Trang chủ :: Tin tức - Sự kiện :: Website tiếng Việt lớn nhất Canada email: vietnamville@sympatico.ca :: Bản sắc Việt :: Văn hóa - Giải trí :: Khoa học kỹ thuật :: Góc thư giãn :: Web links :: Vietnam News in English :: Tài Chánh, Đầu Tư, Bảo Hiểm, Kinh Doanh, Phong Trào Thịnh Vượng :: Trang thơ- Hội Thi Nhân VN Quốc Tế - IAVP :: Liên hệ
     Các chuyên mục 

Tin tức - Sự kiện
» Tin quốc tế
» Tin Việt Nam
» Cộng đồng VN hải ngoại
» Cộng đồng VN tại Canada
» Khu phố VN Montréal
» Kinh tế Tài chánh
» Y Khoa, Sinh lý, Dinh Dưỡng
» Canh nông
» Thể thao - Võ thuật
» Rao vặt - Việc làm

Website tiếng Việt lớn nhất Canada email: vietnamville@sympatico.ca
» Cần mời nhiều thương gia VN từ khắp hoàn cầu để phát triễn khu phố VN Montréal

Bản sắc Việt
» Lịch sử - Văn hóa
» Kết bạn, tìm người
» Phụ Nữ, Thẩm Mỹ, Gia Chánh
» Cải thiện dân tộc
» Phong trào Thịnh Vượng, Kinh Doanh
» Du Lịch, Thắng Cảnh
» Du học, Di trú Canada,USA...
» Cứu trợ nhân đạo
» Gỡ rối tơ lòng
» Chat

Văn hóa - Giải trí
» Thơ & Ngâm Thơ
» Nhạc
» Truyện ngắn
» Học Anh Văn phương pháp mới Tân Văn
» TV VN và thế giới
» Tự học khiêu vũ bằng video
» Giáo dục

Khoa học kỹ thuật
» Website VN trên thế giói

Góc thư giãn
» Chuyện vui
» Chuyện lạ bốn phương
» Tử vi - Huyền Bí

Web links

Vietnam News in English
» Tự điển Dictionary
» OREC- Tố Chức Các Quốc Gia Xuất Cảng Gạo

Tài Chánh, Đầu Tư, Bảo Hiểm, Kinh Doanh, Phong Trào Thịnh Vượng

Trang thơ- Hội Thi Nhân VN Quốc Tế - IAVP



     Xem bài theo ngày 
Tháng Năm 2024
T2T3T4T5T6T7CN
    1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31    
   

     Thống kê website 
 Trực tuyến: 3
 Lượt truy cập: 24895275

 
Tin tức - Sự kiện 01.05.2024 12:00
Trung Quốc là gì của Việt Nam?
18.01.2010 13:22

Từ xưa đến nay, quan hệ Việt-Trung luôn phức tạp. Để có chiến lược ứng xử thích hợp, đã đến lúc phải thẳng thắn trả lời câu hỏi: Trung Quốc là gì của Việt Nam?

Định vị lại Trung Quốc

Khi xem xét chiến lược ứng xử với Trung Quốc, có ý kiến cho rằng, với Việt Nam, Trung Quốc đồng thời là: người thầy vĩ đại, người bạn thân thiết và đối thủ nguy hiểm.

Nhìn vào lịch sử quan hệ và những ảnh hưởng qua lại giữa hai nước, thì thấy rằng Trung Quốc đã từng đóng tất cả các vai ấy trong mối quan hệ thăng trầm với Việt Nam.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, nếu coi đây là xuất phát điểm cho chiến lược ứng xử với Trung Quốc thì cần phải xem xét lại.

Nguồn ảnh: Peopledaily.cn

Nếu coi Trung Quốc là người thầy vĩ đại, thì sẽ  có xu hướng bắt chước thầy, chịu sự chỉ  dẫn của thầy với tư cách học trò. Khi xảy ra tranh chấp, điều đã từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử, thì trò khó lòng có thể thắng được thầy.

Còn nếu coi Trung Quốc vừa là người bạn thân thiết, vừa là đối thủ nguy hiểm thì lại tự mâu thuẫn nhau. Đã là bạn thì không thể là kẻ thù, vì cơ sở của tình bạn là sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Còn đã coi nhau là kẻ thù thì không thể là bạn.

Nếu coi Trung Quốc vừa là thầy, vừa là bạn, vừa là đối thủ của Việt Nam, tất yếu dẫn đến những lúng túng và yếu thế trong chiến lược ứng xử với Trung Quốc. Nói cách khác là gây ra bối rối ngay từ khâu lên kế hoạch, nên thua thiệt là điều khó tránh khỏi.

Một nhận định khác cũng thường được nói đến nhiều: Trung Quốc và Việt Nam là anh em "môi hở răng lạnh". Việc tự coi mình là em đã đặt Việt Nam vào thế bất lợi toàn diện trong quan hệ với Trung Quốc, tất yếu sẽ rất đến những thua thiệt trong ngoại giao, trao đổi văn hóa, thương mại, thậm chí cả trong bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp của đất nước, v.v.

