Trang chủ :: Tin tức - Sự kiện :: Website tiếng Việt lớn nhất Canada email: vietnamville@sympatico.ca :: Bản sắc Việt :: Văn hóa - Giải trí :: Khoa học kỹ thuật :: Góc thư giãn :: Web links :: Vietnam News in English :: Tài Chánh, Đầu Tư, Bảo Hiểm, Kinh Doanh, Phong Trào Thịnh Vượng :: Trang thơ- Hội Thi Nhân VN Quốc Tế - IAVP :: Liên hệ
     Các chuyên mục 

Tin tức - Sự kiện
» Tin quốc tế
» Tin Việt Nam
» Cộng đồng VN hải ngoại
» Cộng đồng VN tại Canada
» Khu phố VN Montréal
» Kinh tế Tài chánh
» Y Khoa, Sinh lý, Dinh Dưỡng
» Canh nông
» Thể thao - Võ thuật
» Rao vặt - Việc làm

Website tiếng Việt lớn nhất Canada email: vietnamville@sympatico.ca
» Cần mời nhiều thương gia VN từ khắp hoàn cầu để phát triễn khu phố VN Montréal

Bản sắc Việt
» Lịch sử - Văn hóa
» Kết bạn, tìm người
» Phụ Nữ, Thẩm Mỹ, Gia Chánh
» Cải thiện dân tộc
» Phong trào Thịnh Vượng, Kinh Doanh
» Du Lịch, Thắng Cảnh
» Du học, Di trú Canada,USA...
» Cứu trợ nhân đạo
» Gỡ rối tơ lòng
» Chat

Văn hóa - Giải trí
» Thơ & Ngâm Thơ
» Nhạc
» Truyện ngắn
» Học Anh Văn phương pháp mới Tân Văn
» TV VN và thế giới
» Tự học khiêu vũ bằng video
» Giáo dục

Khoa học kỹ thuật
» Website VN trên thế giói

Góc thư giãn
» Chuyện vui
» Chuyện lạ bốn phương
» Tử vi - Huyền Bí

Web links

Vietnam News in English
» Tự điển Dictionary
» OREC- Tố Chức Các Quốc Gia Xuất Cảng Gạo

Tài Chánh, Đầu Tư, Bảo Hiểm, Kinh Doanh, Phong Trào Thịnh Vượng

Trang thơ- Hội Thi Nhân VN Quốc Tế - IAVP



     Xem bài theo ngày 
Tháng Năm 2024
T2T3T4T5T6T7CN
    1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31    
   

     Thống kê website 
 Trực tuyến: 12
 Lượt truy cập: 24897331

 
Góc thư giãn 01.05.2024 18:02
Hồ sơ mật về Dường Văn Minh bị CS địch vận để đão chánh TT Diệm
30.10.2009 16:31

DƯƠNG VĂN MINH VÀ THÀNH TÍCH ĐỊCH VẬN

Hồ sơ về Tướng Dương Văn Minh Phạm Văn Hùng (tài liệu mật của CSVN)

 

THÂN THẾ VÀ GIA ĐÌNH

- Ông Dương Văn Minh sinh năm 1916 ở tỉnh Mỹ Tho. Cha là ông Dương Văn Huề, khi đi học mướn lấy tên là Dương Văn Mau (tên của người bà con), làm thầy giáo, sau làm tri phủ, rồi đốc phủ sứ (hàm).

Ông Dương Văn Huề (gốc Hoa) và bà Nguyễn Thị Kỹ có bảy người con: bốn trai, ba gái. Ông Minh là con cả. Dương Thanh Nhựt là con trai kế, có tham gia hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng tháng Tám (năm 1944) và suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, là đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam. Dương Thanh Sơn, em trai thứ năm, là sĩ quan chế độ cũ.

Gia đình ông Minh theo đạo Phật, lễ giáo, nề nếp.

- Năm 1940, Dương Văn Minh học trường đào tạo hạ sĩ quan và sĩ quan dự bị của Pháp. Năm 1942 vào quân đội Pháp.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Dương Văn Minh tham gia lực lượng vũ trang cách mạng chống Pháp xâm lược. Pháp trở lại, gia đình ông Minh tản cư về Chợ Đệm (Tân An). Lần đó, ông về thăm nhà, đơn vị rút đi, ông bị kẹt lại chưa tìm được đơn vị thì bị Tây bắt, buộc ông trở lại làm việc cho quân đội Pháp. Năm 1946, Dương Văn Minh là thiếu úy, đại đội phó quân đội Pháp. Lần lượt lên đến cấp tá, rồi qua Pháp học trường võ bị, là một trong những sĩ quan đầu tiên của quân đội “Việt Nam Cộng Hoà”.

Ông Minh cũng theo đạo Phật, nhân từ, thương người. Sợ sát sinh, sợ phải giết người. Thấy ai bị nạn thì ra tay cứu như can thiệp cho em trai bà Bùi Thị Mè (1)là thiếu tá chế độ cũ bị tình nghi hoạt động cho “Việt Cộng” được thả ra; giúp ông Nguyễn Minh Triết (Bảy Trung), cán bộ của ta và là em bạn dì ruột bị địch bắt giam ở nhà lao Phú Lợi, được ra tù…

- Ông Minh là người rất tự trọng. Sau ngày 30/4/1975, ông được về nhà (98 đường Hồng Thập Tự, nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3) sống với tư cách một “công dân của một nước độc lập” (2). Đời sống khó khăn, ông lại bị bệnh tiểu đường, bị đau dạ dày. Có lúc lãnh đạo Thành phố (đồng chí Võ Văn Kiệt) nhờ bà Bùi Thị Mè gợi ý khéo là Đảng và chính quyền thành phố muốn hỗ trợ ông trong cuộc sống. Nhưng ông Minh từ chối với lý do: “Các anh các chị sống được thì tôi cũng sống được nếu chưa quen thì phải tập lại cho quen”.

Năm 1983, ông Minh được Chính phủ ta chấp thuận để ông sang Pháp trị bệnh và thăm con. Toà Tổng Lãnh sự Pháp ở Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Ngoại giao Pháp giúp ông Minh vé máy bay và tiền gửi hành lý nhưng ông Minh từ chối, nói rằng “đã có Chính phủ Việt Nam lo rồi”.

Khi đi, ông Minh chỉ xin mang theo một ít đồ cổ trong nhà. Sang Pháp, ông không nhờ vả gì Chính phủ Pháp, không xin trợ cấp xã hội Pháp.

QUÁ TRÌNH BINH ĐỊCH VẬN ĐỐI VỚI TƯỚNG DƯƠNG VĂN MINH

Công tác binh địch vận đối với tướng Dương Văn Minh bắt đầu từ năm 1962, với nhiều lực lượng, nhiều ban ngành tham gia: Binh vận Trung Ương Cục, Tình báo, An ninh T4 (Sài Gòn - Gia Định), Trí vận…

1/ Ban binh vận Trung Ương Cục miền Nam

Năm 1960, theo yêu cầu của Ban binh vận Xứ ủy Nam bộ (sau này là Trung Ương Cục miền Nam), đồng chí Võ Văn Thời, Cục trưởng Cục địch vận Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam đề nghị và được cấp trên đồng ý điều động đồng chí Dương Thanh Nhựt (3) về Cục để giao nhiệm vụ về miền Nam vận động Dương Văn Minh. Đồng chí Nhựt được đặt bí danh là Mười Ty. Cuối tháng 12/1960, đồng chí Mười Ty lên đường.

Tháng 8/1962, đồng chí Mười Ty móc được với gia đình, trước hết là với ông Nguyễn Văn Di, cậu ruột; qua cậu, móc vợ là Sử Thị Hương, nhắn vợ về thăm mẹ và tìm hiểu thái độ của anh hai Dương Văn Minh. Sau đó Mười Ty thăm em trai là Dương Thanh Sơn, sĩ quan quân đội Sài Gòn và em thứ tám là Dương Thu Vân.

Thấy tình hình thuận lợi, đồng chí Mười Ty hướng dẫn cán bộ mật đem ý kiến của lãnh đạo trao đổi với Dương Văn Minh về việc đảo chính Chính phủ Ngô Đình Diệm. Trong lúc Tướng Minh đang bực tức Ngô Đình Diệm độc tài, gia đình trị, phủ nhận công lao của mình (tảo thanh Bình Xuyên và các giáo phái Hoà Hảo). Tướng Minh hứa sẽ tìm cách làm.

Ngày 01/01/1963, Trung tướng Dương Văn Minh nhân danh Chủ tịch Hội đồng quân nhân cách mạng phát lệnh đảo chính Chính phủ Ngô Đình Diệm và lên làm Quốc trưởng Việt Nam Cộng Hòa lần thứ nhất. Đồng chí Mười Ty nắm được ý định Tướng Minh chuẩn bị đảo chính Diệm và có báo cáo về Ban binh vận Trung Ương Cục.

Sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm một thời gian, đồng chí Mười Ty có vào nhà Dương Văn Minh (98 Hồng Thập Tự, nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai), sau đó qua nhà em là Dương Thanh Sơn ở mười ngày. Qua nhiều lần gặp và trao đổi với Dương Văn Minh, đồng chí Mười Ty cho rằng Tướng Minh trước đây mơ hồ về Mỹ là tên xâm lược, nay thì hết tranh cãi về điều này, nhưng vẫn còn cho là Mỹ có giúp đỡ miền Nam. Tướng Minh hứa hủy bỏ ấp chiến lược, cho nhân dân về nhà cũ với ruộng vườn, mồ mả ông bà.

