Trong những ngày qua, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow đã tăng lên đáng kể do hành động xâm lược Ukraine của Nga. Một số chuyên gia Nga cho rằng, trong khi công khai tuyên bố không ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, Bắc Kinh đang lợi dụng việc Nga đối đầu với phương Tây để đẩy nhanh việc tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Nga.
Theo trang web Secretmag của Nga đưa tin hôm thứ Tư (2/3), nhà khoa học chính trị Nga Dmitri Abzalov trong một lần xuất hiện với tư cách khách mời trên chương trình “Bí mật doanh nghiệp” của phương tiện truyền thông cho biết ĐCSTQ đã bắt đầu tích cực thâm nhập vào các dự án năng lượng, tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Nga, do đó sẽ sớm trở thành quốc gia duy nhất tránh được suy thoái.
Các chuyên gia Nga chỉ ra rằng cuộc đối đầu với phương Tây đã cản trở nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga ở phía tây, và đây là cơ hội hiếm có cho Trung Quốc ở phía đông.
Vào ngày 1/3, Nord Stream 2 AG, một công ty con của Gazprom và là nhà điều hành đường ống dẫn khí Nord Stream 2, đã sa thải hơn 100 nhân viên. Một số phương tiện truyền thông phương Tây đưa tin rằng công ty đã phá sản. Nhưng một đại diện của công ty sau đó đã lên tiếng phủ nhận.
Trước đó, Nord Stream 2 AG đã bị Hoa Kỳ trừng phạt, và Đức cũng đình chỉ chứng nhận dự án đường ống dẫn khí đốt. Sau đó, giá khí đốt trên thị trường châu Âu tăng 59% lên mức kỷ lục mới hơn 2.200 USD/1.000 mét khối.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 2, Gazprom đã ký một thỏa thuận với Trung Quốc để xây dựng đường ống dẫn khí đốt Soyuz Vostok. Đây sẽ là phần mở rộng của đường ống dẫn khí đốt tự nhiên ‘Power of Siberia 2’ của Nga, có thể vận chuyển 50 tỷ mét khối nhiên liệu cho Trung Quốc qua Mông Cổ mỗi năm.
Theo ông Dmitri Abzalov, hiện tại Bắc Kinh đang cố gắng mua lại cổ phần trong các công ty năng lượng lớn của Nga để thay thế cho các cổ đông châu Âu. Trước đó, chẳng hạn, công ty dầu mỏ Anh Quốc đã buộc phải quyết định bán cổ phần Rosneft của mình và rời khỏi hội đồng quản trị của gã khổng lồ năng lượng này.
Nhà khoa học chính trị người Nga cho rằng: “Trung Quốc sẽ nỗ lực để có được các nguồn năng lượng của Nga, và việc cung cấp các nguồn năng lượng này sẽ không bị bên thứ ba cắt đứt. Vì chúng sẽ thông qua đường ống chứ không phải bằng đường biển như LNG (khí thiên nhiên hoá lỏng)”.
Nhưng ông cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể phải đối mặt với “tác dụng ngược” khi nói đến năng lượng. Do chi phí dầu khí ở châu Âu đã vượt quá giới hạn và hiện sẽ giảm xuống, nên giá khí đốt tự nhiên ở Trung Quốc sẽ tăng lên.
Ông cũng nói thêm rằng mối quan hệ chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực luyện kim, CNTT và nông nghiệp cũng sẽ được tăng cường hơn nữa, đặc biệt là khi Trung Quốc sẽ thu được nhiều đậu nành và phân kali của Nga.
Chuyên gia Nga tin rằng Bắc Kinh sẽ không bỏ lỡ cơ hội lịch sử này để Nga đối đầu trực tiếp với phương Tây và sử dụng nó để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của chính mình.
Ông Abzalov cho biết: “Dự kiến trong thời gian hai tuần, khi phần còn lại của thế giới có thể ở trong một ‘địa ngục’ lạm phát hoặc thậm chí là suy thoái, Trung Quốc có thể là quốc gia duy nhất có GDP vẫn trên 0″.
Ngoài ra, truyền thông Nga bình luận rằng, đằng sau sự ủng hộ công khai đối với Nga, Bắc Kinh đã âm thầm tham gia vào các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Tư cho biết nước này “kiên quyết phản đối mọi biện pháp trừng phạt bất hợp pháp, đơn phương chống lại Nga” và có kế hoạch tiếp tục hợp tác với Nga trong lĩnh vực thương mại.
Theo Bloomberg, ít nhất hai ngân hàng lớn của Trung Quốc đã hạn chế quỹ mua hàng hóa của Nga sau chiến dịch quân sự của Nga chống lại Ukraine. Những hạn chế này liên quan đến việc đình chỉ phát hành thư tín dụng mệnh giá đô la Mỹ.
Hoa Kỳ hôm Chủ nhật (27/2) đã kêu gọi Trung Quốc lên án hành động xâm lược Ukraine của Nga. Người phát ngôn Toà Bạch Ốc Psaki cho biết trong một cuộc phỏng vấn với MSNBC rằng Bắc Kinh đã thực hiện một số biện pháp trừng phạt mà Hoa Kỳ và các đồng minh đã áp đặt lên Nga liên quan đến cuộc xâm lược của Nga, đồng thời lên tiếng ủng hộ chủ quyền của Ukraine vào tuần trước.
Truyền thông Nga lưu ý rằng, như người phát ngôn Toà Bạch Ốc nói, Bắc Kinh thiên về tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ nên sẽ không thực sự giúp Nga đối phó với sức ép từ phương Tây. Theo Epoch Times
Chiến tranh Ukraina: Nga ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế - RFI
Tình hình nóng bỏng tại Ukraina với việc Nga dồn quân đến bao vây thủ đô Kiev, trong bối cảnh người Ukraina cố tìm cách tổ chức kháng cự, là đề tài được tất cả các báo Pháp ra ngày hôm nay, 02/03/2022 đưa lên thành tựa lớn trang nhất. Tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga cũng được phân tích, với một hậu quả được hầu hết các báo nêu bật: Nước Nga chưa bao giờ bị cô lập như hiện nay.
Như để nhấn mạnh đến tính chất nghiêm trọng của tình hình, Le Monde, nhật báo uy tín nhất tại Pháp, đã dành một “ấn bản đặc biệt” cho hồ sơ Ukaraina. Ngay trên trang nhất, dưới tựa lớn chạy dài trên 5 cột báo: “Nước Nga bị cô lập, Kiev chờ đợi cuộc tấn công”, tờ báo cho đăng một bức ảnh cho thấy một “chiến hào” tại thủ đô Ukraina với lính trang bị súng chống tăng, bên dưới là cảnh đông người tại nhà ga trung tâm của Kiev, và cảnh người tình nguyện đang chế tạo bom xăng trong một căn hầm trú ẩn.
Lo ngại cho Kiev và Ukraina dưới làn bom đạn Nga
Nhật báo Công Giáo La Croix có cái nhìn bi quan hơn Le Monde, ghi nhận trong tựa lớn trang nhất: “Thành phố Kiev bên bờ vực thẳm”. Theo tờ báo, kể từ hôm qua (01/03), Quân Đội Nga đã gia tăng cường độ của điều mà họ gọi là chiến dịch “tấn công quân sự” vào Ukraina, bao vây hầu như là hoàn toàn thủ đô nước láng giềng, bất chấp việc đã gây thêm nhiều tổn thất đối với thường dân Ukraina.