Vậy Trung Quốc là gì của Việt Nam?

Đối tác bình đẳng

Trong Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi viết rằng:

"Nước non bờ cõi đã chia, 
Phong tục Bắc Nam cũng khác. 
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập. 
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương."

Qua đó có  thể thấy, Nguyễn Trãi không coi Trung Quốc là thầy, bạn, hay kẻ thù hoặc kết hợp của cả ba thứ này. Nguyễn Trãi cũng không coi Trung Quốc là anh em với Việt Nam. Ông chủ trương Trung Quốc là một đối tác độc lập, bình đẳng trong quan hệ với Việt Nam về mọi mặt.

Đây là chiến lược sáng suốt của Nguyễn Trãi, dù ra đời đã gần 600 năm. Chủ trương này vẫn còn là kim chỉ nam cho chiến lược ứng xử với Trung Quốc ngày nay, không chỉ trong quan hệ ngoại giao, mà còn cả trong trao đổi văn hóa, thương mại, v.v.

Trong ngoại giao, việc xác định Trung Quốc là đối tác bình đẳng sẽ giúp định ra các chính sách và thái độ ngoại đúng đắn, góp phần củng cố vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và bảo vệ quyền lợi chính đáng của đất nước, nhất là khi tranh chấp biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc đang có những diễn biến phức tạp.

Trong văn hóa, việc coi Trung Quốc là đối tác chứ không phải là người thầy, bạn bè, đối thủ hay bậc đàn anh sẽ giúp Việt Nam giữ được bản sắc văn hóa của mình trong khi vẫn sàng lọc được những điều hay cần học hỏi.

Trong mậu dịch, Việt Nam đang yếu thế so với Trung Quốc: cán cân thương mại Trung Quốc-Việt Nam đang có những mất cân đối nghiêm trọng. Nhập siêu từ Trung Quốc đang ở mức đáng lo ngại và tăng liên tục: ước tính khoảng 11 tỷ USD năm 2008, so với 200 triệu USD năm 2001. Cơ cấu mậu dịch cho thấy Việt Nam chủ yếu xuất khẩu tài nguyên và sản phẩm thô, ước tính khoảng 80% tổng giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc, trong khi nhập về chủ yếu hàng công nghiệp. Do đó cần phải có chiến lược điều chỉnh thích hợp, phấn đấu đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại ngang hàng với Việt Nam.

Tất cả những điều đó chỉ có thể thực hiện từ xuất phát điểm: coi Trung Quốc là đối tác bình đẳng, chứ không phải là thầy-bạn-đối thủ hay anh-em của Việt Nam.

Việc coi Trung Quốc là đối tác bình đẳng còn giúp Việt Nam tận dụng được sức mạnh của hệ thống pháp lý và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Vì một lẽ đơn giản, tất cả các nước đều bình đẳng trước các cam kết và hệ thống pháp lý quốc tế. Và cộng đồng thế giới ủng hộ sự bình đẳng này.

Do đó, Việt Nam cần phải nương vào nguyên tắc bình đẳng và sự hỗ trợ này để vươn lên vị trí bình đẳng toàn diện trong quan hệ với Trung Quốc.

Bước vào thập kỉ mới - thập kỉ bản lề ẩn chứa nhiều cơ hội và thách thức cho sự phát triển của Việt Nam, nhất là trong quan hệ với Trung Quốc - câu hỏi Trung Quốc là gì của Việt Nam cần phải được trả lời dứt khoát: Trung Quốc là đối tác bình đẳng với Việt Nam trên mọi lĩnh vực, chứ không phải là thầy-bạn-đối thủ hay anh-em như nhiều người đã và đang nghĩ.

m

Hoàng Sa nổi lên trở lại thành điểm nóng trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc

  Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 18/01/2010 Cập nhật lần cuối ngày  18/01/2010 18:12 TU

Trước một loạt hành động mới đây của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền của họ tại Biển Đông, đặc biệt là tại vùng quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam cần công khai hoá vấn đề này hơn nữa trước công luận trong và ngoài nước để gây áp lực với Bắc Kinh. Theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, thái độ kín đáo cố hữu có nguy cơ làm chính quyền Việt Nam suy yếu, chỉ có lợi cho Trung Quốc.

Trong thời gian gần đây, vấn đề Hoàng Sa nổi lên thành điểm nóng trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, với việc Bắc Kinh có hàng loạt hành động nhằm áp đặt chủ quyền trên quần đảo vốn đã bị Trung Quốc dùng võ lực chiếm đóng từ tháng giêng năm 1974 đến nay. Hà Nội đã liên tiếp phản đối về mặt ngoại giao, đồng thời xác định trở lại chủ quyền của mình.

