Chiến sự Ukraine thúc đẩy Mỹ tăng quan hệ quốc phòng với châu Á trừ VN, TQ phe Nga
15.03.2023 20:29
Xung đột Ukraine và việc Nga xích lại gần Trung Quốc đã thúc đẩy Mỹ củng cố quan hệ quốc phòng với các đối tác ở châu Á.
Trong vài tháng qua, Nhật Bản cam kết tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng và mua tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk của Mỹ. Hàn Quốc thừa nhận sự ổn định ở eo biển Đài Loan là yếu tố quan trọng với an ninh nước này. Philippines cho phép Mỹ sử dụng thêm 4 căn cứ trên lãnh thổ và thảo luận tổ chức tuần tra chung trên Biển Đông với Australia, Nhật và Mỹ.
Những hoạt động này cho thấy quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Mỹ với các đồng minh, đối tác ở châu Á ngày càng tăng trong bối cảnh chiến sự Ukraine kéo dài và quan hệ Nga - Trung trở nên gắn bó hơn, theo Brad Lendon, bình luận viên về các vấn đề quân sự toàn cầu của CNN.
Các nhà phân tích cho rằng Mỹ từ lâu đã nỗ lực tăng quan hệ quân sự với các nước châu Á, nhưng quá trình này được đẩy nhanh đáng kể do tác động từ chiến sự Ukraine, khi các quốc gia trong khu vực cảm thấy bất an với tình hình an ninh toàn cầu.
Tokyo nhiều năm qua đã nỗ lực diễn giải lại hiến pháp, cho phép họ tung đòn tấn công nếu an ninh quốc gia bị đe dọa. "Tôi có cảm giác cấp bách rằng những gì diễn ra ở Ukraine hiện nay có thể xuất hiện ở khu vực Đông Á trong tương lai", Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu tại một hội nghị quốc phòng ở Singapore năm ngoái.
"Người Nhật đã chú ý đến tình hình ở Ukraine và cuộc xung đột này càng khiến họ cảm thấy dễ bị tổn thương hơn", John Bradford, chuyên gia cấp cao tại trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratman (RSIS) ở Singapore, nhận định.
Cuối năm 2022, Nhật Bản công bố kế hoạch xây dựng quốc phòng trị giá 320 tỷ USD, lớn nhất từ Thế chiến II, nhằm đối phó với "hàng loạt thách thức an ninh. Kế hoạch này coi Trung Quốc là "thách thức chiến lược lớn nhất từ trước đến nay đối với việc đảm bảo hòa bình và ổn định của Nhật Bản".
Tokyo chưa sở hữu các loại tên lửa hành trình tầm xa, do hiến pháp hậu Thế chiến II quy định các khí tài quân sự chỉ phục vụ mục đích phòng thủ. Cuối tháng 2, ông Kishida xác nhận kế hoạch chi 211,3 tỷ yên (1,5 tỷ USD) để mua 400 tên lửa hành trình Tomahawk từ Mỹ trong năm 2023.
Một số biến thể tên lửa Tomahawk có tầm bắn khoảng 1.600 km, giúp Nhật có khả năng tấn công nhiều mối đe dọa ở Đông Bắc Á. Nhật Bản có thể chỉnh sửa bệ phóng thẳng đứng trên nhiều tàu chiến hiện nay để khai hỏa tên lửa Tomahawk.
"Nhật Bản đã nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ trong nhiều năm. Chiến sự Ukraine là yếu tố cân nhắc xuyên suốt trong Chiến lược An ninh Quốc gia mới của ông Kishida, khiến quá trình được dự đoán trước này trở nên dễ dàng hơn về mặt chính trị", ông Bradford giải thích.
Trong khi đó, Hàn Quốc đang chú ý đến vấn đề Đài Loan qua lăng kính tương tự, khi Seoul - Tokyo tăng cường hợp tác quốc phòng, trong đó có các cuộc diễn tập hải quân chung với Washington.
"Hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan là điều cần thiết cho an ninh trên bán đảo Triều Tiên, cũng như không tách rời với an ninh, thịnh vượng của toàn khu vực", Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin nói.