Tờ báo thiên hữu Pháp Le Figaro cũng nêu bật trong tựa lớn trang nhất nguy cơ đang rình rập thủ đô Ukraina: “Putin khởi động chiến dịch bao vây Kiev”. Tờ báo nhận thấy là Nga đang ồ ạt chuyển vận các phương tiện vũ khí hạng nặng đến cửa ngõ thủ đô Ukraina cũng như nhiều thành phố khác. Bom đạn Nga đã rơi xuống các khu dân cư và phá hỏng tháp truyền hình của Đài Quốc Gia Ukraina.
Nhật báo thiên tả Libération thì chú ý nhiều hơn đến khía cạnh nhân đạo của cuộc chiến qua tựa lớn trang nhất: “Cảnh chia ly” dưới một tiểu tựa “700.000 người tị nạn Ukraina”, trên nền một bức ảnh cho thấy một cặp nam nữ đang đứng trên sân ga sát một toa tàu hỏa, chàng trai vẻ mặt ân cần, đang nắm tay cô gái có vẻ như đang khóc.
Ngay dưới hàng tựa, tờ báo giải thích: “Cảnh hoảng loạn, tình trạng gia đình ly tán, trên khắp đất nước Ukraina những đám đông sợ hãi, vào hôm qua thứ Ba, đã cố gắng tìm ra một chuyến tàu để chạy trốn bom đạn”.
Cái giá Nga phải trả: Bị cả các nước trung lập trừng phạt
Tờ báo kinh tế Les Echos dĩ nhiên đã tập trung nói về các hậu quả kinh tế thương mại của chiến sự tại Ukraina, đặc biệt đối với các doanh nghiệp Pháp và phương Tây. Tờ báo chạy tưa: “Ukraina: Cái giá của xung đột”.
Có lẽ cái giá lớn nhất mà nước Nga hiện đang phải trả sau khi xua quân xâm lược Ukraina bất chấp luật lệ quốc tế là tình trạng nước này ngày càng bị cô lập thêm trên trường quốc tế. Một ví dụ điển hình đã được Le Monde nêu rõ trong bài: “Chiến tranh ở Ukraina: Đến lượt Thụy Sĩ, vốn trung lập, trừng phạt Nga”.
Theo Le Monde, thay đổi thái độ của Thụy Sĩ rất đáng chú vì cho đến gần đây, trung thành với truyền thống trung lập nổi tiếng của đất nước, chính quyền Thụy Sĩ luôn luôn từ chối áp dụng các biện pháp trừng phạt mà quốc tế kêu gọi.
Ngay cả Thụy Sĩ cũng tham gia trừng phạt kinh tế
Ngay từ năm 2014, khi Phương Tây quyết định trừng phạt Nga về việc sáp nhập vùng Crimée của Ukraina, Thụy Sĩ đã từ chối đi theo với lý do mình là một quốc gia trung lập và có thể đóng vai trò một trung gian hòa giải tốt giữa các bên tranh chấp. Quan điểm này đã tiếp tục được duy trì khi Nga bắt đầu xua quân tấn công Ukraina.
Thế nhưng, như Le Monde ghi nhận, thái độ chần chừ của chính quyền đã vấp phải phản ứng bất bình ngày càng tăng cả ở Thụy Sĩ lẫn nước ngoài, đặc biệt với hai cuộc biểu tình lớn ở Genève và thủ đô Bern ngày 26/02 vừa qua.
Trước áp lực càng lúc càng tăng của công luận, chính quyền Liên Bang Thụy Sĩ hôm 28/02 vừa qua đã phải loan báo quyết định tuân thủ tất cả các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu đối với Nga và sẽ đóng băng tài sản của những đối tượng bị nhắm.
Đối với báo chí Thụy Sĩ, dù muộn màng, nhưng thà “trễ còn hơn không”, chính quyền Bern đã có được “một quyết định quan trọng sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử trung lập của Thụy Sĩ”.
Theo Le Monde, ngoài ý nghĩa “cách mạng” kể trên, quyết định tham gia trừng phạt của Thụy Sĩ sẽ rất tai hại cho chế độ Putin vì quốc gia vùng núi Alpes này là một trung tâm trong hệ thống tài chính và dầu mỏ của Nga.
Phần Lan và Thụy Điển bỏ tư thế trung lập, giúp vũ khí cho Ukraina
Cũng nhấn mạnh đến việc nước Nga của Putin ngày càng bị cô lập thêm, báo Le Figaro đã nêu lên ví dụ của hai nước gọi là trung lập khác trong bài: “Ở Phần Lan và Thụy Điển, lập trường trung lập không còn phù hợp vào thời điểm này”.
Đối với Le Figaro, Phần Lan là một nước có truyền thống không xuất khẩu vũ khí sang các vùng có xung đột. Thế nhưng, Thứ Hai vừa qua, Helsinki đã ra tuyên bố cho biết họ sẽ gửi cho quân đội Ukraina 2.500 khẩu súng tấn công, 1.500 súng phóng tên lửa, cùng với đạn dược và khẩu phần ăn ở chiến trường.
Trước Phần Lan, nước láng giềng Bắc Âu của họ là Thụy Điển, vào tối Chủ Nhật, cũng cam kết cung cấp 5.000 súng phóng tên lửa chống tăng do nước này sản xuất cho quân đội Ukraina, cùng với 5.000 mũ sắt và áo giáp chống đạn, với tổng chi phí là 40 triệu euro. Ngoài ra, Stockholm sẽ cung cấp thêm 50 triệu viện trợ nhân đạo cho các nạn nhân Ukraina của cuộc xung đột.
Đây là quyết định chưa từng có của Thụy Điển kể từ năm 1939, quốc gia này viện trợ cho láng giềng Phần Lan ... bị Liên Xô của Stalin tấn công, nhưng đối với nữ thủ tướng Thụy Điển, bà Magdalena Andersson, “quyết định đặc biệt” đó là phản ứng trước một “tình huống ngoại lệ”, trước một mối đe dọa hiện đang đè nặng lên “toàn bộ hệ thống an ninh châu Âu”.
Thủ tướng Thụy Điển khẳng định: “An ninh của chúng ta sẽ được bảo đảm tốt hơn khi hỗ trợ khả năng tự vệ của Ukraina”, điều đã được bộ trưởng Quốc Phòng Peter Hultqvist nhấn mạnh khi ông cho rằng: “Cuộc đấu tranh của Ukraina cũng là cuộc đấu tranh của chúng ta”.
Le Figaro cũng nêu lên một ví dụ khác về lập trường dù vẫn lững lờ của Thổ Nhĩ Kỳ để cho thấy là Nga càng lúc càng bị cô lập. Trong bài “Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa eo biển Bosphorus đối với tàu chiến Nga”, tờ báo Pháp cho rằng đây là sự đáp ứng miễn cưỡng của Ankara trước yêu cầu của Ukraina, muốn Thổ Nhĩ Kỳ ngăn tàu Nga qua lại Biển Đen. Hôm 28/2, như vậy là Ankara tuyên bố đóng cửa eo biển Bosphorus và Dardanelles đối với tàu chiến mọi nước, kể cả tàu Nga.
Đồng Rúp mất giá, dân Nga đổ xô mua ngoại tệ và hàng điện tử
Nếu các biện pháp hỗ trợ Ukraina trên phương diện quân sự chưa thể có tác dụng trước mắt, thì các biện pháp trừng phạt tài chánh của phương Tây đối với Nga đã cho kết quả trông thấy như ghi nhận của thông tín viên báo Le Monde tại Matxcơva trong bài: “Dân Nga bắt đầu bồn chồn lo lắng trước cuộc khủng hoảng”.
