'Nam tính độc hại' của Tổng thống Putin là lý do bùng phát chiến tranh Ukraine?
Elizaveta Podshivalova BBC World Service
Khi Thủ tướng Anh Boris Johnson bình luận rằng nếu Tổng thống Nga Validimir Putin là phụ nữ thì ông ta có lẽ đã không phát động cuộc chiến tranh Ukraine, điều này đã gây nên một cơn bão giận dữ tại Nga.
Điều này không gây ngạc nhiên, có lẽ trong bối cảnh Tổng thống Nga đã từ lâu cẩn trọng chau chuốt hình ảnh là người 'đàn ông đích thực'. Một số nhà phân tích nói với BBC Tiếng Nga rằng tính gia trưởng và phô diễn sức mạnh đàn ông vẫn rất có sức ảnh hưởng trong thiết chế cai trị tại Nga và góp phần trong sự ủng hộ rộng rãi đối với cuộc xâm lược Ukraine.
"Nếu Putin là phụ nữ, rõ ràng ông ta không phải, nhưng nếu ông ta là thế, tôi thật sự không nghĩ rằng ông ta sẽ tham gia vào một cuộc chiến tranh điên cuồng, vũ phu theo cách của mình," ông Boris Johnson nói vào tháng Sáu.
"Nếu bạn muốn một ví dụ, một ví dụ hoàn hảo về nam tính độc hại, thì đó là cách ông ta đang thực hiện tại Ukraine."
Lời ông Johnson sau đó đã được Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace hưởng ứng, nói rằng "hội chứng người thấp nhỏ" (small man syndrome) và quan điểm "vũ phu" về thế giới của Putin đã gây nên chiến tranh.
Theo sau đó, Đại sứ Anh tại Nga đã được Bộ Ngoại giao Nga triệu tập và bị chỉ trích vì "những phát biểu thô lỗ không kiêng nể của giới lãnh đạo Anh".
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng ông Johnson nên gặp nhà thần kinh học người Áo Sigmund Freud (1856-1939), người đã khai sinh bộ môn phân tâm học.
Chính Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã rao giảng về "sự tàn bạo" của bà Margaret Thatcher - Thủ tướng Anh từ năm 1979 đến 1990.
Có phải ông Boris Johson gây tức giận, khiến giới chức Nga phải đáp trả gay gắt như vậy?
Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn cho thế giới thấy về sức mạnh thể chất và sự dũng cảm của mình.
Ông ta đã đi tàu ngầm sâu xuống đáy hồ Baikal ở Siberia, bay dù lượn với bầy sếu, lặn và vớt được hai chiếc vò hai quai cổ của Hy Lạp ngoài khơi bán đảo Crimea, chụp ảnh với hổ Amur đang có nguy cơ tuyệt chủng (mặc dù đã bị gây mê) tại vùng Viễn Đông của Nga, và được nhớ đến nhiều nhất, có lẽ, là hình ảnh ngực trần cưỡi ngựa chốn hoang dã.
Thế nhưng hình ảnh 'nam tính' của Putin lại là nội dung bị mang ra đùa cợt tại Phương Tây. Trong cuộc họp G7 mới đây, các nhà lãnh đạo đã cùng tham gia vào các bình luận mỉa mai, khi ông Johnson đề nghị các vị khách cởi áo khoác để cho thấy họ "mạnh mẽ hơn Putin".
Một cách nghiêm túc hơn, các nỗ lực của Putin để được xem là người bảo vệ những giá trị 'truyền thống' và một 'nhà lãnh đạo mạnh mẽ' đã từ lâu bị cười nhạo và thậm chí bị chỉ trích vì có một chút gì đó của thường được gọi là 'nam tính độc hại' - thường được định nghĩa bằng sự cứng rắn, tìm kiếm quyền lực, giữ khoảng cách, kỳ thị đồng tính và khinh thường phụ nữ.
Giáo sư Elizabeth Wood, một sử gia và chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu về giới tính tại Đại học Công nghệ Massachusetts (Massachusetts Institute of Technology) ở Mỹ nói rằng Tổng thống Nga thường phụ nữ hóa kẻ thù của mình, và theo cách này, tìm cách hạ bệ họ.
"Trước cuộc chiến tranh, chính quyền Nga thường xuyên cáo buộc Phương Tây 'cuồng loạn'. Rõ ràng từ 'cuồng loạn' là mang tính xúc phạm, và thường để nhắm thẳng vào phụ nữ," bà cho biết.
Putin đã đáp trả là các lời đùa cợt tại Thượng đỉnh G7 khi nói rằng sẽ là "một cảnh tượng kinh tởm" nếu các lãnh đạo Phương Tây cởi trần và khuyên họ nên tập luyện thể thao.
Giới thân cận với Tổng thống Putin sử dụng chiến lược tương tự để xúc phạm đối thủ.
Hồi giữa tháng Ba, Ramzan Kadyrov, lãnh đạo Chechnya đã mỉa mai tỷ phú Elon Musk bằng cách đảo tên của ông ta thành tên phụ nữ: 'Elona'.
Kadyrov đã mời doanh nhân này đến tham gia huấn luyện thể hình ở một trại Chechen có tên là 'Akhmat', nơi mà Elon Musk sẽ được chuyển đổi từ "một cô gái dịu hiền sang một người đàn ông tàn bạo". Musk có vẻ thích thú lời đề nghị này, và trong một lúc thậm chí đổi tên tài khoản Twitter thành 'Elona Musk'.
Xây dựng đất nước và 'nam tính Nga mới'
Và không dừng tại Putin và Kadyrov. Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng toàn bộ cấu trúc quyền lực của Nga được thiết lập xung quanh ý tưởng nam tính.
Thậm chí khi Putin bắt đầu sự chuyển đổi sang 'một dạng đàn ông Nga mới'. hình ảnh của nước Nga cũng trải qua sự thay đổi, Elena Gapova, Giáo sư Xã hội học tại Đại học Western Michigan cho biết.
"[Dạng đàn ông mới này] không còn là kiểu tri thức đeo kính từ những bộ phim hài lãng mạn từ thời Xô Viết vào những năm 1980, đắm chìm trong suy tư trên chuyến tàu Moscow ở vùng ngoại ô. Thay vào đó, ông ta đã tạo dựng một hình mẫu kiểu lạnh lùng, ý chí đanh thép - đại diện cho một giới nhà quản lý chỉ tập trung vào mục tiêu đạt được kết quả," bà Elena Gapova giải thích.
