nguyễn Ái Quốc II, huyện Thủ Đức, thành Hồ gồm mấy trăm cán bộ cơ quan trung ương, để nhận chỉ thị Chiến dịch X-3, Đỗ Mười say sưa, quyết liệt, sủi bọt mép nói: 

[“Từ sau giải phóng chúng ta đã thực hiện X-1, tập trung bọn ngụy quân, ngụy quyền học tập cải tạo. Đã thực hiện X-2 đánh bọn tư sản mại bản. Bây giờ chiến dịch X-3, quyết liệt nhất, nhằm tiêu diệt tận gốc rễ chủ nghĩa tư bản, tay sai đế quốc Mỹ… “Đánh rắn phải đánh dập đầu, ta đã đánh dập đầu rồi, nhưng con rắn tư bản đánh dập đầu nó chưa chết, cái đuôi nó còn nguy hiểm hơn cái đầu. Không giần cho nát cái đuôi của nó, thì nó vẫn tác oai tác quái phá chúng ta.”.

Rồi Đỗ Phó thủ tướng vừa hỏi vừa đáp: 

– Vừa qua kẻ nào vơ vét mì chính (bột ngọt), vải vóc, đường, sữa đầu cơ trục lợi, rồi lại đổ tội cho nhà nước ta chuyển ra Bắc nên thị trường khan hiếm? 

– Chính là bọn tư sản thương nghiệp! 

– Kẻ nào tích trữ thóc gạo để dân ta đói? 

– Chính là bọn đầu nậu lúa gạo! 

– Tôi hỏi các đồng chí, kẻ nào cung cấp lương thực, thực phẩm cho tổ chức phản động trên Lâm Đồng chống phá cách mạng? Kẻ nào? 

– Chính là bọn tư sản đấy! Bọn gian thương đầu cơ, phá hoại, bọn ngồi mát ăn bát vàng, rút rỉa máu xương đồng bào ta, ngăn cản con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa của đảng ta…”. 

“Cho nên chúng ta phải róc thịt chúng ra. Bắt chúng lao động sản xuất, tự làm lấy mà ăn. Phải biết cày ruộng, cấy lúa, trồng ngô. Đất hoang còn nhiều, bắt chúng đổ mồ hôi sôi nước mắt kiếm miếng ăn…”. 

“Anh nào, chị nào nhụt ý chí thì lui ra một bên. Kẻ nào tỏ ra nhân nhượng với bọn tư sản là phản bội giai cấp, không phải Bôn sê vích, có tội với đảng với dân, sẽ bị trừng trị!”.

“Lúc 7g sáng ngày 23/03/1978, chiến dịch X-3 bắt đầu từ Thành Hồ, qua một bản thông cáo ngắn gọn do ông Vũ Đình Liệu thay mặt UBND thành phố ký tên được ban hành. Tất cả các cơ sở kinh doanh, buôn bán, nhà hàng, cửa hàng, kho tàng, trung tâm dịch vụ đều bị niêm phong. Danh sách đã được lên từ trước. Họ làm bí mật lâu rồi. Như một trận đánh giặc đã được trinh sát, điều nghiên tỉ mỉ, chính xác. Các tổ công tác ập vào từng điểm bất ngờ, nhanh chóng niêm phong tài sản, khống chế mọi người trong gia đình, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Mỗi điểm niêm phong có tối thiểu một tổ ba người, không cùng cơ quan, không quen biết nhau. Họ là thanh niên xung phong, thanh niên công nhân các nhà máy, sinh viên các trường đại học, cả những thanh niên các phường được huy động vào chiến dịch.”.

“Chiến dịch X-3 tại thành Hồ đã đánh gục 28.787 nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ buôn bán; thu được khoảng hơn 4.000 kg vàng, gần 1.200.000 đô la, và một khối lượng hàng hóa không thống kê hết. Từ chiếc xe hơi, TiVi, tủ lạnh, đến bịch bột giặt, quả trứng gà đều khê khai và tịch thu chất trong các kho, để rồi không cánh mà bay, hoặc biến thảnh phế thải”. 

“Với tinh thần Bôn sê vích, Đỗ Phó thủ tướng đưa hàng ngàn hộ tiểu thương, trung lưu vào diện cài tạo, gộp luôn những hộ sản xuất vào đối tượng đó”.