Theo bình luận viên Lendon, Seoul dường như lo ngại rằng trong trường hợp Mỹ bị kéo vào một cuộc xung đột bất ngờ nổ ra ở eo biển Đài Loan, Hàn Quốc sẽ trở nên dễ tổn thương hơn trước Triều Tiên.
Quan hệ Triều Tiên - Hàn Quốc những năm gần đây lao dốc khi Bình Nhưỡng tăng cường chương trình vũ khí, phóng số tên lửa kỷ lục vào năm ngoái, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại khả năng nước này tiếp tục thử hạt nhân.
Tại Đông Nam Á, chính quyền Tổng thống Joe Biden trong năm qua đã nỗ lực tăng cường quan hệ với Philippines sau khi tân Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. nhậm chức.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hồi tháng 2 tới Manila gặp Tổng thống Marcos để thảo luận về tăng tốc triển khai toàn diện Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (EDCA). Hai nước sau đó thông báo thỏa thuận mới, trong đó Philippines cho phép Mỹ sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự chiến lược ở nước này, ngoài 5 căn cứ trước đây.
Hiện chưa rõ những căn cứ mới của Mỹ sẽ được đặt tại đâu, nhưng hồi tháng 11/2022, tướng Bartolome Vicente Bacarro, người khi đó là tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines, cho hay Washington đã xác định 5 địa điểm tiềm năng để đặt căn cứ, gồm hai ở Cagayan, một ở Palawan, một ở Zambales và một ở Isabela.
Cagayan và Isabela đều nằm ở miền bắc Philippines, trong đó Cagayan nằm rất gần đảo Đài Loan. Trong khi đó, Palawan là tỉnh án ngữ khu vực tây nam Biển Đông.
Giới chuyên gia đánh giá đây là một bước tiến lớn trong mục tiêu của Lầu Năm Góc nhằm ứng phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hiện diện mở rộng của Mỹ tại Philippines cũng có thể đóng vai trò ngăn chặn những động thái của Bắc Kinh đối với đảo Đài Loan.
Philippines gần đây cũng đàm phán với Mỹ, Australia và Nhật Bản để tiến hành các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông, nơi căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh đang gia tăng.
"Washington sẽ không có chiến lược khả thi nào để ứng phó với Bắc Kinh nếu không nhận được sự hợp tác mạnh mẽ từ các đồng minh khu vực như Philippines và Nhật Bản. Hai nước này cũng rất quan trọng trong việc vạch ra phản ứng với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra trên đảo Đài Loan", báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố mới đây có đoạn.
CSBK đạo đức giả: Đứng về phe Nga chống Ukraine, Việt Nam lại bỏ phiếu trắng về cuộc xung đột Nga-Ukraine; giới quan sát quan ngại
Hôm 23/2, Việt Nam lại bỏ phiếu trắng cho nghị quyết của Liên Hiệp Quốc (LHQ) yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine. Giới quan sát bày tỏ sự thất vọng, nói rằng hướng đi này khẳng định lập trường “thân” Nga của Hà Nội, dù Việt Nam nói “không chọn bên”.
Chiều ngày 23/2, giờ New York, Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine, đảm bảo hòa bình công bằng và lâu dài cho Kiev. Nghị quyết kêu gọi chấm dứt chiến sự Nga - Ukraine, đánh dấu xung đột vũ trang giữa hai nước tròn một năm.
Nghị quyết không mang tính ràng buộc, nhận được 141 phiếu thuận trong số 193 thành viên tham gia. Có 7 nước bỏ phiếu chống và 32 nước bỏ phiếu trắng, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Ấn Độ.
Ngoài Nga, sáu quốc gia bỏ phiếu chống khác gồm Belarus, Triều Tiên, Eritrea, Mali, Nicaragua và Syria.
Đây là lần thứ năm Việt Nam bỏ phiếu có lợi cho Moscow tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc liên quan đến cuộc xung đột Nga – Ukraine, trong đó có 4 lần bỏ phiếu trắng và 1 lần bỏ chiếu chống.