Vào thế kỷ 20, Triết gia Vladimir Rozanov đã định nghĩa nước Nga là "một phụ nữ mãi mãi đi tìm vị hôn phu". Vào đầu thế kỷ 21, bài hát 'Someone like Putin' đã đứng đầu bản xếp hạng - mô tả một phụ nữ, cũng đang đi tìm vị hôn phu. Chỉ khác là cô gái trong bài hát biết rõ mình muốn vị hôn phu như thế nào: một người giống y Tổng thống Nga.
"Nước Nga muốn thấy chính mình như Putin," Giáo sư Gapova giải thích. "Một dạng ẩn dụ xuất hiện từ việc 'Nga lấy lại sức mạnh của mình', và hình mẫu nam tính dường như được Putin và giới thân cận thể hiện.
Cùng lúc đó, vào những năm 2010, quá trình xây dựng đất nước đang được tiến hành, hướng tơi quyền lực tập trung. Mối liên hệ giữa dự án thiết lập một nhà nước mạnh mẽ và nam tính chuẩn mực dường như đã rất rõ ràng.
Luôn là đàn ông alpha
Nhưng thậm chí trong một môi trường chỉ có đàn ông, Putin dường như cần duy trì là đàn ông alpha. Theo Giáo sư Elizabeth Wood, thì sự khẳng định nam tính đã trở thành cách phô diễn quyền lực của Putin.
"Ở một mặt, ông ta thể hiện hình ảnh là một cá nhân thực tế, có lý trí - ông ta cũng đi thẳng vào vấn đề và có thể giải quyết những câu hỏi về mặt kỹ thuật," bà Elizabeth cho biết. "Mặt khác, mặc dù vậy, ông ta cho thấy sự hung hãn thường trực."
Bà Elizabeth Wood nhớ lại một sự việc nổi tiếng vào năm 2009 khi ông Putin đi thăm thị trấn Pikalyovo, nơi mà các cư dân địa phương đang phản đối về việc một nhà máy bị đóng cửa: "Putin đã bay đến bằng trực thăng và chỉ trích kịch liệt mọi người. Ông ta chỉ trích công nhân và quản lý, nhưng ông ta đặc biệt chỉ trích [doanh nhân] Oleg Deripaska."
Chuyên gia Elizabeth Wood đã rút ra được sự liên quan giữa vụ việc cách đây 13 năm với vụ diễn ra gần hơn - vào tháng Hai năm nay. Trong vụ việc này, trong cuộc họp Hội đồng An Ninh Quốc gia chỉ vài ngày trước khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine, Putin đã công khai làm mất mặt Giám đốc Cơ quan Tình báo nước ngoài của Nga, Sergey Naryshkin. Naryshkin, một sĩ quan tình báo với hàng thập niên kinh nghiệm được xem là thuộc giới thân cận của Putin.
"Ông ta yêu cầu một câu trả lời theo cách hung hãn - có hay là không. Đây là cách ông ta thể hiện mình vẫn là 'alpha' trong mọi trường hợp. Dạng 'đe dọa' này cũng là đặc tính rất nam giới."
Còn nếu Putin là phụ nữ?
Tất cả các chuyên gia mà chúng tôi trao đổi đều đồng ý ở một luận điểm: Giả định của Thủ tướng Johnson rằng phiên bản nữ của Putin sẽ không gây chiến tranh có liên quan đến các dạng định kiến.
"Ngôn từ của Johnson nên được xem là một ẩn dụ thì hơn," bà Elena Gapova nói. "Có một nhận thức truyền thống rằng phụ nữ ít hung hãn hơn và cảm thông hơn đàn ông, thế nhưng điều này còn từ lý do sự thật là phụ nữ ít giữ các vị trí xã hội có thể phát động chiến tranh hoặc đưa ra những quyết sách quan trọng."
Theo bà Gapva, thì tất cả các gợi ý rằng cuộc chiến tranh và cách mạng trong lịch sử thế giới là do chế độ phụ hệ, và lịch sử đó hẳn đã khác nếu phụ nữ nắm quyền, đều là suy đoán.
Đúng là Thủ tướng Johnson đã đề cập đến các ý tưởng mang tính định kiến về phụ nữ, cho rằng phụ nữ dễ đàm phán hơn hoặc dễ cho thấy sự yếu đuối hay cảm xúc, nhưng ông sử dụng những điều này để chống lại khuôn mẫu nam tính của Putin, nhà tâm lý học Marina Travkova cho biết.
"Đối với phụ nữ, không có (hoặc tối thiểu, ít hơn) sự xấu hổ trong việc 'thay đổi ý kiến' hay 'xin lỗi'," bà Marina Travkova diễn giải.
"Thêm nữa, nam tính có liên quan đến chủ nghĩa anh hùng - với ý tưởng chết cho tổ quốc, thay vì sống với con cái và là một người cha đảm đang. Phụ nữ trong khi đó, thường gắn bó với con cái hơn. Họ ít có khả năng hậu thuẫn chủ nghĩa anh hùng đó, và theo khía cạnh này, tôi nghĩ bình luận của ông Boris Johnson là có cơ sở."
Bài viết khá lý thú cuả Dương Thu Hương về Putin, Nga Sô, Ukraine
Dương Thu Hương người đã từng ở nước Nga cho chúng ta những nhận xét riêng biệt, qua những gì tác giả từng gặp - MỜI ĐỌC ĐỂ BIẾT ÍT NHIỀU VỀ NƯỚC NGA.
Putin được gì khi xâm lược Ukraine?
Dương Thu Hương: –Với mình, một đứa đã lang thang trong thời trẻ trâu dọc nước Nga, từ thủ đô tới Sibêri, qua đến Saint Petersburg, cái thời đáng ra phải đi học nhưng đi buôn là chính, từng được sống với tất cả sự nồng ấm chân thành của người dân Nga ngay sau khi liên bang Xô-viết sụp đổ, từ tính cách của người dân đến lịch sử chính trị của đất nước này, việc quân đội Nga sa lầy như hiện nay giữa chiến trường Ukraina thực sự mình không ngạc nhiên.