Theo Le Monde, dù vẫn chưa biết rõ tổng số các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga, cũng như tầm mức tác hại của chúng trên nền kinh tế Nga, nhưng câu hỏi được đặt ra là liệu khả năng chống đỡ nổi tiếng của Nga có bị suy yếu hay không. Thế nhưng, điều rõ nét, theo tờ báo, là cho dù chưa có tình trạng hoảng loạn, nhưng tại Nga đã xuất hiện tâm trạng bồn chồn, lo lắng nơi người dân, mà dấu hiệu đầu tiên là những cái đuôi dài của những người xếp hàng trước các máy rút tiền ATM đôi khi đã khô cạn.
Tờ báo Pháp ghi nhận là trong những ngày cuối tuần qua, người Nga đã đổ xô vào việc mua ngoại tệ để bảo đảm an ninh tài chánh cho mình. Vào hôm Thứ Hai, nhiều nhà cung cấp đã hạn chế số tiền rút ra, ngay cả đối với đồng rúp.
Theo Le Monde, vào năm 2014, sau khi các lệnh trừng phạt đầu tiên được áp đặt đối với cuộc chiến ở Ukraina và việc sáp nhập Crimée, không có động thái nào như vậy được quan sát thấy. Giới quan sát cho rằng cú sốc được dự đoán có thể tương tự như năm vào 1998 khi nổ ra một cuộc khủng hoảng tài chính mà chấn thương vẫn còn hiện hữu ở Nga.
Có một chỉ số khác mà người Nga, gần như theo bản năng, luôn theo dõi. Đó là tỷ giá hối đoái của đồng đô la và đồng euro, được hiển thị bằng các ký tự phát sáng trên các đường phố, trên cửa sổ của các cở sở đổi tiền. Tỷ giá 100 rúp ăn 1 đô la chưa bao giờ bị vượt quá trong lịch sử. Thể nhưng hôm Thứ Hai, ngày 28 tháng 2, tỷ giá này đã lên đến 109 rúp, trong lúc đồng euro lên tới 127 rúp.
Ở một quốc gia mà 43% người dân nói rằng họ không có tiền tiết kiệm, tác động có thể rất tàn khốc, trong bối cảnh giá các mặt hàng thiết yếu đã tăng mạnh trong một năm và mức sống giảm liên tục kể từ năm 2013. Le Monde nhận thấy là giá hàng điện tử hoặc ô tô đã tăng vọt. Từ ngày 25 tháng 2, người Nga đã đổ xô vào các cửa hàng điện tử để mua hàng về trữ, nhằm đề phòng khủng hoảng. Giá mặt hàng đã bị người bán thay đổi giá nhiều lần trong ngày.
Tờ báo Pháp nêu bật tuyên bố rất mạnh của bộ trưởng kinh tế Pháp Bruno Le Maire khẳng định rằng: “Chúng ta sắp gây ra sự sụp đổ của nền kinh tế Nga”.
Tác hại ngược của trừng phạt trên doanh nghiệp châu Âu
Cũng trong địa hạt tác động kinh tế, nhật báo Les Echos đặc biệt quan tâm đến tác hại ngược lại của các biện pháp trừng phạt Nga cũng như của cuộc chiến Ukraina trên các doanh nghiệp Pháp nói riêng và phương Tây nói chung.
Đối với Les Echos, các công ty của Pháp có mặt ở Ukraina đang phải đối mặt với rủi ro pháp lý và sự an toàn của nhân viên của họ.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp, bị bất ngờ trước cuộc xung đột hiện phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: bỏ đi hay ở lại. Còn các các nhà đầu tư phương Tây, bị mắc kẹt với các lệnh trừng phạt quốc tế, đang gặp khó khăn trong việc bán chứng khoán của họ. Riêng bộ kinh tế Pháp đã thành lập một đội đặc nhiệm để truy lùng tài sản của các nhà tài phiệt Nga thân cận với Điện Kremlin.
Chiến tranh Ukraina: Hàng hóa Nga bị tẩy chay tại phương Tây trừ TQ, VN
Người Pháp có rượu vang Bordeaux, người Nga thích rượu vodka. Do là biểu tượng gắn liền với nước Nga, cho nên rượu vodka là sản phẩm đầu tiên bị các nước Âu Mỹ tẩy chay để phản đối Nga xâm chiếm Ukraina. Song song với các đòn trừng phạt tài chính, phong trào tẩy chay hàng Nga đang lan rộng tại phương Tây, cho dù biện pháp này mang tính tượng trưng, hơn là có hiệu quả kinh tế.
Vào lúc tình hình chiến sự Ukraina vẫn chưa giảm cường độ, số tập đoàn kinh doanh cũng như các cơ quan văn hóa cắt đứt quan hệ hợp tác với Nga đang tăng từng ngày. Theo tuần báo Pháp Capital, một số sản phẩm Nga có bán ngoài siêu thị hay tại các cửa hàng bách hóa bắt đầu bị người tiêu dùng ở phương Tây tẩy chay như sữa đặc, đồ hộp, bánh kẹo, súp solianka, cá trích ngâm giấm, hay dưa chuột chua ngọt zakuski … Nhưng có hai sản phẩm nổi tiếng của Nga bị tẩy chay mạnh nhất là trứng cá muối caviar (kể cả hai loại trứng cá đỏ cũng như caviar đen) và đặc biệt là rượu vodka.
Phản ứng nhanh chóng từ các quốc gia Bắc Mỹ
Tại Bắc Mỹ, các cơ quan kiểm soát rượu trên lãnh thổ Canada như cơ quan SAQ ở Québec, BC Liquor Stores ở British Columbia hay LCBO của bang ontario đồng loạt rút các loại rượu mạnh của Nga khỏi hàng ngàn cửa hàng trên toàn lãnh thổ. Các bang khác như Manitoba và Terre-Neuve et Labrador cũng đã ban hành quyết định tương tự.
Về phía Hoa Kỳ, có ít nhất 4 thống đốc bang Ohio, Virginia, Utah, New Hampshire đã yêu cầu hệ thống các cửa hàng bán rượu ngưng phân phối các thương hiệu vodka của Nga, chừng nào chưa có thông báo mới. Đó là các hiệu Beluga, Imperia và Russian Standard. Tính trung bình, mỗi bang có một hệ thống hàng trăm cửa hàng phân phối được đặt dưới quyền kiểm soát của cơ quan chính quyền.
Còn tại New Zealand, một trong những chuỗi cửa hàng lớn nhất chuyên bán bia rượu cũng như các thức uống có cồn cũng đã ra lệnh thu hồi hàng ngàn chai vodka của Nga. Thay vì bị để trống, các kệ hàng lại được lấp đầy bằng những lá cờ hai màu xanh vàng của Ukraina.
Trong khi đó, tập đoàn Endeavour, với doanh thu hàng năm hơn 12 tỷ rưỡi đô la Úc (9 tỷ đô la Mỹ), thông báo các chuỗi cửa hàng rượu lớn nhất của Úc là Dan Murphy's và BWS cũng đã ngừng bán tất cả các sản phẩm xuất xứ từ Nga.
Bắc Âu đi đầu trong việc tẩy chay hàng của Nga
Tại Bắc Âu, Thụy Điển và Phần Lan là hai nước từ lâu có truyền thống trung lập, nhưng giờ đây lại có biện pháp mạnh mẽ và triệt để nhất. Báo kinh tế Les Échos trích dẫn phát ngôn viên Anu Koskinen của tập đoàn Phần Lan Alko cho biết công ty độc quyền về rượu đã ngưng phân phối hơn 40 thương hiệu của Nga trong số hàng ngàn sản phẩm có cồn. Tập đoàn này cũng phân phối đủ loại gam sản phẩm, trong đó có vài hiệu vodka thượng hạng của Nga với giá gần 500 đô la một chai, loại hàng này từ nay không còn được bày bán. Chuỗi siêu thị S-ryhmä của Phần Lan cũng đã rút đi khoảng 50 sản phẩm nhập khẩu từ Nga. Quyết định ngưng phân phối được áp dụng trên toàn lãnh thổ, cho tới khi có thông báo mới.