Một ngày trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Việt Nam tại LHQ Đặng Hoàng Giang phát biểu kêu gọi các bên liên quan trong cuộc xung đột ở Ukraine hãy “chấm dứt hành động thù địch, tránh các hành động làm leo thang căng thẳng”, đồng thời hối thúc nối lại đối thoại và hòa đàm nhằm đạt được một nền “hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine”.
Giới quan sát nêu nhận định với VOA rằng động thái này của Việt Nam cho thấy Hà Nội tiếp tục con đường “đi ngược dòng thời đại”, tỏ rõ thái độ “thân” Nga của Việt Nam khi phần lớn các quốc gia trên thế giới lên tiếng phản đối cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Ông Vũ Hoàng Hải, thành viên của khối 8406, ở bang California, Hoa Kỳ, chia sẻ ý kiến:
“Việt Nam đã bỏ phiếu trắng, tức là Việt Nam luôn luôn chơi một nước cờ đôi, lúc nào cũng lên án về vấn đề chiến tranh, họ nói một đàng lại làm một nẻo. Việc Việt Nam bỏ phiếu trắng ngày hôm nay cho chúng ta thấy rằng Việt Nam luôn luôn phụ thuộc vào Nga và Trung Cộng, và rằng Việt Nam đã đứng về phía xâm lược Nga”.
Từ Canada, Luật sư Vũ Đức Khanh, chuyên gia nghiên cứu về chính trị Việt Nam và quan hệ quốc tế, nêu nhận định với VOA qua email: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt đất nước Việt Nam đi ngược dòng tiến hóa của thời đại, đứng bên lề của những giá trị nhân bản của cộng đồng nhân loại và có thể trở thành một trong những quốc gia thù địch, không tôn trọng luật pháp quốc tế”.
Tương tự, luật sư Nguyễn Văn Đài ở Đức chia sẻ quan điểm:
“Việc Nga xâm lược Ukraine đã kéo dài một năm và họ đã gây ra biết bao nhiêu tội ác với đất nước và nhân dân Ukraine. Đại hội đồng LHQ ra nghị quyết yêu cầu Nga chấm dứt chiến tranh và rút quân khỏi Ukraine không những đáp ứng nguyện vọng của người dân Ukraine mà đáp ứng nguyện vọng của toàn nhân loại tiến bộ trên khắp thế giới.
“Người Việt Nam biết rõ giá trị của hòa bình và tội ác của chiến tranh và tôi nghĩ rằng người dân Việt Nam đều mong muốn nghị quyết này sẽ được thông qua và Nga phải chấp hành nghị quyết này, nhưng chính quyền Cộng sản Việt Nam đã đi ngược lại, nguyện vọng không chỉ của nhân dân Ukraine mà còn đi ngược lại nguyện vọng của ngay chính nhân dân Việt Nam.
“Người Việt Nam chúng ta cần lên án hành động bỏ phiếu trắng của [chính quyền] Việt Nam đối với nghị quyết mới nhất này”, ông Nguyễn Văn Đài nhận định.
“Việt Nam là một quốc gia đã phải chịu nhiều thiệt thòi, mất mát, đau thương do chiến tranh gây ra, nên nhân dân Việt Nam rất hiểu rõ giá trị của hòa bình, công lý và lẽ phải. Vậy mà thái độ của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã làm cho những người bạn trên thế giới phải bất mãn, đặc biệt, nhân dân Ukraine, hàng triệu người phải chịu đựng hàng ngày hàng giờ, hàng phút những bất công, vô lý, vô nhân của ông Putin phải sửng sốt trước những lá phiếu của Việt Nam”, ông Vũ Đức Khanh nói.
“Thử hỏi, ông Nguyễn Phú Trọng hay ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam sẽ giải thích như thế nào với nhân dân thế giới và những người bạn Ukraine”, ông Khanh đặt vấn đề.
Hôm 24/2/2023, các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) tề tựu bên ngoài Đại sứ quán Ukraine ở Hà Nội, gửi đi một thông điệp mạnh mẽ ủng hộ Ukraine và đồng hành cùng nhân dân Ukraine, theo Twitter của EU tại Việt Nam. Có lẽ các lãnh đạo Việt Nam không thể không biết “cuộc tuần hành tụ tập đông người này”, nơi cách quảng trường Ba Đình, và văn phòng Chính phủ không xa.
