Trang chủ :: Tin tức - Sự kiện :: Website tiếng Việt lớn nhất Canada email: vietnamville@sympatico.ca :: Bản sắc Việt :: Văn hóa - Giải trí :: Khoa học kỹ thuật :: Góc thư giãn :: Web links :: Vietnam News in English :: Tài Chánh, Đầu Tư, Bảo Hiểm, Kinh Doanh, Phong Trào Thịnh Vượng :: Trang thơ- Hội Thi Nhân VN Quốc Tế - IAVP :: Liên hệ
     Các chuyên mục 

Tin tức - Sự kiện
» Tin quốc tế
» Tin Việt Nam
» Cộng đồng VN hải ngoại
» Cộng đồng VN tại Canada
» Khu phố VN Montréal
» Kinh tế Tài chánh
» Y Khoa, Sinh lý, Dinh Dưỡng
» Canh nông
» Thể thao - Võ thuật
» Rao vặt - Việc làm

Website tiếng Việt lớn nhất Canada email: vietnamville@sympatico.ca
» Cần mời nhiều thương gia VN từ khắp hoàn cầu để phát triễn khu phố VN Montréal

Bản sắc Việt
» Lịch sử - Văn hóa
» Kết bạn, tìm người
» Phụ Nữ, Thẩm Mỹ, Gia Chánh
» Cải thiện dân tộc
» Phong trào Thịnh Vượng, Kinh Doanh
» Du Lịch, Thắng Cảnh
» Du học, Di trú Canada,USA...
» Cứu trợ nhân đạo
» Gỡ rối tơ lòng
» Chat

Văn hóa - Giải trí
» Thơ & Ngâm Thơ
» Nhạc
» Truyện ngắn
» Học Anh Văn phương pháp mới Tân Văn
» TV VN và thế giới
» Tự học khiêu vũ bằng video
» Giáo dục

Khoa học kỹ thuật
» Website VN trên thế giói

Góc thư giãn
» Chuyện vui
» Chuyện lạ bốn phương
» Tử vi - Huyền Bí

Web links

Vietnam News in English
» Tự điển Dictionary
» OREC- Tố Chức Các Quốc Gia Xuất Cảng Gạo

Tài Chánh, Đầu Tư, Bảo Hiểm, Kinh Doanh, Phong Trào Thịnh Vượng

Trang thơ- Hội Thi Nhân VN Quốc Tế - IAVP



     Xem bài theo ngày 
Tháng Tư 2024
T2T3T4T5T6T7CN
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30          
   

     Thống kê website 
 Trực tuyến: 3
 Lượt truy cập: 24843021

 
Khoa học kỹ thuật 20.04.2024 04:15
Hướng đến mục tiêu giải Nobel cho khoa học và văn chương cho người Việt Nam trước năm 2020
11.10.2009 13:20

Giải Nobel Vật lý 2009

Các nhà khoa học Charles Kao, Willard Boyle, và George Smith đồng nhận giải Nobel Vật lý năm nay.

Kao có công giúp phát triển cáp quang - phương tiện chuyển tải data điện thoại và internet dưới dạng ánh sáng.

Boyle và Smith có công phát minh thiết bị tích điện kép CCD - biến đổi quang năng của ánh sáng tới thành các tín hiệu điện.

Đây là công nghệ cảm quang quan trọng trong các máy ảnh và quay phim kỹ thuật số.

Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển cho biết phân nửa giải Nobel Vật lý năm nay được trao cho Kao, khoa học gia người Canada gốc Hoa.

Kiến thức của Kao trong lúc làm việc ở Anh trong 1960 đã giúp các nhà nghiên cứu nâng cáp cao lên một bậc - giúp chuyển tải ánh sáng trên khoảng cách dài hơn trước.

Ngày nay cáp quang là xương sống của truyền thông. Những sợi cáp quang nhỏ như sợi tóc chuyển nhận data trên toàn cầu. Các công nghệ như telephony (gọi điện thoại qua mạng) và broadband tốc độ nhanh không thể làm được nếu không có cáp quang.

Phân nửa giải còn lại được chia cho Boyle và Smith, cả hai làm việc tại Bell Laboratories, Murray Hill, tiểu bang New Jersey, Hoa Kỳ.

Toán nghiên cứu của hai người phát minh ra thiết bị CCD dựa trên hiện tượng quang điện.

Nhà bác học Albert Einstein chứng minh được ánh sánh chuyển thành tín hiệu điện. Thách thức cho các nhà nghiên cứu khi ứng dụng vào phim ảnh kỹ thuật số là chế tạo bộ đo sáng chỉ trong một thời gian ngắn có thể đọc được nhiều điểm sáng, pixels.

Giải Nobel trị giá 1,4 triệu USD hàng năm được trao cho các lĩnh vực Hóa học, Vật lý, Y học, Văn chương, Kinh tế và Hoà bình.

Nobel cho người Việt Nam: 30 năm nữa ?
Giadinh.net - Trong những cuộc thi Olympic quốc tế, Việt Nam luôn đoạt được nhiều giải vàng. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, mơ ước một lần được đứng trên bục nhận giải Nobel Vật lý, Hóa học, Y - Sinh học có vẻ vẫn rất xa vời...

>> Việt Nam - Giấc mơ Nobel

GĐ&XH Cuối tuần đã có cuộc gặp gỡ một số nhà khoa học rạng danh ở nước ngoài để hỏi ý kiến họ về khát vọng Nobel cho nước Việt.

Tiến sĩ   Nguyễn Chánh Khê: Nhiều nhà khoa học thiếu khát vọng vượt tầm thế giới

* Là người Việt từng rạng danh ở nước ngoài, ông đánh giá gì về năng lực người Việt. Vì sao trong những cuộc thi họ luôn đạt thành tích cao nhưng không vươn tới được các giải thưởng lớn quốc tế? 

Bất cứ ai có quan tâm sâu sắc về một vấn đề công nghệ, khoa học nào đó, đều có khả năng có đột phá mới có tầm vóc quốc tế.

Các cuộc thi quốc tế chỉ là những bài toán đố thách thức khả năng suy luận của thí sinh  trong một phạm vi giới hạn về kiến thức, năng lực trong giới hạn của đề bài, chưa thể hiện hết được những thử thách bao la trong phạm trù rộng lớn của khoa học. Tầm nhìn của nhà khoa học Việt Nam trong nước cũng chỉ quanh quẩn quanh cuộc sống nên tư duy không đi xa hơn những vấn đề khác mà khoa học thế giới đang quan tâm.

* Theo ông, có phải các nhà khoa học trẻ nước ta hiện giờ không mấy mặn mà với nghiên cứu khoa học cơ bản ?

Điều này đúng một phần, nhưng chủ yếu là nước ta thiếu cơ chế thúc đẩy các nhà khoa học trẻ nghiên cứu khoa học cơ bản một cách mạnh mẽ. Các quốc gia lớn như Nhật, Mỹ, Đức... công nghệ thường đi trước khoa học. Điều này thôi thúc mãnh liệt người làm khoa học phải gắn bó với thị trường.

* Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, theo ông nên đầu tư gì để vươn đến được những đỉnh cao trong nghiên cứu khoa học?

Một cách chủ quan và cá nhân, tôi thấy các phần mềm mô phỏng phân tử dễ thu hút được sự quan tâm của giới trẻ. Phần mềm này hiện đại, giúp các nhà khoa học trẻ tiếp cận thiên nhiên dễ hơn. Họ cần sử dụng kỹ năng công nghệ thông tin để mở mang tri thức về nguyên tử, phân tử, vật chất và cả nhân tố sự sống từ các nguyên tử, phân tử đó.

* Theo ông, cần có cú huých nào để Việt Nam có thể có giải Nobel và bao giờ điều ước này ở ta mới thành hiện thực?

Điều này phải hỏi chính sách đầu tư của chúng ta có tương xứng không. Còn về phía các nhà khoa học, trước tiên họ cần yêu thích và hứng thú vào một đề tài khoa học mình đang theo đuổi, tin tưởng vào những tia lóe mới trong đầu. Những tia lóe đó có thể đưa đến những thành công bất ngờ hơn là ngồi đó mơ tưởng giải Nobel nhưng lại không làm được những thành tựu cụ thể.

