Vietnamville http://www.vietnamville.ca

Thoát Trung nên bỏ Tết Âm Lịch?
01.01.2023


Việc loại bỏ Tết cổ truyền đã được đề xuất từ nhiều năm về trước, cho đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Được biết, đề xuất này là của Giáo sư Võ Tòng (Hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ) và trong thời điểm hiện tại, ông vẫn một mực giữ nguyên quan điểm của bản thân “ Còn ăn tết ta, đất nước còn nghèo nữa”.

GS TS Võ Tòng Xuân: 'Nên nhập Tết cổ truyền vào tết Tây cho phù hợp xu hướng'

Nhật Bản từng ăn Tết âm lịch, một trong những ngày lễ lớn nhất thế giới. Nhưng lý do nào Nhật Bản, đất nước mặt trời mọc lại không còn đón ngày nữa?
Người lao động tại Đồng Nai nghỉ Tết âm lịch 2023 dài ngày

Vào thời điểm các nước láng giềng bắt đầu đón tết của riêng họ vào cuối tháng 1 hoặc qua tháng 2, thì người Nhật Bản đã kết thúc kỳ nghỉ lễ năm mới từ lâu. Người Nhật đón năm mới vào ngày 1.1 dương lịch và gọi đây là Ngày đầu năm mới (Ganjitsu). Các gia đình được nghỉ và tất bật dọn dẹp, trang trí nhà cửa, chuẩn bị những món ăn đặc biệt, tổ chức tiệc tùng, ra ngoài mua sắm... để đón chào năm mới.

Lý do Nhật Bản bỏ đón Tết âm lịch?
Đền Asakusa đông đúc vào ngày nghỉ tết. Người Nhật hiện đại nhưng vẫn giữ nếp truyền thống xưa cũ.

Lịch âm của người Trung Quốc đã được sử dụng ở Nhật Bản vào thế kỷ 6 sau Công nguyên, cho đến năm 1873. Trong suốt nhiều thế kỷ, Nhật Bản ăn Tết Nguyên đán cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam... Vậy điều gì đã khiến Nhật Bản thay đổi?

Năm 1873, như một phần của cuộc Duy Tân Minh Trị, Nhật Bản đã áp dụng lịch Gregorian (lịch dương) với mong muốn tiến kịp phương Tây. Vào thời điểm đó, thái độ phổ biến của các tầng lớp tinh hoa Nhật Bản là xem những tập quán của châu Á kém hơn phương Tây và kìm hãm sự phát triển của đất nước trong đó có ngày tết âm lịch. Họ cho rằng bỏ ngày này sẽ giảm bớt ngày nghỉ, tập trung làm việc, tăng sản lượng quốc gia, phát triển kinh tế...

Nhật Bản quyết định áp dụng lịch Gregorian chỉ đơn giản là chồng các sự kiện theo lịch âm lên lịch dương. Do đó, Ganjitsu - ngày đầu của năm âm lịch rơi vào ngày 1.1 là ngày đầu của năm dương lịch. Vì thế đã khiến ngày đón năm mới của Nhật Bản sớm hơn trên dưới 1 tháng so với các nước láng giềng.

Trong khi đó, năm 1912, Trung Quốc áp dụng chính sách kép, lịch dương được sử dụng cho mọi thứ ngoại trừ các ngày lễ truyền thống (tính theo lịch âm). Nhiều nước trong khu vực áp dụng cách tính tương tự như Trung Quốc.

Ban đầu, nhiều người dân Nhật Bản kịch liệt phản đối việc bãi bỏ tết theo lịch âm và vẫn tiếp tục ăn Tết Nguyên đán cho đến những năm 1900, đặc biệt là ở vùng nông thôn Nhật Bản. Nhiều người cho rằng, Tết âm lịch thực sự rơi vào đầu mùa xuân ở Nhật, khi thời tiết ấm áp còn Tết Dương lịch lại có khí trời lạnh lẽo, không phù hợp để đón năm mới. Tuy nhiên, cuối cùng, lịch âm đã biến mất hoàn toàn khỏi cuộc sống hàng ngày ở Nhật Bản.

Thế nhưng, vẫn còn những dấu tích của lễ đón năm mới theo Tết Nguyên đán ở Nhật, nếu du khách muốn tìm hiểu. Ví dụ, lễ hội mùa xuân dài 15 ngày ở Yokohama, nơi người dân địa phương tổ chức múa sư tử, xem diễu hành kỷ niệm và ngắm những chiếc đèn lồng vào ngày cuối cùng của lễ hội.

Người Nhật Bản có tín ngưỡng thờ thần, nên trang trí nhiều đồ vật để chào đón thần linh vào nhà nhân dịp năm mới để cầu mong một năm thuận hòa, an lành. Mặc dù là dịp lễ lớn trong năm, nhưng ngày tết Nhật Bản, người dân được nghỉ làm chỉ 4 ngày, từ 31.12 đến 3.1. Vào ngày 4.1, công sở, văn phòng trở lại hoạt động bình thường.