Các trang mạng báo nhà nước Việt Nam hôm 24/3 có loan tin về việc Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết này, nhưng không nêu cách chọn phiếu của Việt Nam. Cách loan tin này, theo các nhà quan sát, làm dấy lên những lo ngại về quyền tiếp cận thông tin ở trong nước và tính minh bạch về quyền đại diện của người dân trước diễn đàn quan trọng như LHQ.
Moscow chỉ trích nghị quyết này thiếu cân bằng và bài xích Nga. Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya cáo buộc phương Tây đang lợi dụng Ukraine và hy sinh lợi ích của các nước đang phát triển để thỏa mãn tham vọng đánh bại Nga, “đẩy cả thế giới xuống vực sâu chiến tranh nhằm duy trì bá quyền”, theo Reuters.
Hồi tuần trước, ông Andrey Yatskin, một nhà lãnh đạo của Thượng viện Nga trong chuyến thăm Việt Nam, nói rằng ông đánh giá cao lập trường “cân bằng, khách quan” của Việt Nam. Ông nói: “Việc Việt Nam từ chối tham gia các biện pháp trừng phạt Nga bất hợp pháp một lần nữa khẳng định bản chất hữu nghị và tin cậy truyền thống của quan hệ hai nước chúng ta luôn không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi của tình hình”.
Trao đổi với VOA nhân dịp một năm diễn ra cuộc xung đột, Đại sứ Ukraine tại Việt Nam Oleksandr Gaman nói rằng: “Chúng tôi muốn Việt Nam đứng về phía chính nghĩa, về phía công lý”. Nhà ngoại giao Ukraine cho biết thêm: “Chúng tôi cần sự ủng hộ của mọi quốc gia để chấm dứt cuộc chiến phi nghĩa này. Như chúng ta biết, lý do thực sự của cuộc chiến này là chỉ để tiêu diệt quốc gia Ukraina, xóa sổ đất nước chúng tôi khỏi bản đồ.”
Trong khi phần lớn các quốc gia trên thế giới và cả Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres lên tiếng tố cáo cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, thì chính quyền Việt Nam, cũng như Trung Quốc và các quốc gia khác có xu hướng thân Nga, chưa bao giờ lên án Moscow về cuộc xâm lược này.
Trong số 10 nước thành viên ASEAN, chỉ có Việt Nam và Lào bỏ phiếu trắng cho nghị quyết này, trong khi các nước còn lại, kể cả Myanmar, đã bỏ phiếu thuận.
Phát biểu tại LHQ vào tháng 10 năm ngoái, Đại sứ Giang nói rằng Việt Nam “hiểu rõ giá trị của hòa bình và phản đối mọi hành vi đe dọa, sử dụng vũ lực xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước”. Tuy nhiên, sau đó, đại diện cho Việt Nam, ông bỏ phiếu trắng vụ chống Nga sáp nhập bốn vùng lãnh thổ Ukraine.
Vào tháng 4/2022, Việt Nam là một trong 9 quốc gia châu Á bỏ phiếu phản đối việc loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ. Trước đó, vào tháng 3/2022, Hà Nội cũng bỏ phiếu trắng đối với một nghị quyết của Đại hội đồng LHQ về bảo vệ dân thường Ukraine. Tháng 1/2022, Việt Nam bỏ phiếu trắng cho nghị quyết lên án cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine.
Vào tháng 5/2022, trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nói rằng thay vì chọn bên, Việt Nam “chọn công lý, công bằng và thiện chí, dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.”
Hồi đầu tháng này, trong cuộc phỏng vấn với VOA, bà Nataliya Zhynkina, Phó Đại sứ Ukraine tại Hà Nội đưa ra thông điệp đến Việt Nam rằng: “Các bạn không cần chọn bên, hãy chọn lẽ phải”.