Ở nước Thụy Điển láng giềng, công ty nhà nước Systembolaget độc quyền bán lẻ các thức uống từ 3,5 độ cồn trở lên đã ngưng hẳn vô thời hạn việc kinh doanh hàng Nga. Chuỗi cửa hàng bách hóa số một của Thụy Điển ICA Gruppen ngoài bia rượu còn ngưng phân phối các mặt hàng tiêu dùng khác nhập từ Nga. Đan Mạch cũng đã có hành động tương tự. Tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước này là Salling Group cũng đã loại trừ toàn bộ sản phẩm tiêu dùng của Nga ra khỏi hệ thống phân phối từ kem đánh răng, xà phòng, sữa hộp, phô mai mềm, bánh kẹo, sô cô la, cho tới rượu vodka.
Một số chuỗi siêu thị quốc tế có chi nhánh tại Ba Lan, Hungary hay Rumani, như Carrefour và Aldi, cũng đã tham gia vào phong trào tẩy chay các mặt hàng tiêu dùng của Nga. Thay vì bán rượu vodka Nga, các công ty này chuyển sang khai thác các hiệu vodka của Ukraina là Kozak hay Vektor. Tuy nhiên, nhìn chung, các thương hiệu này do chưa hiện diện đông đảo như trường hợp của Auchan với hơn 350 siêu thị trên toàn lãnh thổ nước Nga, cho nên ban giám đốc tập đoàn đã không ngần ngại lấy quyết định mạnh bạo hơn.
Theo công ty nghiên cứu thị trường IWSR Drinks Market, có trụ sở tại Luân Đôn, được báo Les Échos trích dẫn, việc ngưng bán vodka của Nga chỉ mang tính tượng trưng, chứ ít có tác động chiến lược. Đối với tập đoàn Phần Lan Alko, vodka của Nga chỉ chiếm 0,5% doanh thu của công ty này. Còn trong trường hợp của Mỹ, vodka của Nga chiếm chưa tới 1% tổng giá trị nhập khẩu rượu mạnh vào Hoa Kỳ (1,5 tỷ đô la mỗi năm). Trên thực tế, hơn một nửa lượng vodka tiêu thụ tại Hoa Kỳ đều được "sản xuất trên đất Mỹ", chủ yếu cũng vì vodka cũng như whisky, gin hay rhum là tên gọi chung, chứ không phải là một nhãn hiệu cầu chứng (hay đặc sản gắn liền với địa danh) cho nên Anh, Pháp hay Mỹ đều có thể sản xuất vodka.
Vodka nhập từ Nga ? Nhầm lẫn xung quanh các thương hiệu
Các quán rượu ở Anh, Đức hay Hà Lan cũng bắt đầu ngưng bán các loại rượu vodka, trong đó có hiệu Stolichnaya. Mặc dù được quảng cáo là vodka chính gốc của Nga, Stolichnaya bắt nguồn từ Nga và được làm theo đúng ''công thức'' của Nga, nhưng khâu chế biến và đóng chai lại được thực hiện ở nhà máy chưng cất Latvijjas Balzams, ở thủ đô Riga thuộc cộng hòa Latvia. Được thành lập vào năm 2013, tập đoàn Stoli Group nổ tiếng nhờ Stolichnaya và nhất là hiệu vodka cao cấp Elit (cũng như hiệu tequila Cenote, gin Tulchan hay rhum Bayou) buộc phải đăng thông điệp ủng hộ Ukraina. Tập đoàn này nhắc nhở Stoli Group không có bất kỳ hoạt động nào ở Nga, mà lại có mặt ở Ukraina cũng như ở nhiều quốc gia khác.
Một thương hiệu nổi tiếng khác là Smirnoff được thành lập vào năm 1864 tại Nga, nhưng kể từ năm 1934 lại di dời cơ sở sản xuất sang Mỹ. Từ giữa thập niên 1980 trở đi, thương hiệu này do tập đoàn Diageo của Anh nắm giữ. Diageo là một trong những công ty hàng đầu thế giới về rượu mạnh, ngoài Smirnoff, còn được biết đến nhờ sản xuất rượu whisky Johnny Walker và hiệu bia nâu Guinness. Riêng hiệu vodka Smirnoff giờ đây có chi nhánh được sản xuất tại nhiều nơi kể cả Pháp và Hoa Kỳ. Thụy Điển cũng nổi tiếng trên khắp thế giới nhờ dòng sản phẩm Absolute mà hầu như rất nhiều quán bar đều đưa vào trong thực đơn các loại cocktail như một loại thức uống pha chế sành điệu tuyệt đối.
Về phía Pháp, các công ty như Grey Goose, Mont Blanc hay Gallant từ lâu đã muốn chen chân vào phân khúc cao cấp của thị trường rượu mạnh và đi tìm một nét riêng biệt so với vodka Nga. Nếu như đa số các loại vodka hoàn toàn do Nga sản xuất như Kubanskaya, Moskovskaya, Narodnaya, Ruskova, Stolnaya… thường được chế biến từ ngũ cốc, khoai tây, lúa mì hay lúa mạch đen, thì đổi lại các công ty Pháp đi tìm những ''hương vị'' khác, như thảo mộc, hạt ngô với mật ong, hay trong trường hợp của hiệu Cîroc là vodka chế biến từ giống ''nho trắng'' (mauzac blanc) và như vậy dễ kết hợp thêm với hương vị trái cây như mận, đào hay dâu tây.
Theo công ty nghiên cứu thị trường IWSR Drinks Market, các tập đoàn quốc tế giờ đây mua đi bán lại rất nhiều thương hiệu, cho nên càng khó thể nào phân biệt loại sản phẩm nào là thật sự của Nga 100%. Các tập đoàn phân phối Âu Mỹ có thể hiểu rõ nguồn gốc, nhưng người tiêu dùng chưa chắc gi đã biết xuất xứ của sản phẩm. Các đợt tẩy chay hàng hóa nhập khẩu trong thời kỳ có tranh chấp xung đột chẳng có gì là mới, nhưng hẳn chắc là sẽ có một vài trường hợp như Stoli Vodka hay Smirrnoff bị ''tẩy chay'' nhầm, dù không phải là hàng Nga.
Chính phủ, đảng tướng lãnh CS Việt Nam ủng hộ Nga xâm lược Ukraine
Tướng Việt Nam ủng hộ Nga xâm lược Ukraine
Nga xâm lược Ukraine và mối hoạ từ Trung Quốc ở Châu Á
Cuộc khủng hoảng Ukraine ngày 24/2 đã có diễn biến đột ngột. Sau khi tuyên bố sáp nhập Luhansk và Donetsk ở miền Đông Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin không những tiến quân vào hai khu vực này mà còn phát động cuộc tấn công quân sự đồng bộ vào nhiều thành phố của Ukraine, bao gồm thủ đô Kiev.
Các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu tuyên bố nhiều biện pháp trừng phạt hơn đối với Nga; Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triệu tập cuộc họp khẩn cấp, Tổng thư ký Antonio Guterres kêu gọi Tổng thống Nga Putin chấm dứt hành động quân sự. Cuộc khủng hoảng đã khiến cho thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc, giá năng lượng và lương thực tăng mạnh, trật tự hòa bình dựa trên luật lệ được hình thành sau Chiến tranh Lạnh đứng trước thách thức chưa từng có.