Trong thời gian làm Quốc trưởng lần thứ nhất. Dương Văn Minh có một số hành động tiến bộ có lợi cho cách mạng:

+ Quyết định hủy bỏ 16.000 ấp chiến lược. Đại sứ Mỹ Cabot Lodge hỏi Dương Văn Minh vì sao làm thế? Ông trả lời, đại ý: Người Việt Nam có phong tục tập quán riêng, không người nào muốn xa rời mảnh đất đã gắn bó đời mình và mồ mả ông cha. Dồn dân vào ấp chiến lược là chủ trương sai, vì lẽ đó tôi giải tán ấp chiến lược để người dân trở về quê cũ của mình.

+ Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mc Namara và Tướng Harkin yêu cầu Quốc trưởng Dương Văn Minh để cho Hoa Kỳ ném bom ra miền Bắc, không ném ồ ạt mà ném bom nổ chậm trên đê sông Hồng. Miền Bắc sẽ bị lũ lụt mất mùa, người dân sẽ đói… Dương Văn Minh lắc đầu từ chối.

+ Tháng 1/1964, Đại sứ Cabot Lodge yêu cầu Quốc trưởng Dương Văn Minh nghiên cứu, chuẩn y và thực hiện kế hoạch 34A (hoạt động gián điệp, biệt kích chống miền Bắc). Dương Văn Minh không trả lời.

+ Theo lời kêu gọi của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam (4) Dương Văn Minh tỏ ý muốn thương lượng để tuyển cử tự do, thực hiện một chế độ trung lập, lập Chính phủ liên hiệp. Nhưng Mỹ cự tuyệt hòa đàm, chống mọi xu hướng trung lập.

- Do những chủ trương và hành động của Dương Văn Minh không theo đúng ý đồ “Bắc tiến” của Mỹ, theo chỉ thị của Tổng thống Mỹ Johnson, cuối tháng 01/1964, chính quyền Mỹ đã đưa Nguyễn Khánh lên làm Chủ tịch Hội đồng quân nhân cách mạng kiêm Thủ tướng Chính phủ Cộng Hòa Việt Nam bằng một cuộc đảo chính. Nguyễn Khánh tuyên bố: “Tôi đảo chánh Dương Văn Minh để cứu đất nước này khỏi rơi vào tay Cộng sản”.

Mỹ thấy Dương Văn Minh có hậu thuẫn ở miền Nam, nhưng khó điều khiển nên chỉ thị cho Chính quyền Sài Gòn phong Dương Văn Minh làm đại tướng và cử làm đại sứ lưu động ở Đài Loan. Mỹ mời ông Minh qua Mỹ một thời gian rồi cho lưu vong ở Thái Lan (từ đầu năm 1965) có sự giám sát của CIA, làm con bài dự trữ.

Cuối năm 1967, theo chỉ đạo của đồng chí Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh, Phó Bí thư Trung Ương Cục miền Nam) và Ban binh vận Trung Ương Cục, đồng chí Mười Ty có chuyến qua Pháp, ở nhà em rể là Charlot để móc người em gái thứ 8 là Dương Thu Vân qua Pháp. Có thời gian Mười Ty ở nhà Dương Minh Đức (con trai Dương Văn Minh). Được biết, khi người em gái thứ 6 Dương Thu Hà bị ung thư chết, Dương Văn Minh có qua Pháp dự đám tang em gái, sau đó ở lại Pháp hơi lâu, có ý chờ tin của Mười Ty. Nhưng vì bọn CIA bảo trung tá Đẩu (sĩ quan tùy viên của Tướng Minh) kêu ông Minh về Thái Lan, nên không ở lâu hơn được nữa.

Khi chị Dương Thu Vân qua Paris gặp Mười Ty cho hay là ông Minh không thể qua Pháp được nữa, thì Mười Ty mới chuyển kế hoạch qua em (Dương Thu Vân) và cháu (Dương Minh Đức) truyền đạt ý kiến của cấp trên cho Dương Văn Minh. Sau đó Đức báo lại ý kiến của cha anh với Mười Ty như sau: “Lập Chính phủ ba thành phần là khó lắm, cần đánh cho văng Thiệu, Mỹ phải rút đi là hết chiến tranh. Tôi có ra làm chính phủ ba thành phần khi bầu cử thì ông Thọ (Luật sư Nguyễn Hữu Thọ) cũng thắng cử, tôi có thất cử cũng không nghĩa lý gì, miễn có lợi cho đất nước là hơn”. Dương Minh Đức nói thêm: Ba cháu không còn lực lượng, không biết làm chính trị, không giỏi bằng ông Thọ; ra ngoài (ra khu) lúc này là không có lợi, ở trong này khi cần có lợi hơn…

Sau đó, đồng chí Mười Ty về Hà Nội, được đồng chí Lê Duẩn gặp và mời cơm (với đồng chí Võ Văn Thời). Sau khi nghe đồng chí Mười Ty báo cáo đầy đủ chuyến đi công tác ở Pháp, đồng chí Lê Duẩn khen và nói: “Dương Văn Minh trả lời như vậy là thành thật, nói như vậy là làm được, chứ hứa hết có khi không làm được…”

Cuối năm 1970,… theo chỉ đạo của Trung Ương và Trung Ương Cục miền Nam, Ban binh vận Trung Ương Cục tìm một người khác, để tiếp cận vận động Dương Văn Minh. Đó là chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, cơ sở của ta trong sĩ quan là bạn bè và thầy trò có thể tiếp cận được với Dương Văn Minh. Đồng chí Nguyễn Tấn Thành (tức Tám Vô Tư), bác của Nguyễn Hữu Hạnh, được Ban binh vận Trung Ương Cục giao nhiệm vụ trực tiếp nắm và bồi dưỡng cho Nguyễn Hữu Hạnh.

Tháng 3 và 4/1975, đồng chí Tám Vô Tư thường gặp ông Nguyễn Hữu Hạnh. Sau khi Nguyễn Văn Thiệu từ chức, đồng chí Tám Vô Tư gợi ý ông Hạnh nên tiếp cận và vận động Dương Văn Minh nếu lên làm Tổng thống thì tìm cách kết thúc cuộc chiến có lợi cho nhân dân.

Khi được tin ông Dương Văn Minh lên làm Tổng thống, ngày 28/4/1975, từ Cần Thơ, ông Nguyễn Hữu Hạnh bằng mọi cách, vượt mọi khó khăn lên Sài Gòn gặp Dương Văn Minh và được ông giao làm phụ tá Tổng tham mưu trưởng, thay Tổng tham mưu trưởng ở bên cạnh ông, sau đó là Quyền Tổng tham mưu trưởng. Với các cương vị này, ông Hạnh đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện lệnh của Tổng thống Dương Văn Minh làm cho quân đội Sài Gòn “án binh bất động”, tan rã tại chỗ, không nổ súng và thúc đẩy Chính phủ Dương Văn Minh sớm bàn giao chính quyền cho cách mạng.

2/ Thâm nhập vào “nhóm Dương Văn Minh”

Tháng 9/1972, Ban An ninh T4 (Thành phố Sài Gòn - Gia Định) thành lập Cụm điệp báo mới, bí số là A10, với nhiệm vụ xây dựng lực lượng điệp báo bí mật trong một số đối tượng, trong đó có lực lượng thứ ba, đặc biệt là “nhóm Dương Văn Minh”… (các thành viên bộ tham mưu nhóm Dương Văn Minh, ban biên tập bản tin nội bộ nhóm Dương Văn Minh, thư ký tòa soạn báo Điện Tín, báo Đại dân tộc…).

Đầu năm 1975, đồng chí Trần Quốc Hương (Mười Hương), Trưởng Ban Anninh T4, chỉ đạo A10 tìm cách thâm nhập vào lực lượng thứ ba và nhóm Dương Văn Minhđể tác động, vận động lực lượng này chống đối, cô lập, chia rẽ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.

Thời gian này, Cụm điệp báo A10 tiếp cận, bám sát “nhóm Dương Văn Minh”, có lúc họa sĩ Ớt (Huỳnh Bá Thành) ở luôn trong nhà Dương Văn Minh; tham gia viết và in tuyên cáo “chống Chính phủ Thiệu không có Thiệu”, đòi Trần Văn Hương từ chức (Tổng thống).

Ngày 01/3 và cuối tháng 3/1975, đồng chí Huỳnh Bá Thành (lần sau có thêm các đồng chí Trần Thiếu Bảo, Huỳnh Huề…) vào căn cứ báo cáo với đồng chí Mai Chí Thọ (Bí thư thành ủy), Trần Thanh Vân (Phó trưởng Ban An ninh T4). Đồng chí Mai Chí Thọ chỉ đạo: “…Phải bằng mọi cách để Dương Văn Minh thay Nguyễn Văn Thiệu, rồi giao chính quyền cho cách mạng. Đó là chủ trương của Đảng nhằm tránh đổ máu, tránh tổn thất cho nhân dân”.

3/ Tác động vào Chính phủ Dương Văn Minh

Cụm điệp báo VĐ2 thuộc phòng tình báo chiến lược M22, cục tham mưu Miền cũng có chỉ đạo vận động tác động nội các Dương Văn Minh đầu hàng thông qua kỹ sư Tô Văn Cang trong những ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn. Theo ông Tô Văn Cang, sáng ngày 28/4/1975, ông Cang đến gặp Đại tá Nguyễn Văn Khiêm (Sáu Trí) ở nhà ông Ba Lễ (cơ sở tình báo) hẻm đường Triệu Đà, Sài Gòn, để báo ý kiến của ông Nguyễn Văn Diệp (trong Chính phủ Dương Văn Minh) muốn tìm gặp đại diện Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam để xin ý kiến xử trí tình hình Sài Gòn. Đồng chí Sáu Trí phân tích tình hình và “khuyên Chính phủ Dương Văn Minh chấp nhận đầu hàng vô điều kiện”. Ý kiến này được ông Cang phản ánh lại cho ông Diệp và sau đó ông Diệp có báo cáo lại cho bộ ba Dương Văn Minh – Nguyễn Văn Huyền – Vũ Văn Mẫu.