Nhìn lại từ thời Sa hoàng, [Chữ 'sa' là phiên âm cách đọc của chữ 'Tsar' tiếng Nga là vua, chúa, hoàng-đế. 'Tsar' lấy từ chữ 'kaisar' là hoàng để, khởi thủy từ chữ latin CAESAR, hoàng đế La Mã thời cổ xưa. Từ ngữ này đã được dùng để gọi hoàng đế Nga từ thời Nga Hoàng Ivan IV, 1547. HC) nước Nga chưa bao giờ có dân chủ. Lịch sử cai trị của đất nước này luôn chỉ ra sự tàn bạo của kẻ mạnh với người yếu thế. Mạng người trong lịch sử nước này chưa bao giờ có giá trị, đơn giản với những ví dụ về các trại cải tạo lao động dành cho những người đối lập trong suốt chiều dài lịch sử, với điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt, được dựng lên tại vùng đất băng giá Sibêri, nơi nhiệt độ giữa mùa đông và mùa hè có thể chênh lệch tới 100 o C. Chỉ có bạch dương [ còn gọi là 'bạch-đàn' là cây eucalyptus = cây khuynh-diep, lấy dầu trị bệnh, i.e., 'dầu Bác Sĩ Tín' trước nổi tiếng tại Việtnam. HC. mới sống sót được trong khí hậu này. Hàng trăm ngàn tù nhân đã phải bỏ xác khi hoàng cung mới được xây dựng tại Saint Petersburg. Rồi đến thời Stalin với những thảm sát đẫm máu những người bất đồng chính kiến và giới trí thức. Lịch sử chính trị của Nga được in dấu bởi sự dối trá và tàn bạo. Cho đến tận hôm nay.😭
20 năm Putin cai trị nước Nga, cũng vài lần mình trở về thăm chốn cũ. Ngoài những hào hoa phồn thịnh tại các thành phố lớn cùng với những vấn nạn của sự phát triển không có quy mô, khí thải và nạn kẹt xe tại Mátxcơva là một tình trạng kinh hoàng. Nếu không tính toán cụ thể và ra sân bay vào chiều cuối tuần, khi dân cư thành phố nườm nượp đổ ra nhà nghỉ ngoại ô và các cửa ngõ tắc nghẹt, việc bạn bị trễ máy bay là chuyện không ai quan tâm. Phương tiện giao thông công cộng cũng chỉ có xe bus ra sân bay, nếu bus vì tắc đường không đến kịp cũng là chuyện của bạn. Không ai có trách nhiệm ở đây cả.
Về đến nông thôn, thanh niên trai gái trẻ không có việc làm, tụ tập nghiện hút. Không có tiền, họ tự pha chế đồ hàng từ xăng, mà theo nghiên cứu thì tác dụng của nó có thể phá hủy cơ thể trong vòng 1 năm. Trong làng chỉ duy nhất rượu bia và thuốc lá là bán chạy, ngoài thanh niên nghiện ngập chỉ có người già ở lại, còn lại thì bỏ xứ lên thành phố kiếm sống. Một viễn cảnh khiến mình cảm thấy thực sự bị trầm cảm khi về thăm.
Con trai mẹ nuôi mình ở Nga đi lính nghĩa vụ, lúc sang thăm mình hỏi cái mũi làm sao mà vẹo thế kia. Nó bảo vào lính bị đánh hội đồng, lính mới bao giờ cũng vậy. Và bạo lực trong quân ngũ là bình thường.
Thật tình, nếu không có những kỷ niệm quá sâu đậm với những người dân Nga bình dị, mình sẽ không bao giờ quay lại cái xứ sở bất an này.
Mấy tháng sau khi sang Nga, mình bị viêm ruột thừa phải mổ. Lúc vết mổ chưa khô, một cụ già làm thêm trong bệnh viện ngày nào cũng mang máy tới sấy vết mổ cho mình và trò chuyện. 18 tuổi, lơ ngơ giữa một đất nước xa lạ, mình nhớ mãi tình cảm bà cụ dành cho mình. Có tối đi tàu điện ngầm từ nhà bạn về ký túc xá ở Mát, bị thằng say xỉn bám theo, một cô trung niên kéo mình xuống tàu, vừa đi vừa nói với thằng say bám theo hai cô cháu, mày cút đi, nó là cháu tao đấy, để cho nó yên. Ra khỏi ga tàu rồi bà lại đưa mình xuống tàu, để chắc chắn là thằng kia không còn bám theo mình nữa.
Và nhiều lắm những may mắn như vậy.
Nhưng mà cảnh sát Nga sách nhiễu người nước ngoài để kiếm tiền thì cũng không còn lời nào để tả. Bất nhân và vô pháp luật, không coi nhân phẩm con người ra gì.
Tham nhũng từ bộ máy hành chính đến tư pháp, hành pháp thật khủng khiếp tại đây.
Đầu những năm 90, người nước ngoài, đặc biệt là người Việt Nam, bị giết tại Mát vì cướp của hay vì lý do nào đó, rất nhiều. Trong số đó, lực lượng đặc nhiệm của Nga cũng dính tay vào nhiều vụ giết người mà không ai phải chịu một sự trừng phạt nào trước pháp luật.
Đến nay, nước Nga vẫn là một điểm đến không an toàn. 20 năm Putin cai trị, nước Nga chỉ được hoành tráng hơn về bề nổi, và những nhóm lợi ích thân Putin trục lợi theo hệ thống chính sách. Cơ sở hạ tầng, và đời sống của người dân, đặc biệt là người già, không kề được cải thiện. Đầu những năm 90 sống ở Mát, nhìn những cụ già đứng giữa trời lạnh bán thêm mớ rau củ hành bù vào đồng lương ít ỏi, mình xót xa nghĩ nếu mẹ mình cũng phải bươn chải thế này thì khổ lắm. Nghiện ngập say xỉn chết cóng ngoài đường mùa đông là bình thường. Giờ cũng vẫn y nguyên như vậy.
Putin với mình như một đứa trẻ hư cảm thấy không được quan tâm đủ như nó mong muốn, và vì tự ti trước sự nhỏ bé của mình nên lần này tấn công Ukraina cho đàn anh phía Tây biết sức mạnh của kẻ tự ti. Nhớ những clips Putin quảng bá sức mạnh cơ bắp bằng việc cởi trần cưỡi ngựa, câu cá hay săn gấu, đồng nghiệp người Nga của mình cười và bảo, mày nghĩ gì khi bà Merkel thời mấy năm trước khi còn là Thủ tướng Đức cũng làm vậy? Mình cười bảo, lạy trời chuyện đó sẽ không xảy ra, nếu không chắc tao lại phải di cư đi miền đất mới mày ạ.
Hay ho gì với cái quá khứ điệp viên KGB để giờ đây khoác lên mình bao nhiêu cái chết của người đối lập, nhà báo hay người đào thải vì đầu độc hay ám sát họ, từ trong nước tới nước ngoài?