Khi Nga triển khai xe tăng tiến vào lãnh thổ Ukraine, cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine làm trấn động thế giới với mối đe dọa và nguy cơ còn nguy hiểm hơn cả ở Eo biển Đài Loan. Nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tái thống nhất Đài Loan bằng vũ lực đã trở nên "gặp thời" hơn.
Việc Nga xâm lược Ukraine tạo ra những tiền lệ đáng báo động cho các quốc gia khác hiện đang có tranh chấp. Cho đến nay, Trung Quốc chỉ mới đang đe dọa Đài Loan và các quốc gia khu vực Biển Đông, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa tiến gần tới những gì mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm. Không có việc tập hợp hàng trăm nghìn quân, hàng nghìn xe tăng và máy bay chiến đấu trên bờ biển Trung Quốc.
Nhưng nếu bạn là Tập Cận Bình, bạn sẽ thích thú và vui mừng khi chứng kiến những hành động của Putin. Nếu Putin có thể làm được điều này, chẳng có lý do gì Trung Quốc không thể làm điều tương tự với Đài Loan hay với các thực thể thuộc Trường Sa trên Biển Đông. Phương Tây đứng yên (theo quan điểm của Trung Quốc) bất lực khi Nga chia cắt Ukraine và biến nước này trở thành một thuộc địa của Nga. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất chú ý tới điều này. Ngoài ra, ông Tập Cận Bình cũng nhìn thấy và hiểu rõ những tham vọng của Putin về việc đưa đất nước Nga trở lại vinh quang trước đây. Tham vọng đó không chỉ là khôi phục sự vĩ đại của Liên bang Xô Viết cũ, mà còn là sự vĩ đại của các Sa hoàng. Ông Tập Cận Bình cũng có những tham vọng lớn lao không kém. Bất kỳ ai có thể một mình đương đầu với truyền thống lâu đời của Trung Quốc về việc kế nhiệm và tự trao cho mình quyền lực cai trị vĩnh viễn sẽ có tầm nhìn của riêng mình về sự vĩ đại của cá nhân. Ông Tập Cận Bình cũng muốn khôi phục sự vĩ đại trước đây của đế quốc Trung Hoa. Ông cũng có tham vọng muốn Trung Quốc thống trị các vùng biển và triển khai sức mạnh của Trung Quốc trên toàn thế giới.
Thái độ của mấy ông tướng Việt Nam đối với vấn đề Ukraina
Việc Nga xâm lược Ukraina đã tạo một tiền lệ nguy hiểm khi một số người cho rằng Trung Quốc có thể dựa theo logic đó để xâm lược Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam mặc dù đề cao “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, nhưng trước lợi ích với Nga đã không dám lên tiếng tố cáo hành vi xâm lược này của Nga. Đã vậy, lực lượng tuyên giáo lại tiếp tục bịt miệng báo chí và dư luận Việt Nam trước sự thật trần trụi là Nga đã xâm lược Ukraina. Các phóng viên cho biết tuyên giáo Việt Nam đã yêu cầu các báo không được dùng từ “xâm lược” cho hành động quân sự của Nga ở Ukraina.
Nhà văn Tạ Duy Anh đăng trên FB của mình: “TÍNH ĐẾN GIỜ NÀY:
-Báo chí Việt vẫn bảo vệ vững chắc cụm từ "Chiến dịch quân sự đặc biệt" thay cho từ Chiến tranh xâm lược.
-Các hội đoàn Nhà nước nuôi vẫn ngoan ngoãn nằm gọn trong vòng tay cấp trên để không có bất cứ sự vượt rào nào trong thể hiện thái độ về cuộc chiến do Putin tiến hành chống lại 4/5 nhân loại.
Chúc mừng Ban tuyên giáo và các đồng nghiệp.”
Thêm nữa, các dư luận viên “cao cấp” - vốn là các tướng lĩnh (nhưng không hiểu rõ bản chất của nước Nga thời Putin) nên còn đưa ra các luận điệu nhằm “đánh bùn sang ao”, làm dư luận rối trí. Ví dụ, Trung tướng dư luận viên Nguyễn Thanh Tuấn thì viết rằng:
“Đã thế vì sức épcủa Mỹ Tổng thống Zelenxki (Zelensky) không chịu thực hiện thỏa thuận Noocmandi (Normandy treaty) tìm biện pháp hoà bình thống nhất đất nước mà đẩy mạnh xây dựng quân đội, phát triển quân sự với ý định gia nhập NATO dựa vào Mỹ để thu hồi các vùng đã mất và ly khai, đối đầu chống Nga, cùng Mỹ bao vây kiềm chế làm suy yếu nước Nga. Một chính quyền chấp nhận phụ thuộc Mỹ đã đẩy Ucraina (Ukraine) đến hoàn cảnh như hiện nay.
Với Nga hay bất cứ nước nào như Nga cũng không thể chấp nhận một nước láng giềng gần gũi cùng chung biên giới quay lưng cùng các nước khác chống mình , đặc biệt Nga càng không thể bị nhiều lần phản bội nên họ cần có biện pháp ngăn chặn xoá bỏ nguy cơ đưa chiến tranh đến với nước mình .
Từ nguy cơ trên Nga đã phát động chiến dịch Quân sự đặc biệt nhằm chống quân sự hóa và phát xít hoá ở Ucraina (Ukraine), với mục tiêu này ngày 24/2 Nga đã tiến công Ucraina như chúng ta đã biết.” (1)
Thiếu tướng Lê Văn Cương thì khẳng định như đinh đóng cột: “Tổng thống Putin đã tuyên bố: Thứ nhất, Nga không xâm lược, không cướp đất của Ukraine; Thứ hai, Nga không đánh vào dân thường Ukraine vì người Ukraine và người Nga cùng một chủng tộc, chung tổ tiên, dòng máu. Tôi tin tuyên bố ấy là đúng mức và ông Putin sẽ làm như vậy.” (2)
Cũng cùng ý kiến đó, Trung tướng Nguyễn Đức Hải cũng khẳng định: “Nga nhấn mạnh rằng không xâm lược các nước láng giềng khác mà chỉ đáp trả mối đe dọa từ Ukraine. Nga muốn thực hiện phi quân sự tiềm lực quân sự của Ukraine, vì thời gian gần đây Nga hiểu rằng tiềm lực quân sự từ bên ngoài trực tiếp hỗ trợ, hiện đại hóa cho Ukraine.” (3)
Với logic suy luận của tướng Tuấn, thì việc Trung Quốc đe doạ khi Việt Nam xích lại gần trong quan hệ với Mỹ, và Việt Nam phải “ngoan ngoãn” chấp thuận, đó là điều đương nhiên chăng? Còn đối với tướng Cương và tướng Hải, các ông nghĩ sao về việc Trung Quốc nếu tấn công các tiền đồn mà Việt Nam đang chiếm giữ ở Trường Sa, và khẳng định đó không phải là xâm lược mà chỉ là “thu hồi” những gì thuộc Trung Quốc, như họ đã và đang rêu rao. Còn nhớ, chiến tranh Biên giới năm 1979, khi mà Trung Quốc tấn công sáu tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam, Trung Quốc cũng “biện minh” rằng: đây là cuộc chiến tranh tự vệ của Trung Quốc trước Việt Nam. Nếu theo logic này, khi Trung Quốc tấn công Việt Nam, sẽ không có quốc gia nào trên thế giới cần phải lên tiếng ủng hộ Việt Nam hết, vì đâu có chuyện Trung Quốc xâm lược Việt Nam đâu.
