Với việc đầu tư mạnh vào châu Á, châu Phi, châu Âu và Mỹ Latin, các công ty Trung Quốc hiện đang nắm giữ khoảng 11% tài sản toàn cầu, chỉ đứng sau Mỹ. Rõ ràng nhất là ở Mỹ Latin, khu vực láng giềng của Mỹ, một trong những trận địa chủ chốt mà ở đó khái niệm về sự cạnh tranh Mỹ - Trung. Trong một bài viết vừa đăng trên tạp chí Diplomat, Gabriela Lecaro, một nhà nghiên cứu về Mỹ Latin, cho rằng nếu xu hướng này tiếp tục, Trung Quốc sẽ vượt qua Liên minh châu Âu để trở thành nhà nhập khẩu các sản phẩm từ Mỹ Latin lớn thứ hai thế giới, chỉ xếp sau Mỹ, trong khi Mỹ đã đánh mất vị trí nhà xuất khẩu chính sang Mỹ Latin. Người Trung Quốc đang sử dụng thương mại và đầu tư làm công cụ vững chắc và lâu dài để mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị ở nước ngoài.Điều này có thể trở thành thách thức lớn đối với Mỹ trong cuộc đua khẳng định vị trí trên chính sân sau của mình.

Theo chuyên gia Lecaro, Trung Quốc chưa phải là một nền kinh tế mở theo đúng nghĩa vì nhiều ngành công nghiệp của họ (chủ yếu là công nghệ cao) vẫn được nhà nước bao bọc theo kiểu chủ nghĩa trọng thương mới. Trung Quốc khuyến khích xuất khẩu, kìm hãm nhập khẩu, kiểm soát dòng vốn và tập trung hóa các quyết định về tiền tệ. Dĩ nhiên, điều này không ngăn cản các quan chức Trung Quốc ca ngợi tự do thương mại. Nhưng trên thực tế, nước này chủ yếu nhập tài nguyên thiên nhiên và các loại hàng hóa công nghệ thấp từ Mỹ Latin cũng như liên tục rót vốn vào khu vực này.

Các công ty Trung Quốc đã đầu tư hơn 100 tỷ USD vào nhiều ngành công nghiệp ở Mỹ Latin, từ công nghệ thông tin đến sản xuất điện, khai thác dầu và kim loại. Các công ty Trung Quốc cũng cam kết tăng lượng vốn đầu tư lên mức 250 tỷ USD vào năm 2025, kết hợp với lời mời gọi tham gia sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) để cung cấp các khoản vay cho những dự án hạ tầng lớn ở Mỹ Latin.

Cơ hội lớn

Ngược với xu hướng Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Mỹ Latin, Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa xây một bức tường dọc biên giới của Mỹ với Mexico – một trong những trung tâm thương mại và đổi mới hứa hẹn nhất của Mỹ - nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn dòng người nhập cư. Tác giả Lecaro nhận định: “Nhà lãnh đạo Mỹ cũng không coi trọng xây dựng quan hệ, đặc biệt là quan hệ thương mại, với cả khu vực này. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi điều đó dẫn đến sự khó chịu và thay đổi trong suy nghĩ của người Mỹ Latin về sự đảo ngược những lợi ích mà họ có được trước đây trong quan hệ với Mỹ”.

Nhưng xu hướng này không hoàn toàn do các chính sách của ông Trump hay thậm chí người tiền nhiệm Obama. Trung Quốc bắt đầu tăng cường một cách đầy ý đồ chiến lược sức mạnh kinh tế và chính trị toàn cầu của họ ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, và hệ thống chính trị của họ cho phép theo đuổi cách làm nhất quán hơn mô hình thay đổi phe lãnh đạo liên tục ở Mỹ.

Trung Quốc không chỉ nỗ lực mở rộng sức mạnh cứng mà còn chú trọng xây dựng quan hệ song phương và kết nối về văn hóa, tức là sức mạnh mềm của họ. Dù có những bất mãn trước sự hiện diện của Bắc Kinh và lo lắng về ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc đối với cạnh tranh địa chính trị toàn cầu, nhưng không thể phủ nhận Trung Quốc đã xâm nhập khá tốt.

Lấy vấn đề hỗ trợ nước ngoài làm ví dụ. Mỹ thích cách cho vay nước ngoài kèm theo điều kiện, còn Trung Quốc đòi hỏi ít điều kiện hơn và tập trung hơn vào các cơ hội như tự do thương mại và mở rộng ảnh hưởng. Ảnh hưởng của Trung Quốc ở Mỹ Latin được thiết kế theo cách giúp xâm nhập nhiều ngành công nghiệp đa dạng, từ thương mại, nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên, du lịch, khoa học, công  nghệ, giáo dục, tư pháp, y tế hay thậm chí cả biến đổi khí hậu. Hợp tác chính trị cấp cao đương nhiên không thể thiếu, nhưng Trung Quốc theo đuổi một cách tiếp cận rộng hơn và toàn diện hơn.

Mexico ngày nay là một trung tâm kinh tế năng động, đang trong giai đoạn cải tổ cấu trúc quan trọng, và không phải tình cờ mà họ nhận được dòng đầu tư rất lớn từ Trung Quốc.

Brazil là nước xuất khẩu dầu và đậu nành lớn nhất Mỹ Latin sang Trung Quốc, còn Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil. Tương tự, Argentina có quan hệ thương mại cực kỳ mạnh mẽ với Trung Quốc kể từ khi vượt qua khủng hoảng tài chính trong những năm 1990.Trung Quốc đang đầu tư vào ngành năng lượng, khai khoáng và ngân hàng của Argentina.“Dù Tổng thống Argentina Mauricio Macri ban đầu muốn cải thiện quan hệ với Mỹ, nhưng khó có khả năng ông ấy có thể phớt lờ các thỏa thuận kinh tế lớn với Trung Quốc khi Bắc Kinh tỏ ra khôn khéo hơn nhiều so với những lời lẽ của ông Trump”, chuyên gia Lecaro bình luận.
Tuy nhiên, bà Lecaro cho rằng Mỹ vẫn còn ảnh hưởng đáng kể ở Mỹ Latin và Washington có sức mạnh của riêng họ nếu sử dụng tốt đòn bẩy.Nếu muốn đảo ngược xu hướng này và cạnh tranh với Trung Quốc, Mỹ cần tái tập trung củng cố quan hệ với khu vực.

Ngoại giao bẫy nợ

Không chỉ ở Mỹ Latin, một báo cáo độc lập do hai học giả ở ĐH Havard (Mỹ) vừa được CNN trích dẫn nói chính phủ Trung Quốc đang sử dụng các khoản nợ hàng tỷ đô la để mở rộng ảnh hưởng chính trị tại nhiều nước khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Báo cáo nêu tên 16 nước bị Trung Quốc nhắm tới với chính sách “ngoại giao bẫy nợ”, trong đó Pakistan, Djibouti và Sri Lanka được xác định là những nước dễ bị tổn thương nhất. Trong một số trường hợp, các khoản nợ lớn đến mức quá khả năng trả và Bắc Kinh dùng những khoản nợ này để “giành được các tài sản chiến lược hoặc ảnh hưởng chính trị ở các nước vay nợ họ”, báo cáo viết. Các tác giả cho rằng chính sách này giúp chính phủ Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trên khắp Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, bao vây Ấn Độ và Úc cũng như giúp củng cố vị trí của họ trên biển Đông.