Tác phẩm X-3 của Đỗ Phó thủ tướng là cú đòn trời giáng cuối cùng, biến “Sài Gòn Hòn ngọc Viễn Đông” thành Hồ chết, đẩy thêm dòng người bỏ đất nước ra đi bất chấp hiểm nguy, bao nhiêu số phận đã rã rời trên biển sâu…

So sánh kết quả trong Cải cách ruộng đất của Hồ Chí Minh ở miền Bắc năm 1956 với Chiến dịch X-3 của Đỗ Mười ở miền Nam năm 1978, nhà văn Minh Diện viết tiếp:

“Khi Cải cách ruộng đất ở miền Bắc, tôi là đứa trẻ sáu tuổi đi xem đấu tố như xem hội hè; khi Cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam, tôi ba mươi tuổi, là người trong cuộc. Trước con mắt tôi, cuộc cách mạng sau chỉ khác cuộc cách mạnh trước là không bắn giết, ngoài ra thì giống hệt nhau. Cũng con tố cha mẹ, vợ tố chồng, bạn bẻ tố nhau. Những cán bộ từng hoạt động bí mật trong chiến tranh, được những gia đình buôn bán , giàu có bao bọc, giờ quay ngoắt lại tịch thu tài sàn ân nhân của mình. Những tính từ bọn, đồng bọn, “tên tư sản”, “con buôn” thay danh từ ông, bà, anh, chị. Gần ba chục năm trước, người bị quy là địa chủ, phú nông xấu xa thế nào, thì 1978, người bị gọi là tư sản, con buôn xấu xa như vậy.”].

Nhận định về đồng chí Bôn sê vích Đỗ Mười, đồng chí Thủ Vẩu Phạm Văn Đồng nói gọn lỏn: Chỉ có phá!


B-. Mật nghị Thành Đô 1990

Mật nghị Việt cộng - Trung cộng tại Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc) họp lần thứ nhất nhằm 2 ngày 3-4/09/1990 tức đúng thời điểm Khối cộng sản Đông Âu và Liên Xô rục rịch liên hoàn tan rã. Phía Việt cộng gồm 3 người chủ chốt là TBT Nguyễn Văn Linh (Nguyễn Văn Cúc, Mười Cúc), Thủ tướng Đỗ Mười (Nguyễn Duy Cống), Cố vấn BCH TƯĐ Phạm Văn Đồng (Đồng phạm Công hàm 1958). Phía Tàu cộng có TBT “16 vàng, 4 tốt” Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng.

Lưu ý: Tuân theo điều kiện của Tàu cộng đưa ra, trong đoàn đàm phán phía Việt cộng không có mặt BT Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (họ tên thật là Phạm Văn Cương, bố đẻ đương kim Phó Thủ tướng kiêm BT Ngoại giao Phạm Bình Minh). 

Đến nay chưa ai biết đích xác băng đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã ký kết bao nhiêu điều khoản gây tổn hại cụ thể cho đất nước và dân tộc Việt Nam, tuy nhiên kể từ khi Đỗ Mười lên thay Nguyễn Văn Linh nắm quyền Tổng bí thư năm 1991 đến năm 1997, rồi các đời TBT kế tiếp như “Mênh mông tiền dân” Lê Khả Phiêu, “Răng chắc” Nông Đức Mạnh, “Củ lá” Nguyễn Phú Trọng thì cách này hay cách khác, (ngoài Hoàng Sa, năm 1974 và một phần Trường Sa, năm 1988) Tàu cộng ngang nhiên gặm nuốt thêm lãnh thổ, lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam như Ải Nam Quan, Vịnh Bắc Bộ, Thác Bản Giốc, Núi Lão Sơn v.v… mà phía Việt cộng luôn luôn nhũn như con chi chi để giữ bằng được “tình hữu nghị anh em, môi răng xhcn ”. Ai là anh, Ai là em; Ai là môi, Ai là răng thì chưa có Ai trong đảng người ta dám trả lời!