Hãy nghe Cựu Phó Đô đốc, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân Việt Nam, Thiếu tướng Đỗ Minh Thái nói về vấn đề này trên FB của ông ta: “…Năm 1978 bộ tam sang ký hiệp ước, nhưng 1979 tàu khựa vẫn đánh ta, niềm tin về sức mạnh Liên Xô phai nhạt là tất yếu?
Năm 1988 xảy ra vụ Trường Sa và thảm sát Gạc Ma. Lãnh đạo Hải Quân bức xúc vì Hải Quân Liên Xô ở Cam Ranh án binh bất động, không chia sẻ thông tin. Họ trả lời vì... không có lệnh của cấp trên…
Sau này nhiều lần làm việc, họ luôn nói sẵn sàng giúp đỡ ta, nhưng nếu không thanh toán hợp đồng đúng hạn thì còn khuya nhé, chưa kể hợp đồng nào cũng có rất nhiều phát sinh và bổ sung hợp đồng, tức là thêm tiền…
Nhưng phản cảm nhất là chuyến thăm của lãnh đạo ta năm 2014. Đến Moscow đón rất lạnh nhạt, mấy ngày sau bác cả phải bay xuống Xochi mới gặp đối tác để ký các văn kiện! Riêng văn kiện tôi chịu trách nhiệm, đã xong bản in để ký, họ nói phải sửa... Tôi nhẹ nhàng: Giờ sửa cũng ok, nhưng sẽ không thể ký lần này! Lúc đó họ mới thôi yêu sách. Khi đoàn đến Minsk, TT trải thảm đỏ đón và tiễn đoàn, mới thấu hiểu về người Nga mới.
Những chuyện này cũng mới chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Thế nên chiến tranh với Ukraina cần được nhìn nhạn từ nhiều góc độ, mới hiểu được bản chất vấn đề.”
Thế mới hiểu, có nhiều ông tướng chỉ là trong nhà, chả hiểu gì về thế giới mà cũng bàn luận thế sự. Cứ thế thì Việt Nam cái quần cũng chả còn, nữa là biển đảo.
Đẩy mạnh hợp tác Việt Nam - LB Nga trên tất cả các lĩnh vực
![]() |
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga D. Medvedev |
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, chiều ngày 1/12/2021 tại Mát-xcơ-va, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia Việt Nam đã hội kiến với Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, Chủ tịch Đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền, Đơ-mi-tơ-ri Mét-vê-đép (Dmitry Medvedev).
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng gặp lại Đồng chí Mét-vê-đép, người bạn thân thiết và gần gũi của nhân dân Việt Nam; chúc mừng Đảng Nước Nga Thống nhất nhân dịp tròn 20 năm thành lập (01/12/2001-01/12/2021); chúc cho Đại hội sắp tới của Đảng vào ngày 04/12/2021 thành công tốt đẹp; đánh giá cao vai trò và vị thế của Đảng Nước Nga thống nhất ngày càng được tăng cường dưới sự lãnh đạo của Đồng chí Mét-vê-đép, góp phần quan trọng vào sự phát triển và lớn mạnh của Liên bang Nga.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, Chủ tịch Đảng nước Nga Thống nhất Mét-vê-đép nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch nước và phu nhân thăm chính thức Liên bang Nga; đánh giá cao ý nghĩa của chuyến thăm, góp phần mở ra giai đoạn mới phát triển mạnh mẽ, toàn diện, hiệu quả, lâu dài của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Nga; khẳng định Hội đồng An ninh Nga tiếp tục ủng hộ và thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực.
Trao đổi về tình hình hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga, hai bên hài lòng nhận thấy quan hệ chính trị giữa hai nước có độ tin cậy rất cao, là cơ sở để tăng cường hợp tác, đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực chiến lược như quốc phòng, an ninh, năng lượng và dầu khí; nhất trí đẩy mạnh hơn nữa hợp tác Việt - Nga trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm hợp tác giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam với Hội đồng An ninh Nga, góp phần bảo đảm vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.
Hai Lãnh đạo đánh giá cao hợp tác chặt chẽ và tin cậy giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nước Nga Thống nhất, với trao đổi đoàn và tiếp xúc được duy trì thường xuyên trong cả khuôn khổ song phương và đa phương; khẳng định hợp tác giữa hai Đảng có vai trò quan trọng đối với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Nga; hoan nghênh việc ký kết Kế hoạch hợp tác giữa hai Đảng cho giai đoạn 2022-2024 trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chuyển đến Đồng chí Mét-vê-đép lời thăm hỏi và lời mời thăm Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sau cuộc gặp, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh, Chủ tịch Đảng nước Nga Thống nhất Mét-vê-đép và phu nhân đã chiêu đãi thân mật Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân./. Mạnh Hùng, đảng CSVN
Chủ tịch nước: Thúc đẩy hợp tác hai Đảng cộng sản Việt Nam - Liên bang Nga
Trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, ngày 2.12 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga Gennady Zyuganov.
Thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa hai đảng và hai dân tộc
Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng được được gặp lại ông Zyuganov, là người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam; khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga.
![]() |
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga Gennady Zyuganov THUẬN THẮNG |
Chủ tịch nước cũng bày tỏ mong muốn thúc đẩy và tăng cường hợp tác giữa hai nước trên tất cả các kênh và lĩnh vực, trong đó có quan hệ hữu nghị truyền thống với Đảng Cộng sản Liên bang Nga.
Đánh giá cao vai trò và đóng góp của Đảng Cộng sản Liên bang Nga cho quan hệ hai nước, Chủ tịch nước khẳng định Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn ghi nhớ sự giúp đỡ to lớn của Đảng Cộng sản Liên bang Nga và nhân dân Nga đã dành cho Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và trong phát triển đất nước ngày nay.
Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga Zyuganov chúc mừng Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng thời gian qua bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, trong đó có việc tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Ông Zyuganov cũng đánh giá cao chuyến thăm chính thức Liên bang Nga lần này của Chủ tịch nước, góp phần tạo động lực mới cho quan hệ song phương; khẳng định Đảng Cộng sản Liên bang Nga luôn coi trọng và ủng hộ tăng cường hơn nữa hợp tác với Việt Nam.
Trao đổi về tình hình và hợp tác giữa hai đảng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Đảng Cộng sản Liên bang Nga đạt được kết quả tích cực tại cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga vào tháng 9.2021 vừa qua, thể hiện tin tưởng của người dân Nga đối với Đảng Cộng sản Liên bang Nga.
Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của ông Zyuganov, Đảng Cộng sản Liên bang Nga tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng trên chính trường Nga, góp phần đưa nước Nga ngày càng phát triển thịnh vượng và hùng cường.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga cũng nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai đảng thông qua tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, cũng như phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa hai đảng và hai dân tộc.
Hội kiến Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev
Trước đó, chiều 1.12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng - An ninh Việt Nam đã hội kiến với Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, Chủ tịch Đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền Dmitry Medvedev.
Trao đổi về tình hình hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga, hai bên hài lòng nhận thấy quan hệ chính trị giữa hai nước có độ tin cậy rất cao, là cơ sở để tăng cường hợp tác, đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực chiến lược như quốc phòng, an ninh, năng lượng và dầu khí.
Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh hơn nữa hợp tác Việt - Nga trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm hợp tác giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam với Hội đồng An ninh Nga, góp phần bảo đảm vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.
Hai lãnh đạo đánh giá cao hợp tác chặt chẽ và tin cậy giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nước Nga Thống nhất, với trao đổi đoàn và tiếp xúc được duy trì thường xuyên trong cả khuôn khổ song phương và đa phương; khẳng định hợp tác giữa hai Đảng có vai trò quan trọng đối với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga.