* Tiếp xúc với các nhà khoa học trẻ trong nước, có bao giờ ông thất vọng về điều gì?

Đôi khi cũng có vài thất vọng: Kiến thức của họ thường rời rạc và căn bản họ không biết kết hợp chúng thành hệ thống tư duy cơ bản của lý luận. Các luận văn nghiên cứu khoa học từ một số lớn trường viện trong nước không thể hiện một sự kết hợp hài hòa giữa cái đã có trước và thành quả nghiên cứu của luận văn vì thế nên thiếu sự đột phá mới.

* Theo ông, điều gì khiến Khoa học cơ bản (KHCB) trong nước không có thành tích vang dội trên trường quốc tế?

Tôi có cảm tưởng đa số các nghiên cứu khoa học trong nước đều mô phỏng theo một đề tài đã được làm ở nước ngoài và nhà nghiên cứu không dám táo bạo đề ra cho mình những tiêu chí cao ngang hoặc vượt tầm thế giới để vươn tới.

* Điều gì hối thúc ông nghiên cứu khoa học? Có bao giờ ông nghĩ rằng mình sẽ là người Việt Nam được xướng danh tại giải Nobel?

Tôi vốn lãng mạn, thích mơ ước, mộng mơ nhiều thứ và cũng đã hiện thực hóa được nhiều thứ từ những ước mơ đó. Cộng đồng khoa học thế giới thường đã nhận xét tôi có một khả năng tưởng tượng phong phú, dồi dào nên nó giúp tôi đi đến sáng tạo một cách nhanh chóng và hữu hiệu. Tuy vậy, tôi nghiên cứu khoa học bằng tất cả niềm đam mê nên không bao giờ nghĩ mình sẽ nghiên cứu vì giải Nobel cả.

Người có 64 phát minh, sáng chế

TS Nguyễn Chánh Khê, sinh năm 1952 tại Đà Nẵng. Sau 20 năm sinh sống và làm việc ở nước ngoài, ông đã có 30 phát minh, sáng chế khoa học tại Nhật và 36 phát minh tại Mỹ, đem lại những hiệu quả khoa học và ứng dụng kinh tế trong lĩnh vực máy tính, máy photocopy…

Nhiều Cty hàng đầu tại Nhật, Mỹ đã mời ông làm việc. Đặc biệt tại Mỹ, ông đã phát minh ra cách dùng muối ăn để chế tạo hạt Nano có kích thước cực nhỏ để tạo ra máy in màu laser nhanh nhất thế giới.

Sau đó, hãng HP một hãng nổi tiếng về in ấn đã mời ông giữ cương vị Khoa học gia Chủ nhiệm - chức vụ cao nhất của bộ phận nghiên cứu ở Trung tâm tại Califonia. Từ đó, than Nano và hàng loạt phát minh mới đã ra đời tại đây.

Năm 2002, ông về nước và giữ cương vị Giám đốc TT Nghiên cứu thuộc Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh và nghiên cứu thành công thêm về than Nano lỏng để chế tạo vi mạch máy tính và linh kiện bán dẫn.

Tiến sĩ sinh hóa học Hoàng Văn Khẩn (Genève - Thụy Sĩ): 20 - 30 năm nữa VN sẽ có giải Nobel, nếu...

* Theo ông, cần cú huých nào để ngành Khoa học cơ bản Việt Nam có thể xướng danh ở quốc tế với các giải thưởng lớn?

Việt Nam đạt nhiều thành tích trong các cuộc thi quốc tế, nhưng để có được thành tích trong nghiên cứu cơ bản là chuyện khác. Để có thành tích trong nghiên cứu cơ bản được thế giới công nhận hoặc đoạt giải quốc tế cần quá trình phát triển và chiến lược tập trung. Ngay cả Nga, Trung Quốc là những nước có nhiều điều kiện phát triển hơn VN, số người đọat giải quốc tế như giải Nobel cũng không nhiều.

* Theo ông, “cửa ải” nào đang cản trở các nhà khoa học trẻ trong nước?

Cơ chế cho các nhà khoa học ở ta hiện chưa rõ nét, nên những người làm khoa học phải chật vật lăn lội với miếng cơm manh áo hàng ngày. Tình trạng bao cấp còn quá nặng nề, tình trạng  “tiến sĩ dỏm” tuy mới bắt đầu, nhưng hậu quả của nó sẽ còn tồn tại 10-20 năm và làm thui chột những tài năng khác. Nếu cố gắng lắm, những nhà khoa học trẻ cũng khá vất vả để vượt qua những cửa ải vô hình này !

* Theo ông, bao giờ Việt Nam có thể vươn đến tầm giải Nobel ?

Nếu giải quyết sớm vấn đề cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho cả doanh nghiệp công và tư làm nghiên cứu khoa học cơ bản, có thể hy vọng 20-30 năm nữa ta nằm trong tầm với của những giải quốc tế lớn, biết đâu trong đó có cả giải Nobel. Tuy nhiên theo tôi, Nhà nước cần khuyến khích các nhà khoa học Việt kiều khắp năm châu tham gia nghiên cứu khoa học! 

TS Khẩn (áo kẻ sọc, đeo kính) khi về thăm quê

TS Hoàng Văn Khẩn Du học tại Thụy Sĩ (TS) từ trước năm 1975.

Ông đã lấy bằng Tiến sĩ Sinh học tại Đại học Genève Thụy Sĩ, sau đó làm giảng nghiệm viên, nghiên cứu cơ bản về hệ thống điều hòa protein trong tế bào và dạy về sinh hóa tại Đại học Y khoa Genève, rồi làm nghiên cứu viên tại phòng thí nghiệm về thực phẩm của Nestlé Thụy Sĩ.

Hiện nay ông thành lập công ty chuyên về thực phẩm dưỡng sinh sạch ở Thụy Sĩ.

TS Nguyễn Hữu Ninh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học TT Nghiên cứu, Giáo dục Môi trường và phát triển - Hà Nội: Tư duy tốt, công nghệ kém - Rất khó Nobel

Tôi nhớ năm 1962, lúc đó chỉ mới học lớp 2 nhưng tôi là một trong hai đại biểu duy nhất của trường tiểu học được gặp Bác Hồ. Bác đã cho chúng tôi xem văn nghệ cùng. Người đã nói phải cố gắng học để sau này giúp đất nước. Gần 3 năm sau, phải đi sơ tán tận quê, tôi cũng may mắn được tiếp cận một số công thức toán học.

Lúc đó tôi cứ băn khoăn tại sao chỉ có châu Âu mới nghiên cứu ra được những điều này mà không phải một người châu á nào đó. Và tôi đã mơ ước mình được học ở một trường nào đó tốt nhất tại châu Âu.

Tôi đã học bất kể ngày đêm. Năm lớp 10 tôi hỏi thầy giáo rằng nên học ngành gì thì thích hợp? Thầy bảo tôi nếu nghiên cứu về sinh học thì vẫn còn mới và chúng ta có thể sánh vai với nhiều nhà khoa học trên thế giới. Cuối cùng tôi cũng đã được sang “đất học” Hungari để nghiên cứu sinh về ngành sinh học.

Lúc nhận được tin tôi được đứng tên trong các tác giả đoạt giải Nobel Hoà Bình năm 2007 tại Nauy, tôi quá bất ngờ và không tin nổi đó là sự thật.

* Ông đã từng phải vượt qua cám dỗ như thế nào để dốc toàn lực cho nghiên cứu khoa học?

Làm khoa học cũng như nghệ thuật, phải say mê. Lúc ở Hungari, tôi đã từng phải học đến 10 tiếng/ngày. Nhiều bạn nữ bảo tôi thời tiết đẹp mà cứ nhốt mình trong phòng thí nghiệm, anh thấy hạnh phúc sao? Tôi vẫn bỏ ngoài tai để lao đầu vào nghiên cứu. Nhiều công trình của tôi đã được giải thưởng quốc tế.