4/ Xây dựng lực lượng thứ ba ở đô thị

Sau hiệp định Paris (1973), Hội nghị lần thứ 21 Ban chấp hành Trung Ương (tháng 7/1973) đề ra nhiệm vụ: “Xây dựng lực lượng thứ ba ở đô thị”; “mở rộng hơn nữa Mặt trận dân tộc Giải phóng gồm mọi giai cấp, tôn giáo, lực lượng hòa bình, độc lập, dân chủ ở miền Nam và Việt kiều ở nước ngoài”.

Năm 1974, theo chỉ đạo của đồng chí Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh), Phó Bí thư Trung Ương Cục miền Nam, đồng chí QuốcHương (Mười Hương), Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban An ninh T4 đã chọn một số thanh niên, sinh viên cài vào hoạt động trong lực lượng thứ ba.

Trên thực tế thì lực lượng ta đã hình thành trước khi có hiệp định Paris qua tổ chức “Lực lượng quốc gia tiến bộ” do luật sư Trần Ngọc Liễng và nhà tư sản dân tộc (ngành vật liệu xây dựng) Phan Văn Mỹ thành lập tháng 6/1969 với mục tiêu là: đòi các lực lượng ngoại nhập (Mỹ và đồng minh) phải rút khỏi miền Nam, thành lập chính phủ hòa giảidân tộc. Sau đó, lợi dụng lúc Thiệu đi nước ngoài, luậtsư Trần Ngọc Liễng lập “Lực lượng hoà giải dân tộc”. Sau hiệp định Paris, tháng 02/1974, nhóm luật sư Trần NgọcLiễng lập “Tổ chức nhân dân đòi thi hành hiệp định Paris”, xác định mình là lực lượng thứ ba, mục tiêu chính là đòi thi hành hiệp định Paris, Mỹ rút quân, thành lập Chính phủ hoà giải dân tộc.

Thành viên của “nhóm Dương Văn Minh” gồm một số trí thức, dân biểu đối lập, ký giả, tướng lĩnh[1]. Hằng tuần, nhóm họp bàn về tình hình thời sự chính trị (lúc tình hình sôi động mỗi tuần họp hai lần). Cạnh tướng Dương Văn Minh có Văn phòng báo chí. Lúc báo Điện tín bị đóng cửa, “nhóm Dương Văn Minh” ra bản tin bán công khai để phát cho các tổ chức, đoàn thể, báo chí trong và ngoài nước.

-Theo ông Lý Quý Chung (Hồi ký), tuần lễ đầu tháng 4/1975, tướng Dương Văn Minh và “nhóm Dương Văn Minh” đã họp tại Dinh Hoa Lan (nhà ông Minh) bàn và quyết định công bố ý định thay thế Nguyễn Văn Thiệu để góp phần chấm dứt chiến tranh.

5/ Phối hợp phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân Sài Gòn

Với các khẩu hiệu “đuổi Mỹ, lật Thiệu”, đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức, đòi thi hình hiệp định Paris, hòa bình, chấm dứt chiến tranh, đòi dân chủ, cải thiện dân sinh… các cuộc xuống đường diễn ra liên tục, mạnh mẽ thu hút hàng ngàn, hàng vạn người. Như cuộc xuống đường của 200 ký giả Sài Gòn ngày 10/10/1974, ngày “ký giả đi ăn mày” lôi cuốn gần hai vạn quần chúng tham gia đã có tiếng vang lớn cả trong và ngoài nước. Cuộc tuần hành ngày 20/4/1974 của hàng vạn công nhân lao động, sinh viên, học sinh, trí thức, thương phế binh… đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức, đòi thi hành hiệp định Paris, đòi hòa bình, cơm áo, chống sa thải, chống thuế VAT…, là cuộc đấu tranh lớn nhất từ sau hiệp định Paris.

MỸ, PHÁP VỚI TƯỚNG DƯƠNG VĂN MINH

* Mỹ: Năm 1971, Mỹ yêu cầu Dương Văn Minh ra tranh cử Tổng thống với Nguyễn Văn Thiệu để tỏ ra chế độ Cộng hòa miền Nam có dân chủ, nhưng phải thất cử để trở thành lãnh tụ của phe đối lập trong nghị viện. Tướng Dương Văn Minh từ chối. Đại sứ Mỹ Bunker còn trắng trợn hỏi ông Minh cần bao nhiêu đô-la cho cuộc tranh cử. Ông Minh cố nén giận, nhưng giữ lịch sự, đưa tay chỉ đại sứ Mỹ về phía cửa phòng (không tiếp đại sứ Mỹ nữa). Cuộc bầu cử đó, Tướng Dương Văn Minh có ra ứng cử, nhưng đến giờ chót quyết định rút lui, chỉ còn Nguyễn Văn Thiệu trở thành ứng cử viên Tổng thống “độc diễn”, làm bẽ mặt Mỹ – Thiệu.

Sau khi Thiệu từ chức, Phó tổng thống Trần Văn Hương lên thay tổng thống, tuyên bố “cương quyết tử thủ dù phải hi sinh đến nắm xương tàn”, đã bị nhân dân và báo chí Sài Gòn đấu tranh đòi Chính phủ Trần Văn Hương từ chức ngay lập tức. Trần Văn Hương trì hoãn việc giao quyền cho Dương Văn Minh, mãi đến ngày 26/4/1975, lưỡng viện Sài Gòn đã bầu Dương Văn Minh làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa với 147/151 phiếu.

* Pháp: Theo đồng chí Phan Nhẫn, ngày 27 (hoặc 28/4/1975), Bộ Ngoại giao Pháp gặp đồng chí Phạm Văn Ba (Giám đốc Trung tâm thông tin Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng Hòa miền Nam) gợi ý Chính phủ Cách mạng lâm thời nên đi vào đàm phán. Lúc đó, Pháp hi vọng “giải pháp Dương Văn Minh” và khả năng thương lượng với Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam.

Theo chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh và ông Lý Quý Chung, sáng ngày 30/4/1975, tướng tình báo Pháp Vanuxem đến Phủ thủ tướng (số 7 Thống Nhất, nay là đường Lê Duẩn) gặp Tổng thống Dương Văn Minh, gợi ý ông Minh nên kêu gọi Trung Quốc can thiệp để cứu miền Nam không rơi vào tay Cộng sản Bắc Việt. Ông Minh từ chối, nói rằng: “Tôi đã từng làm tay sai cho Pháp rồi cho Mỹ, đã quá đủ rồi. Tôi không thể tiếp tục làm tay sai cho Trung Quốc”.

TƯỚNG DƯƠNG VĂN MINH VỚI 3 NGÀY LÀM TỔNG THỐNG

15 giờ chiều ngày 28/4/1975, Tướng Minh làm lễ nhậm chức Tổng thống, cử Nguyễn Văn Huyền làm Phó tổng thống, Vũ Văn Mẫu làm Thủ tướng.

Tổng thống Dương Văn Minh cử một số Bộ trưởng và người phụ trách quân đội, cảnh sát, trong đó có đảng viên và cơ sở của ta là: Luật sư Triệu Quốc Mạnh, Giám đốc Nha cảnh sát đô thành, và chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá Tổng tham mưu trưởng sau là quyền Tổng tham mưu trưởng.

Về Bộ quốc phòng, Tổng thống Dương Văn Minh chỉ định Giáo sư Bùi Tường Huân, Giáo sư Đại học Huế (không phải tướng tá) làm Bộ trưởng. (Theo ông Lý Quý Chung, việc Tổng thống Dương Văn Minh chỉ định ông Bùi Tường Huân làm Bộ trưởng quốc phòng để chứng tỏ chính phủ này không muốn chiến tranh).

17 giờ ngày 28/4/1975, phi đội 5 chiếc A37 của Nguyễn Thành Trung ném bom sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo ông Hồ Ngọc Nhuận (Hồi ký), tối hôm đó, Tướng Minh giao cho ông chuẩn bị chiếm đài phát thanh (đề phòng Nguyễn Cao Kỳ làm đảo chính).

Đêm 28/4, Tướng Dương Văn Minh và gia đình dời đến ở nhà một người bạn của tướng Mai Hữu Xuân ở đường Phùng Khắc Khoan do sợ Nguyễn Cao Kỳ ném bom dinh Hoa Lan (nhà ông Minh).

Theo cựu dân biểu Dương Văn Ba (Hồi ký), đêm 28/4/1975, hai đại tá phi công lái hai máy bay trực thăng phục vụ tổng thống đậu trên nóc dinh Độc Lập, gặp Tổng thống Dương Văn Minh đề nghị đưa Tổng thống và tất cả những người trong bộ tham mưu tổng thống và gia đình bay ra Đệ Thất Hạm Đội. Ông Minh trả lời: “Hai em có thể yên lòng lái máy bay ra Đệ Thất Hạm Đội, bất cứ ai có mặt ở đây muốn đi theo thì có thể ra đi. Phần tôi, tôi nhất quyết không đào ngũ bỏ chạy; không thể nào bỏ dân chúng Sài Gòn, không thể nào bỏ miền Nam như con rắn mất đầu”.

Ngày 29/4/1975

Tổng thống Dương Văn Minh, Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu bàn và ra lệnh cho Giám đốc Nha cảnh sát đô thành Triệu Quốc Mạnh thả tù binh chính trị; gửi công văn yêu cầu Đại sứ Mỹ Martin cho cơ quan Viện trợ quân sự Mỹ (DAO) rời khỏi Việt Nam trong vòng 24 giờ để giải quyết hòa bình ở Việt Nam.

