Ra mắt vào cuối tháng 11/2022, ChatGPT hay với tên gọi đầy đủ là Chat Generative Pre-training Transformer - một chatbot do công ty trí tuệ nhân tạo OpenAI có trụ sở tại San Francisco phát triển, đã gây bão trên internet và có hơn một triệu người dùng trong vòng chưa đầy một tuần.
Hiểu một cách đơn giản, ChatGPT là một AI (trí thông minh nhân tạo). Điểm đặc biệt của AI này nằm ở kho kiến thức mà ChatGPT đã học được. Bạn có thể hỏi nó vô số câu hỏi và thường sẽ nhận được câu trả lời hữu ích.
Thậm chí, nó còn khiến nhiều người phải ngạc nhiên khi có thể trả lời lưu loát đầy đủ các câu hỏi mà bạn đưa ra, bất kể là thắc mắc về lĩnh vực gì, từ làm thơ, soạn nhạc, viết thư, thiết kế cho tới sửa lỗi lập trình, chẩn đoán sức khỏe, lên kế hoạch tập luyện thể dục...
Sử dụng ChatGpt để tạo kế hoạch tập luyện, coi chừng... lời khuyên tai hại
Rhiannon William là tác giả viết sách người Australia và là người yêu thích chạy bộ. Chia sẻ trên trang Technology Review, Rhiannon cho biết, khi nhận thông báo được chấp nhận tham gia cuộc thi Marathon London, ông đã vô cùng phấn chấn. Chỉ còn chưa đầy 6 tháng nữa sẽ diễn ra cuộc thi, ông phải gấp rút tập chạy mỗi ngày. Và ông chọn chatbot AI ChatGpt làm "huấn luyện viên cá nhân". Rhiannon William đã yêu cầu ChatGpt viết cho mình một kế hoạch tập luyện marathon trong 16 tuần.
Nhưng có vẻ với William, điều này không hiệu quả.
"Nếu bạn muốn tập luyện cho một cuộc chạy marathon đúng cách, bạn cần tăng dần quãng đường chạy mỗi tuần và quãng đường dài nhất cần chạy là khoảng 30km. ChatGPT đề xuất quãng đường tối đa cho tôi chỉ là 15km. Tôi rùng mình khi tưởng tượng mình sẽ đối phó thế nào nếu chạy marathon mà không chuẩn bị kỹ càng (chạy luyện tập quãng đường quá ngắn). Tôi có thể bị đau đớn, thậm chí là chấn thương nghiêm trọng", William cho biết.
Cũng vẫn câu hỏi đấy trong một cuộc trò chuyện khác, ChatGpt lại gợi ý cho William chạy 30km vào ngày trước cuộc thi. "Một lần nữa, đây sẽ là 'công thức' thảm họa. Nó có thể khiến tôi kiệt sức trên vạch xuất phát hoặc chấn thương", ông nói.
Không hiểu tại sao ChatGpt lại đưa ra 2 câu trả lời khác nhau cho cùng 1 câu hỏi (nhưng ở 2 thời điểm), Rhiannon William đã hỏi OpenAI. Người phát ngôn của OpenAI cho biết ChatGPT không phải là một cơ sở dữ liệu. Nó tạo ra một phản hồi mới với mỗi câu hỏi. Tức là, với mỗi câu hỏi "mô hình ngôn ngữ" này có xu hướng tạo ra một câu trả lời khác.
Khi được hỏi về việc AI đưa ra lời khuyên có thể gây hại, người phát ngôn đã trả lời William rằng: "ChatGPT là một 'bản xem trước' và chúng tôi lưu ý với người dùng rằng đôi khi nó có thể tạo ra thông tin không chính xác, hướng dẫn có hại hoặc nội dung sai lệch".
Trong 3 câu trả lời nhận được, William cho biết, 1 câu đưa ra lời cánh báo rằng "nên làm việc với huấn luyện viên", một câu khác lại nói "hãy lắng nghe cơ thể mình" và câu còn lại không đưa ra khuyến cáo nào. Cuối cùng, William kết luận "các câu trả lời của chatbot không nhất quán và không hữu ích lắm". Điều này đã khiến William thất vọng.
Tuy nhiên, khi lướt qua TikTok, Reddit, Twitter, William phát hiện ra rằng, nhiều người đã sử dụng ChatGpt để tạo kế hoạch tập luyện và một số người thực sự đã làm theo gợi ý của nó.