* Theo ông, những hạn chế nào trong nước khiến chúng ta chưa thành công trong KHCB?

Tư duy của chúng ta có thể sánh ngang quốc tế nhưng công nghệ cho con người còn kém thì chưa thể mơ đến Nobel được. v.v.

TS Ninh (thứ 3 từ phải sang) cùng nhóm nghiên cứu được giải Nobel Hòa bình năm 2007.

TS Nguyễn Hữu Ninh, 54 tuổi, là một trong 10 tác giả chính của chương "Châu Á" trong công trình nghiên cứu của Uỷ ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC).

Trong tập báo cáo gồm 3 cuốn, dày 3 nghìn trang, với sự góp mặt của khoảng 2 nghìn nhà khoa học, TS Ninh cùng nhóm châu Á đã đưa ra bức tranh của châu lục do biến đổi khí hậu. Và công trình này đã giúp ông và cộng sự có được giải Nobel Hòa bình năm 2007.

Mỹ Hà

Các nước Đông Nam Á đoạt mấy giải Nobel?
Giadinh.net - Thật đáng buồn là các nước Đông Nam Á vắng bóng ở tất cả các lĩnh vực khách ngoại trừ 3 giải Nobel Hòa bình (đã có 95 người trên toàn thế giới nhận giải này).

Những người đoạt giải:

1. Ông Lê Đức Thọ, Cố vấn đặc biệt của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris, được trao giải năm 1973 vì những đóng góp đặc biệt vào thành công của Hiệp định Paris. Tuy nhiên, Cố vấn Lê Đức Thọ đã từ chối nhận giải thưởng này với lý do hòa bình chưa thật sự lập lại ở Việt Nam ở thời điểm ấy.

2. Bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo Liên minh Quốc gia Vì dân chủ, phong trào đối lập ở Myanmar, được trao giải năm 1991.

3. Các ông Carlos Filipe Ximenes Belo và José Manuel Ramos - Horta, công dân Đông Timor, được trao giải năm 1996 vì những nỗ lực hướng tới một giải pháp công bằng và hòa bình cho cuộc xung đột ở Đông Timor.

Trong số các cá nhân đã từng nhận giải Nobel Y - Sinh học, có một người là công dân danh dự của Singapore. Đó là ông Sydney Brenner, nhà sinh vật học sinh tại Nam Phi, mang quốc tịch Anh và trở thành công dân danh dự của Singapore từ năm 2003.

Giáo sư Brenner được trao giải Nobel năm 2002 vì những phát hiện liên quan đến cơ chế di truyền trong quá trình phát triển các bộ phận cơ thể và sự chết tế bào.

Sau khi nhận giải Nobel, Giáo sư Brenner được mời về làm việc tại Singapore và được trao quyền công dân danh dự của quốc gia này. Đây là một phần trong kế hoạch "nhập khẩu chất xám" mà chính phủ Singapore tích cực triển khai trong những năm gần đây.  

Singapore đang phấn đấu cho vị trí dẫn đầu về nghiên cứu tại khu vực Đông Nam Á. Một trong các chính sách của chính phủ Singapore là “nhập khẩu chất xám” mà Giáo sư Sydney Brenner (ngoài cùng bên phải, Nobel Y - Sinh học 2002), công dân danh dự Singapore 2003, là một ví dụ.

Vì sao các nước đang phát triển ít được giải Nobel ?
Giadinh.net - Giải Nobel cho đến nay vẫn là "cuộc chơi" ngoài tầm với của các nước đang phát triển. Tổng số nhà khoa học đoạt các giải Vật lý, Hóa học và Y - Sinh học xuất thân từ khu vực này chưa tới 20 người.

>> Việt Nam - Giấc mơ Nobel

Điều đáng để suy nghĩ là phần lớn những người này đều trưởng thành trong môi trường nghiên cứu ở Mỹ hoặc một nước phát triển nào đó. Đa số họ có thời gian sinh sống và làm việc ở nước ngoài nhiều hơn ở trong nước.

Như vậy, về danh nghĩa, dù giải thưởng được tính cho quốc gia nào thì thực chất, nó cũng khó có thể được coi là thành tựu nghiên cứu khoa học ở các nước đang phát triển.

Thành công chủ yếu của các nước đang phát triển ở giải Nobel thuộc về 2 lĩnh vực là Văn chương (7 giải) và Hòa bình (15 giải).

Lý do hiển nhiên có thể giải thích cho những thành tích nghèo nàn của các nước đang phát triển trong khoa học nói chung và ở giải Nobel nói riêng là thiếu kinh phí tài trợ cho hoạt động nghiên cứu. Nhưng bên cạnh đó, cơ chế quản lý cũng là một trở ngại trên con đường đi đến những đỉnh cao trong khoa học.

Giáo sư Ahmed Zewail, nhà khoa học Mỹ gốc Ai Cập giành giải Nobel Hóa học năm 1999 cho rằng việc đầu tiên cần thực hiện là thay đổi cơ bản cách giảng dạy khoa học ở đa số các nước đang phát triển. Việc "nhồi nhét" quá nhiều kiến thức trong sách vở mà không gợi mở cách tư duy cho học sinh sẽ khiến cho khả năng của các em bị thui chột.

Cũng theo Zewail, các nước đang phát triển cũng cần cải thiện các hình thức khuyến khích nghiên cứu khoa học. Cách đãi ngộ chủ yếu dựa vào thâm niên và chức vụ thay vì dựa vào tài năng thực sự mà phần lớn các nước đang phát triển áp dụng hiện nay sẽ không tạo ra được những người hết mình vì khoa học.

Từ kinh nghiệm bản thân, một người đã từng làm việc nhiều năm ở Ai Cập (nước đang phát triển) và Mỹ, Giáo sư Zewail còn cảnh báo về tác động tiêu cực của bệnh quan liêu, giấy tờ đến hiệu quả của công tác nghiên cứu.

“Chỉ cần một quyết định ra nước ngoài dự hội thảo mà còn phải xin hàng đống chữ ký thì đừng có mơ đến giải Nobel”. v.v.

Hương Tiên

Nobel cho y học Việt Nam - tại sao không ?
Giadinh.net - Nhiều chuyên gia trên thế giới cho rằng: Y học Việt Nam, nếu có lĩnh vực nào có nhiều triển vọng nhất trong việc giành giải Nobel, thì đó chính là vaccine.

>> Việt Nam - Giấc mơ Nobel

Nhiều chuyên gia y tế thế giới hết sức ngạc nhiên vì một nước chưa phát triển ở trình độ cao như Việt Nam lại có một "nền vaccine" phát triển rực rỡ, sản xuất được nhiều loại vaccine khó đến vậy.

Thậm chí có chuyên gia cho rằng: Y học Việt Nam, nếu có  lĩnh vực nào có nhiều triển vọng nhất trong việc giành giải Nobel, thì đó chính là vaccine.

Vaccine bại liệt - Cú đột phá khẩu

Ngay trong thời kì Pháp thuộc, Việt Nam đã sản xuất được vaccine đậu mùa, TAB (vaccine tả, thương hàn) và sau đó là vaccine bạch hầu, ho gà.

Khi kháng chiến bùng nổ (khoảng những năm 1950), dù phải sơ tán lên chiến khu, thiết bị rất thô sơ, nhưng các chuyên gia vẫn sản xuất được vaccine đậu mùa, uốn ván...

Nhưng bước ngoặt lớn trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất vaccine, lại xuất hiện từ năm 1960. Khi ấy miền Bắc bùng phát dịch bại liệt, khiến rất nhiều trẻ em tử vong hoặc bị di chứng khủng khiếp. Theo các ghi nhận y tế khi đó, bệnh nhân bại liệt nằm la liệt ở nhiều bệnh viện lớn, nằm tràn ra cả hành lang viện.

Lúc đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch chủ trương bằng mọi giá trong nước phải sản xuất được vaccine phòng bại liệt. Giáo sư Hoàng Thuỷ Nguyên được cấp tốc cử sang Liên Xô cũ tiếp thu công nghệ sản xuất vaccine phòng bại liệt.

