WESTMINSTER, California (NV) – Các cuộc biểu tình ôn hòa #StopAsianHate diễn ra trên khắp Hoa Kỳ kêu gọi ngừng kỳ thị người gốc Á-Thái Bình Dương (AAPI), đỉnh điểm là ngay sau vụ xả súng ở Atlanta, Georgia, giết chết tám người, gồm sáu người phụ nữ Châu Á. Nhưng làn sóng phản đối việc thù ghét người AAPI vẫn chưa đủ mạnh, vì một bộ phận người gốc Á im lặng hoặc ngại lên tiếng, trong đó có nhiều người Việt.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 làm “tê liệt” nước Mỹ, báo cáo của tổ chức “Stop AAPI Hate” cho thấy trong khoảng thời gian từ Tháng Ba, 2020 đến Tháng Hai, 2021 có tới 3,795 vụ tấn công có chủ ý phân biệt chủng tộc nhắm vào người AAPI, theo nhật báo The Los Angeles Times.
Vấn đề là con số này chỉ là phần nhỏ so với các cuộc tấn công đã xảy ra, vì có nhiều vụ vẫn chưa được báo cáo.
Nạn thù ghét không chỉ dừng lại ở việc kỳ thị, lăng mạ, mà còn đến mức hành hung và sát hại. Nhiều người cao niên bị tấn công chỉ vì họ là người gốc Á.
Người tấn công nghĩ dân Châu Á, đặc biệt là người Trung Quốc, mang dịch bệnh COVID-19 vào Hoa Kỳ gây nên hệ lụy là các tiểu bang phải “đóng cửa,” phải cách ly, và phải đeo khẩu trang, vốn gây nên phản đối mạnh mẽ từ một số dân Mỹ vì họ cho rằng làm như thế là tước quyền tự do của họ.
“Thường thường đi ra đường, tôi đâu có nghĩ gì, nhưng giờ thấy lo lắm vì sợ bị kỳ thị,” bà Chinh Nguyễn, cư dân Midway City, nhớ lại.
Cô Dianne Trần, chủ tiệm Dianne Tran Skincare Clinic ở Westminster, ngập ngừng kể: “Giờ tôi không dám đi chợ hay đi ăn ngoài, lỡ bị hành hung thì sao?”
Vào Tháng Hai, một cụ ông gốc Thái Lan ở San Francisco, 84 tuổi, bị một thanh niên 19 tuổi đẩy xuống đất, sau đó thiệt mạng.
Sang Tháng Ba, Robert Aaron Long, một thanh niên da trắng 21 tuổi ở Georgia, bắn chết tám người, trong đó có sáu phụ nữ gốc Á, tại ba tiệm massage ở ngoại ô Atlanta.
Người gốc Việt cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngày 17 Tháng Ba, ông Ngọc Phạm, cựu thiếu tá QLVNCH 83 tuổi, cư dân San Francisco, bị ông Steven Jenkins, một người đàn ông da trắng 39 tuổi, đánh sưng tím mặt phải nhập viện.
Nhà hàng Noodle Tree, do Mike Nguyễn làm chủ ở San Antonio, Texas, bị xịt sơn đỏ vào dãy cửa kính trước tiệm với hàng chữ “No Mask,” “Kung Flu,” “Ramen Noode Flu,” “Hope U Die,” và “Go Back 2 China.”
Một trường hợp khác, nhà hàng Utopia Restaurant & Lounge ở Portland, Oregon, của ông Thu Nguyễn bị đập phá đến ba lần.
Vài tiệm nail vùng Little Saigon cũng nhận được thư nặc danh chửi rủa, kêu họ “cút” về nước.
Những cơ sở kinh doanh của người Việt cũng gặp tình trạng sách nhiễu, phá hoại nhưng không phải lúc nào cũng được báo cáo.
“Ở vùng Little Saigon này cũng có nhiều vụ quậy phá tiệm người Châu Á. Mà thôi. Tôi kể nghe vậy thôi chứ đừng nói tôi là ai. Tôi sợ bị trả thù lắm,” một cư dân Westminster nói như vậy với phóng viên nhật báo Người Việt.
Khi phóng viên gọi điện hỏi rõ suy nghĩ của người dân về nạn kỳ thị người gốc Á, nhiều chủ tiệm nail và làm tóc từ chối trả lời vì sợ người khác trả thù.