Đến 16 giờ chiều ngày 29/4, đã thực hiện xong việc trả tù binh chính trị (trong đó có Huỳnh Tấn Mẫm). Chỉ huy các ban và cảnh sát 18 quận, huyện đã tan rã (trừ bộ phận biệt phái).

Tổng thống Dương Văn Minh chỉ thị không được di chuyển quân, không được phá cầu. Dựa vào chỉ thị trên, chiều ngày 29/4/1975, phụ tá Tổng tham mưu trưởng Nguyễn Hữu Hạnh đã ra lệnh cho các đơn vị không được phá cầu. Đơn vị nào muốn phá cầu phải có lệnh của Bộ Tổng tham mưu.

Sau đó, khoảng 15 giờ, phái đoàn do Luật sư Trần Ngọc Liễng cầm đầu có Linh mục Chân Tín, Giáo sư Châu Tâm Luân vào Trại David, được đồng chí Võ Đông Giang, Phó trưởng phái đoàn ta tiếp. Ông Liễng đã thông báo với phái đoàn ta về chủ trương “không chống cự” của Tổng thống Dương Văn Minh, mà ông coi là niềm vui sướng nhất trong đời ông, vì đã thông báo cho bên trong biết “Sài Gòn không chống cự” vào giờ chót của cuộc chiến tranh. Theo Luật sư Liễng, Tổng thống Dương Văn Minh đã chấp nhận đầu hàng từ buổi trưa hôm đó (ngày 29/4/1975).

Từ chiều và tối ngày 29/4, cũng có một số người tác động Tổng thống Dương Văn Minh hướng “Thành phố để ngỏ”, đầu hàng. Như ông Lý Quý Chung, họa sĩ Ớt (Huỳnh Bá Thành). Thông qua ông Phan Xuân Huy và ông Đoàn Mai, thượng tọa Thích Trí Quang nói điện thoại trực tiếp với Tổng thống Dương Văn Minh: “còn chờ gì nữa mà không đầu hàng”[2].

Ngày 30/4/1975

- 6 giờ, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh quyền Tổng tham mưu trưởng (tướng Vĩnh Lộc, Tổng tham mưu trưởng đã chuồn) và tướng Nguyễn Hữu Có đến báo cáo với Tổng thống Dương Văn Minh về toàn bộ tình hình quân sự. Sau đó, ông Minh (cùng các ông Hạnh và Có) đến Phủ Thủ tướng (số 7 Thống nhất, nay là đường Lê Duẩn).

Tổng thống Dương Văn Minh họp với Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và một số người trong nội các “nhóm Dương Văn Minh”, bàn và quyết định không nổ súng và giao chính quyền cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hòa miền Nam. Thủ tướng Vũ Văn Mẫu soạn bản thảo tuyên bố này.

- 9 giờ, Tổng thống Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm.

Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh đề nghị và được Tổng thống Dương Văn Minh đồng ý có nhật lệnh cho quân đội. Ông Hạnh soạn thảo nhật lệnh này. Đồng thời tướng Nguyễn Hữu Hạnh gọi điện thoại cho tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Quân khu 4 yêu cầu cố gắng thi hành lệnh của Tổng thống trên đài phát thanh.

9 giờ 30: Đài phát thanh phát tuyên bố của Tổng thống Dương Văn Minh: “Đường lối của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc”; “yêu cầu tất cả anh em chiến sĩ Cộng Hòa ngưng nổ súng, và ở đâu thì ở đó”; “Chúng tôi chờ gặp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam để thảo luận về lễ bàn giao chính quyền trong vòng trật tự, tránh sự đổ máu vô ích cho đồng bào”.

Sau đó, cả các ông Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu cùng nội các đến Dinh Độc Lập để chờ bàn giao chính quyền cho cách mạng.

Sau khi đọc tuyên bố “đầu hàng” xong, Tướng Dương Văn Minh nói với mọi người (trong Chính phủ): “Mọi việc coi như đã xong. Bây giờ ai muốn đi hay ở thì tùy”.

11 giờ 30, xe tăng quân giải phóng vào Đinh Độc Lập. Xe quân giải phóng đưa ông Dương Văn Minh và ông Vũ Văn Mẫu đến đài phát thanh để đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

KẾT LUẬN

1/ Tướng Dương Văn Minh là người có tinh thần dân tộc, yêu nước. Từ chỗ lúc đầu còn mơ hồ về việc Mỹ xâm lược miền Nam, cho rằng Mỹ có giúp đỡ miền Nam, dần dần tỏ thái độ chống Mỹ: chống Mỹ đưa quân viễn chinh Mỹ và đồng minh vào miền Nam, kéo dài và mở rộng chiến tranh, muốn có hòa bình, độc lập và hòa hợp dân tộc.

2/ Theo ông Nguyễn Hữu Hạnh và ông Lý Quý Chung, Tướng Dương Văn Minh lên làm Tổng thống không có ý để thương thuyết với cách mạng vì đã thấy không còn khả năng thương thuyết; cũng không có ý để tiếp tục chiến tranh vì lâu nay ông Minh chủ trương hoà bình, chấm dứt chiến tranh. Điều này thể hiện rõ ở Tổng thống Dương Văn Minh chỉ định hai cơ sở của ta (chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh và luật sư Triệu Quốc Mạnh) nắm hai lực lượng vũ trang: quân đội và cảnh sát; cử một người dân sự (giáo sư Bùi Tường Huân) làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; chưa đầy một ngày sau khi nhậm chức thì ngày 29/4/1975, đã ra lệnh thả tù chính trị, đuổi phái đoàn DAO của Mỹ; không di chuyển quân, không phá cầu v.v..

3/- Trong điều kiện cuộc tổng tiến công quân sự của các binh đoàn chủ lực kết hợp với cuộc tiến công và nổi dậy của các lực lượng vũ trang và quần chúng ở thành phố Sài Gòn – Gia Định đã tạo sức ép quân sự lớn; công tác vận động, binh địch vận của nhiều lực lượng ta với Tướng Dương Văn Minh; được sự đồng tình, tác động tích cực của những người chủ yếu trong nội các, lực lượng thứ ba và “nhóm Dương Văn Minh”; Tổng thống Dương Văn Minh đã quyết định “không chống cự”, tuyên bố “ngưng nổ súng và ở đâu ở đó vào 9g30 (sau đó tuyên bố “đầu hàng vô điều kiện” vào 11g30) ngày 30/4/1975 là hành động thức thời, làm giảm ý chí đề kháng của đại bộ phận quân đội Sài Gòn vào những giờ chót của cuộc chiến tranh, tạo thuận lợi cho quân giải phóng tiến nhanh vào giải phóng hoàn toàn thành phố Sài Gòn còn nguyên vẹn và không đổ máu. Nhiều thành phố và thị xã khác cũng được giải phóng nguyên vẹn, ít tổn thất. Chúng ta biết rõ giành được thắng lợi to lớn này, cuộc tổng tiến công của các quân đoàn kết hợp với các cuộc tiến công và nổi dậy của lực lượng vũ trang và quần chúng địa phương đóng vai trò quyết định. Tuy nhiên, công bằng mà nói, hành động thức thời của Tổng thống Dương Văn Minh và nội các của ông đã góp phần làm cuộc chiến kết thúc sớm, tránh đổ nhiều xương máu của binh sĩ và nhân dân, thành phố Sài Gòn và nhiều đô thị còn nguyên vẹn. Đó là nghĩa cử yêu nước, thương dân của ông Dương Văn Minh.

Từ Tp. Hồ Chí Minh,

____________

(1) Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế – xã hội – thương binh Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam.

(2) Phát biểu của ông Dương Văn Minh trong cuộc Thượng tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban quân quản TP. Hồ Chí Minh tuyên bố trả quyền công dân cho toàn bộ viên chức Chính phủ “Việt Nam Cộng Hoà”.

(3) Bộ đội Nam bộ tập kết ra Bắc, ở Sư đoàn 330. Sau đó chuyển ra nông trường quân đội.

(4) Sách “Gởi người đang sống” (tr 334-335) của Thượng tướng Trần Văn Trà.

(Nguồn: Tạp chí Hồn Việt. Website: http://honvietquochoc.com.vn)



Cuộc khủng hoảng Phật giáo 1966 và sự thất bại của Mĩ tại Việt Nam

 

Nếu Trí Quang là một điệp viên cộng sản trong Chiến tranh Việt Nam, thì thật chẳng cường điệu chút nào khi cho rằng Bắc Việt đã thực hiện được “ một trong những kì công vận dụng tài tình nhất và hiệu quả nhất hoạt động bí mật trong lịch sử ” (82). Các nhà phân tích tình báo Mĩ ở Sài Gòn và Washington đã nhiều lần xem xét khả năng này để rồi luôn luôn phải kết luận rằng chứng liệu tìm thấy không biện hộ cho lời cáo buộc. Các nhà phân tích này không hề nhắm mắt làm ngơ đối với những sai lầm của Trí Quang cũng như đối với những cản trở ông tạo ra trên con đường dẫn đến một chính phủ VNCH ổn định có khả năng điều hành cuộc chiến hữu hiệu. Mặc dù người ta không bao giờ có đủ chứng cớ để phản bác luận cứ cho rằng Trí Quang chỉ lừa bịp các nhà phân tích Mĩ bằng những tư tưởng chống cộng diều hâu của ông, nhưng cũng nên nhớ rằng các đối tượng nghe ông nói không phải là những người chủ hoà cả tin hay các trí thức hàn lâm đầy lí tưởng, nhưng là những nhà phân tích tình báo dày dạn với quyết tâm giành thắng lợi trong chiến cuộc Việt Nam như John Negroponte và George Carver. Như Carver ghi nhận, ý kiến cho rằng Trí Quang chỉ đưa ra những tư tưởng chống cộng và chủ chiến để lấy lòng các viên chức Mĩ “ không có khả năng thuyết phục chút nào đối với bất cứ ai đã trực tiếp thảo luận những vấn đề ấy với ông ” (83).