Hai nhà lãnh đạo cũng hoan nghênh việc ký kết Kế hoạch hợp tác giữa hai đảng cho giai đoạn 2022 - 2024 trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
LHQ-Ukraine: Việt Nam bỏ phiếu trắng, Sứ quán Ukraine 'rất thất vọng'
Kết quả cuộc bỏ phiếu nghị quyết lên án cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine trong phiên họp đặc biệt khẩn cấp lần thứ 11 của Đại hội đồng LHQ
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ Tư 02/03 đã bỏ phiếu áp đảo để lên án Nga về cuộc xâm lược Ukraine và yêu cầu Moscow rút các lực lượng quân sự của họ.
Nghị quyết, được sự ủng hộ của 141 trong số 193 thành viên của hội đồng.
Nga, và chỉ 4 nước - Bắc Hàn, Syria, Belarus, và Eritrea - bỏ phiếu chống nghị quyết.
35 nước, trong đó có Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Việt Nam, bỏ phiếu trắng.
Trong cả khối Asean chỉ có Việt Nam và Lào bỏ phiếu trắng, còn Campuchia, Myanmar "hòa nhịp" với các nước còn lại bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết lên án cuộc xâm lăng của Nga.
35 quốc gia đã chọn giữ thái độ trung lập bao gồm các quốc gia cũng phần lớn đổ lỗi cho phương Tây đã kích động các điều kiện dẫn đến xung đột và những nước khác đã chọn giữ thái độ trung lập về vấn đề này.
Các quốc gia này bao gồm Algeria, Angola, Armenia, Bangladesh, Bolivia, Burundi, Cộng hòa Trung Phi, Trung Quốc, Cuba, Cộng hòa Congo, El Salvador, Equatorial Guinea, Ấn Độ, Iran, Iraq, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Lào, Madagascar, Mali, Mông Cổ, Mozambique, Namibia, Nicaragua, Pakistan, Senegal, Nam Phi, Nam Sudan, Sri Lanka, Sudan, Tajikistan, Tanzania, Uganda, Việt Nam và Zimbabwe.
Các quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ: Afghanistan, Albania, Andorra, Antigua-Barbuda, Argentina, Úc, Áo, Bahamas, Bahrain, Barbados, Bỉ, Belize, Benin, Bhutan, Bosnia-Herzegovina, Botswana, Brazil, Brunei, Bulgaria, Cape Verde, Campuchia, Canada, Chad, Chile, Colombia, Comoros, Costa Rica, Cote D'Ivoire, Croatia, Cyprus, Cộng hòa Czech, Cộng hòa Dân chủ Congo, Đan Mạch, Djibouti, Dominica, Cộng hòa Dominica, Ecuador, Ai cập, Estonia, Fiji, Phần Lan, Pháp, Gabon, Gambia, Georgia, Đức, Ghana, Hy Lạp, Grenada, Guatemala, Guyana, Haiti, Honduras, Hungary, Iceland, Indonesia, Ireland, Israel, Ý, Jamaica, Nhật Bản, Jordan, Kenya, Kiribati, Kuwait, Latvia, Lebanon, Lesotho, Liberia, Libya, Liechtenstein, Luxembourg, Malawi, Malaysia, Maldives, Malta, đảo Marshall, Mauritania, Mauritius, Mexico, Micronesia, Monaco, Montenegro, Myanmar, Nauru, Nepal, Hà Lan, New Zealand, Niger, Nigeria, Bắc Macedonia, Na Uy, Oman, Palau, Panama, Papua New Guinea, Paraguay, Peru, Philippines, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Qatar, Hàn Quốc, Cộng hòa Moldova, Romania, Rwanda, Saint Kitts-Nevis, Saint Lucia, Saint Vincent-Grenadines, Samoa, San Marino, Sao Tome-Principe, Ả Rập Saudi, Serbia, Seychelles, Sierra Leone, Singapore, Slovakia, Slovenia, Quần đảo Solomon, Somalia, Tây Ban Nha, Suriname, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Thái Lan, Đông Timor, Tonga, Trinidad & Tobago, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Tuvalu, Ukraine, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Uruguay, Vanuatu, Yemen, Zambia.
Các quốc gia không tham gia bỏ phiếu: Azerbaijan, Burkina Faso, Cameroon, Equatorial Guinea, Eswatini, Ethiopia, Guinea, Guinea-Bissau, Morocco, Togo, Turkmenistan, Uzbekistan, Venezuela.
Ngày 3/3, tại họp báo thường kỳ, trả lời báo chí về việc bỏ phiếu của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói "quan điểm của chúng tôi là Việt Nam luôn theo dõi sát sao và hết sức quan ngại về tình hình Ukraine".
"Chúng tôi cho rằng, ưu tiên hiện nay là cần kiềm chế tối đa, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực để tránh gây thương vong và tổn thất đối với dân thường, nối lại đàm phán đối thoại trên tất cả các kênh để đạt được các giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích chính đáng của tất cả các bên trên cơ sở phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế."
Trước đó, một nhà báo của BBC News (tiếng Anh), chuyên về châu Á nói với BBC News Tiếng Việt rằng khả năng cao là Myanmar "ủng hộ Nga", và "Campuchia bỏ phiếu như Trung Quốc, vì thân Bắc Kinh", nhưng phỏng đoán này đã không đúng.
Việt Nam khác biệt đa số thế giới về ngôn từ
Tên của nghị quyết là về "hành động gây hấn của Nga chống lại Ukraine (Russia's "aggression against Ukraine) không được báo chí Việt Nam đăng tải sớm ngày 03/03/2022.
Các báo chính thống do Đảng CSVN kiểm soát kiên trì dùng ngôn từ khác các đài báo quốc tế, và chỉ gọi đó là "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga.
Đài báo Việt Nam cũng không đăng ảnh trẻ em, thường dân Ukraine bị giết vì bom đạn Nga và thường xuyên trích dẫn lập luận của các đài do chính quyền Nga quản lý: RT, Sputnik để giải thích về cuộc chiến.
Ví dụ, trang VnExpress mới nhất có bài chạy tựa "Ngoại trưởng Nga: Phải hành động vì Ukraine định sở hữu vũ khí hạt nhân".
Tuy thế, cựu tổng biên tập tờ báo này, ông Thang Đức Thắng, người từng du học ở Liên Xô cũ có bài dường như ủng hộ Ukraine viết trên trang Facebook cá nhân.
Điều này cho thấy trong dư luận Việt Nam, kể cả trong giới từng học tiếng Nga hoặc du học ở Liên Xô cũ, có quan điểm khác nhau về cuộc chiến Nga đánh Ukraine.
Có ý kiến của giới quan sát quốc tế cho rằng không có chuyện Liên bang Nga "gây sức ép" lên Việt Nam về chuyện bỏ phiếu, vì các nước mua vũ khí của Nga như Indonesia, Myanmar đều sẵn sàng ủng hộ nghị quyết LHQ vừa qua.
Vấn đề chính là ở Việt Nam có tồn tại một "lobby tự nguyện ủng hộ ông Putin", thể hiện rất rõ trên mạng xã hội.
Các đại sứ và người đứng đầu các tổ chức nước ngoài đến đại sứ quán Ukraine tại Hà Nội để thể hiện sự ủng hộ với chính phủ và người dân nước này
Mặc dù các nghị quyết của Đại hội đồng LHQ không có tính ràng buộc, nhưng có sức nặng chính trị.
Nga phủ quyết một nghị quyết tương tự, mặc dù có ràng buộc pháp lý, tại Hội đồng Bảo an vào ngày 25 tháng 2.