Thông thường, việc tiếp thu công nghệ sản xuất vaccine, thực tiễn thế giới cho thấy, nhanh cũng mất 2-3 năm, trung bình phải 5-6 năm, thậm chí có loại vài chục năm chưa xong. Sau khi tiếp thu công nghệ, trước hết phải nghiên cứu về dịch tễ học xem chủng virus ở Việt Nam là gì, bởi chủng virus ở mỗi nước thường khác nhau. Chỉ riêng công đoạn này, có khi cũng mất 2-3 năm. Sau khi tìm được chủng virus ở Việt Nam rồi thì lại nghiên cứu tiếp đến chủng vaccine cho phù hợp.

Lý thuyết phức tạp như vậy, nhưng chỉ 2 năm sau - năm 1962, Giáo sư Hoàng Thủy Nguyên cùng cộng sự trong nước đã sản xuất được vaccine phòng bại liệt và công trình này được thế giới đánh giá rất cao. Ngay cường quốc như Mỹ, cũng chỉ sản xuất vaccine phòng bại liệt bằng đường tiêm, còn Việt Nam lại sản xuất được vaccine phòng bại liệt bằng đường uống, cực kỳ thuận lợi cho trẻ em.

Nhờ 40 năm kiên trì dùng vaccine này mà năm 2000 Việt Nam đã thanh toán được bại liệt trong khi trên thế giới vẫn còn rất nhiều quốc gia chưa thanh toán được bệnh này: vùng Trung cận đông, Ấn Độ, Campuchia...

Sự thành công vượt mong đợi của vaccine bại liệt mở đầu cho một kỉ nguyên mới để Việt Nam bắt đầu sản xuất một loạt các thế hệ vaccine khác rất tiên tiến sau này như: viêm não Nhật Bản, viêm gan B, tiêu chảy...

Những con "át chủ bài" của vaccine Việt Nam

Theo GS Hoàng Thủy Long (nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ), ngoài vaccine bại liệt thì vaccine tả là một trong những vaccine ưu việt của Việt Nam (do GS.TSKH Đặng Đức Trạch chủ trì nghiên cứu thành công từ cuối những năm 1980 của thế kỷ trước).

Được cử đi Thụy Điển (nước đã sản xuất được vaccine này - vaccine tiêm), tiếp thu công nghệ nhưng GS Trạch luôn trăn trở với câu hỏi: làm thế nào để Việt Nam có thể sản xuất được vaccine vừa rẻ vừa có công hiệu lớn lại không cần tiêm? Cuối cùng, sau những tháng ngày miệt mài nghiên cứu, vắc xin tả uống "made in Việt Nam" ra đời, được quốc tế ca ngợi.

Vaccine viêm não Nhật Bản do Việt Nam sản xuất (công nghệ tái tổ hợp AND) cũng là một con “át chủ bài” của vaccine Việt Nam vì nó hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn ngặt nghèo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhưng giá chỉ rẻ bằng 1/4- 1/5 so với Mỹ và một số nước khác.

Một "ông lớn" nữa trong đội ngũ vaccine Việt Nam là vaccine phòng viêm gan B. Trong khi 80% dân số Việt Nam có dấu ấn của virus viêm gan B, nguy cơ ung thư gan rất lớn, thì việc tự sản xuất được vaccine này và đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, có ý nghĩa cực kỳ to lớn.

Trong 6 loại vaccine áp dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng là bại liệt, ho gà, bạch hầu, uốn ván, lao, sởi thì Việt Nam đã sản xuất được 5 loại, trừ sởi. Sau này, nhờ tự sản xuất được, nên chúng ta đưa thêm vào tiêm chủng mở rộng các vaccine tả, viêm não Nhật Bản, viêm gan B.

Vaccine Việt Nam: Có loại giá rẻ hơn 20 lần nhập ngoại

Một trong những thế mạnh lớn của Việt Nam là giá thành vaccine rẻ hơn rất nhiều vaccine nhập ngoại: Từ 3-4 lần, thậm chí tới 20 lần.

Nhờ vậy nên chính sách tiêm chủng mở rộng của Việt Nam có điều kiện để thể hiện sự ưu việt: tiêm chủng hoàn toàn miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi (nhiều nước khác không có chế độ miễn phí này).

Từ khi áp dụng, vaccine đã đóng vai trò chủ đạo trong việc giảm các bệnh dịch của Việt Nam xuống 40 -50 lần, góp phần cực lớn trong việc duy trì nòi giống khỏe mạnh và giảm tải đáng kể gánh nặng y tế, phúc lợi cho đất nước. Và Việt Nam cũng trở thành quốc gia hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á về sản xuất vaccine.

Nếu thành công, tại sao lại không mơ Nobel ?

Vài năm trở lại đây, cơn bão dịch cúm gia cầm đã làm cho thế giới chao đảo. Một số nước tiên tiến đã nghiên cứu để sản xuất vaccine phòng căn bệnh quái ác này.

Nếu Việt Nam sản xuất thành công vaccine cúm gia cầm (H5N1) thì sẽ nhận được đánh giá rất cao của thế giới.

Và cho đến nay, người ta mới chỉ tìm ra 2 loại nguyên liệu sản xuất: từ phôi lòng đỏ trứng gà siêu sạch và từ tế bào đã được "thuần dưỡng". Trứng gà siêu sạch đòi hỏi không có bất cứ một viêm nhiễm, vi khuẩn, virus nào. Giá một quả trứng như vậy rất đắt, lên tới 1 USD/quả, thậm chí 2-3 USD/quả. Mà một quả trứng như vậy chỉ sản xuất được 2 liều vaccine.

Việt Nam muốn sản xuất vaccine thì buộc phải nhập khẩu mỗi năm nhiều triệu quả trứng gà siêu sạch. Đó là số tiền khổng lồ mà kinh tế chúng ta không kham nổi.

Nguồn nguyên liệu thứ hai là dùng tế bào đã được nuôi và thuần dưỡng. Tế bào này cũng phải mua từ nước ngoài, giá cả cũng không hề rẻ.

Vậy làm sao để một đất nước có đàn gia cầm đông đảo lại ở vùng có nguy cơ dịch cao như Việt Nam, có đủ vaccine phòng dịch cúm gia cầm?

Trước thực trạng nan giải ấy, các chuyên gia vaccine Việt Nam (do GS Hoàng Thủy Nguyên cầm trịch) đã bắt tay vào nghiên cứu vaccine cúm gia cầm theo con đường hoàn toàn mới: dùng tế bào thận khỉ tiên phát (khỉ vàng, được Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ nuôi rất nhiều ở đảo Rều - Hải Phòng) để chế vaccine.

Ưu điểm cực lớn của phương pháp này là giá thành rẻ gấp nhiều lần 2 phương pháp nêu trên (một quả thận của khỉ có thể sản xuất vô số liều vaccine) mà Việt Nam lại hoàn toàn chủ động được đầu vào. Hiện vaccine này đã thử nghiệm thành công trên động vật, giờ chỉ còn chờ cơ chế để thử nghiệm trên người là đưa vào sản xuất (rất nhiều chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cũng đã sẵn sàng tình nguyện làm người thử nghiệm vaccine này).

Khi chúng tôi đặt câu hỏi: "Ông nghĩ sao về một giải Nobel cho vaccine Việt Nam?", GS Hoàng Thủy Long - người có nhiều “duyên nợ” với vaccine Việt Nam - hứng khởi: "Nếu chúng ta đi đúng hướng thì tại sao lại không nghĩ đến giải Nobel y học nhỉ? Tôi cho rằng nếu việc sử dụng thành công tế bào thận khỉ tiên phát để sản xuất vaccine cúm gia cầm (H5N1) thì sẽ nhận được đánh giá rất cao của thế giới. Thành công đó rất tuyệt vời, xứng đáng ứng cử giải Nobel y học".