Nói cách khác, từ sau Mật nghị Thành Đô 1990, mỗi lần bên kia biên giới, Tàu cộng diễn trò sổ mũi thì tắp lự bên này biên giới, Việt cộng tự động bị cảm hàn! Ví dụ điển hình mới nhất là ngay sau khi Tàu cộng bâng quơ sổ mũi vài cái (07/2017), Việt cộng đã vội vàng hủy hợp đồng khai thác dầu khí bạc triệu tiền Mẽo với hãng Repsol – Spain tại Bãi Tư Chính (Vanguard bank) trong quần đảo Trường Sa vốn “thuộc vùng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam”.

Ai cũng hiểu Mật nghị Thành Đô là cái phao cứu mạng ma dze in China để băng đảng cộng sản Việt Nam trụ giữ chế độ cho đến ngày nay – bất chấp mọi hậu quả cho dân cho nước, qua câu nói nhẫn tâm: “Tôi cũng biết rằng dựa vào Trung Quốc sẽ mất nước, nhưng mất nước còn hơn mất đảng” (TBT Nguyễn Văn Linh).

Trong số 3 người chủ chốt chính thức tham dự Mật nghị Thành Đô phía Việt cộng kỳ đầu tiên nêu trên, Đỗ Mười là người duy nhất còn chưa nỡ dứt khoát chuyển sang từ trần, dù đã hơn 2 lần 50. Tuy phúng lâm sàng cựu Đỗ Tổng bí, song tận đáy lòng, HY em lại có sự mâu thuẫn là cầu cho ông ta sống khoẻ đến hết năm 2020 để chính mắt ông ta chứng kiến Mật nghị Thành Đô có hiệu lực và tác oai tác quái trên mãnh đất chữ S đầy nghiệp chướng như thế nào!


Ảnh ghép Photoshop, TTHY.

Ngày 08/02/2016, báo lề đảng PetroTimes số Xuân Bính Thân có bài “Đại bồ tát Hồ Chí Minh”, ký tên Nguyễn Như. Hè năm 2013, nxb Dân Trí phát hành cuốn “Những câu chuyện về đồng chí Đỗ Mười” đứng tên Diệu Ân, từ trang 172 có bài “Cụ Đỗ Mười có đầy đủ những đức tính của một vị Bồ tát thị hiện” của tác giả Thích Minh Hiền – trụ trì Chùa Hương, Hà Nội. HY em chủ quan trộm nghĩ, nội đọc 2 cái tựa bài thôi, bạn đọc cũng đủ biết nội dung hót gì, nên lười trích ra đây.

Một lãnh đạo nhẫn tâm, máy móc theo định hướng Bôn sê vích như Đỗ Tổng bí thư, nên chăng ứng xử câu “nghĩa tử là nghĩa tận” theo ý nghĩa thông dụng, khi “giờ G lại điểm”?


Trần Thị Hải Ý (Danlambao) - “Tóm lại: Có lệnh ‘Không được nổ súng’ trong vụ Thảm sát Gạc Ma ngày 14/03/1988 hay không? – Xin thưa: Có đấy. Nói có sách, mách có chứng. Đây: Bọn địch hung hăng dùng 4 ca nô chở khoảng 100 lính, trang bị đầy đủ vũ khí, máy vô tuyến, đổ bộ lên bãi Gạc Ma. Cùng lúc, các ca nô của chúng chạy quanh, uy hiếp ta. Chúng khống chế khu vực giữa tàu và bãi. Đồng chí Thông ra lệnh: Khi chưa có lệnh, tuyệt đối không được nổ súng!(trích nguyên văn trang 51, Ảnh scan 9, khung đỏ).

*

4-. Phúng lâm sàng cựu Đại tướng QĐND, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, cựu Chủ tịch nước CH xhcn Việt Nam Lê Đức Anh.

Lê Đức Anh làm BT Quốc phòng, tại Đại hội VI (12/1986), giữ chức Chủ tịch nước tại Đại hội VIII (06/1996) và từ 12/1997 là Cố vấn BCH TƯĐ, còn được gọi là Thái Thượng Hoàng như cố TBT Đỗ Bồ tát thị hiện Thập đại thiện (Nguyễn Duy Cống, 1917-2018).

Về Lê Đức Anh, Hải Ý em chỉ nhắc lại 2 sự kiện nhẫn tâm đến tận cùng của ông ta nói riêng trong phần 3 này và tạm nói luôn ngay đây: khi sống, hành xử bất nhân bất nghĩa; khi chết, lại hòng hưởng nghĩa tử nghĩa tận là sao, dễ dàng vậy à? Đơn giản hay đang giỡn?!