Các vụ tấn công điển hình được truyền thông đăng tải chỉ là bề nổi của tảng băng trôi. Vì đâu mà người Châu Á, đặc biệt là người Việt, lại ngại lên tiếng, thậm chí là báo cảnh sát?
Tâm lý chung người Việt là sợ bị trả thù nếu báo cáo cảnh sát hay lên mặt báo.
Từ đó dẫn đến việc cam chịu, im hơi lặng tiếng.
Việc chịu đựng sự ức hiếp do một phần là vì người gốc Á bị quan niệm “dân thiểu số mẫu mực” kìm hãm. Cứ sống và làm việc chăm chỉ thì sẽ được hòa nhập với xã hội da trắng. Nhưng chủ nghĩa thượng tôn da trắng không có chỗ cho các sắc dân khác hòa nhập. Nạn thù ghét, tấn công, và sát hại người gốc Á là minh chứng.
Cần xóa bỏ tâm lý sợ bị trả thù
Thoát khỏi sự đàn áp chỉ có một cách là đoàn kết và đứng lên. Cộng đồng gốc Á, cụ thể là người Việt phải mạnh dạn lên tiếng, phải báo cáo với cảnh sát khi bị hành hung và phá hoại. Thông tin và danh tính của người bị hại sẽ được bảo mật và cảnh sát sẽ có biện pháp bảo vệ với trường hợp bị quấy rối.
Cảnh sát vùng Little Saigon luôn có người Việt hướng dẫn cư dân làm trình tự báo cáo. Nếu ở vùng khác mà cư dân địa phương có nhu cầu thì cảnh sát vẫn có thể điều người nói tiếng Việt để giúp đỡ quý vị.
“Giới công lực chúng tôi luôn đặt an toàn người dân lên hàng đầu. Hãy để chúng tôi giúp đỡ quý vị. Nếu quý vị cảm thấy mình là nạn nhân của nạn thù ghét, hãy để chúng tôi giải quyết sự việc. Chúng tôi không thể giúp được gì nếu người dân không chịu báo cáo,” cảnh sát viên Nhựt Huỳnh, thuộc Sở Cảnh Sát Los Angeles, cho biết.
Báo cáo cảnh sát không chỉ để bảo vệ chúng ta mà còn góp phần thu thập dữ liệu để chính quyền sở tại có giải pháp hợp lý ngăn ngừa tình trạng thù ghét trong tương lai.
Cần lên tiếng bằng chính lá phiếu của mình
Không chỉ ngại lên tiếng, cộng đồng người Việt còn ngại xuất hiện. Sau vụ thảm sát ở Atlanta, nhiều cuộc họp mặt tưởng niệm tám nạn nhân và biểu tình ôn hòa được tổ chức với sự tham gia của cộng đồng AAPI, và một số người thuộc sắc dân khác như Mỹ, Mexico hay người da đen. Nhưng người gốc Việt vẫn còn thưa thớt, vẫn chưa tham gia nhiều như các cuộc họp mặt chống chính quyền CSVN ở Little Saigon.
Ngay sau ngày nổ súng ở Atlanta, có một buổi họp mặt chống kỳ thị và thắp nến tưởng niệm các nạn nhân tại Community Center Park, Garden Grove, vào ngày 17 Tháng Ba, nhưng trong vài chục người tham dự, phần đông là dân cử nữ gốc Việt.
Thậm chí nhóm thanh niên gốc Việt tổ chức đi bộ chống thù ghét người gốc Á ở Irvine ngày 20 Tháng Ba cũng chỉ hơn 70 người góp mặt, ít hơn nhiều so với việc gần 3,000 người trẻ xuống đường ở Garden Grove ủng hộ phong trào Black Lives Matter năm ngoái.
Cùng lên tiếng, cùng lên án, cùng báo cáo, và cùng tham gia ủng hộ các cuộc tuần hành là điều nên làm nhưng điều cốt lỗi là sử dụng quyền công dân của chính mình, tức là đi bầu.
Bầu cử ở cấp địa phương rất quan trọng. Dùng chính lá phiếu của mình để bầu cho giới chức nơi mình sống để họ chú tâm đến cộng đồng mình hơn. Giả dụ như việc nạn kỳ thị người Châu Á, giới chức gốc Việt hoặc do chính người gốc Việt bầu lên sẽ toàn tâm tìm giải pháp bảo vệ cộng đồng. Little Saigon có nhiều dân cử gốc Việt nên họ đang đệ trình dự luật ngăn ngừa nạn thù ghét và gia tăng an ninh.