ChatGpt có phải là tương lai của thể dục?
Austin Goodwin là một người đam mê thể dục tại Tennessee (Mỹ). Khi tìm hiểu về ChatGpt, Goodwin đã yêu cầu nó giải thích về tình trạng quá tải lũy tiến trong cử tạ (tăng dần trọng lượng tạ nâng) là gì và tại sao cần giảm calo để giảm cân. Câu trả lời của Chatbot đúng như anh mong đợi. Nó giống như câu trả lời của người có nhiều năm kinh nghiệm luyện tập.
Goodwin đã kiểm tra các hạn chế của ChatGPT bằng cách đặt câu hỏi mà anh ấy đã biết câu trả lời, như là: Viết về kế hoạch tập luyện với tạ, pull-up và lunges. Anh cũng nói dối rằng mình cần kế hoạch để "có một thân hình thon gọn". Và cuối cùng, câu trả lời của nó khiến anh vô cùng ấn tượng "để có được thân hình săn chắc, điều quan trọng là phải chú ý đến chế độ ăn uống của bạn". Austin Goodwin nhận thấy đây là câu trả lời rất chính xác.
Alex Cohen làm việc cho một công ty khởi nghiệp về chăm sóc sức khỏe có tên là Carbon Health cũng là một người có sở thích tập thể dục. Cohen thử khả năng của ChatGpt bằng cách hỏi các câu mà anh đã biết câu trả lời. Đầu tiên, anh yêu cầu ChatGpt tính toán tổng năng lượng tiêu hao hàng ngày của anh. Sau đó, anh yêu cầu nó tạo các bữa ăn mẫu và kế hoạch tập luyện. Giống như Goodwin, Alex Cohen bị ấn tượng bởi cách nó trình bày thông tin.
Tổng số calo mà một người đốt cháy trong một ngày là một công cụ hữu ích để ước tính lượng bạn nên tiêu thụ để giảm, duy trì hoặc tăng cân.
Tuy nhiên, anh đánh giá rằng ChatGpt không thể thay thế chuyên gia dinh dưỡng hoặc huấn luyện viên cá nhân. "Nó không cá nhân hóa các bài tập dựa trên hình dáng, thể trạng cụ thể hay kinh nghiệm tập luyện của tôi. Và ChatGPT không hỏi người dùng những câu hỏi bổ sung để có thể cải thiện câu trả lời của nó", anh cho biết.
Lee Lem, một chuyên gia thể hình ở Australia, cũng có trải nghiệm tương tự. Lem yêu cầu ChatGPT tạo cho mình chương trình "tập luyện tối ưu cho đôi chân trong 1 ngày". AI đã đúng khi gợi ý các bài tập đa khớp như squats, lunges hay deadlifts, nhưng thời gian nghỉ giữa bài tập quá ngắn. "Thật phi thực tế khi chỉ nghỉ 30 giây giữa các hiệp squats", Lem nói.
< iframe id="ads-place-201020" scrolling="no" width="0" height="0" style="margin: 0px; padding: 0px; list-style: none; border-width: 0px; border-style: initial; max-width: 650px;">< /iframe>
Với các đề xuất của ChatGpt, Lem cho biết: Nó không xem xét đến cơ thể con người. Những chuyển động lặp đi lặp lại nhanh chóng khiến chúng ta cảm thấy nhàm chán hoặc mệt mỏi. Huấn luyện viên con người sẽ biết kết hợp các bài tập với nhau.
Các chuyên gia có thể thấy các lỗ hổng tai hại trong lời khuyên tập luyện của AI, nhưng nhiều người dùng thông thường thì không.
Philippe De Wilde, giáo sư về trí tuệ nhân tạo tại Đại học Kent (Anh), chỉ ra rằng, ChatGpt được đào tạo trên web, những gì nó đưa ra có thể là điều bạn không biết, nhưng nhiều người khác biết. Và cho dù nhiều câu trả lời của nó "đúng về mặt kỹ thuật" thì một chuyên gia là con người sẽ luôn tốt hơn.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các mô hình Ai không đóng vai trò nào trong việc phát triển kế hoạch tập luyện. Mặc dù chưa thực sự tin cậy nhưng ChatGpt sẽ cải thiện và có thể biết cách đặt câu hỏi. Ví dụ, nó sẽ có thể hỏi người dùng xem họ có ghét bài tập nào không, hoặc họ có bị chấn thương không...