Cuộc tấn công Ukraina của Putin, với mình là phiên bản đúp của bài học về suy nghĩ đám đông. Điển hình của cách suy nghĩ này được nhắc tới trong tâm lý học là trận đánh của những người Cu-ba di tản qua Mỹ dưới sự điều hành của chính quyền Hoa kỳ vào vịnh Pigs Bay tại Cu-ba năm 1961. Tất cả các tướng lĩnh trong bộ chỉ huy đều biết rằng trận đánh không có cơ hội chiến thắng, vì khi đổ bộ vào vịnh thì khả năng lính bị bắn chết là chắc chắn cao. Nhưng vì sợ là người duy nhất nói ra điều này, và sợ bị đào thải khỏi guồng máy, không ai đã dám nói ra sự thật. Kết quả là những người di tản Cu-ba quay trở lại tấn công nước này đã bị chết thê thảm khi đổ bộ vào vịnh.
Vì sợ bị đầu độc, giết hại và không có cơ hội kiếm chác thăng tiến, nên những người tham gia họp bàn chiến sự trong bộ chỉ huy của Putin đã phạm đúng lỗi group thinking này. Câu lạc bộ 99 phần trăm của quốc hội độc tài đã bỏ phiếu tán thành việc tấn công Ukraina. Và họ chủ quan sẽ ăn gỏi Ukraina trong một tuần. Họ sống trong môi trường với những giá trị đạo đức và nhân phẩm suy đồi, nên họ đã nghĩ loài người tiến bộ cũng giống như họ. Họ đã không thể nghĩ đến phản ứng mạnh mẽ và đoàn kết của cộng đồng quốc tế trước hành động xâm lấn của họ vào lãnh thổ Ukraina. Putin và đồng bọn đã quá coi thường sức mạnh của sự tử tế.
Các nước cộng hoà khác thuộc liên bang Xô -viết cũ cũng đang quay lưng lại với Nga sau sự kiện nước này tấn công Ukraina.
Nga đã thua chưa?
Xin thưa, đã, và trên mọi mặt trận. Từ kinh tế, chiến thuật, quân sự, và đặc biệt là lòng người. Chỉ có những kẻ không có não và chẳng có tim mới có thể ủng hộ cuộc chiến phi nghĩa và vô nhân đạo này. Chưa thấy bài trừ phát xít ở Ukraina chỗ nào, chỉ thấy quân đội Nga tàn phá và hủy diệt đất nước và con người ở đây. Mình không tin Nga sẽ thắng trận đánh này, không chỉ bởi cái ác không thể thắng cái thiện, mà đây là một cuộc chiến về giá trị nhân loại. Không có luật pháp nào cho phép được tấn công xâm phạm lãnh thổ và hủy diệt một nước có chủ quyền. Điều này cả thế giới văn minh đang chỉ ra cho Nga bằng thái độ của mình.
Nga sẽ được gì khi xâm chiếm được Ukraina, khi chỉ còn là đống đổ nát, lòng dân không phục, và cả thế giới tẩy chay?
Mình nghĩ Putin sẽ hướng tới một cuộc đàm phán và những thỏa thuận để chấm dứt chiến tranh trước khi mất mặt. Mình hy vọng ngày đó sẽ sớm tới, để không phải thêm một ngày nào cuộc sống và hoà bình tại Ukraina và trên thế giới bị đe dọa bởi một đứa trẻ hư như Putin nữa.
Mình nghĩ chắc Putin, ngoài bệnh tâm lý hoang tưởng quyền lực gì đó, cái này phải BS tâm lý mới kết luận được, còn là một đứa trẻ đáng thương không được biết đến tình yêu thương của cha mẹ. Đứa trẻ được yêu thương sẽ cảm nhận được hạnh phúc và muốn lan tỏa nó, thay vì gây đau thương, bởi nó không được biết đến thương yêu.
Đức Dalai Lama chắc chắn sẽ nói, những kẻ như Putin tạo ra Karma (nghiệp), vòng luân hồi rất xấu, và chúng ta càng phải cầu nguyện cho họ nhiều hơn.
Mình ít ăn thịt vì hạn chế mức tối thiểu sinh vật sống phải chết vì mình, nhưng nếu có đóng góp để trả tiền cho ai triệt hạ được Putin, mình xin góp phần.
Việc Putin mang bom nguyên tử ra dọa thì cũng giống thằng ủn chơi ngông. Hai thằng này chắc có hầm trú ẩn chống bom nguyên tử với 70 tiên nữ để cưỡi, giống như mấy đồng chí đánh bom cảm tử đạo Hồi mong ước được thưởng sau khi chết. Nhưng triệt tiêu nguồn sống của nhân loại, và chui rúc dưới hầm trú ẩn, sống vậy thì là động vật ở kỷ nguyên nào chứ đâu có thể là con người?
Chiều hôm qua bầu trời nước Đức được phủ vàng. Mình tỉnh giấc ngủ trưa trong chùa nhìn ra, thấy lạ không biết tại sao. Chiều đọc tin mới biết cát từ sa mạc Sahara được gió thổi sang tận đây. Nếu Putin dùng bom nguyên tử, môi trường sống tại châu Âu và cả tận đâu nữa coi như không còn. [ Chiến tranh nguyên tử = MAD= Mutually Assured Destruction: nhân loại sẽ bị tận diệtnhư những con khủng long thời xưa. Đó là một trong những lý do Elon Musk giải thích tại sao cần đưa người lên một hành tinh khác (Mars) để lỡ có MAD thì nhân loại không bị hủy diệt 100% HC]
Chính trị, chỉ đơn giản là không khí ta ở, nguồn nước ta uống. Và giá trị nhân phẩm và đạo đức của con người là bất khả xâm phạm.
Đừng chỉ nghĩ đến nồi cơm điện nhà mình vì dù thế giới có sụp đổ, thảm họa nó sẽ trừ mình ra.
Nghĩ như vậy thì cũng coi như là không biết nghĩ!
Viva Ukraina!
Dương Thu Hương
Văn hóa tôn sùng chiến tranh: Putin đánh Ukraina để lấy lòng dân Nga ?
Cuộc tấn công Ukraina của quân đội Nga mở màn ngày 24/02/2022, và chưa biết sẽ kéo dài đến khi nào, thường được coi là một quyết định độc đoán - liều lĩnh, của tổng thống Nga cùng với một vài cộng sự tin cẩn nhất. Để trả lời cho câu hỏi, cuộc chiến sẽ đi về đâu, nhiều chuyên gia thường đặt lên hàng đầu câu hỏi tổng thống Vladimir Putin thực sự muốn gì ?