"Tại sao chúng ta cứ phải khiêm tốn, không dám nuôi khát vọng đúng đắn ấy? Vaccine sản xuất theo hướng này thành công, có thể làm lợi cho thế giới nhiều tỉ đôla và có thể mở ra một số quan điểm mới cho nghiên cứu, sản xuất nhiều loại vaccine khác"...

Vấn đề bây giờ là chúng ta càng cho thử nghiệm trên người sớm bao nhiêu, hiệu quả càng lớn bấy nhiêu" - GS Long kết lại.

Chú thích ảnh

pNhiều nước phát triển đang nỗ lực nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng H5N1.

pDịch cúm gà gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế và sức khỏe, tính mạng của người dân.

Tiêu hủy gia cầm trong vùng dịch.

Các giải Nobel Y - Sinh học

Từ năm 1901 đến nay, giải Nobel Y học, hay chính xác hơn là Nobel Y - Sinh học đã được trao cho 189 người. Thống kê theo số lượng các nhà khoa học đã từng đoạt giải cho thấy Nobel Y - Sinh học có khuynh hướng trao cho các lĩnh vực sau đây:

Sinh học phân tử và di truyền học – 34 người đoạt giải.
Tâm thần học – 24 người đoạt giải.
Miễn dịch học – 21 người đoạt giải.
Nội tiết học – 20 người đoạt giải.

Còn lại, các lĩnh vực như: Dịch tễ học, Nghiên cứu kích thích tố, Hóa học trị liệu và Dược học, Ung thư, Tế bào sinh học, Vitamin... có từ 12 đến ít nhất là 2 người đoạt giải.

Riêng trong lĩnh vực Hóa học trị liệu và Dược học, đã từng có những giải thưởng được trao cho các khám phá quan trọng dẫn đến sự ra đời của các loại dược phẩm làm thay đổi nhân loại như penicillin (1945), streptomycin (1952).

Trong thời kỳ đầu, các công trình đoạt giải thường là các nghiên cứu lâm sàng. Năm 1901, giải được trao cho nghiên cứu về bệnh bạch hầu; năm 1902 là bệnh sốt rét; 1903 là bệnh lao da...

Thời gian gần đây, sự tiến bộ trong phương pháp nghiên cứu đã cho phép các nhà khoa học đi sâu vào những lĩnh vực cơ bản nhất của sự sống như di truyền học, sinh học phân tử. Điều này được phản ánh rõ nét trong cơ cấu giải Nobel Y - Sinh học từ những năm 1960 đến nay, với tỉ lệ lớn các công trình đoạt giải thuộc 2 lĩnh vực kể trên. H.Hải - Hà Thiều

Thế giới
Thứ hai, 28/1/2008, 11:59(GMT+7)
Dân tộc và đất nước nào "thống trị" giải Nobel ?

Giadinh.net - Người Do Thái chỉ chiếm 0,2% dân số thế giới lại đóng góp đến 23% tổng số cá nhân đã từng nhận giải Nobel...

Và nước Mỹ, quốc gia có lịch sử vô cùng ngắn ngủi lại giành được số giải Nobel nhiều hơn tất cả các nước có nền văn minh phát triển hàng nghìn năm.

Người Do Thái thông minh hơn đa phần nhân loại ?

Phải chăng người Do Thái thông minh hơn phần còn lại của nhân loại? Và nước Mỹ là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, xứng đáng là cái nôi của các thiên tài? Hay còn những bí mật nào khác về con đường dẫn đến giải Nobel mà chúng ta chưa được biết?

Nhiều giả thuyết về nguồn gốc trí tuệ của người Do Thái. Có giả thuyết cho rằng người Do Thái sớm đề cao thuyết ưu sinh. Kinh Talmud của họ có đoạn viết: “Một người nên bán tất cả gia sản để cưới được con gái một học giả, hoặc để cưới được một học giả cho con gái mình”.

Nhờ quan điểm coi trọng việc lựa chọn bạn đời là những người thông minh, có học thức mà các thế hệ sau người Do Thái được hưởng nguồn gien tốt và xuất hiện ngày càng nhiều thiên tài.

Lịch sử 106 năm của giải Nobel chứng kiến một hiện tượng lạ lùng: trong số 779 người đã từng đoạt giải Nobel, có ít nhất 176 người Do Thái.

Người Do Thái đặc biệt xuất sắc trong nghiên cứu khoa học. Họ đã cống hiến cho nhân loại một trong những bộ óc vĩ đại nhất của lĩnh vực vật lý lý thuyết, Albert Einstein, cha đẻ  thuyết tương đối, chủ nhân giải Nobel Vật lý 1921.

Người Do Thái nổi tiếng bởi tài năng trong kinh doanh và chính trị. Họ đã sản sinh ra rất nhiều nhà tư tưởng kiệt xuất, trong đó có Milton Friedman (Nobel Kinh tế 1976), “nhà kinh tế học có ảnh hưởng lớn nhất nửa cuối thế kỷ XX” theo đánh giá của tạp chí The Economist.

Người Do Thái còn là một dân tộc sở hữu những tâm hồn nghệ sĩ bay bổng như Boris Pasternak (Nobel Văn học 1958), tác giả cuốn tiểu thuyết "Bác sĩ Zhivago".

Làm thế nào mà một dân tộc đã từng bị xua đuổi và tàn sát đến mức hiện chỉ còn vẻn vẹn 13 triệu người sống rải rác trên khắp thế giới lại có thể đạt được những kỳ tích lớn lao như vậy?

Đối với một số nhà nghiên cứu, câu trả lời thật đơn giản: Người Do Thái thông minh hơn đa phần nhân loại.

Huân chương Nobel, phần thưởng danh giá mà mọi nhà khoa học đều mơ ước.

Trí tuệ người Do Thái

Theo kết quả một số khảo sát mới đây tại Mỹ, Anh và Đông Âu thì chỉ số IQ trung bình của người Do Thái dao động trong khoảng từ 107 đến 115, trong khi mức trung bình chung của nhân loại là 100. Dựa trên kết quả này và lấy độ lệch chuẩn là 15, người ta tính được rằng tỉ lệ người Do Thái có IQ trên 140 (mức của các thiên tài) cao hơn gấp 6 lần so với các dân tộc khác.

Quan điểm về trí tuệ vượt trội của người Do Thái đã nhiều lần bị phản đối và một số nhà khoa học đã tìm cách chứng minh rằng về mặt di truyền, không tồn tại cái gọi là nguồn gien thông minh thượng đẳng. Dù vậy, chỉ số IQ cao hơn mức bình thường của người Do Thái, cũng như những thành tựu xuất sắc của dân tộc này trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sự góp mặt đầy ấn tượng của họ ở giải Nobel lại là điều rất khó giải thích, nếu không tin rằng họ thực sự có một khả năng tư duy khác thường.

Có giả thuyết lại lý giải sự thông minh vượt bậc của người Do Thái - đó là kết quả của một quá trình chọn lọc tự nhiên. Trong lịch sử, người Do Thái đã từng bị phân biệt đối xử, bị xua đuổi và tàn sát. Chỉ những người thông minh, tháo vát mới có thể sống sót sau những biến cố ấy và làm nên một dân tộc Do Thái như ngày nay.

Giả thuyết này gần với giả thuyết của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Utah (Mỹ). Theo đó, vào thời Trung cổ, vì không có đất đai nên đa số người Do Thái phải mưu sinh bằng việc buôn bán. Công việc này đòi hỏi phải suy nghĩ, tính toán nhiều hơn làm nông nghiệp và những người thành công nhất thường là những người thông minh nhất. Khi trở nên giàu có, họ thường có xu hướng sinh đẻ nhiều hơn những người làm ăn thua lỗ và do đó, nguồn gien của những người thông minh dần dần chiếm tỉ lệ lớn trong cộng đồng Do Thái.

Technion - Học viện Công nghệ Israel, cơ sở nghiên cứu, giảng dạy hàng đầu Israel, nơi làm việc của hai nhà khoa học đoạt giải Nobel Hóa học 2004, Avram Hershko và Aaron Ciechanover.