 

Đương nhiên là, những nỗ lực của Trí Quang cũng chẳng đóng góp được gì cho sự nghiệp chống cộng và, bất chấp mọi ý định của ông, những can thiệp của ông vào sinh hoạt chính trị Miền Nam thường thường rốt cuộc chỉ có lợi cho những mục tiêu của cộng sản và MTDTGPMN. Các nhà phân tích Mĩ nhiều lần nhìn nhận thực tế phũ phàng này, nhưng họ coi vấn đề này như một sai lầm trí tuệ về phía Trí Quang, một sai lầm có gốc rễ trong cá tính, hơn là một mưu đồ có ý thức. Những can thiệp thường xuyên vào chính sự và những lời kêu gọi đòi hỏi một “ cuộc cách mạng xã hội ” mơ hồ của ông vốn đã không phù hợp với mục tiêu của Mĩ về ổn định chính trị và xã hội. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tình báo Mĩ chắc chắn đã nhìn nhận rằng luận cứ của ông không hẳn là thiếu chính đáng hay sai lầm ; nghĩa là, Mĩ và VNCH không thể thắng được cuộc chiến trừ phi chính phủ Miền Nam phản ánh được nguyện vọng của nhân dân và quy tụ được quần chúng để chống lại MTDTGPMN. Trí Quang chắc chắn không đại diện cho toàn thể nhân dân Việt Nam, hay thậm chí đa số Phật tử, nhưng rõ ràng là ông đại diện cho một lực lượng chính trị hùng hậu và có tổ chức. Ngay trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Phật giáo, các nhà phân tích tình báo Mĩ vẫn chưa tìm được cách chuyển hướng hành động của Trí Quang đi theo những đường lối xây dựng hơn, nhưng họ cũng loại bỏ ý kiến cho rằng Trí Quang hay phong trào Phật giáo do ông lãnh đạo cần phải cho qua một bên, không cần đếm xỉa đến.

 

Bẽ bàng là, chính Henry Cabot Lodge lại là người lãnh trách nhiệm chính trong việc thay đổi đường lối của Mĩ đối với Trí Quang trong cuộc khủng hoảng Phật giáo 1966. Với vai trò là kẻ bao che Trí Quang khỏi bàn tay của Diệm trong cuộc khủng hoảng 1963, Lodge được Phật tử coi là một nhân vật thân Phật giáo, cũng dễ hiểu thôi. Lodge bắt đầu phê phán gay gắt những sách động bài Công giáo của Trí Quang trong các vụ án xử Thiếu tá Đặng Sĩ và Ngô Đình Cẩn, nhưng mãi đến tận tháng Ba 1965, ông vẫn khuyên chính quyền Johnson đừng từ bỏ khối tín đồ Phật giáo vì họ có vai trò rất quan trọng ở Miền Nam (84). Tuy vậy, trong suốt cuộc khủng hoảng Phật giáo 1966, Lodge lại quay ra ủng hộ lập trường của Chính phủ VNCH cương quyết đối đầu với phong trào tranh đấu Phật giáo. Lodge hoàn toàn ủng hộ quyết định của Kỳ cách chức tư lệnh Vùng I của Tướng Nguyễn Chánh Thi mặc dù Thi được coi là rất được lòng quần chúng Phật tử. Trong khi nhìn nhận ông không thể trưng ra chứng cớ, Lodge vẫn chấp nhận ý kiến cho rằng Trí Quang và một số nhân vật Phật giáo khác đang cố tình phục vụ những mục tiêu của cộng sản và MTDTGPMN (85). Trong suốt cuộc khủng hoảng lần này, Lodge nhất mực chủ chiến và ủng hộ nỗ lực của Chính phủ VNCH nhằm đè bẹp phe Phật tử tranh đấu.

 

Chắc chắn là, Lodge nhận được một số hậu thuẫn ở Washington dành cho lập trường cứng rắn của ông đối với Trí Quang. Maxwell Taylor, người mà nhiệm kì đại sứ tại Sài Gòn bị đánh dấu nhiều lần bởi các cuộc khủng hoảng chính phủ do phe Phật giáo gây ra, cho rằng Lodge cần phải chuyển đến các nhà lãnh đạo Chính phủ VNCH “ nhận thức của chúng ta về tầm quan trọng phải triệt hạ Trí Quang như một thế lực chính trị ”. Taylor đã từng bác bỏ ý kiến cho rằng Trí Quang là người của Cộng sản trong thời gian ông ta còn là đại sứ ở Miền Nam, nhưng bây giờ ông ta cho rằng Lodge và Chính phủ VNCH “ phải triển khai một kế hoạch nhằm vạch trần Trí Quang trước công luận Việt Nam và cộng đồng quốc tế như là một tên phiến loạn được cộng sản hậu thuẫn với chủ tâm tiêu diệt chính phủ không - cộng sản tại Sài Gòn nhằm phục vụ lợi ích của VC và Hà Nội ” (86). Mặc dù chính sách của Hoa Kì trước cuộc khủng hoảng Phật giáo đặt cơ sở trên quan niệm cho rằng Trí Quang là kẻ gây rối nhưng không phải là Cộng sản, nhưng bây giờ Lodge lại đặt hẳn chính sách ngoại giao Mĩ trên ý kiến cho rằng Trí Quang gần như là một bộ phận khắng khít trong nỗ lực phá hoại của cộng sản. Quan điểm chính trị của Trí Quang trong suốt cuộc khủng hoảng cơ bản không có gì thay đổi so với quan điểm ông vốn có trước đó, nhưng Lodge dứt khoát không còn coi ông như một nhà hoạt động chính trị chính đáng. Trong một điện văn gửi Washington tháng Tư 1966, ông nói “ Chúng ta phải ý thức rõ ràng rằng giới lãnh đạo Phật giáo là những kẻ thù nghịch của chúng ta ” (87). Thảm kịch của chính sách Mĩ trong vụ khủng hoảng Phật giáo là nhiều viên chức trong chính quyền Johnson đã phản bác chính lập trường mà Lodge cổ vũ, nhưng không có hiệu quả bao nhiêu. Bộ Ngoại giao nhiều lần đặt nghi vấn về những quyết định và giả định của Lodge suốt cuộc khủng hoảng này. Bộ trưởng Ngoại giao Dean Rusk đích thân yêu cầu Lodge đừng chuẩn y những luận điệu quy kết những nhà lãnh đạo Phật giáo là cộng sản bởi vì những luận điệu này vẫn không đưa ra được bằng chứng về sự móc nối và bởi vì một đường lối như vậy sẽ gặp phải sự phẫn nộ của nhiều lãnh đạo Phật giáo, những người có thể được chứng minh là không cộng sản (88). Sau khi nghe Cy Sulzberger của báo New York Times nhấn mạnh vai trò quan trọng của Việt Cộng trong nỗ lực điều khiển phong trào tranh đấu Phật giáo, Robert Komer đã nói Sulzberger rằng ông “ thấy rất ít bằng chứng vững chắc khẳng định VC đã thực sự điều khiển vụ binh biến Huế-Đà Nẵng. Chắc chắn là, có nhiều báo cáo ở các cấp thấp nói về những nỗ lực xâm nhập hàng ngũ tranh đấu của cộng sản và mọi người đều tin VC đã cố gắng làm việc đó, nhưng tôi không thể đưa ra cho ông ấy bằng chứng vững chắc nếu bằng chứng ấy không hề hiện hữu ” (89). Komer lấy làm tiếc là Lodge đã đưa ra cho Sulzberger và nhiều kí giả khác một lối giải thích về cuộc khủng hoảng Phật giáo hoàn toàn sai lạc và không được nhiều quan chức khác tán thành. Theo quan điểm riêng của Komer, chính quyền Johnson cần phải đặt vụ khủng hoảng Phật giáo trong một tầm nhìn xa rộng và cần phải “trấn an những người hoảng hốt ” : “ Trí Quang và nhiều người khác nhất định là không cố tình làm cho người Mĩ phải rời bỏ Việt Nam. Chúng tôi cũng không hề thấy những Phật tử bất đồng chính kiến cũng là những người chủ trương trung lập, hay muốn thương thuyết với VC. Họ biết như chính phủ VNCH đang biết, làm như thế tức là phó thác sinh mạng của mình cho VC. Nói đúng ra, cái điều mà những người bất đồng chính kiến này theo đuổi (và họ nhiều lần nói cho chúng tôi biết) bằng cách biểu tình, bằng biểu ngữ chống Mĩ và thậm chí bằng tự thiêu, là tạo sức ép và gây lúng túng khiến Hoa Kì phải ủng hộ họ thay vì hậu thuẫn cho Kỳ ” (90).