Giải đáp câu hỏi tổng thống Putin thực sự muốn gì quả là điều không đơn giản, bởi theo nhiều nhà quan sát, lãnh đạo tối cao nước Nga trong thời gian gần đây sống cô lập, gần như tránh mọi tiếp xúc, thận trọng với tuyệt đại đa số người dưới quyền. Mới đây, tình báo Hoa Kỳ đưa ra nhận định sở dĩ ông Putin quyết định tiếp tục chiến tranh, do nhận được những tin tức sai lạc do chính tình báo Nga cung cấp, những thông tin được coi là để thỏa mãn trước hết nhu cầu đầy ảo tưởng của ông chủ điện Kremlin, chứ không nói lên sự thật. Một Putin độc đoán, cô lập, tách rời với tất cả, sống trong ảo tưởng… là hình ảnh về lãnh đạo tối cao Nga, được không ít người chia sẻ.
Trên thực tế, cũng có một cách nhìn rất khác về lãnh đạo tối cao Nga, về quyết định chiến tranh chống Ukraina của Matxcơva. Theo tiếp cận này, cuộc xâm lăng Ukraina là sự tiếp nối rất logic cùa tư tưởng « sùng bái chiến tranh », như một phương tiện khẳng định « sự vĩ đại của nước Nga » đang trên đường tìm lại hào quang, điều mà Vladimir Putin cùng cộng sự đã dày công xây dựng từ hơn 20 năm qua. Xây dựng trên nhiều phương diện, về công nghệ, kỹ thuật, quân sự, nhưng đặc biệt là về mặt văn hóa, về ý thức hệ, về tuyên truyền.
Một quan niệm như vậy dường như đã và đang nhận được sự đồng cảm lớn trong xã hội Nga. Rất có thể là nhờ sự ủng hộ rộng lớn đó mà tổng thống Putin quyết định tấn công Ukraina, bất chấp phản ứng phẫn nộ rộng khắp thế giới, có thể dự đoán. Và muốn biết chiến tranh tại Ukraina đi đến đâu, và bên cạnh việc trả lời cho câu hỏi Putin thực sự nghĩ gì, bên cạnh việc lý giải chủ đề này dưới góc độ toàn cầu, một vấn đề chính khác có lẽ cần được làm rõ là : đa số người Nga thực sự nghĩ gì, và chính quyền Putin đã định hướng dân Nga nghĩ như thế nào ?
***
Nhà báo đài France Inter nhấn mạnh trước hết đến « văn hóa chiến tranh », thái độ tôn sùng, cổ vũ cho chiến tranh xuyên suốt cuộc đời Putin ngay từ trước khi trở thành tổng thống. « Chiến tranh, rồi văn hóa quân sự đã in đậm tuổi trẻ của Putin thời Liên Xô. Cha của Putin là thương binh trong Thế chiến Hai, còn tổng thống Nga tương lai lớn lên ‘‘tại một ‘thành phố - anh hùng’ (thành phố Leningrad, tức Saint Petersbourg) mà hồi ức về nó vẫn là điều thiêng liêng » đối với biết bao người dân Nga, như nhận xét của Michel Eltchaninoff (tác giả cuốn « Dans la tête de Poutin / Trong đầu Putin », xuất bản 2016, tái bản 2022 có bổ sung).
Giáo dục « quân phiệt » từ thuở thiếu thời
« Vladimir Putin là đứa trẻ lớn lên trong môi trường mà chủ nghĩa quân phiệt thấm đẫm cuộc sống đời thường », nơi « giáo dục chính là giáo dục quân phiệt », và « nghĩa vụ quân sự, với các nghi thức nhập môn tàn bạo và những nghi lễ thu nạp đầy nam tính là một trong những giai đoạn quan trọng nhất trong đời sống của một con người trong xã hội Xô Viết ».
Đường phố Leningrad đã dạy cho Putin một điều căn bản, đó là « nếu như đụng độ là không thể tránh khỏi, bạn hãy là kẻ tấn công đầu tiên ». Người thanh niên Vladimir Putin đã lớn lên trong môi trường đầy dương tính, rất gần với « văn hóa quân sự », một thứ văn hóa « rất cổ sơ », coi chiến tranh là con đường khẳng định phẩm giá đàn ông, theo bà Cécile Vaissié, giáo sư chuyên về nghiên cứu Nga và Xô Viết, Đại học Rennes 2 (Pháp).
Rất nhiều năm trước khi quyết định tiến hành xâm lược Ukraina, ông chủ điện Kremlin đã không ngừng khẳng định sức mạnh của nước Nga thông qua chiến tranh. Nhà báo France Inter dẫn nhận định của nhà nghiên cứu Mỹ gốc Nga Anna Borshchevskaya, về nỗ lực không ngừng của Putin, khẳng định mình như « một thủ lĩnh chiến tranh ngay trong thời bình » (*), ngay từ khi Putin đắc cử tổng thống năm 2000.
Michel Eltchaninoff, tác giả cuốn « Trong đầu của Putin », chú ý đến một số tác giả có ảnh hưởng quan trọng nhất đến tư tưởng của tổng thống Nga. Nhà triết học Ivan Ilyine (1883 – 1954) ủng hộ hành động bạo lực « nhân danh điều thiện » hay nhà tư tưởng Nikolai Danilevski (1822- 1885) ca ngợi việc « huy động dân chúng tham gia chiến tranh như một chất men quan trọng cho sự phục sinh văn hóa và chính trị ».
Chiến tranh Tchetchenia : Từ 1% đến hơn 50% dân Nga ủng hộ Putin
Không thể có Putin – thần tượng của rất nhiều người dân Nga, nếu không có cuộc chiến tranh Tchetchenia lần thứ hai (tháng 8/1999 – tháng 2/2000). Vào tháng 8/1999, khi được bổ nhiệm làm thủ tướng, dưới thời tổng thống Boris Eltsine, cựu nhân viên an ninh Putin chỉ nhận được 1% ủng hộ của cử tri cho cuộc bầu cử tổng thống dự kiến tháng 6/2020. Tuy nhiên, theo giáo sư Cécile Vaissié, cũng vào năm 1999, « Cơ quan An ninh Nga FSB đã có kế hoạch xây dựng hình ảnh Putin như một vị tổng thống sáng giá ».
Thủ tướng Putin, rồi quyền tổng thống Putin (thay thế Eltsin tháng 12/1999), đã khẳng định tư thế một người hùng của nước Nga, khi thể hiện như « một thủ lĩnh quân sự, trong trang phục quân nhân, chụp ảnh với binh sĩ, (được coi là người đã) tung ra câu nói nổi tiếng ‘‘truy đuổi những kẻ khủng bố đến hang ổ cuối cùng’’… ».
Kể từ thời điểm đó uy tín của Putin lên như diều. Từ 1% lúc mới là thủ tướng đến hơn 50% phiếu bầu ngay trong vòng một cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn (tháng 3/2020).