Việt Nam là 1 trong những quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á ăn Tết Nguyên đán, cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Mông Cổ, Triều Tiên, Đài Loan, Singapore, Malaysia... Ở những nước trong khu vực, mặc dù Tết Nguyên đán không phải là ngày lễ truyền thống chính thức nhưng được tổ chức tiệc tùng trên khắp đất nước, như Thái Lan.

Phương Cúc (congthuong)

Gộp Tết ta với giỗ tổ Hùng Vương. Tại sao không? 

PHẠM MẠNH HÀ
PHẠM MẠNH HÀ

TTO - Đây là lễ hội hướng về cội nguồn tiêu biểu nhất của dân tộc VN, lại diễn ra vào thời tiết thanh minh nắng ấm, hơn hẳn thời tiết đầu năm âm lịch thường là mưa phùn gió rét.

Hằng năm vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, nhiều nơi trên cả nước tổ chức lễ giỗ Tổ Hùng Vương - Ảnh tư liệu TTO

Những năm gần đây cứ đến dịp Tết là trên truyền thông lại thấy xuất hiện những đề xuất "tiến bộ" là nên gộp Tết ta (Tết Nguyên đán âm lịch) vào Tết tây (tết dương lịch). 

Sáng kiến này lập luận gộp Tết như vậy sẽ đem lại lợi ích về kinh tế, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, tuy nhiên bị đa số dư luận phản đối.

Đừng nhân danh "hội nhập" để xóa Tết ta

Thực tế thì cả Tết ta và Tết tây đều có những ý kiến không đồng tình. Nếu theo Tết ta thì bị chê là quá ăn theo Tết Nguyên đán Trung Quốc, làm dân ta vẫn chưa dứt ra được cái bóng nghìn năm Bắc thuộc.

Còn theo Tết tây thì lại bị chê là phụ thuộc bên Tây quá, làm mất bản sắc dân tộc, đặc biệt dân tộc ta là một dân tộc phương Đông có tín ngưỡng khác nhiều  với tín ngưỡng phương Tây.

Hẳn là trước tình trạng nền kinh tế chậm chạp của nước nhà, vốn năng suất lao động đã kém lại còn phải gánh thêm những cái dự án thua lỗ nghìn tỉ vừa qua, cho nên nhiều người cũng sốt ruột lắm, liền nảy ra "sáng kiến" gộp Tết ta vào Tết tây cho tận dụng được mấy ngày nghỉ tết để lao động.

Nhưng cũng cần lưu ý nóng ruột mấy đi nữa thì làm cải cách nào cũng phải làm cho chuẩn, chứ không nên vì sốt ruột quá mà đem cả một phong tục tập quán lớn nhất của dân tộc ra "đẽo cày giữa đường" để rồi cuối cùng hỏng hết cả cái ý nghĩa của phong tục tập quán lớn nhất ấy.

Trước hết, về lý do mà người ta đưa ra để gộp Tết vào là để cho "hội nhập" với các bạn hàng nước ngoài thì nghe không ổn chút nào.

Đáng băn khoăn, không rõ người ta định nghĩa "Tết" là như thế nào, mà lại sẵn sàng đem đánh đổi Tết của dân tộc lấy chút lợi ích kinh tế của bạn hàng nước ngoài như thế?

Chút lợi ích kinh tế của bạn hàng đem lại từ mấy ngày đánh đổi Tết cổ truyền ấy liệu có "làm nên lịch sử" cho dân tộc Việt Nam, đột biến thay đổi số phận của dân tộc trở thành một cường quốc?

Nếu mấy ngày gộp Tết ấy mà làm thay đổi được số phận dân tộc ta thì kể ra cũng đáng để thay đổi, xem như chúng ta lột xác để mang một tầm vóc mới.

Nhưng suy tính kỹ thì dù có gộp vào cũng vẫn những người VN ấy, vẫn sở thích dùng giờ cao su, ngại vào khuôn phép kỷ luật, làm cái gì cũng du di, xuề xòa, thậm chí làm thất thoát nghìn tỉ cũng xin... rút kinh nghiệm. Thì xem ra cái "kế sách" gộp Tết âm vào Tết dương vào vẫn... công cốc, người Việt vẫn hoàn người Việt, năng suất lao động... vẫn thế!

Và cần chú ý là người ta đã thừa nhận người Việt có thói quen "tháng giêng là tháng ăn chơi" cho nên nếu ngày Tết ta gộp vào ngày Tết tây, thì lại vẫn là đón Tết trước thềm của mùa lễ hội bắt đầu từ tháng giêng, cho nên dư âm Tết vẫn kéo dài đến hết mùa lễ hội.