Thế nên không chỉ đi bầu tổng thống là quan trọng, bầu thượng nghị sĩ, dân biểu (liên bang và tiểu bang), nghị viên, đại diện các quận hạt, học khu,…cũng rất quan trọng. Người thắng cử sẽ lưu ý về chính sách ảnh hưởng đến sắc dân thiểu số cũng là những người đã bầu cho họ.
Dùng lá phiếu để “thay lời muốn nói” cho quan điểm của quý vị về “quyền và lợi” mà cộng đồng đáng được hưởng. Còn nếu “cứ ở nhà,” thì dân cử không liên kết được với người dân thì đương nhiên họ sẽ dửng dưng khi sắc dân thiểu số gặp khó khăn về chính sách.
Cần nhiều người gốc Việt tham gia dòng chính
Ở Little Saigon, cộng đồng người Việt có thị trưởng, nghị viên, và dân biểu tiểu bang là người Việt nên tương đối lợi thế hơn các thành phố và tiểu bang khác. Nhưng đây cũng chỉ dừng ở mức tiểu bang, cũng còn quá ít để tham gia đề xuất dự luật có lợi cho sắc dân thiểu số, đặc biệt là cho người Việt ở cấp liên bang.
Cộng đồng người Việt yếu thế hơn một số sắc dân Châu Á khác vì ít người “dấn thân” vào dòng chính. Hiện nay chỉ có một dân biểu gốc Việt ở cấp liên bang là bà Stephanie Murphy (Đặng Thị Ngọc Dung) (Dân Chủ), đại diện Điạ Hạt 7 ở Florida.
Chúng ta cần thêm người gốc Việt đại diện cho cộng đồng Việt Nam ở Hạ Viện và Thượng Viện Hoa Kỳ để họ giúp đề ra hoặc bầu cho các chính sách chống phân biệt sắc tộc, nhập cư, bảo hiểm sức khỏe, an sinh xã hội,… để bảo vệ quyền lợi cho người Việt.
Một số người Việt nghĩ cứ sống cuộn mình, chỉ cần có bằng cấp, có nhà đẹp và xe sang trọng là đủ. Nhưng khi đồng hương và con cháu mình bị kỳ thị mới thấy, dân Việt mình vẫn còn “thấp cổ bé họng” trong xã hội Mỹ. Những người làm luật đều có sân chơi riêng, và người Việt vẫn còn ở hàng ghế dự bị.
Người Việt sống duy tình hơn duy lý, luôn quá nghe lời và phụ thuộc vào người Mỹ nên không có chính kiến.
Lấy việc đi bầu làm ví dụ.
Thay vì tìm hiểu kỹ các chính sách, các lý tưởng đề ra của ứng cử viên tổng thống hay ứng cử viên các chức vụ khác, phần đông người Việt chạy theo “hiệu ứng đám đông.” Họ bầu cho người mình thích, chứ không duy lý bầu cho người lãnh đạo tốt có thể giúp sắc dân thiểu số được hưởng quyền lợi xứng đáng.
Người Việt cũng sống quây quần trong cộng đồng nhiều nên không mấy khi tương tác với các sắc dân khác. Chúng ta vướng phải lực cản hòa nhập nên khó cởi mở và hòa đồng trên chính đất nước mình sinh sống.
Đã đến lúc…
Đã đến lúc người Việt chúng ta phải đứng lên và tạo nên tiếng nói trong chính trường Mỹ. Đã đến lúc chúng ta phải mạnh mẽ lên án nạn thù ghét người gốc Á.
Các sắc dân Á Châu phải đoàn kết lại thì chúng ta mới tạo được “vaccine,” có “vaccine” thì mới tạo được kháng thể chống lại con virus kỳ thị chủng tộc ở Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. [đ.d.]
Theo kênh Spectrum News 1, gia đình của cụ Nguyen cũng cho biết họ cảm thấy mệt mỏi với những cảnh giác và hành vi bạo lực nhằm vào người gốc Á. Họ muốn tạo ra một phong trào thay đổi lâu dài và bền vững. Còn theo cụ Nguyen, cụ hy vọng có thể chấm dứt văn hóa im lặng thường thấy trong nhiều người gốc Á khi đối mặt với sự thù hận.