 

Bản đánh giá tình hình của Komer nhận được sự đồng ý rộng rãi trong giới chức chính quyền Johnson. Thomas Hughes, Giám đốc Phòng Tình báo và Nghiên cứu của Bộ Ngoại giao (INR), gửi đi một bản phân tích dài dòng về tình trạng bế tắc giữa phe Phật giáo và Chính phủ VNCH trong tháng Ba, trong đó thậm chí ông không hề ám chỉ dù gián tiếp là phe Phật giáo bị chi phối bởi tinh thần chống Mĩ, bởi ý muốn trung lập, hay chấm dứt chiến tranh bằng bất cứ mọi giá. Cội nguồn của cuộc khủng hoảng, theo lí luận của Hughes, được tìm thấy trong những “ mối bất bình đối với tập đoàn lãnh đạo Thiệu-Kỳ, một chế độ mà phe Phật giáo cho là chuyển động quá chậm chạp và miễn cưỡng trong việc hợp pháp hoá tình trạng của nó, như tổ chức tuyển cử quốc gia, và giao quyền điều khiển chính phủ lại cho giới chức dân cử--nói chung, chế độ này đã đi ngược chứ không đẩy mạnh cuộc cách mạng 1963 ” (91). Đường lối cơ bản để đối phó cuộc khủng hoảng Phật giáo do CIA đề xuất rất phù hợp với đường lối mà Phòng Tình báo và Nghiên cứu (INR) đưa ra. Trong nhiều tham luận dài dòng nhưng sâu sắc, George Carver bác bỏ toàn bộ quan niệm cho rằng người Mĩ nhất định sẽ thất bại trong cuộc chiến nếu phe Phật giáo tranh đấu lên nắm chính quyền tại Miền Nam. Mặc dù nhìn nhận sẽ có những vấn đề ngắn hạn do một chiến thắng của phe Phật giáo đặt ra cho nỗ lực chiến tranh hiện nay, Carver tin rằng sự tương hợp của các mục tiêu của Mĩ và của phe Phật giáo vẫn còn tồn tại. Carver không hề nghĩ là nên trao quyền bính cho Trí Quang hay những Phật tử đấu tranh khác, nhưng ông cho rằng không có sự ủng hộ tích cực của giới Phật giáo thì chính sách của Mĩ không thể nào thành công được. Thật vậy, Carver mạnh dạn hàm ý rằng quyền lợi của Mĩ có thể được phục vụ tốt hơn nhờ một chiến thắng của phe Phật giáo vì “ một chính phủ trong đó quần chúng Phật tử có một tiếng nói ưu thế sẽ tạo được điểm hội tụ cho chủ nghĩa quốc gia đang vươn dậy, một chủ nghĩa nhiên hậu có thể cung ứng cho toàn bộ cơ chế quốc gia chủ nghĩa và phi cộng sản một nền móng vững chắc hơn cơ chế hiện nay đang có được ” (92). Lí luận cơ bản của Carver không có gì độc đáo ; từ lâu Trí Quang vẫn lập luận rằng Chính phủ VNCH không thể nào chiến thắng MTDTGPMN và Bắc Việt trừ phi nó có một nền móng vững chải hơn và được lòng dân hơn. Một liên minh gồm Bộ Ngọai giao, CIA, và Robert Komer có bề ngoài rất hùng hậu, nhưng chính Lodge mới thật là người đạo diễn “cuộc hí trường” vì ông là nhân vật duy nhất gặp gỡ và thảo luận thường xuyên với Kỳ và Thiệu. Tuy thỉnh thoảng Lodge cũng lắng nghe những quan ngại của Bộ Ngoại giao về cách ông đối phó cuộc khủng hoảng, nhưng ông chỉ tiếp thu một cách khiên cưỡng. Sau mỗi cuộc khủng hoảng do Trí Quang châm ngòi trước đây, các nhà hoạch định chính sách Hoa Kì luôn tìm cách tái lập quan hệ tốt đẹp với Phật giáo vì lí do hiển nhiên là phe Phật giáo không thể bị triệt tiêu khỏi bài toán đi tìm phương cách xây dựng một xã hội không - cộng sản khả dĩ đứng vững ở Miền Nam. Tuy nhiên, đối với Lodge, không còn con đường hoà giải với Trí Quang hay phe Phật giáo tranh đấu thậm chí sau khi họ đã bị quân Chính phủ VNCH đè bẹp tháng Sáu 1966. Khi Bộ Ngoại giao bày tỏ niềm thất vọng vì không có ứng viên nào từ phong trào tranh đấu Phật giáo ra tranh cử Quốc hội Lập hiến mới, mà việc triệu tập của nó vốn là một nhượng bộ quan trọng do lực lượng đối lập giành được, Lodge trả lời rằng phe Phật giáo tranh đấu không phải là một “ tổ chức đối lập trung trực ” và rằng ông chống lại mọi nỗ lực có mục đích khuyến khích họ tham dự sinh hoạt chính trị (93). Hầu như Trí Quang và phe Phật giáo tranh đấu đứng ngoài sinh hoạt chính trị Miền Nam cho đến ngày VNCH không còn tồn tại. Mark Moyar tin rằng việc Chính phủ VNCH dùng vũ lực vào mùa Xuân 1966 đã chứng minh rằng “ phe Phật giáo tranh đấu có thể bị dẹp bỏ mà không hề phương hại đến nỗ lực điều hành cuộc chiến ” (94). Có lẽ là thế, nhưng vẫn còn một lối lí giải khác là, cuộc khủng hoảng chỉ chứng minh được rằng phe Phật giáo có thể bị chính phủ dùng quân lực để đánh bại, điều này cơ bản không có ai ngờ vực. Còn liệu chính quyền Johnson và Trí Quang lẽ ra có thể đã xây dựng được một mối quan hệ phong phú, một quan hệ khả dĩ vận dụng được sức mạnh của phong trào Phật giáo để chống lại Bắc Việt và MTDTGPMN, thì điều này vẫn không rõ ràng, và chắc chắn có nhiều lí do để hoài nghi rằng một quan hệ đối tác như thế hoặc là có thể xảy ra hoặc là đáng mong muốn. Tuy nhiên, có một điều hình như ít ai đem ra tranh luận là việc triệt tiêu Trí Quang và phong trào Phật giáo năm 1966 đã giảm thiểu hơn nữa những viễn ảnh vốn đã mong manh về một chế độ không - cộng sản được lòng dân xuất hiện ở Miền Nam.

 

JAMES McALLISTER

Nguyên tác tiếng Anh : "Only Religions Count in Vietnam :

Thich Tri Quang and the Vietnam War,"

tạp chí Modern Asian Studies 42, 4 (2008), pp. 751–782

Hòa Thượng Thích Trí Quang: Tiểu truyện tự ghi

Truyện của tôi không đáng gì mà phải ghi. Chỉ vì truyện ấy, hơn vài thập kỷ trước thập kỷ 2530 (1975-1985), có liên quan đến Phật giáo VN, lại bị hư cấu truyện và phim sai quá nên phải ghi. Nhưng ghi như dưới đây thì chỉ là có còn hơn không mà thôi.

Sinh chính quán của tôi là làng Diêm điền, thuộc khu vức phía tây sông Nhật lệ, nằm phía bắc con đường cái quan nối liền cổng Quảng bình, trung tâm thành phố Đồng hới, đến tận cửa Vũ thắng, ven chân dãy núi Hoành sơn. Cả làng gốc Bắc, có lẽ di cư thời kỳ tiếp thu đất sính lễ công chúa Huyền Trân, giọng nói đặc biệt, không như cả vùng Quảng bình gốc Nghệ tĩnh. Gia đình theo Phật từ đời cố. Cha pháp danh Hồng nhật, mẹ pháp danh Hồng trí, cùng là đệ tử của ngài Đắc ân, Quốc ân tự, Huế, nguyên người Đức phổ, đồng hương mẹ tôi. Cha tôi từng là nhân viên mật của 1 trong 2 quân thứ Phan Đình Phùng ở Quảng bình.

Tôi sinh giờ thìn tức ngày 14.11 quí hợi 2467 (31.12.1923). Xuất gia vào giờ giao thừa vía đức Di lạc năm bính tý 2480 (1936). Bổn sư là ngài Hồng tuyên, đồng sư với cha mẹ tôi, sáng lập và trú trì Phổ minh tự, nơi được kể như tổ đình của Phật giáo Quảng bình mà ngày nay hầu như không còn gì.

Xuất gia 1 năm, năm sau đinh sửu 2481 (1937) tôi nhập học Phật học viện của Tổng trị sự hội Phật học, Huế. Thân giáo sư là ngài Trí độ, trưởng giả Tâm minh Lê đình Thám cũng như là 1 vị giáo sư nữa. Ngài Trí độ thọ giáo với ngài Phước tuệ, Thập tháp tự, Bình định, thọ Bồ tát giới với ngài Đắc quang, Quốc ân tự, Huế - 2 ngôi chùa này cùng do ngài Nguyên thiều, vị Tổ khai sơn Phật giáo Nam hà thời Trịnh Nguyễn phân tranh, sáng lập.

Nhập học Phật học viện từ năm 2481 (1937) đến năm 2487 (1943) thì có 1 kỳ thi khác thường. Phật học viện có học trình 10 năm: 3 năm sơ đẳng, 3 năm trung đẳng, 2 năm cao đẳng, 2 năm siêu đẳng. Mỗi năm có một kỳ thi, đề tài lấy trong kinh sách đã học năm đó. Kỳ thi 2487 (1943) là tất nghiệp trung đẳng, đột nhiên có quyết định thi hết kinh sách đã học từ năm ấy trở lui. Có vài môn thi vốn không học như thi viết luận Hoa văn, thi nói Nghi lễ mà các điệu tán là chính. Viện cho biết thi tuyển sẽ khó khăn, và trúng tuyển kỳ thi này là trúng tuyển tất nghiệp. Học trình 2 năm cao đẳng và 2 năm siêu đẳng sẽ dồn lại làm một và không thi nữa. Kỳ thi này tôi có số điểm cao nhất. Và 2 năm sau, ất dậu 2489 (1945) tại Đại tòng lâm Kim sơn, cách 1 con sông sau chùa Thiên mộ, cơ sở mới của Phật học viện, lễ tất nghiệp được tổ chức, chỉ vài ngày trước ngày Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông dương.