Luật sư Vũ Đức Khanh đưa ra khuyến nghị cho giới lãnh đạo Hà Hội: “Chính phủ Việt Nam không cần phải chọn bên nhưng nhất định phải chọn chính nghĩa, công lý và hành xử có lương tâm và trách nhiệm, tiếp tục bảo vệ những nguyên tắc căn bản của Liên Hiệp Quốc và tôn trọng luật lệ quốc tế”.
Việt Nam thực chất đã chọn phe khi bỏ phiếu ủng hộ Nga bất kể nước này xâm lược Ukraine?
Lê Mạnh Hùng
Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Berlin
Ngày 7/4/2022, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu trục xuất Nga ra khỏi cơ quan này với 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống (trong đó có Việt Nam) và 58 phiếu trắng.
Ngay sau cuộc bỏ phiếu, Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này đã quyết định "kết thúc sớm tư cách thành viên" Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc của mình.
Có bao nhiêu người Việt Nam ở trong nước và hải ngoại biết và hiểu kỹ về việc này?
Hầu hết các phương tiện truyền thông trong Việt Nam đưa tin không rõ ràng rằng Việt Nam bỏ phiếu gì. Đồng ý (phiếu xanh), không có ý kiến (phiếu vàng) và phản đối việc trục xuất Nga (phiếu đỏ).
Cách đưa tin phổ biến là bức hình bảng điện thống kê tên các nước bỏ phiếu màu gì được chụp khá xa, bảng danh sách số nước bỏ phiếu thuộc ba nhóm màu. Chỉ một chi tiết được nói rõ "có 24 nước bỏ phiếu chống, trong đó gồm cả Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Iran, Belarus, Syria..."
Ở Việt Nam khó có thể diễn ra việc các phóng viên nhà báo lao tới phỏng vấn tức thì giới lãnh đạo rằng "vì sao lại bỏ phiếu chống?". Và lại càng không thể có việc các ý kiến phê phán công khai việc bỏ phiếu đỏ (phiếu chống) xuất hiện trên mặt báo để toàn dân được thông tin, rộng đường tranh luận đúng sai.
Đã có ba cuộc bỏ phiếu lớn về Ukraine tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược.
Lần đầu tiên: lên án cuộc xâm lược, Việt Nam bỏ phiếu trắng.
Lần thứ hai: yêu cầu bảo vệ dân thường, Việt Nam cũng bỏ phiếu trắng.
Lần thứ ba: ngày 07/04, đề nghị trục xuất Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam bỏ phiếu chống. Ngay sau đó Nga cũng nói tự bỏ Hội đồng này, coi nó chẳng là cái gì.
Điều đáng chú ý là trong cả ba lần Việt Nam đều biểu quyết giống hệt như Trung Quốc.
Có điều tới giờ phút này người ta cũng chưa hề thấy giới lãnh đạo cao nhất ở Việt Nam có một lời giải thích về các động thái ngoại giao trên, ngoài phát biểu ở cấp thấp hơn từ đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc.
Những người Việt thực sự quan tâm tới chiến cuộc ở Ukraine thường phải tìm tin tức trên báo chí tiếng nước ngoài, trên mạng xã hội.
Báo chí Việt Nam trong nước sử dụng khá nhiều tin tức bài vở từ hai nguồn: RT (Russia Today) và Sputnik. Đây lại chính là hai cỗ máy tuyên truyền cho Nga của chính quyền ông Putin.
Nhiều câu hỏi được đặt ra: chính phủ Việt Nam thực lòng muốn bỏ phiếu đỏ hay đó là do sức ép từ Nga và Trung Quốc?
Trước cuộc bỏ phiếu, hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của chính quyền Moscow hôm 06/04 cho biết, những nước đồng ý với nghị quyết trên (do Mỹ đưa ra) sẽ bị coi là "các quốc gia không thân thiện" và sẽ lãnh những hậu quả trong quan hệ song phương.