Sau đó, Ukraine và những nước ủng hộ đã giành được sự chấp thuận cho một phiên họp đặc biệt khẩn cấp - lần đầu tiên kể từ năm 1997 - để cố gắng nêu rõ sự phản đối đối với cuộc xâm lược của Nga.
Sau gần một tuần, Nga vẫn chưa đạt được mục tiêu lật đổ chính phủ Ukraine, nhưng đã vấp phải phản ứng dữ dội chưa từng có từ phương Tây và nhiều quốc gia khác như Singapore.
Người Ukraine 'thất vọng' nhưng vẫn cố gắng giúp đồng bào của họ
Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Ukraine tại Hà Nội, bà Nataliya Zhynkina đã bày tỏ trên trang Facebook, bằng tiếng Việt:
"Trong số tất cả các thành viên ASEAN chỉ có Việt Nam và Lao đã bỏ phiếu trắng. Việt Nam ơi, quê hương thứ hai của tôi, tôi rất thất vọng."
Còn tại Việt Nam những ngày qua, trước cảnh chiến tranh đang diễn ra tại quê nhà, những người Ukraine sống tại Hà Nội dùng các kênh mạng xã hội có thể để đưa tiếng nói của mình tới cộng đồng quốc tế nhằm kêu gọi sự ủng hộ của càng nhiều người càng tốt.
Trên trang Facebook của Đại sứ quán Ukraine tại Hà Nội ngày 28/02, bà Nataliya Zhynkina đã gặp gỡ một số đại sứ và người đứng đầu các tổ chức nước ngoài tại Hà Nội.
Tại buổi tiếp, các nhà ngoại giao Ukraine được khuyến khích đeo khẩu trang có logo của EU cùng các vị khách châu Âu khác với lí do "Ukraine là một phần của chúng tôi và chúng tôi muốn Ukraine ở lại EU" như lời của Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu EU Ursula von der Leyen nói gần đây.
Được biết cộng đồng người Ukraine tại Hà nội sẽ tổ chức một hội chợ từ thiện vào ngày thứ bảy 05/03, nhằm gây quỹ giúp đỡ người dân đang gặp khó khăn tại Ukraine. Ban tổ chức thông báo công dân Nga và Belarus không được phép tham dự sự kiện này.
Hai nước này đã tổ chức cuộc xâm lăng vào Ukraine từ 24/02 với Nga đóng vai chính còn Belarus cung cấp địa bàn, phương tiện, và có thể đã cho số ít quân tham gia đánh Ukraine cùng Nga, theo một số báo châu Âu.
Hiện nay, có khoảng 2000 người Ukraine đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, nhưng phần lớn ở các thành phố du lịch như Nha Trang, Vũng Tàu.
Bà Julia Davigora, một nhiếp ảnh gia hiện đang sinh sống tại Hà Nội đăng trên mạng xã hội lời kêu gọi.
"Các công dân Việt Nam, xin các bạn hãy đăng bài này nhiều lần nhất có thể!"
"Tôi đến từ Ukraine. Tôi đã sống ở Việt Nam trong 3 năm rưỡi qua và đã nghe rất nhiều điều tốt đẹp về Ukraine từ người dân địa phương. Có những người hay nói về những người phụ nữ xinh đẹp của chúng ta, có người nói về thức ăn của chúng ta."
Em bé Polina bị 'thám báo Nga bắn chết cùng cha mẹ' trong xe ô-tô tại Kyiv
Một số người đã nói với tôi rằng chúng tôi có mối quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia của chúng tôi (bạn có thể tìm thấy rất nhiều sản phẩm từ Ukraina ở mọi cửa hàng). Nhiều người Việt đã kể cho tôi nghe những câu chuyện về bạn bè và gia đình của họ khi họ đi du lịch ở Ukraina, hoặc sống ở đó trong nhiều năm. Giống như tôi, là một người Ukraina sống ở Việt Nam, những điều này đã mang các nền văn hóa của chúng ta đến gần nhau hơn.
"Hôm nay lòng tôi đầy đau thương, xót xa cho Tổ quốc, cho gia đình và bạn bè. Ở thành phố của tôi, Kiev, có những vụ nổ mỗi ngày. Mẹ và chị gái tôi đã tị nạn trong 6 ngày qua, đã phải trốn khỏi nhà của họ. Bạn tôi ngủ trên sàn bê tông trong các tầng hầm và hầm tránh bom trong suốt mùa đông (bạn hãy tưởng tượng trời đang lạnh thế nào.) Bạn tôi đang ĐI BỘ đến biên giới Ba Lan, vì tình trạng kẹt xe kéo dài nhiều ngày. Giao thông không hoạt động, máy ATM thì không; họ hết tiền mặt, thực phẩm sắp hết, hiệu thuốc cũng đóng cửa."
"Tôi không nói về chính trị. Tôi muốn nói về những người đang gặp nguy hiểm, sợ hãi, đau đớn. Những người đang đấu tranh chỉ để sống, để bảo vệ gia đình của họ. Những người mẹ và người cha, sợ hãi rằng con cái của họ sẽ bị giết. Tôi nói về sự ủng hộ, cảm thông và niềm tin.
"Tôi muốn bạn biết tình hình đang khó khăn thế nào đối với chúng tôi. Tôi đã thấy một số người nói đùa về tình hình ở Ukraine. Xin làm ơn hãy hiểu và có tình người. Chúng tôi là con người, giống như bạn. Chúng tôi muốn những điều bạn muốn: cho gia đình của chúng tôi được sống, cho bạn bè của chúng tôi được hạnh phúc, cho đất nước của chúng tôi được tự do. Chúng tôi không đáng phải chịu đựng nỗi kinh hoàng này. Người Việt Nam vốn rất tốt với tôi. Tôi biết rằng bạn quan tâm."
Sau đó, bà nói về phiên chợ từ thiện vào thứ Bảy 05/03 ở Hà Nội và nói họ sẽ "tổ chức quyên góp tiền và sự chú ý để ủng hộ người dân Ukraine".
"Chúng tôi xin mời các nhà báo, kênh truyền hình, blogger, nghệ sĩ, nhà quay phim và tất cả những ai QUAN TÂM!"
Tuy thế không rõ là các sự kiện như thế này có được nhà chức trách ở Hà Nội cho phép hay là không.
Thái độ ở Việt Nam?
Thái độ chung của xã hội và chính thể Việt Nam về khủng hoảng Ukraine cho đến nay là không rõ ràng, dù phát biểu gần đây của Đại sứ Đặng Hoàng Giang ở LHQ có khác ngôn từ của các báo chính thống (xem thêm).
Việc ứng xử chung của các tổ chức vận động quần chúng chính thống ở Việt Nam cũng khác khi so với cả những quốc gia có chính quyền ủng hộ Nga về chính trị trong vấn đề Ukraine.
Chẳng hạn, ở Hungary, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, dù chính phủ hoặc tỏ ra thân thiện, hoặc né tránh phê phán trực diện chính quyền Nga vì các lý do khác nhau, mọi hoạt động cứu trợ nhân đạo cho người Ukraine được phép thực hiện và được hỗ trợ bởi nhà nước, các hãng hàng không quốc gia.
Các nhân vật thể thao trên thế giới, kể cả những ngôi sao tennis Nga như Daniil Medvedev, Andrey Rublev, Anastasia Pavlyuchenkova đều lên tiếng kêu gọi hòa bình cho Ukraine.
Việt Nam hầu như chưa thấy tiếng nói trên báo chí nhà nước của các văn nghệ sĩ, ngôi sao điện ảnh, thể thao, doanh nhân giàu có về vấn đề này.
Còn ở trên Facebook, nhiều luồng quan điểm khác nhau về Ukraine và Nga cũng được bộc lộ, như theo phản ánh của BBC.