Sau kỳ thi 2487 (1943), Phật học viện tổ chức lễ phát nguyện thọ Sa di giới do ngài Đắc quang chứng minh, ngài Trí độ cho mỗi người 1 pháp hiệu với chứ Trí đứng đầu. Cái tên Trí quang có từ đó. Mùa hè năm ấy, ngài Hồng tuyên chính thức cho tôi pháp danh Nhật quang, pháp tự Trí hải, lại tập chúng cử tôi làm Trú trì chùa Phổ minh. Mùa hè 2489 (1945), sau khi làm lễ tất nghiệp, tôi về Phổ minh thì đến Vu lan xảy ra Cách mạng tháng tám. Giao thừa vía đức Di lạc năm sau, bính tuất 2490 (1946) ngài Hồng tuyên tổ chức truyền thọ Tỷ kheo giới và đắc pháp cho tôi với hiệu Thiền minh. Mùa xuân năm ấy, lần đầu tiên, tôi thảo đề án thống nhất Phật giáo VN, kèm theo 1 hiến chương cũng được dự thảo, gửi đến Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đường bưu điện. Nhưng mùa hè năm ấy, ngài Trí độ được Phật giáo Bắc mời ra lập Phật học viện. Tôi cũng được mời đi với ngài. Khi ra Quán sứ, việc đầu tiên là thầy Tố liên cho tôi biết Chủ tịch Hồ Chí Minh có mời thầy và trao đề án nói trên. Nhưng lúc bấy giờ đang tiến hành thành lập Phật học viện nên chưa ai có thì giờ và cơ hội làm gì về đề án đó.

Phật học viện của Phật giáo Bắc thành lập cũng khá qui mô, đặc biệt tuyển sinh chu đáo, trên 1 tháng mà đã khai giảng được 2 lớp chính. Tăng ni tu học thật đáng trọng. Nhưng không mấy chốc mà đến tháng 9 kháng chiến toàn quốc. Tôi về quê nhà Quảng bình, có tin chắc chắn Pháp sẽ đổ bộ nên mồng 8 tháng 2 năm sau, đinh hợi 2491 (1947), tôi xin ngài Hồng tuyên truyền thọ Bồ tát giới. Bấy giờ đang tản cư, người chạy giặc, đồ dấu giặc, nên 1 thầy 1 trò trước bàn Phật chỉ còn tượng ngài với bát nhang mà thôi, ngài Hồng tuyên truyền thọ Bồ tát giới cho tôi, với lời kết thúc buổi lễ như vầy: Nguyện rằng đời đời kiếp kiếp tôi với thầy được làm thầy làm bạn với nhau, truyền thọ cho nhau Bồ tát giới của Phật.

Thọ Bồ tát giới rồi, không đầy 1 tháng sau Pháp đổ bộ Đồng hới, tôi tham gia kháng chiến. Nhưng tháng 10 năm ấy, mẹ tôi bệnh nặng, 4 anh em tôi đều đi kháng chiến, người thứ 3 tử trận 1 tuần sau ngày Pháp đổ bộ, 2 người thứ 1 và thứ 4 ở xa, tôi ở gần nhà nhất nên phải về nuôi mẹ. Hôm tôi về đúng vào ngày 23 tháng 10, mãn tang cha tôi mất từ năm ất dậu. Năm sau, mậu tý 2492 (1948), tôi vào Huế, giảng dạy cho Phật học viện Báo quốc. Năm sau nữa, kỷ sửu 2493 (1949), lần đầu tiên có quyết định Tăng sĩ đảm nhận Tổng trị sự hội Phật học, thầy Đôn hậu hội trưởng, tôi phó. Cuối năm ấy, lần đầu tiên tôi vào sài gòn, ăn Tết canh dần 2494 (1950) tại đây. Dịp này cũng làm được vài việc : chung sức vận động hợp nhất 3 Phật học đường Liên hải, Mai sơn và � quang (sau đổi Ấn quang), thành lập Phật học viện Nam Việt, lại chung sức vận động thành lập hội Phật học Nam Việt. Rồi về Huế, làm chủ bút tạp chí Viên âm tái bản. Cuối năm ấy bắt đầu vận động thống nhất Phật giáo VN, có 1 phần do kích thích tố Phật giáo đồ thế giới hữu nghị thành lập tại Tích lan. Phật đản tân mão 2495 (1951), Đại hội Phật giáo Toàn quốc, gồm 2 tập đoàn Tăng sĩ và cư sĩ của 3 miền, họp tại Từ đàm, Huế, và Tổng hội Phật giáo VN được thành lập. Nhưng Tổng hội này gặp đủ thứ ma chướng: trong nhà có 3 tập đoàn thiếu hoan hỉ, ở ngoài thì chính quyền Trần văn Hữu làm khó, chính quyền Nguyễn văn Tâm sau đó càng làm khó hơn ; bảng hiệu văn phòng bị hạ, ngài Hội chủ Thích Tịnh Khiết bị buộc nạp khuôn dấu, nhân viên quản trị Trung ương người phải lánh, người bị tù. Tôi mạo hiểm nắm việc. Sau 1 năm xuôi ngược, đầu năm quí tỵ (1953), Tổng hội được thừa nhận - và đúng 10 năm sau, chính Tổng hội này là chủ chốt trong Pháp nạn quí mão 2507 (1963). Trong khi vận động cho Tổng hội Phật giáo VN được thừa nhận, có sự đề phòng không thành nên Giáo hội Tăng già Toàn quốc được thành lập bởi 3 tập đoàn Tăng sĩ của 3 miền, họp tại Quán sứ, Hà nội, năm nhâm thìn 2496 (1952).

Giáp ngọ 2498 (1954), kháng chiến chống Pháp kết thúc. Miền Nam ông Ngô đình Diệm đứng ra. Việc này được biết rõ khi hội nghị Genève sắp kết thúc. Lần chót, trước khi Nam Bắc phân cách, mẹ con tôi đã nói chuyện với nhau khá nhiều. Rốt cuộc mẹ tôi bảo, vậy là miền nam " quạ lang" vẫn hoành hành! Thôi thì con đi mà lo báo bổ cho Phật. Tôi đi, và ất mùi 2499 (1956) nhận chức vụ hội trưởng Tổng trị sự hội Phật học, vận động đổi tên Phật học ra Phật giáo, đưa Tổng hội Phật giáo VN vào đặt trụ sở ở Sài gòn. Rồi nghỉ việc cho đến quí mão 2507 (1963) nhận lại chức vụ nói trên. Với chức vụ này, Phật đản năm ấy tôi phát động, và chung sức lãnh đạo, việc chống chế độ Ngô đình Diệm.

Ông Ngô đình Diệm muốn Thiên chúa giáo của ông độc tôn, muốn anh của ông là Tổng giám mục Ngô đình Thục làm Hồng y giáo chủ, nên ông kỳ thị đàn áp Phật giáo. Ấp chiến lược chỗ thì rào chùa vào trong để hạn chế đi lại, chỗ thì rào chùa ra ngoài để tự do bắn phá. Khu trù mật thì bắt cán bộ cơ sở của Phật giáo phá nhà bỏ của mà đi. Quân dịch thì bắt Tăng sĩ Phật giáo làm những chức vụ nguy hiểm mà vô quyền, để tu sĩ Thiên chúa nắm quyền chỉ huy ngay từ hạ tầng. Giải thưởng văn chương thì thưởng cho cuốn Văn chương bình dân nội dung cốt chống Phật giáo. Chương trình tú tài C thì đổi ra toàn lý thuyết thượng đế và nhân vị, lại thêm 1 bằng ban D với cổ ngữ la tinh. Sát hại Phật tử thì có tập thể lên đến 36 người ở 1 nơi cùng 1 lúc, không còn lẻ tẻ nữa. Cả gan hủy bỏ ngày Phật đản trong danh sách ngày lễ được nghỉ của công tư chức, và danh sách này bao giờ Thiên chúa giáo cũng gấp đôi Phật giáo cả ngày và giờ nghỉ. Dụ số 10 được thêm dụ bổ túc, tăng cường sự hạ giá và kềm chế đối với Phật giáo. Rồi sửa điện Thái hòa của hoàng thành Huế thì có lưỡng long mà không có nhật nguyệt để phòng cắm thánh giá. Mọi việc xuôi xả thì tòa Hồng y giáo chủ sẽ đặt ở đó. Cái làm cho không xuôi là cờ Phật giáo. Vatican điều tra thấy Huế, địa phận của Tổng giám mục Ngô đình Thục, sao mà Phật giáo nhiều quá: Phật đản thì cờ Phật giáo đầy 2 bên đường từ Huế ra Lavang, kiệu đức mẹ thì từ Lavang vào Huế không có cờ của Vatican. Ông Ngô đình Diệm bèn bắt công chức Huế kê tên cả nhà để đưa cho anh mình báo cáo là giáo dân, và Phật đản 2507 (1963) thì triệt hạ cờ Phật giáo để Vatican thấy dân Huế theo anh mình hết rồi. Phật giáo thì suốt thời Pháp thuộc cho đến lúc đó chồng chất bao nhiêu chịu đựng. Nay thì không chịu nữa. Ngay sau khi tuyên bố như vậy, tôi gửi đến Tổng thư ký Liên hiệp quốc 1 điệp văn nêu lên tình hình vi phạm nhân quyền và kỳ thị tín ngưỡng của chế độ Ngô đình Diệm. Từ đó cho đến ngày ông bị lật đổ, mọi hoạt động trong và ngoài nước ai cũng biết không nhiều thì ít, không thể kể cho hết được. Có điều phải nói, trước và sau 1963, cho đến 1975, Phật giáo VN không bao giờ nằm trong túi ai cả, mặc dầu suốt thời gian này việc gì nổi lên mà không có sự khai thác theo ý riêng. Như bản thân tôi đây, vì ngài Quảng đức tự thiêu nên ông Ngô đình Diệm phải mời phái đoàn Phật giáo mở hội nghị với phái đoàn chính phủ, tôi phải vào Sài gòn để cùng quyết định tại chỗ những gì phái đoàn họp, theo tư thế của tôi và theo sự ủy nhiệm phải chung quyết thay ngài Hội chủ. Chuyến đi có ngài, có thầy Thiện minh và tôi, đi xe từ sân chùa Từ đàm thẳng xuống sân bay Phú bài. Ai cũng nghĩ tôi đi tiễn, khi máy bay sắp cất cánh mới biết tôi đi thì phản ứng không kịp, và việc này chỉ do sự sắp đặt khéo léo một chút của 1 Phật tử. Nhưng phi cơ thay vì vào Saigon lại lên Kontum, đậu ở đó đến 3 tiếng. Nhân viên phi hành đoàn bí mật cho tôi hay vì tôi và đang chờ Saigon quyết định. Saigon đã quyết định để bay về đây, coi như không có việc gì. Đại loại như thế, chưa bao giờ tôi thoát hiểm bởi ai mà tôi không quen biết. Ngay như tài liệu tôi gửi Liên hiệp quốc, nhiều đến 1 valy phải vài người khiêng, nhưng từ Xá lợi đi ra và qua thấu Liên hiệp quốc là do chính ông Bửu Hội, người của ông Ngô đình Nhu, khi gặp tôi thì tình nguyện giúp bất cứ việc gì giúp được.