Điều không hề xa lạ là sự phụ thuộc của Việt Nam vào Nga về vũ khí, trang bị, huấn luyện quốc phòng. Tiếp đến trong lĩnh vực khai thác dầu khí và cho dù ngày càng mong manh, sự ủng hộ của Nga nếu Việt Nam không may "có chuyện" với Trung Quốc như ngày nào từng được cậy nhờ Liên Xô. Nhưng rất nhiều nước là khách hành vũ khí của Nga vẫn bỏ phiếu phản đối Nga mà chưa thấy Nga "cắt hợp đồng".
Sự phụ thuộc nhiều mặt vào Trung Quốc, chịu nhiều sức ép và sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong các chính sách đối nội, đối ngoại của Việt Nam cũng là điều không mấy ai lạ.
Quan trọng hơn tất cả, sự tồn tại mô hình độc quyền quản lý nhà nước của đảng Cộng sả Việt Nam chỉ có thể được bảo đảm bằng mối quan hệ mật thiết với Trung Quốc và Nga - các cựu đồng minh trong phe XHCN trước kia.
Quan hệ với Mỹ và Phương Tây, dù có gần gũi đến mấy vẫn chứa đựng nguy cơ dân chủ, tự do hóa xã hội Việt Nam, đe dọa sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Việt Nam không hề băn khoăn với việc có thể khiến Mỹ, Phương Tây phật ý khi bỏ phiếu bênh vực Nga?
Điều này dường như không còn. Việt Nam có những lợi thế về địa chính trị để khai thác trong quan hệ đối ngoại với Mỹ và Phương Tây.
Mọi "tội lỗi" lớn nhỏ xưa nay về nhân quyền, luật pháp quốc tế của Việt Nam đã nhiều lần được xuề xòa bỏ qua, không ngăn cản được các hợp đồng làm ăn kinh tế lớn bé, các món giúp đỡ viện trợ nối đuôi nhau tới Việt Nam.
Đại sứ Ukraine tại VN: 'Mong sự kiện như thế này lan tỏa sự thật về cuộc chiến'
Gần đây nhất là sự trợ giúp to lớn về số lượng và chủng loại vaccine tiêm chủng tốt nhất chống đại dịch Covid-19 do Mỹ và Phương Tây mang tới tặng, đã đưa Việt Nam thậm chí trở thành quốc gia có tỉ lệ được tiêm chủng cao hơn nhiều nước thuộc Tây Âu.
Nỗ lực vì hình ảnh nay 'tan biến'
Mọi nỗ lực ngoại giao của Việt Nam những năm gần đây nhằm tạo ra bộ mặt cởi mở, chan hòa với thế giới đã tan biến chỉ trong một ngày.
Việt Nam thực chất đã quyết định chọn phe, đó là nhóm các quốc gia tương đồng về thể chế chính trị, đối đầu với Mỹ và Phương Tây là các quốc gia theo đuổi mô hình nhà nước pháp quyền, tự do và dân chủ.
Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Levada ở Moscow công bố hôm 31/03/2022, 83% người Nga tán thành các hành động của Tổng thống Vladimir Putin. Liệu đó có phải là con số thực và trung tâm Lavada kia có thật sự hoạt động độc lập trong môi trường chính trị của Nga?
Ở Việt Nam càng hiếm khi có chuyện tham khảo ý kiến dân chúng về các vấn đề chính trị quan trọng.
Vậy thì liệu có bao nhiêu phần trăm dân chúng Việt Nam đồng tình với cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine? Bao nhiêu người Việt tán thành lá phiếu của đại điện chính phủ Việt Nam hôm 07/04 chống lại việc đưa Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc? Những lá phiếu đó có thực sự đại diện cho quyền lợi và suy nghĩ của đại đa số dân tộc Việt Nam?
Việc đưa tin một cách "ngượng ngùng" của báo chí phản ánh phần nào điều này chăng?
Hậu quả trước mắt do ba lần bỏ phiếu kia đem lại chưa thấy rõ ngoài sự thất vọng của không ít người dân Việt và nhiều quốc gia trên thế giới. Theo tôi, hậu quả về lâu dài chứa đựng nhiều nguy cơ tiềm ẩn.
Lòng tin là điều tối cần thiết cho các mối quan hệ không chỉ trong phạm vi một gia đình, một quốc gia mà còn trong quan hệ đối tác quốc tế.