Điều gì đã khiến Putin nhanh chóng trở thành người được dân Nga hâm mộ ? Theo hai chuyên gia Cécile Vaissié và Isabelle Facon (Quỹ nghiên cứu chiến lược), hình ảnh một nhà lãnh đạo quân sự trẻ tuổi sẵn sàng vực dậy nước Nga đã khiến « nhiều người dân Nga nức lòng ».
Theo quan điểm chính thống, cuộc chiến tranh Tchetchenia lần thứ hai được khởi động sau khi các lực lượng ly khai người Tchetchenia tiến hành 5 cuộc tấn công khủng bố tại Matxcơva và một số nơi khác, từ tháng 8 đến tháng 9/1999. Cho đến nay, giới chuyên gia vẫn đặt câu hỏi về tính xác thực của việc quy trách nhiệm các cuộc tấn công khủng bố nói trên cho các nhóm ly khai Tchetchenia. Một số người cho rằng cơ quan an ninh Nga đã dàn dựng các vụ tấn công, được sử dụng để làm cái cớ dẫn đến một trong những cuộc chiến tranh tàn khốc nhất tại châu Âu sau Thế chiến Hai (từ 100.000 đến 300.000 thường dân thiệt mạng trong cuộc chiến này, tức khoảng từ 10 đến 30% dân số Tchetchenia). Cuộc chiến bị giới bảo vệ nhân quyền tố cáo như một « tội ác diệt chủng ».
Có một điều rõ ràng là ông Putin đã phụ trách Cơ quan An ninh Liên bang Nga từ tháng 7/1998 đến tháng 8/1999, tức ngay trước khi trở thành thủ tướng, và đúng vào lúc Chiến tranh Tchetchenia lần thứ hai khai màn. Cuộc chiến mà chính quyền Putin gọi là « Chiến dịch chống khủng bố ».
Chiến tranh và tham vọng đế chế: cội rễ uy tín của Putin
Bà Isabelle Facon, chuyên gia về các chính sách an ninh và quốc phòng Nga (Quỹ nghiên cứu chiến lược), tóm lược bí quyết thành công của ông Putin. Đó là : chiến tranh, « hơn bất cứ thứ nào khác », cho phép Putin khẳng định uy tín của mình trong xã hội Nga.
Thành quả bất ngờ trong việc chinh phục công luận Nga, với chiến thắng trong cuộc chiến tranh Tchetchenia lần thứ hai, có lẽ khiến chính quyền Putin nhận rõ rằng chiến tranh, hồi ức về chiến tranh là một trụ cột chủ yếu của hệ thống quyền lực tại Nga. Hai tháng sau khi đắc cử tổng thống, Vladimir Putin trở thành tổng thống Nga đầu tiên chủ trì dịp kỉ niệm ngày Liên Xô chiến thắng phát xít Đức, ngày 09/05/2000, trong cuộc chiến thường được người Nga gọi là « Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1940 -1945) ».
Chuyên gia về chính sách an ninh, quân sự Nga, Anna Borshchevskaya, khẳng định : hồi ức về chiến tranh trở thành luận điểm tuyên truyền căn bản để điện Kremlin khôi phục hình ảnh ảnh về nước Nga như một đại cường, với trong nước và trên trường quốc tế. Kể từ lễ kỉ niệm chiến thắng phát xít Đức vào năm 2000, tổng thống Putin bắt đầu tìm cách sử dụng triệt để hình ảnh Liên Xô anh hùng chiến thắng phát xít như một yếu tố căn bản gắn kết toàn bộ xã hội Nga. Kể từ giờ, ngày 09/05 trở lại với lễ duyệt binh, mũ quân nhân, quân phục được bán khắp nơi, bán cho trẻ em… Một không khí « quân sự hóa » ngày càng hiện diện rõ trong xã hội Nga. Quân đội được coi là hạt nhân của đất nước, có vai trò trụ cột trong việc khôi phục hình ảnh cường quốc của Nga. Mọi ý kiến trái chiều đối diện với nguy cơ bị đàn áp.
Kể từ lễ kỉ niệm chiến thắng phát xít Đức vào năm 2000, tổng thống Putin bắt đầu sử dụng triệt để hình ảnh Liên Xô anh hùng chiến thắng phát xít như một yếu tố căn bản gắn kết toàn bộ xã hội Nga. Kể từ giờ, ngày 09/05 trở lại với lễ duyệt binh, mũ quân nhân, quân phục được bán khắp nơi, bán cho trẻ em… Một không khí « quân sự hóa » ngày càng hiện diện rõ trong xã hội Nga.
Nước Nga Putin tiếp tục chống « phát xít »
Nhà báo France Inter đặc biệt chú ý đến « vai trò căn bản » của nhà trường Nga trong việc phổ biến hình ảnh về chiến thắng của Hồng Quân Liên Xô trong Thế chiến Hai. Chính quyền Putin cũng chủ trương khôi phục hình tượng Stalin, biện minh cho những tội ác khủng khiếp chống lại người dân Nga thời Stalin. Tiếp tục « chống phát xít », kế thừa truyền thống Liên Xô của Stalin, là điều đang được coi là đã và tiếp tục làm nên tính chính đáng của chính quyền Putin, phục hồi sự vĩ đại của nước Nga (**).
Theo Cơ quan nghiên cứu quốc phòng Thụy Điển, « dưới thời tổng thống Putin, quân đội trở thành một tác nhân hàng đầu trong các hoạt động đối ngoại ». Nhà nghiên cứu Isabelle Facon có cùng ghi nhận, « trong những năm gần đây, quân sự là kênh chủ yếu » cho phép nước Nga trở lại cải thiện vị thế. Việc vai trò của quân đội được củng cố mạnh mẽ kể từ năm 2008, sau cuộc can thiệp quân sự của Nga tại Gruzia, khiến quân đội, chiến tranh trở thành lĩnh vực có ảnh hưởng hàng đầu đến các quyết định chính trị của Nga.
Vai trò số một của quân đội và xu thế « quân sự hóa » xã hội Nga
Quân đội Nga được coi là đã tăng cường sức mạnh đáng kể sau năm 2009, với các cải cách do tổng thống Putin chủ trương. Can thiệp quân sự hỗ trợ nhà độc tài Assad tại Syria từ năm 2015, can thiệp vào miền đông Ukraina, sát nhập bán đảo Crimée kể từ năm 2014, đã là các động thái giúp chính quyền Putin củng cố quyền lực trong nước.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, uy tín của nhà độc tài – « người hùng » trong chiến tranh Tchetchenia, vốn được dân chúng Nga hâm mộ - sụt giảm rất mạnh. Theo một thăm dò dư luận tháng 5/2019 (của viện điều tra VTSIOM), chỉ có 30,5% dân Nga dẫn tên Putin, để trả lời cho câu hỏi mở : « Quý vị tin tưởng vào chính trị gia nào ? » (***). Ảnh hưởng sụt giảm rất mạnh so với tỉ lệ gần 77% cử tri bỏ phiếu ngay trong vòng một cuộc bầu cử tổng thống 2018 – do hiệu ứng « đồng thuận về bán đảo Crimée » (« đồng thuận » do bởi sự ủng hộ rộng khắp của dân Nga với quyết định sát nhập, cũng như thái độ phổ biến trong dân chúng chống lại các trừng phạt phương Tây do Matxcơva sát nhập bán đảo Crimée).