Nghịch lý Israel

Nếu như người Do Thái là một dân tộc thông minh thì theo logic mà nói, lẽ ra Israel phải là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về số người đoạt giải Nobel. Nhưng trong số 176 người Do Thái đã nhận được giải thưởng này, chỉ có vẻn vẹn 8 người là công dân Israel.

Người Israel chưa từng được trao giải Nobel nào trong Y học và Vật lý, cho dù đây là 2 lĩnh vực thế mạnh của các nhà khoa học Do Thái. Đây là đất nước của gần một nửa số dân Do Thái trên toàn thế giới.

Bên cạnh những lý do chính trị như thái độ thiếu thiện cảm của một số học giả phương Tây đối với nhà nước Do Thái, thì trở ngại lớn nhất mà các nhà khoa học Israel gặp phải trên con đường đến giải Nobel là họ thiếu một hạ tầng cần thiết cho việc nghiên cứu.

Đa số những người đoạt giải Nobel đều xuất thân từ những trường đại học, viện nghiên cứu danh tiếng, nơi có tất cả những điều kiện cần thiết để tài năng của họ phát triển. Israel hiện chưa có những cơ sở tầm cỡ như vậy. Các nhà khoa học của họ muốn đạt đến đỉnh cao đều phải ra nước ngoài học tập và làm việc.

Daniel Kahneman (Nobel Kinh tế 2002) là một trường hợp tiêu biểu. Ông làm luận án tiến sĩ tại Mỹ, quay về Israel giảng dạy một thời gian rồi lại sang Mỹ đầu quân cho 2 đại học danh tiếng là Berkeley và Princeton. Mặc dù vẫn giữ quốc tịch Israel, nhưng ông sinh sống chủ yếu ở Mỹ và mặc dù được trao giải Nobel với tư cách là công dân của Israel, song thành tựu nghiên cứu của Kahneman lại không thể tách rời môi trường làm việc cũng như những khoản tài trợ của nước Mỹ.

Mỹ - Vùng đất của các thiên tài

Hoàn toàn không cường điệu khi nói như vậy về nước Mỹ. Từ năm 1943 đến nay, ngoại trừ 2 lần vào các năm 1957 và 1991, chưa bao giờ người Mỹ vắng mặt ở lễ trao giải Nobel. Chuyện các nhà nghiên cứu Mỹ lập hat-trick, giành cả 3 giải Nobel khoa học trong cùng 1 năm đã xảy ra không chỉ một lần.  

Sự thống trị của người Mỹ ở giải thưởng danh giá nhất thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu này còn thể hiện ở ngôi vị quán quân tuyệt đối trên bảng thành tích của giải, với 305 cá nhân đã từng được tôn vinh.

Đất nước của các chàng cao bồi và chuột Mickey mới trở thành vùng đất của các thiên tài và giải Nobel từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Nửa đầu thế kỷ XX, châu Âu vẫn là thánh địa của khoa học với 109 giải Nobel, trong khi nước Mỹ chỉ nhận được 13. Thế nhưng kể từ năm 1969 đến nay, 169 giải Nobel đã về với nước Mỹ, trong khi chỉ có 92 giải được trao cho các nhà khoa học châu Âu.

Một trong những nguyên nhân chính của hiện tượng này là nước Mỹ ngày càng thu hút được nhiều bộ óc thiên tài. Ngay trước và trong Thế chiến thứ hai, do những chính sách cai trị tàn khốc của chế độ phát xít, rất đông các nhà khoa học Đức (trong đó có nhiều người thuộc dân tộc Do Thái) đã chạy sang Mỹ. Một trong những người đầu tiên là Einstein, tới Mỹ năm 1933.

Sau chiến tranh, dòng chất xám từ khắp thế giới vẫn tiếp tục đổ về nước Mỹ. Người ta ước tính, khoảng 40% các nhà khoa học Mỹ hiện nay được sinh ra ở châu Âu. Rất ít người trong số đó có ý định trở về.

Giáo sư Mario Renato Capecchi, Nobel Y - Sinh học 2007. Ông sinh tại châu Âu, làm việc tại Mỹ và giành giải Nobel cho những nghiên cứu thực hiện ở đây. Theo thống kê, khoảng 40% các nhà khoa học Mỹ hiện nay sinh ra tại châu Âu.

Đôla - tấm giấy thông hành tới Stockholm

Báo Guardian nước Anh đã từng cay đắng nhận xét: “Ngày nay, để giành giải Nobel, người ta cần một cuốn hộ chiếu, hay ít ra là một tập séc Mỹ”. Không phải ngẫu nhiên mà nước Mỹ cho châu Âu “ngửi khói” trong cuộc đua đến lễ trao giải Nobel ở Stockholm.

Mỹ hiện là nước đầu tư lớn nhất cho nghiên cứu khoa học. Ngân sách dành cho các hoạt động nghiên cứu của Mỹ cao hơn 2 lần số tiền mà toàn bộ 27 thành viên EU bỏ ra cho mục đích tương tự (270 tỉ đôla/năm so với khoảng 123 tỉ).

Không chỉ mạnh tay chi tiền, nước Mỹ còn có chính sách phân bổ nguồn tài trợ và quản lý công tác nghiên cứu linh hoạt hơn châu Âu. Từ những năm 1960 đến nay, châu Âu tập trung chủ yếu vào các nghiên cứu ứng dụng, trong khi Mỹ vừa phát triển công nghệ, vừa khuyến khích các ngành khoa học cơ bản, lĩnh vực ưu tiên của giải Nobel, đồng thời là nền tảng của mọi phát minh.

Và trong khi các quốc gia từng là đầu tàu nghiên cứu của thế giới như Anh, Pháp, Đức còn đang loay hoay với đủ loại cơ chế hành chính thì nước Mỹ đã sớm nhận ra rằng không bao giờ có thể bỏ bệnh quan liêu giấy tờ và các thiên tài “vào cùng một giỏ”, chính phủ can thiệp càng nhiều thì càng có ít giải Nobel.

Chỉ có 1/6 trong số tất cả những người Mỹ giành giải Nobel từ năm 1969 đến nay xuất thân từ các trường công. Trong bảng xếp hạng các đại học Mỹ của báo USA Today, Berkeley, trường đứng đầu trong khối các đại học công chỉ xếp thứ 20. Thế nhưng so với các đại học ngoài nước Mỹ thì Berkeley vẫn là một đỉnh cao. Duy chỉ có Cambridge của Anh là có thể so sánh với nó về số giải Nobel.

Những người được giải Nobel được mời dự tiệc với vua và hoàng hậu Thụy Điển.

Bao giờ nước Mỹ bị hạ bệ?

Trong những năm gần đây, người ta chứng kiến sự xuất hiện thường xuyên hơn của một số gương mặt mới tại giải Nobel như Nhật Bản, Trung Quốc. Các nước EU thì triển khai kế hoạch tăng ngân sách dành cho nghiên cứu từ 1,9% GDP lên 3% vào năm 2010 để đuổi kịp Mỹ.

Từng quốc gia riêng lẻ ở châu Âu cũng có những chương trình cụ thể nhằm tô hồng bức tranh khoa học. Như với Đức là nỗ lực tìm kiếm những Einstein mới với ý định khôi phục lại vị trí dẫn đầu về số lượng giải Nobel như trước Thế chiến thứ hai. Hay nước Nga với mục tiêu khẳng định vị trí siêu cường trong khoa học. Tuy nhiên, không phải ngày một ngày hai mà những nỗ lực này hạ bệ được nước Mỹ.

Phải chờ ít nhất là hàng thập kỷ nữa người ta mới có thể chứng kiến những thành công trong việc cải thiện công tác nghiên cứu khoa học ở các nước châu Âu, ít nhất là về số lượng giải Nobel. Một nghiên cứu nghiêm túc thường phải mất nhiều năm để thực hiện và sau đó, theo như thông lệ ở giải Nobel, phải mất thêm chừng 10 đến 15 năm nữa để được tôn vinh.