Khi có biến người ta càng cần những mối quan hệ trên cơ sở của lòng tin. Lòng tin lại luôn cần thời gian lâu dài để xây đắp, củng cố, nó không dễ có bởi ngày một ngày hai.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz bình luận hôm 27/03 trên một kênh truyền hình quốc gia: "Ai đó cứ lần giở các trang sách lịch sử, ngắm nghía các đường biên giới xưa cũ và khăng khăng với chúng, người đó chỉ đẩy châu Âu vào các cuộc chiến tranh triền miên."
Ở Châu Á, gã khổng lồ Trung Quốc sát nách Việt Nam có căn bệnh 'thích sửa bàn đồ' giống như vậy không?
Căng thẳng triền miên trên Biển Đông và các đường biên giới trên đất liền với các nước láng giềng luôn như thùng thuốc súng chỉ chờ ngày Trung Quốc cho phát hỏa.
Việt Nam đã, đang và sẽ luôn là đối tượng Trung Quốc nhắm tới bởi các yêu sách về lãnh thổ không có điểm dừng.
Việt Nam liệu có chấp nhận việc Trung Quốc áp dụng đúng những gì Nga đang làm đối với Ukraine? Một mình bé nhỏ không đủ sức đương đầu với Trung Quốc khổng lồ, Việt Nam có nghĩ đến việc sử dụng các diễn đàn quốc tế, kêu gọi sự bênh vực của thế giới đối với mình?
Vậy thì những lá phiếu bênh vực việc đi xâm lược Ukraine nhỏ bé của gã khổng lồ Nga hôm nay rõ ràng đã tước đi khả năng tìm kiếm sự giúp đỡ này của Việt Nam trong tương lai.
Cô Mia Bittmann, nữ sinh viên Đức 21 tuổi làm tình nguyện viên đón tiếp người tị nạn từ Ukraine tới ga trung tâm Berlin nói với tác giả bài viết trong ngấn nước mắt: "Chiến tranh - chúng tôi vốn luôn nghĩ nó chỉ có trong sách, truyện và lời kể của ông bà nội ngoại, vậy mà nay nó đã diễn ra trong chính ngôi nhà châu Âu của chúng tôi."
Hẳn giới trẻ Việt Nam cũng phải có suy nghĩ tương tự như cô sinh viên Mia kia, nếu một mai có chiến tranh xảy ra và điều đó chẳng có ai dám đảm bảo rằng nó sẽ không thể.
Việc khích lệ thế nào để người dân Việt Nam nói chung, đặc biệt là giới trẻ có được tinh thần yêu nước quả cảm như người dân Ukraine những ngày qua đã cho thấy, một khi trong truyền thông và trên mạng xã hội không những rất hiếm có bài giới thiệu tinh thần quật cường của người Ukraine được đông đảo thế giới công nhận, mà chỉ thấy sự lấn át của các luận điệu có chủ đích, được định hướng từ đâu đó cho rằng, dân tộc Ukraine "dại dột", "châu chấu đòi đá voi", "cứ nhún nhường Nga đi có phải sẽ được yên thân không"...
Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky đâu phải vô cớ được nhiều quốc gia văn minh và các tổ chức có uy tín trên thế giới trân trọng, được đông đảo người dân Ukraine ủng hộ nghe theo, đã lãnh đạo đất nước Ukraine vượt qua những ngày thử thách khủng khiếp vừa qua.
Vậy mà hiếm có một quốc gia nào ở vị trí ngoài cuộc lại có nhiều lời phỉ báng thậm tệ dành cho ông này như ở Việt Nam.
Các nhà lãnh đạo quân sự Việt Nam đã có sự liên tưởng, nếu chiến sự xảy ra với Việt Nam thì bản thân sẽ nhận được sự can ngăn, chỉ trích như thế nào đối với mình?
Lá phiếu ủng hộ Nga tiến hành chiến tranh xâm lược Ukraine hôm nay là sự chuẩn bị đúng đắn, khôn ngoan cho tương lai của Việt Nam, trước họa xâm lược bành trướng của nước lớn láng giềng luôn có thể có trong tương lai?