Đúng là vào thời điểm 2018 - 2019, đông đảo dân chúng Nga có nhiều thất vọng với những hứa hẹn hão huyền của tổng thống Putin về việc cải thiện đời sống trong nước, cuộc cải cách hưu trí gây một làn sóng phản đối mạnh mẽ. Đa số người dân không sẵn sàng đánh đổi các điều kiện sống thực tại, và các đòi hỏi về công lý, lấy một chính quyền « mạnh », vị thế với quốc tế, tham vọng lãnh thổ đại Nga.
Tuy nhiên, những bất bình như trên trong xã hội Nga đối với chính quyền Putin, dù có thể dẫn đến một số phản kháng đáng kể trong nước, đã khó cưỡng nổi xu thế « quân sự hóa » chủ đạo trong xã hội Nga, mà ông Putin và các đồng sự đã khởi động từ hơn 20 năm qua, đặc biệt là từ 5 năm gần đây, như ghi nhận của chuyên gia Mỹ gốc Nga Anna Borshchevskaya. Ngay cả trong thời bình, nhà lãnh đạo độc đoán Nga vẫn rất chú ý đến việc hành xử như một « thủ lĩnh chiến tranh ».
Chiến thắng quân sự và thành công chính trị: Ukraina, một bàn đạp mới cho Putin ?
Nếu như cuộc chiến tranh Tchetchenia lần thứ hai đã đưa Putin lên đỉnh cao quyền lực, thì rất có thể với nhà lãnh đạo độc tài, cuộc chiến chống Ukraina tạo cơ hội thành công trong tham vọng cuối đời, một tham vọng gắn liền với việc khẳng định đế quốc đại Nga mới, kế thừa những vinh quang thời Xô Viết. Nhà báo France Inter nhấn mạnh rằng chính quyền Putin « để biện minh cho việc xâm lăng Ukraina », đã khắng định mục tiêu « phi phát xít hóa nhà nước Ukraina, như để nhắc lại tầm vóc vĩ đại của nước Nga trước kẻ thù Đức Quốc xã trước đây ».
Theo thăm dò dư luận mới nhất, do viện nghiên cứu độc lập Levada thực hiện, vào cuối tháng 3, có 83% dân Nga ủng hộ ông Putin (tăng 12% so với tháng trước), khoảng hai phần ba dân ủng hộ « chiến dịch quân sự đặc biệt » tại Ukraina. Theo Wall Street Journal, các điều tra do những trung tâm của chính quyền Nga tiến hành cũng cho ra một kết quả gần tương tự.
Tại Nga, chính quyền ra luật cấm dùng chữ chiến tranh để nói về cuộc xâm lăng Ukraina của Nga. Người dân Nga buộc phải ủng hộ « chiến dịch quân sự đặc biệt » của Putin do bị kiểm duyệt ? Hay do thiếu thông tin về thực chất cuộc chiến ? Hay do tin tưởng thực sự vào tổng thống Nga, chia sẻ với ông Putin về niềm tin vào tương lai một Đại Nga hùng mạnh, đối thủ của phương Tây, mà quốc gia « đàn em » Ukraina không có cách nào khác phải quy phục ?
Trong một xã hội như nước Nga, mà chính quyền thao túng xã hội dân sự về nhiều mặt, thật khó có một câu trả lời thỏa đáng. Dù sao bài viết « Từ văn hóa quân sự đến cuộc xâm lăng Ukraina, Vladimir Putin ‘‘khẳng định uy tín’’ qua chiến tranh như thế nào ? » cũng giới thiệu những thông tin căn bản cho phép công chúng có thêm cơ sở để suy ngẫm về những diễn biến nội tại trong xã hội Nga. Những diễn biến ắt hẳn sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc chiến tranh của nước Nga chống lại Ukraina, đang diễn ra. Một cuộc chiến không chỉ là câu chuyện nội bộ Nga – Ukraina, mà còn góp phần đáng kể xác định hướng đi của toàn nhân loại.
***
Ghi chú
(*) Chuyên gia Anna Borshchevskaya là tác giả bài « The Role of the Military in Russian Politics and Foreign Policy Over the Past 20 Years / Vai trò của quân đội trong chính trị và chính sách đối ngoại của Nga trong 20 năm qua », tháng 5/2020, Foreign Policy Research Institute (được dẫn trong bài « Từ văn hóa quân sự đến cuộc xâm lăng Ukraina, Vladimir Putin ‘‘khẳng định uy tín’’ qua chiến tranh như thế nào ? », trên France Inter, ngày 30/03/2022).
(**) Tác giả Anna Borshchevskaya trong bài trên đã chỉ ra hàng loạt biện pháp của chính quyền Putin cổ vũ cho một quan điểm hoài niệm về thời Xô Viết, cổ vũ cho sự sùng bái quân đội trong dân chúng từ 20 năm nay, khôi phục bộ máy tuyên truyền của Nhà nước Nga, thành lập các phong trào thanh niên, như Nashi (2005), Yunarmia (2016) để tiếp tay cho chính quyền, soạn thảo lại sách hướng dẫn dạy môn sử trong nhà trường… Chính quyền Putin cũng coi Giáo hội Chính Thống Giáo Nga ngay từ năm 2000, như một « chất keo của chủ nghĩa dân tộc Nga », một công cụ quan trọng đối với chính sách đối ngoại (« Quan niệm về An ninh Quốc gia Nga 2000 » nhấn mạh đến khái niệm « Đổi mới tâm linh »). Giáo hội Chính Thống Giáo có thể được huy động để biện minh cho việc xét lại các vấn đề về chủ quyền lãnh thổ, về sứ mạng tôn giáo của một chế độ chính trị, bảo vệ các giá trị truyền thống Nga, chống lại sự băng hoại về đạo đức của phương Tây. Với chính quyền Putin, Giáo hội Chính Thống Giáo có thể « thay thế cho một xã hội dân sự độc lập ». Giáo hội Chính Thống Giáo dần dần trở thành một phương tiện bảo vệ an ninh quốc gia (tại Nhà thờ lớn của Quân đội Nga, đang được xây dựng, có lúc có kế hoạch trang trí tranh ghép có hình tổng thống Putin, bộ trưởng Quốc Phòng Soigu và Stalin, với dùng chữ « bán đảo Crimée là của chúng ta »). Việc giám đốc cục tình báo hải ngoại Sergey Naryshkin cũng đồng thời là giám đốc Hiệp hội sử học Nga (RHS), người khuyên cha mẹ học sinh nói chuyện với con cái về Thế chiến Hai trong thời gian cách ly Covid-19, nói lên nhiều điều về sự can thiệp ở mức độ rất cao của chính quyền Putin vào đời sống xã hội dân sự Nga.