Ảnh ghép Photoshop, TTHY.

A-. Thảm sát Gạc Ma 1988: Có hay không lệnh “Không được nổ súng”? – Có đấy!

Từ nhiều năm qua, hai chữ Gạc Ma là nỗi ám ảnh u ám của mọi cư dân mạng nói riêng, nhất là vào đầu tháng 3 hàng năm. Bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Tàu cộng cưỡng chiếm ngày 14/03/1988, thảm sát 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam (Ảnh scan 7, trang 52 tài liệu ở dưới ghi 74chiến sĩ hy sinh). 14/03 là ngày nơi nơi trong cũng như ngoài nước tổ chức lễ Tưởng niệm ngày mất Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao và 64 liệt sĩ nêu trên. Và câu hỏi: Ai là người đã ra lệnh cho chiến sĩ hải quân Việt Nam “không được nổ súng”(vào hải quân Tàu cộng)?” lại vang lên. Câu trả lời đó đây luôn luôn là: Lê Đức Anh – Đại tướng QĐND, BT Quốc phòng vào thời điểm đó!

HY em chưa đọc “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” do Thiếu tướng Lê Mã Lương chủ biên, cuốn sách đã và đang gặp nhiều gian nan lận đận trong việc phát hành, nên không có ý kiến. Tuy nhiên hôm 25/09/2018, nhờ Google mà tình cờ tìm được 11 trang scan từ cuốn “Huyện đảo Trường Sa” Nxb Tổng hợp Phú Khánh, tháng 5 năm 1988, tức chỉ sau Thảm Sát Gạc Ma chừng 2 tháng. Người đăng tài liệu này lần đầu tiên nhằm ngày 24/09/2018 là FB Người Nước Huệ @ Đà thành, Quảng Nam quốc. Ông viết:

“Cuốn sách này dày 162 trang, có 8 ảnh minh họa, được in 20.000 bản [1 con số mơ ước cho sách in hiện nay], theo sự “quan tâm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy [Phú Khánh], UBND tỉnh [Phú Khánh], Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy [Phú Khánh]”; có “sự phối hợp giúp đỡ của Bộ tư lệnh vùng 4 hải quân, ủy ban nhân dân huyện Trường Sa, trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hải quân Vùng 4…”, chứ không phải là cuốn sách do một cá nhân nào đó biên soạn và do một công ty nào đó bỏ tiền xuất bản mô nghe”. (xem hình chứng số 8 trong ô đỏ ở dưới).

Tóm lại: Có lệnh “Không được nổ súng” trong vụ “Thảm sát Gạc Ma” ngày 14/03/1988 hay không?

– Xin thưa: Có đấy. Nói có sách, mách có chứng. Đây bài: “Hoàng Sa 14 tháng 3” (khởi từ Ảnh scan5 trang 50):

Ảnh scan 1

Ảnh scan 2

Ảnh scan 3

Ảnh scan 4

Ảnh scan 5

Ảnh scan 6

Ảnh scan 7

Ảnh scan8

Ảnh scan9

Ảnh scan10

Ảnh scan11


*

Trong buổi ra mắt cuốn “Gạc Ma - Vòng tròn bất tử” tại thành Hồ ngày 10/07/2018, xuất hiện nhóm chữ “không bắn Trước” của nhóm người quyết liệt chống đối cuốn sách, như Thiếu tướng Hoàng Kiền. Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng lặp lại lời Thiếu tướng-Chuẩn Đô Đốc Lê Kế Lâm, từng giữ chức vụ Phó tham mưu trưởng Hạm đội 171, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 61, trực tiếp phụ trách tác chiến của Quân chủng Hải quân vào thời điểm xảy ra cuộc chiến tại đảo Gạc Ma: “Tướng Lâm có nói là chúng tôi không có tác chiến gì cả vì không có kế hoạch. Tự nhiên các quân lính của chúng tôi có mặt tại đó không có phản ứng nào cả. Cho nên Trung Quốc đã làm một cuộc thảm sát.” 