Nhưng ông Ngô đình Diệm đổ rồi, đúng như tôi dự đoán, vấn đề Phật giáo không phải kết thúc mà là bắt đầu. Từ đây sắp đi, Phật giáo ở trong tình trạng cây muốn lặng mà gió không ngừng ; mặt khác, cường độ chiến tranh khiến Phật giáo phải chống chiến tranh. Chỉ nói vắn tắt 2 câu như vậy cũng thừa để thấy vấn đề Phật giáo ngang trái đến mức nào. Những cái gọi là Thượng hội đồng quốc gia, Quốc hội lập hiến hay Thành phần đối lập, cùng những sự lên xuống của bao chính phủ, toàn không đáng gì mà nói. Cho đến bính ngọ 2510 (1966), vấn đề đã lên cao độ. Sau 1 cuộc họp của Phật giáo, tôi nói với người MyՍ rằng Phật giáo phải chính thức vận động hòa bình, người Myՠnói với tôi rằng hòa bình là chiến tranh tàn rụi dần đi. Quan điểm tương phản đến mức đó nên phải có vụ 1966 ; có vụ ám sát thầy Thiện minh (mà không chết); có vụ âm mưu lừa tôi ra đi mà từ 1965 đã được bàn lén; có vụ cầm tù tôi ở dưỡng đường Duy tân; có vụ viện Hóa đạo của Việt nam quốc tự; có vụ hủy bỏ hiến chương của Phật giáo; có vụ ra giá nếu tôi chịu cho thu thanh 1 lời lên án việc tấn công nhân Tết mậu thân thì trả hiến chương, bỏ Tâm châu, biếu tặng quyền lợi thật hấp dẫn; có vụ bắt tôi sau đó; có vụ ly gián Phật giáo lần nữa theo kế hoạch Thiệu Trung; có vụ 1 viên tướng tưởng mình đàn áp được Phật giáo năm 1966, nhưng sau nhờ 1 viên tướng đàn anh đến vận động tôi ủng hộ cho ứng cử Tổng thống, và, cho đến nay, vẫn cho rằng mình làm Tổng thống thì miền nam không bại trận mà còn chiến thắng. Tuy có lắm vụ mà có vụ chỉ là trò bắng nhắng như vậy, nhưng từ tháng 9.1966 tôi biết đích xác Hoa Myՠsẽ quan hệ bình thường, cuộc chiến VN sẽ thương thuyết kết thúc, mọi cường độ quân sự chỉ là áp lực tranh thắng.

Ấy thế, mọi việc diễn ra có lúc đến chóng mặt. Cho đến mùa xuân 2519 (1975) thì 1 ngày mà có người 3 lần đến vận động tôi đừng chống việc ông Dương văn Minh đứng ra, " vì chính quyền của ông ấy sẽ có 7 phần 10 là người tiến bộ". Tôi không nói lại gì cả, chỉ quan tâm lời thầy Trí thủ nói, rằng chim cá còn mua mà phóng sinh, lẽ nào đồng bào mà không hy sinh cấp cứu. Rồi ông Dương văn Minh gặp tôi, đưa ra 2 mảnh giấy báo cáo mật cho thấy ngân hàng trống rỗng và quân sự nguy ngập, và nói ông không vụ lợi vì lợi không còn gì, không cầu danh vì danh đến quốc trưởng là cùng, ông chỉ không nỡ ngồi nhìn chết chóc. Tôi nói, nếu lòng ông như thế là ông làm như lời thầy Trí thủ nói, và có nghĩa ông thay người khác mà vác cờ trắng ! Sau đó mấy tháng, tôi trả lời 1 thầy Phật giáo cấp tỉnh, rằng Phật giáo VN bước qua một giai đoạn khác.

Tổng chi, tôi có tham vọng không? Có, mà có đến nỗi có người đã nói hơi chướng nữa. Tham vọng của tôi không mơ mộng Phật giáo trở lại vị thế quốc giáo như thời xa xưa, càng không muốn Phật giáo thành một Thiên chúa giáo thứ hai. Tôi chỉ mong ước trong cơn nghiêng ngửa của đất nước, ai nhìn vào Phật giáo cũng nghĩ rằng đất nước này còn có cái ấy.

Phật giáo của tôi, và tôi, đúng là

Cao cao sơn thượng hành thuyền,
thâm thâm hải để tẩu mã:
ngựa phi dưới nước,
thuyền chèo trên non.



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email  Thảo luận


Những nội dung khác:




Lên đầu trang

     Tìm kiếm 

     Tin mới nhất 
Nhận được tin vui viện trợ Mỹ được Hạ Viện chấp thuận, quân Ukraine tổng phản công đánh bom tàu ​​cứu hộ lâu đời của Nga ở Crimea
Bí mật 30-4 chưa bao giờ tiết lộ : Quân đội Mỹ và VNCH suýt bắn nhau tan nát vào giờ chót Vì Bị Bỏ Rơi
Viết về ngày Quốc Hận, 30-4-1975
Không khiếp nhược như CSVN,Philippines 'thách' Trung Quốc ra tòa quốc tế
Ukraine trước nguy cơ bị đảng Cộng Hòa của Trump bỏ rơi như VNCH thời TT Ford!
Nhiều nước thế giới cấm công dân miền Bắc CHXHCNVN nhập cảnh!
Tưởng niệm tháng tư 75
Nhân dân Pakistan chống Tàu cứu nước: Tấn công tự sát nhằm vào nhóm kỹ sư Trung Quốc, 6 người thiệt mạng
CSBK chứng tỏ tình yêu đối với Nga: đội mưa hiến máu cứu người - Phú Trọng tha thiết mời Putin thăm VN bảo đảm không bị bắt
Bấc Công Diệt Nam Cộng thu hết giang san vào tay BK độc quyền trị quốc bình thiên hạ
CHXHCNVN: Vô địch thế giới sinh viên đại học làm kinh tế: mãi dâm 4 lần được cho học
Ảnh hưởng của Nga đối với phe Trump và đảng Cộng Hoà tại quốc hội làm ngăn chân gói viện trợ vũ khí cho Ukraine để vừa lòng Putin
Nhiều thanh niên Ấn, TQ và VN đang du học, lao động hoặc định cu bị Nga bắt lính đưa ra tiền tuyến
Tưởng niệm cuộc chiến với đại cường TQ anh em môi hở răng lạnh sông liến sông núi liền núi
Tỷ lệ dân số độc thân Việt Nam và Đông Nam Á

     Đọc nhiều nhất 
Ảnh hưởng của Nga đối với phe Trump và đảng Cộng Hoà tại quốc hội làm ngăn chân gói viện trợ vũ khí cho Ukraine để vừa lòng Putin [Đã đọc: 648 lần]
Nhiều thanh niên Ấn, TQ và VN đang du học, lao động hoặc định cu bị Nga bắt lính đưa ra tiền tuyến [Đã đọc: 641 lần]
CSBK chứng tỏ tình yêu đối với Nga: đội mưa hiến máu cứu người - Phú Trọng tha thiết mời Putin thăm VN bảo đảm không bị bắt [Đã đọc: 626 lần]
Không khiếp nhược như CSVN,Philippines 'thách' Trung Quốc ra tòa quốc tế [Đã đọc: 555 lần]
Bấc Công Diệt Nam Cộng thu hết giang san vào tay BK độc quyền trị quốc bình thiên hạ [Đã đọc: 526 lần]
Nhân dân Pakistan chống Tàu cứu nước: Tấn công tự sát nhằm vào nhóm kỹ sư Trung Quốc, 6 người thiệt mạng [Đã đọc: 517 lần]
CHXHCNVN: Vô địch thế giới sinh viên đại học làm kinh tế: mãi dâm 4 lần được cho học [Đã đọc: 509 lần]
Tưởng niệm tháng tư 75 [Đã đọc: 495 lần]
Ukraine trước nguy cơ bị đảng Cộng Hòa của Trump bỏ rơi như VNCH thời TT Ford! [Đã đọc: 479 lần]
Nhiều nước thế giới cấm công dân miền Bắc CHXHCNVN nhập cảnh! [Đã đọc: 441 lần]

Trang chủ :: Tin tức - Sự kiện :: Website tiếng Việt lớn nhất Canada email: vietnamville@sympatico.ca :: Bản sắc Việt :: Văn hóa - Giải trí :: Khoa học kỹ thuật :: Góc thư giãn :: Web links :: Vietnam News in English :: Tài Chánh, Đầu Tư, Bảo Hiểm, Kinh Doanh, Phong Trào Thịnh Vượng :: Trang thơ- Hội Thi Nhân VN Quốc Tế - IAVP :: Liên hệ

Bản quyền: Vietnamville
Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút: Tân Văn.