ChatGpt ngày càng trở nên thông minh trong lĩnh vực y tế nhưng có thể thay thế bác sĩ?
Khi nói đến chăm sóc sức khỏe, nền tảng trí tuệ nhân tạo phổ biến ChatGPT đang ngày càng trở nên thông minh.
Ansible Health, một công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon chuyên điều trị bệnh COPD (Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính), đã xem xét trí tuệ nhân tạo và các công cụ máy học để giúp cải thiện công việc của mình.
Jack Poe, Giám đốc điều hành của Ansible và cựu giám đốc sản phẩm của Google giải thích: "Khi ChatGPT ra mắt, đã có rất nhiều sự phấn khích trong thế giới công nghệ. Vì vậy chúng tôi muốn xem liệu nó chỉ là nhất thời hay một thứ gì đó hữu ích". Poe và những người khác sau đó đã quyết định yêu cầu ChatGPT tham gia USMLE (kỳ thi cấp phép y tế của Hoa Kỳ) với điều kiện "không có câu trả lời, giải thích hoặc nội dung nào đã có trên Google".
ChatGPT đã vượt qua cả 3 phần của Bài kiểm tra. Theo các nhà nghiên cứu, sinh viên y khoa năm thứ hai thường dành hàng trăm giờ học và ôn tập mới qua được Phần 1, sinh viên tốt nghiệp trường y mới vượt qua Phần 3.
"Chúng tôi rất ngạc nhiên với kết quả. Không chỉ đưa ra khái niệm đúng mà cả lời giải thích cũng vậy", Poe cho biết. Mặc dù chưa bao giờ được đào tạo về bộ dữ liệu y tế nhưng ChatGPT có thể hoạt động tốt như vậy là một bất ngờ lớn.
Vậy, câu hỏi đặt ra là liệu ChatGpt có thể thay thế và đảm nhận công việc của bác sĩ trong tương lai?
Theo các chuyên gia tại đây, bởi vì các mô hình AI vẫn đang ở giai đoạn đầu, nên chúng có vai trò hỗ trợ hơn là thay thế công việc của các bác sĩ trong thời điểm hiện tại. Ví dụ, Ansible sử dụng ChatGPT để giải thích các khái niệm cho bệnh nhân sau khi họ đã được xem xét bởi một chuyên gia y tế được đào tạo.
Trong tương lai, AI có lẽ nó sẽ được sử dụng để kiểm tra sức khỏe và thực hiện các nhiệm vụ y tế tổng quát. Việc tích hợp trực tiếp hồ sơ y tế của bệnh nhân được kỳ vọng sẽ mang lại một số lợi ích nhất định vì có những lúc các bác sĩ không có đủ thời gian để xem xét lịch sử của bệnh nhân.
Khi được hỏi: "Bạn có nghĩ trí tuệ nhân tạo có thể thay thế bác sĩ?", câu trả lời của ChatGpt là: "Trí tuệ nhân tạo (AI) có tiềm năng cải thiện và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe theo một số cách, nhưng không thể thay thế hoàn toàn các bác sĩ. AI có thể giúp bác sĩ đưa ra quyết định sáng suốt hơn, cung cấp thông tin về bệnh tật và phương pháp điều trị. Nó cũng có thể được sử dụng để tự động hóa một số nhiệm vụ lặp đi lặp lại và để cải thiện hiệu quả cũng như độ chính xác. Tuy nhiên, AI không có khả năng đưa ra phương pháp điều trị tùy theo mỗi cá nhân và sự đồng cảm như các bác sĩ".
Hơn nữa, các dữ liệu của AI không phù hợp cho mọi trường hợp nên có thể đề xuất các phương pháp điều trị không chính xác. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là bác sĩ luôn xem xét các khuyến nghị của hệ thống AI và đưa ra quyết định cuối cùng.
Nói tóm lại, AI có thể là một công cụ có giá trị để hỗ trợ chăm sóc y tế ban đầu, nhưng nó không có khả năng thay thế hoàn toàn các bác sĩ.
Theo Technologyreview, Argentina.detailzero, Knews.kathimerini