Sự cạnh tranh từ các nước đang phát triển còn yếu ớt hơn rất nhiều. Cho đến nay, số giải Nobel được trao cho khu vực này chỉ đếm trên đầu ngón tay và chủ yếu là các giải Nobel Hòa bình, hoặc đôi khi là giải Nobel Văn chương, nhưng thường được gắn với các vấn đề chính trị nhạy cảm và gây tranh cãi.

Với khả năng đầu tư, hạ tầng vật chất dành cho nghiên cứu và hệ thống giáo dục như hiện nay, khả năng bứt phá trong cuộc đua đến giải Nobel của các nước đang phát triển là không có. Ít nhất là trong vài ba thập kỷ tới.

Hương Tiên



Có một nhà văn Việt Nam đã mơ đến giải Nobel
Giadinh.net - Đó là Nam Cao (1915 - 1951). Ông đã nói ra ước nguyện thiêng liêng đó của đời văn qua miệng nhân vật Hộ trong truyện ngắn "Đời thừa"...

Thực ra, người cầm bút viết văn nào mà thâm tâm chẳng ước ao, mong muốn những tác phẩm mình viết ra có giá trị cao, sự nghiệp văn chương của mình lẫy lừng, để được nhận cái giải thưởng danh giá nhất hoàn cầu ấy!

Nhưng ước là ước vậy thôi, chỉ để mình biết với mình vậy thôi. Nam Cao thì đã nói thẳng ra cái ước nguyện thiêng liêng đó của đời văn qua miệng nhân vật Hộ trong truyện ngắn “Đời thừa”.

Truyện này có một nội dung tầng nổi là “nỗi đời cơ cực đang giơ vuốt, cơm áo không đùa với khách thơ” (Xuân Diệu). Nhưng ở tầng sâu truyện, tác giả lại trình bày những suy nghĩ sâu sắc về nghề văn và giá trị văn chương.

Hộ - nhân vật của truyện, là một nhà văn có thiên lương và có ý thức cao quý về văn. Cuộc sống khó khăn, chật vật của gia đình đã khiến nhà văn Hộ phải cho in nhiều cuốn sách viết vội vàng, phải viết những bài báo để người ta đọc rồi quên ngay sau khi đọc. Nhưng Hộ vẫn còn lòng tự trọng của một nhà văn chân chính biết xấu hổ trước cái sự viết ẩu, viết vội đó của mình.

“Khốn nạn! khốn nạn thay cho hắn! Bởi vì hắn chính là một thằng khốn nạn! Hắn chính là một kẻ bất lương! Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật đê tiện.

Chao ôi! Hắn viết những gì? Toàn những cái vô vị, nhạt phèo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn một vài ý rất thông thường quấy loãng trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi. Hắn chẳng đem một chút mới lạ gì đến văn chương. Thế nghĩa là hắn là một kẻ vô ích, một người thừa.

Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có...”.

Hộ muốn viết ra được một tác phẩm làm lu mờ hết các tác phẩm khác ra cùng thời. Khát vọng ấy luôn âm ỉ trong anh, tuy cuộc sống túng quẫn cứ ghì anh xuống sát đất.

Thế nên đang lúc muốn tránh xa các bạn văn, không muốn phung phí chút tiền nhuận bút còm vào các cuộc rượu chè, để chăm lo cho vợ con, Hộ lại đã không kìm được mình khi nghe tin một cuốn sách của đồng nghiệp được dịch sang tiếng Anh. Cái khát vọng viết được một tác phẩm lớn để đời lại cháy bùng lên trong Hộ.

“Cuốn Đường về chỉ có giá trị địa phương thôi, các anh có hiểu không? Người dịch nó vì muốn biết phong tục của mọi nơi. Nó chỉ tả được cái bề ngoài của xã hội. Tôi cho là xoàng lắm!

Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình... Nó làm cho người gần người hơn. Như thế mới thật là một tác phẩm hay, các anh có hiểu không?

Tôi chưa thất vọng đâu! Rồi các anh xem... Cả một đời tôi, tôi sẽ chỉ viết một quyển thôi, nhưng quyển ấy phải ăn giải Nobel và dịch ra đủ mọi thứ tiếng trên hoàn cầu”.

Hộ, cũng như các nhân vật nhà văn, nhà giáo, nói chung là hệ nhân vật trí thức, trong sáng tác của Nam Cao đều là hiện thân, là mang hình bóng tác giả. Suy nghĩ và ước nguyện văn chương của Hộ cũng chính là của tác giả.

Nam Cao có những truyện thấy rõ là ông có ý thức viết chúng ra như những tuyên ngôn, những suy tư về nghề văn, về nghệ thuật. Ở đó qua miệng các nhân vật ông trình bày, lý giải nhiều khía cạnh của văn chương trong quan hệ với hiện thực, với cuộc sống, với người đọc, và với chính nhà văn. Khát vọng có tác phẩm đạt giải Nobel của Hộ chính thực là tầm cao giá trị văn chương Nam Cao hướng tới và muốn đạt tới.

Nam Cao đã ngã xuống ở độ chín của cuộc đời và tài năng ông. Những gì ông đã kịp viết ra đủ chứng thực một tầm vóc văn chương đang trên đường đi tới một tác phẩm lớn của một đời văn. Một giải Nobel Văn học cho một nhà văn Việt Nam hôm nay dẫu còn xa vời, nhưng đó không phải là chuyện bất khả.

Nhưng trước hết nhà văn phải có khát vọng lớn, có chí hướng lớn để thực hiện khát vọng, điều này thể hiện ở thái độ nhận thức văn chương và ở từng câu chữ viết ra văn. Như Nam Cao đã nghĩ và đã làm. v.v.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên

Pháp – cường quốc văn chương

Nobel Văn học là lĩnh vực Mỹ không giữ vai trò thống trị mà thay vào đó là Pháp với 13 tác giả đoạt giải. Điều này chẳng có gì đáng ngạc nhiên vì Pháp vốn là một quốc gia nổi tiếng trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và các ngành khoa học xã hội - nhân văn.

Trong quá khứ, Pháp đã từng sản sinh ra các nhà văn và triết gia nổi tiếng như Voltaire, Honoré de Balzac, Victor Hugo, Émile Zola... Pháp cũng là quê hương của nhiều trường phái sáng tác có ảnh hưởng lớn trong đời sống văn học hiện đại như chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa hiện sinh và thuyết phi lý.

Môi trường xã hội Pháp cũng là một yếu tố thuận lợi cho các tài năng văn chương phát triển. Trường học ở Pháp đề cao việc tìm hiểu các tiểu thuyết, kịch và thơ. Học sinh thường được khuyến khích học thuộc lòng các tác phẩm kinh điển. Các hoạt động sáng tác văn học nhận được sự tài trợ rất lớn của chính phủ và giải thưởng trong lĩnh vực này bao giờ cũng được giới thiệu trang trọng trên trang nhất của các báo.

Người dân Pháp đặc biệt quan tâm đến tình hình văn học trong nước. Bằng chứng là các kênh truyền hình đều có các chương trình giao lưu với các nhà văn, nhà thơ. Chương trình có tỉ lệ người xem cao nhất trong lịch sử truyền hình Pháp cũng là một talk show mang tên Apostrophe với nội dung đề cập đến các vấn đề thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

H.T (Tổng hợp)

Có "công thức" riêng để đoạt Nobel ?
Giadinh.net - Lĩnh vực nghiên cứu khoa học tự nhiên trong 100 năm qua chứng kiến sự thống trị của 3 quốc gia: Mỹ, Đức và Anh, trong đó Mỹ được coi là "hiện tượng". Đây cũng là những nước giành nhiều giải Nobel Vật lý, Hoá học, Y - Sinh học nhất.

Dù mới chỉ thực sự khởi sắc từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, song trong lĩnh vực này nước Mỹ đã kịp giành được 53 giải Nobel Vật lý, 45 giải Nobel Hóa học và 55 giải Nobel Y - Sinh học, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Đó là chưa kể, những thành tựu đặc biệt xuất sắc của các nhà khoa học Mỹ trong các ngành khoa học về Trái đất, Thiên văn học, cũng như vị trí dẫn đầu trong Toán học với con số 13 người đã từng nhận được giải Fields, giải thưởng được coi là Nobel trong Toán học.