Và Gs Hưng đưa ra lập luận, nguyên văn: “Tôi xin hỏi một câu rằng ngay cả lệnh đưa ra là ‘không bắn trước’, thì tại sao không có một chủ trương tác chiến để phản ứng khi tàu chiến Trung Quốc áp sát đảo Trường Sa với dã tâm xâm chiếm? Phải có một kế hoạch tác chiến để bảo vệ biển đảo của Việt Nam. Tại sao Bộ Quốc Phòng không có một kế hoạch tác chiến là thế nào? Và khi không có kế hoạch tác chiến mà đưa đến cái lệnh ‘không được bắn trước’ thì tự nhiên sẽ làm cho chiến sĩ Việt Nam bị động và sẽ không phản ứng gì cả, để cho Trung Quốc có thể sử dụng súng đại liên, súng cối…giết hại chiến sĩ Việt Nam” (1). Mời đọc lại Ảnh scan 6, trang 51.

Người ta muốn vùi dập, không cho thông tin, không cho thông báo, không cho dân biết về cuộc chiến ấy, cuộc thảm sát ấy của Trung Quốc. Người ta muốn che giấu nó đi. Thậm chí những cuộc tưởng niệm, người ta còn tìm cách phá hoại, gây khó dễ, bắt bớ…Nhưng cuối cùng bây giờ buộc phải cho công bố sự thật này. Bởi vì dư luận chân chính, yêu nước, chống Trung Quốc xâm lược đã chiến thắng” (Nguyễn Khắc Mai – nguyên Vụ truởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương) (1).

Nhà xuất bản Fortis, ở Mỹ đã ký hợp đồng với nhà xuất bản Văn học và Công ty Trí Việt-First News ở Việt Nam, chuyển nhượng quyền xuất bản “Gạc ma - Vòng tròn bất tử” sang Anh ngữ với số tiền chuyển nhượng 0 đồng. Đại diện Nhà xuất bản Fortis, ông James G. Zumwalt cho biết sẽ phát hành quyển sách “Gac Ma-Immortal Circle” ở Mỹ và số tiền thu được từ việc bán sách sẽ đóng góp hỗ trợ cho các cựu chiến binh và liệt sĩ Gạc Ma.

Thế giới sẽ biết về một cuộc chiến mà Trung Quốc dùng lực lượng hùng hậu tàn bạo và Việt Nam có ý chí bảo vệ độc lập, chứ không có vũ khí trong tay cũng như tìm hiểu lại sự kiện qua video clip do Trung Quốc phổ biến để thấy được sự thật cuộc chiến cướp bóc của Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma, tố cáo sự dã man, tàn bạo và vô nhân đạo của phía Trung Quốc.” (Nguyễn Khắc Mai, như trên).

(Còn tiếp)

Phần đã đăng: Chính trị, Nhẫn tâm, Nghĩa tận và Mùa đảng tang (Phần 1) , (Phần 2).

(Liège, 12/10/2018)


Hoàng đế NPT

Asia Times : Mọi quyền lực ở Việt Nam vào tay ông Trọng

mediaTổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội, ngày 02/04/2018.REUTERS/Kham

Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng sẽ kiêm nhiệm chức chủ tịch nước, một sự củng cố quyền lực chưa từng có, đưa ông trở thành một Tập Cận Bình của Việt Nam. Đó là nhận định chung của Asia Times trong một bài viết đăng trên mạng ngày 04/10/2018.

Sau khi ông Trần Đại Quang qua đời ngày 21/09, đã có nhiều lời đồn đoán về việc thay thế ông sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến chính trị Việt Nam. Nhưng mọi đồn đoán đó đã chấm dứt vào tối 03/10, khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhất trí quyết định người thay thế ông Quang sẽ là tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, vốn đã là nhân vật có thế lực nhất ở Việt Nam hiện nay.

Quốc Hội sẽ chính thức bầu chủ tịch nước trong tháng này, nhưng do không có ứng cử viên nào khác và do Quốc Hội chỉ là một cơ quan làm theo lệnh ở trên, cho nên gần như chắc chắn ông Trọng sẽ nắm chức chủ tịch nước.

Theo Asia Times, quyết định của Trung ương đảng sẽ có ảnh hưởng rất lớn. Trong nhiều thập niên qua, quyền lực chính trị ở Việt Nam được chia ra giữa bốn vị trí lãnh đạo, mỗi người kiểm soát một « khu vực » khác nhau trong một chế độ độc đảng.