Và, tất nhiên do tổ chức Tết dương lịch sớm hơn nên tâm lý hưởng thụ Tết thậm chí lại còn kéo dài từ sớm hơn, gây ảnh hưởng lớn hơn đến nhịp độ lao động của đất nước.

Cần xây dựng cái Tết riêng của dân tộc

Cho nên cái đáng bàn ở đây là làm sao để chúng ta xây dựng nên một cái Tết cho dân tộc ta, ngày càng "chuẩn" theo đúng nghĩa là cái Tết của một dân tộc có độc lập chủ quyền, có quốc gia riêng, lãnh thổ riêng, có nền văn hiến riêng, chứ không phải là một dân tộc phải phụ thuộc vào nước ngoài đến mức phụ thuộc cả vào... ngày Tết cổ truyền như vậy.

Còn về vấn đề sau Tết âm lịch người Việt sa đà vào tháng ăn chơi khiến cho năng suất lao động giảm sút thì quả thực là đáng phải bàn.

Ở đây cần nhận thấy nguyên nhân của tình trạng đó là do tháng giêng là tháng lễ hội, lại được mở màn bằng Tết âm lịch, cho nên dư âm sau ngày Tết vẫn còn lại được tiếp sức ngay bằng mùa lễ hội, làm cho người Việt đang chuếnh choáng dư vị ngày Tết lại càng dễ say sưa vui chơi lễ hội, khiến cho trên thực tế không khí nghỉ Tết của người Việt kéo dài đến hết cả tháng giêng chứ không phải là chỉ có mấy ngày đầu năm.

Như vậy là việc đón Tết âm lịch ngay trước thềm mùa lễ hội chính là nguyên nhân gây nên "bệnh" tháng giêng là tháng ăn chơi của người Việt. Hẳn là nếu như việc đón Tết diễn ra sau mùa lễ hội thì cái không khí Tết rất nhanh tàn, hết ngày nghỉ Tết là không còn ngày lễ hội vui chơi nữa nên tâm lý chơi Tết sẽ được đóng lại nhanh chóng.

Và do Tết ở sau mùa lễ hội cho nên các lễ hội đầu năm sẽ không quá thu hút mọi người sa vào vui chơi, vì chưa có được tết cổ truyền tập trung mọi người lại để mở màn.

'Gộp' Tết ta với giỗ tổ Hùng Vương, tại sao không?

Nghiên cứu trong các lễ hội sau Tết thì thấy có lễ hội lớn nhất là lễ giỗ tổ Hùng Vương vào mùng 10-3 âm lịch lại là vào thời điểm cuối mùa lễ hội.

Đây là lễ hội hướng về cội nguồn tiêu biểu nhất của dân tộc VN, có các nét văn hóa sơ khai chính gốc người Việt của thời Hùng Vương là thời lập quốc, như bánh chưng bánh dầy, trống đồng, họa tiết chim lạc hồng, y phục của nước Văn Lang riêng biệt chưa bị ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc.

Lễ hội lại diễn ra vào thời tiết thanh minh nắng ấm, là thời điểm thay đổi thời tiết tích cực nhất trong năm, hơn hẳn thời tiết đầu năm âm lịch thường là mưa phùn gió rét chưa có sự chuyển biến tích cực rõ nét.

Xem xét mọi mặt, về tính dân tộc, về văn hóa, về thời tiết, về thời điểm... thì tất cả đều hội tụ đủ các yếu tố để ngày giỗ Tổ Hùng Vương làm ngày tết đúng nghĩa cổ truyền của dân tộc ta, lại khắc phục được những nhược điểm của Tết âm lịch hiện nay.

10-3 cũng là dịp thời tiết nắng ấm thuận lợi hơn, thực phẩm không thể tích trữ được quá lâu, làm cho người dân không phải mất nhiều thời gian tích trữ hàng Tết như Tết Nguyên đán nên không ảnh hưởng đến nhịp độ lao động, góp phần bình ổn giá cả ngày Tết.

Vậy thì từ ý tưởng đề xuất dời ngày Tết ta gộp vào Tết tây, từ những quan sát đặc điểm chung của Tết ở các dân tộc, thiết nghĩ nước ta nên chuyển ngày đón Tết là ngày đầu năm âm lịch sang ngày 10-3 âm lịch, lấy ngày giỗ Tổ Hùng Vương làm ngày Tết cổ truyền mang đậm bản sắc VN nhất, không bị quá nghiêng về bên Đông (Trung Quốc) hay bên Tây, thuận lợi cho nhịp độ lao động của cả nước.


URL của bản tin này::http://www.vietnamville.ca/article.8410

© Vietnamville contact: admin@vietnamville.ca