(***) « Le chef de guerre Poutine à la reconquête de l’opinion russe / Thủ lĩnh chiến tranh Putin tìm cách chinh phục công luận Nga », Libération, ngày 19/06/2019. Trọng Thành, RFI
'Putin - Logic của quyền lực' - chân dung chân thực của Tổng thống Nga Vladimir Putin
Tác phẩm của Hubert Seipel, từng theo chân Tổng thống Nga từ năm 2010, hé lộ góc nhìn của một nhà báo phương Tây về vị nguyên thủ lên nắm quyền nước Nga từ đầu năm 2000, trên di sản kinh tế do Boris Yeltsin để lại.
Cuốn sách về Tổng thống Nga Vladimir Putin hấp dẫn ngay từ những trang đầu tiên, kể về ngày 17.7.2014 khi chiếc máy bay MH 17 bị bắn rơi trên bầu trời Đông Ukraine, gần như cùng thời gian với chuyến bay đưa ông Putin trở về Moskva sau chuyến công du Nam Mỹ sáu ngày.
Từ đó là cuộc đối đầu giữa V.Putin với chiến lược mở rộng NATO về phía Đông của phương Tây, với việc bóp méo lịch sử chiến thắng của Hồng quân Liên Xô trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại trên trường quốc tế. Trong nước Nga, đó là việc phục hưng Giáo hội Chính thống giáo Nga như một thế lực chính trị, việc vạch rõ vai trò của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài như những mưu toan can thiệp vào chính trị nội bộ Nga.
Cuốn sách hé lộ góc nhìn của một nhà báo phương Tây về vị nguyên thủ lên nắm quyền nước Nga từ đầu năm 2000, trên di sản kinh tế do Boris Yeltsin để lại, do Phan Xuân Loan dịch
NXB
Để chấm dứt nạn cướp đoạt quốc gia Nga, cuốn sách giới thiệu cách V.Putin xử lý giới tài phiệt Nga, từ Boris Berezovsky, Mikhail Khodorkovsky tới Roman Abramovich. Và không chỉ các quan điểm chính trị kinh tế của V.Putin được giới thiệu, cái nhìn xã hội của ông qua cách giải quyết các vấn đề về đồng tính, về truyền thông cũng được Hubert Seipel lý giải.
Góc nhìn của Hubert Seipel không dựa trên “ly cocktail cảm xúc pha từ thiện cảm và niềm tin vào giá trị của riêng mình”, mà là dựa trên “thông tin và niềm tin, điều chỉ có thể xảy ra khi hai phía nhìn nhận nhau nghiêm túc”.
Putin – Logic của quyền lực (do First News và NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành), vừa được tái bản khi cả thế giới đang dõi theo “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine. Trung thành với bài học từ thuở nhỏ trên đường phố Leningrad, “nếu không tránh khỏi việc đánh nhau, hãy là người ra đòn trước” – như phát biểu nổi tiếng của mình ở Câu lạc bộ Valdai năm 2015, V.Putin ngày 24.2.2022 đã cho tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Bức chân dung chân thật và rõ nét nhất về Tổng thống V.Putin
Cuốn sách Putin – Logic của quyền lực kể về những giai đoạn quan trọng khác nhau trong cuộc đời của V.Putin, trùng khớp với những thời khắc bước ngoặt của lịch sử Nga. Từ tuổi thơ ở Saint Petersburg vào thời ổn định Xô viết, đến sự tan rã của Liên Xô và 5 năm làm tình báo đối ngoại ở Dresden.
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Sau vài năm làm việc cho chính quyền Kremlin, chứng kiến sự tan rã của nhà nước và nhanh chóng học hỏi cách thức vận hành của cơ chế quyền lực trong kỷ nguyên hỗn loạn của Yeltsin, V.Putin bước vào chiếc ghế kế nhiệm. Từ đó trên cương vị Tổng thống Nga, ông cố gắng khôi phục lòng tự trọng đã bị suy sụp của nhân dân mình, tìm khởi nguồn cho nó trong kinh nghiệm lịch sử của ông – từ đế chế Nga đến thời Xô viết, đồng thời trong Chính thống giáo, bất chấp phương Tây có thích hay không.
Putin – Logic của quyền lực là tác phẩm khá “nặng ký”. Để có thể hoàn thành tác phẩm này, tác giả Seipel đã tiếp cận Tổng thống Putin trong vai trò một nhà làm phim từ năm 2010, để rồi suốt 5 năm sau đó, ông đã có hơn 20 buổi phỏng vấn chuyên sâu, tháp tùng Putin trên hàng chục chuyến đi cả trong và ngoài nước để lấy thông tin. Đây là một đặc quyền hiếm hoi, bởi Putin thường không gần gũi với bất kỳ nhà báo phương Tây nào. Từ những cuộc phỏng vấn này, Hubert Seipel dẫn dắt độc giả bước vào thế giới của Putin, về mối quan hệ giữa quan điểm thật sự của nhà lãnh đạo Nga với những lợi ích cạnh tranh.
Putin – Logic của quyền lực được tái bản khi cả thế giới đang dõi theo “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine
FIRST NEWS
Một trong những đoạn xúc động của cuốn sách là khi Putin bật khóc bên quan tài người thầy judo thời niên thiếu, đã khắc họa chân dung của con người từng bị phương Tây không tiếc lời mô tả là lạnh lùng và nhẫn tâm. Cuốn sách thuyết phục bởi nó mô tả cả những thất bại, như việc xử lý vấn đề tàu ngầm hạt nhân Kursk gặp nạn, chứ không chỉ những thành công…
Với “chiến dịch quân sự đặc biệt” đang diễn ra ở Ukraine, Putin – Logic của quyền lực của Tổng thống Nga Vladimir Putin còn giúp bạn đọc có cái nhìn hệ thống về V.Putin, nhân vật sẽ còn được nhắc đến dài lâu trong lịch sử thế giới sau này. Quỳnh Trân, TN