Ông Trọng, trên thực tế là lãnh đạo số một ở Việt Nam, vốn đã kiểm soát Đảng Cộng Sản và các cơ chế ra quyết định của đảng. Thủ tướng thì lãnh đạo chính phủ dân sự, còn chủ tịch nước, với tư cách nguyên thủ quốc gia, nắm vai trò tổng tư lệnh tối cao của quân đội, là người đại diện Việt Nam viếng thăm các nước và trên lý thuyết là người bổ nhiệm thủ tướng. Trong khi đó, chủ tịch Quốc Hội là người kiểm soát cơ quan lập pháp.

Do tất cả các nhân vật đó đều nằm trong Bộ Chính trị, cho nên với cơ cấu lãnh đạo kiểu như vậy, mọi quyết định đều được đưa ra theo nguyên tắc đồng thuận và quan trọng hơn cả là nó ngăn chận việc thâu tóm quá nhiều quyền lực vào tay một người.

Theo Asia Times, nhiều người trong đảng tin rằng việc cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thâu tóm quá nhiều quyền lực cá nhân chính là một trong những nguyên nhân khiến ông bị mất chức trong kỳ Đại hội Đảng 2016.

Nay Việt Nam có vẻ như đi theo hướng giống Trung Quốc, như vậy là cơ chế lấy quyết định dựa trên đồng thuận có thể sắp chấm dứt. Bên cạnh những quyền hành với tư cách tổng bí thư đảng, mà ông đã củng cố rất nhiều kể từ tháng 01/2016, ông Nguyễn Phú Trọng sắp tới đây sẽ nắm luôn các quyền của chủ tịch nước : đình chỉ các luật do thủ tướng đưa ra, sửa đổi Hiến pháp, đề nghị cách chức các quan chức cao cấp và giữ vai trò tổng tư lệnh tối cao của quân đội. Như vậy, ông Trọng sẽ là nhân vật có quyền lực mạnh nhất ở Việt Nam kể từ thời Lê Duẩn, tổng bí thư đảng từ 1960 đến 1986.

Theo Asia Times, hiện chưa rõ là các đảng viên sẽ phản ứng như thế nào về quyết định bất ngờ nói trên, nhưng một điều chắc chắn điều này sẽ gây rạn nứt trong hàng ngũ lãnh đạo đảng. Theo lời giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam, đại học New South Wales, kể từ khi ông Trần Đại Quang được chẩn đoán là đang ở giai đoạn cuối của căn bệnh, ông Trọng đã bắt đầu vận động để được nắm giữ cả hai chức vụ. Điều trớ trêu là, khi vấn đề sát nhập hai chức vụ được đưa ra thảo luận trong đảng cách đây một thập niên, chính ông Trọng đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ củng cố quyền lực không kiểm soát được, theo tiết lộ của nhà nghiên cứu Nguyễn Kiến Giang, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Quốc gia Việt Nam.

Cũng hiện chưa rõ là việc ông Trọng kiêm nhiệm chức chủ tịch nước là mang tính tạm thời, hay là Việt Nam sẽ phải sửa đổi Hiến Pháp để việc sát nhập hai chức vụ sẽ là vĩnh viễn. Theo Asia Times, có thể là do thiếu các ứng viên hội đủ tiêu chuẩn, việc sát nhập hai chức vụ chỉ là biện pháp tạm thời trong khi chờ Đại hội Đảng lần tới.

Nhưng với việc nắm rất nhiều quyền lực trong hai năm tới, không có gì bảo đảm là ông Trọng sẽ tuân thủ các quy định của đảng về giới hạn nhiệm kỳ. Hiện nay, theo quy định, tổng bí thư đảng không thể nắm quyền quá 2 nhiệm kỳ, cho nên ông Trọng trên nguyên tắc sẽ phải rút lui vào năm 2021. Tuy nhiên, có thêm quyền trong tay, có thể là ông sẽ sửa đổi quy định về giới hạn nhiệm kỳ, để có thể tiếp tục ra ứng cử tổng bí thư cũng như chủ tịch nước, để thật sự trở thành một Tập Cận Bình ở Việt Nam.


URL của bản tin này::http://www.vietnamville.ca/article.7178

© Vietnamville contact: admin@vietnamville.ca