Đứng vị trí thứ hai về khoa học tự nhiên là nước Anh. Một khảo sát do Bộ Thương mại và Công nghiệp Anh tiến hành năm ngoái cho thấy các nhà nghiên cứu Anh là tác giả của 9% tổng số các bài báo khoa học được công bố trên toàn thế giới. Tỉ lệ trích dẫn, một trong những tiêu chí phản ánh chất lượng của một bài báo hay một nghiên cứu khoa học là 12%, chỉ sau Mỹ.

Nước Anh cũng giữ vị trí thứ hai thế giới trong 8 lĩnh vực nghiên cứu, trong đó có sinh học, khoa học môi trường, lâm sàng, cận lâm sàng và y tế.

Với nước Đức, mặc dù thời hoàng kim của khoa học tự nhiên và các nghiên cứu lý thuyết đã chấm dứt cùng với cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, song trong các lĩnh vực này, Đức vẫn xứng đáng là một cường quốc. Riêng ở giải Nobel, với 26 giải Vật lý, 24 giải Hóa học và 20 giải Y - sinh học, Đức chỉ chịu nhường vị trí đầu bảng cho Mỹ.

Có "công thức" đoạt giải Nobel ?

Mỗi quốc gia nói trên có một công thức riêng để đạt đến những đỉnh cao trong nghiên cứu, nhưng tựu trung, để thành công cần có sự đầu tư tài chính thỏa đáng, những biện pháp quản lý linh hoạt và một nền giáo dục có định hướng. Về những vấn đề này, cả Mỹ, Anh và Đức đều có nhiều kinh nghiệm đáng học hỏi.

Nói về kinh phí dành cho nghiên cứu, rất khó có quốc gia nào vượt qua con số 270 tỉ đôla mà Mỹ bỏ ra hàng năm. Mỹ còn là nước nổi tiếng vì biết dám chi tiền và cách chi tiền. Harvard, Chicago, Stanford và nhiều trường đại học danh tiếng khác của Mỹ, tuy mang danh là trường tư  nhưng phần lớn ngân quỹ lại do chính phủ tài trợ.

Với cách làm này, các trường một mặt có đủ quyền tự do để hoạch định chiến lược và mục tiêu phát triển, nhưng mặt khác vẫn nhận được sự hậu thuẫn cần thiết của chính phủ. Kết quả là, trong danh sách 10 đại học tốt nhất thế giới năm 2007 do Tổ chức Giáo dục QS và THES bình chọn, Mỹ có 6 vị trí.

4 vị trí còn lại trong danh sách trên là các đại học của Anh. Nước Anh vẫn tự hào về nền giáo dục giàu truyền thống nhất châu Âu. Họ đã biết phát huy thế mạnh này bằng một chủ trương mà giới báo chí gọi một cách dân dã là “nhập khẩu chuyên gia”.

Hàng năm, hàng chục triệu bảng Anh đã được đổ vào các chương trình học bổng, nhằm thu hút chất xám từ khắp nơi trên thế giới đến học tập và làm việc tại Anh. Đây là mô hình thành công của Quỹ Humbholdt của Đức, mô hình đã đào tạo hơn 20.000 nhà khoa học, trong đó, 35 người đoạt giải Nobel.

Bên cạnh việc thu hút nhân tài, nước Đức còn có một chiến lược rất hiệu quả để đẩy mạnh các ngành khoa học tự nhiên. Đó là xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa giới nghiên cứu với các ngành sản xuất. Nhờ vậy, những thành tựu trên lý thuyết sẽ được mở rộng và phát triển thành các ứng dụng thực tế, đóng góp ngay vào quá trình tạo ra lợi nhuận để rồi một phần lợi nhuận này sẽ được đầu tư trở lại cho nghiên cứu v.v. 

H.T (Tổng hợp)



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email  Thảo luận


Những nội dung khác:




Lên đầu trang

     Tìm kiếm 

     Tin mới nhất 
Viết về ngày Quốc Hận, 30-4-1975
Không khiếp nhược như CSVN,Philippines 'thách' Trung Quốc ra tòa quốc tế
Ukraine trước nguy cơ bị đảng Cộng Hòa của Trump bỏ rơi như VNCH thời TT Ford!
Nhiều nước thế giới cấm công dân miền Bắc CHXHCNVN nhập cảnh!
Tưởng niệm tháng tư 75
Nhân dân Pakistan chống Tàu cứu nước: Tấn công tự sát nhằm vào nhóm kỹ sư Trung Quốc, 6 người thiệt mạng
CSBK chứng tỏ tình yêu đối với Nga: đội mưa hiến máu cứu người - Phú Trọng tha thiết mời Putin thăm VN bảo đảm không bị bắt
Bấc Công Diệt Nam Cộng thu hết giang san vào tay BK độc quyền trị quốc bình thiên hạ
CHXHCNVN: Vô địch thế giới sinh viên đại học làm kinh tế: mãi dâm 4 lần được cho học
Ảnh hưởng của Nga đối với phe Trump và đảng Cộng Hoà tại quốc hội làm ngăn chân gói viện trợ vũ khí cho Ukraine để vừa lòng Putin
Nhiều thanh niên Ấn, TQ và VN đang du học, lao động hoặc định cu bị Nga bắt lính đưa ra tiền tuyến
Tưởng niệm cuộc chiến với đại cường TQ anh em môi hở răng lạnh sông liến sông núi liền núi
Tỷ lệ dân số độc thân Việt Nam và Đông Nam Á
Đất nước tiến lên đỉnh cao Mại Dâm chủ nghĩa, hoa hậu, hoa khôi giá cao, hoa hậu thế giới VN cao nhất 200 triệu đồng/phát
Nỗi nhục dân tộc do những công dân gương mẫu CSBV tức CHXHCNVN

     Đọc nhiều nhất 
Ảnh hưởng của Nga đối với phe Trump và đảng Cộng Hoà tại quốc hội làm ngăn chân gói viện trợ vũ khí cho Ukraine để vừa lòng Putin [Đã đọc: 484 lần]
Nhiều thanh niên Ấn, TQ và VN đang du học, lao động hoặc định cu bị Nga bắt lính đưa ra tiền tuyến [Đã đọc: 412 lần]
Không khiếp nhược như CSVN,Philippines 'thách' Trung Quốc ra tòa quốc tế [Đã đọc: 373 lần]
CHXHCNVN: Vô địch thế giới sinh viên đại học làm kinh tế: mãi dâm 4 lần được cho học [Đã đọc: 354 lần]
CSBK chứng tỏ tình yêu đối với Nga: đội mưa hiến máu cứu người - Phú Trọng tha thiết mời Putin thăm VN bảo đảm không bị bắt [Đã đọc: 349 lần]
Bấc Công Diệt Nam Cộng thu hết giang san vào tay BK độc quyền trị quốc bình thiên hạ [Đã đọc: 299 lần]
Tưởng niệm tháng tư 75 [Đã đọc: 288 lần]
Viết về ngày Quốc Hận, 30-4-1975 [Đã đọc: 258 lần]
Ukraine trước nguy cơ bị đảng Cộng Hòa của Trump bỏ rơi như VNCH thời TT Ford! [Đã đọc: 251 lần]
Nhân dân Pakistan chống Tàu cứu nước: Tấn công tự sát nhằm vào nhóm kỹ sư Trung Quốc, 6 người thiệt mạng [Đã đọc: 251 lần]

Trang chủ :: Tin tức - Sự kiện :: Website tiếng Việt lớn nhất Canada email: vietnamville@sympatico.ca :: Bản sắc Việt :: Văn hóa - Giải trí :: Khoa học kỹ thuật :: Góc thư giãn :: Web links :: Vietnam News in English :: Tài Chánh, Đầu Tư, Bảo Hiểm, Kinh Doanh, Phong Trào Thịnh Vượng :: Trang thơ- Hội Thi Nhân VN Quốc Tế - IAVP :: Liên hệ

Bản quyền: Vietnamville
Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút: Tân Văn.