Theo một số nhà phân tích, để đối phó với chiến lược của Trung Quốc trong hồ sơ Hoàng Sa, Việt Nam cần tranh thủ thế mạnh của mình : đó là đòi hỏi chủ quyền có cơ sở pháp lý vững chắc hơn Trung Quốc rất nhiều. và nhất là quảng bá rộng rãi vấn đề này trong công luận trong nước và ngoài nước để gây sức ép trên Trung Quốc.

Một loạt động tác khiêu khích mới của Bắc Kinh tại Hoàng Sa

Hành động gần đây nhất của Trung Quốc là việc chính quyền Bắc Kinh công bố chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch ở đảo Hải Nam của Trung Quốc, nhưng cũng mở rộng du lịch tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo tiết lộ của nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 6/1/2010, Bắc Kinh quyết tâm xúc tiến việc phát triển du lịch tại Hoàng Sa, bất kể tranh chấp với Việt Nam về chủ quyền trên quần đảo này.

Tờ báo tự hỏi là chính quyền Trung Quốc sẽ làm cách nào để biến các hòn đảo này thành một địa điểm du lịch "thượng thặng" như mong muốn, khi mà nơi này hiện chỉ có cơ sở quân đội hay nhà trọ dành cho những người đến đấy làm việc tạm thời mà thôi. Cho dù vậy chính quyền cũng đã tổ chức những tour du lịch Hoàng Sa cho du khách Trung Quốc, và sẽ mở rộng cho khách du lịch nước ngoài.

Việt Nam đã lên tiếng phản đối Trung Quốc vi pham chủ quyền Việt Nam, trong lúc Bắc Kinh, như thông lệ, khẳng định trở lại quyền hành động của họ trên vùng biển mà họ tự nhận chủ quyền.

Quyết định trong lãnh vực du lịch kể trên đã tiếp nối theo một loạt những hành động lấn lướt khác của Trung Quốc đối với Việt Nam liên quan đến khu vực Hoàng Sa. Vào hạ tuần tháng 12, một mặt Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật bảo vệ hải đảo, có giá trị pháp lý đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Biển Đông, một mặt khác họ phái hai tầu tuần tra cỡ lớn xuống đảo Phú Lâm (Woody Island), đảo lớn nhất ở Hoàng Sa để ''bảo vệ quyền lợi'' của ngư dân Trung Quốc.

Ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ(Ảnh : DR)

Ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ
(Ảnh : DR)

Vào năm ngoái, dân chài Việt Nam đánh bắt cá tại vùng ngư trường truyền thống của mình gần Hoàng Sa đã bao lần bị khốn đốn vì bị lực lượng Hải quân Trung Quốc bắt bớ, tàu bè bị tịch thu, đòi nộp tiền chuộc cực cao. Các sự cố này nhiều và nghiêm trọng đến mức chính quyền Việt Nam phải nhiều lần lên tiếng phản đối.

Bên cạnh đó, theo báo chí chuyên môn về dầu khí, mới đây Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc CNOOC vừa ký kết một hợp đồng phân chia sản phẩm với một tập đoàn dầu khí Anh Quốc để đồng khai thác tại một lô thuộc khu vực bồn địa Quỳnh Đông Nam gần Hoàng Sa. Mọi người chờ đợi Việt Nam lên tiếng.

Tóm lại, bất chấp những lời phản đối của Việt Nam, bất chấp Bản Tuyên bố về các Quy tắc Ứng xử tại vùng Biển Đông mà họ đã ký kết với Asean, Trung Quốc càng lúc càng có thêm những quyết định đơn phương áp đặt các đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông nói chung và đặc biệt ở vùng Hoàng Sa.

Trả lời phỏng vấn của Ban Việt ngữ RFI, giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia về Trung Quốc tại trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ) thẩm định rằng các hành động của Trung Quốc tại vùng Hoàng Sa mang tính chất khiêu khích để thăm dò phản ứng của chính quyền Việt Nam, với dụng ý là củng cố một tình trạng đã rồi mà họ tạo dựng được bằng võ lực, để khoả lấp những yếu kém về mặt cơ sở lịch sử và pháp lý biện minh cho chủ quyền họ đòi hỏi.

Đằng sau chiêu bài tổ chức du lịch đến vùng Hoàng Sa, giáo sư Long còn ghi nhận thâm ý chiến lược của Trung Quốc, mượn cớ du lịch để thu thập cách dữ liệu cho hải quân và không quân Trung Quốc trong trường hợp phải tung quân xuống các vùng hải đảo phiá Nam.

Thanh niên Việt Nam đã từng xuống đường khắp nơi phản đối Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền đất nước trên Hoàng Sa và Trường Sa như ở Pháp (T), Việt Nam (G) và Đức (P).(Ảnh ghép : DR)

Thanh niên Việt Nam đã từng xuống đường khắp nơi phản đối Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền đất nước trên Hoàng Sa và Trường Sa như ở Pháp (T), Việt Nam (G) và Đức (P).
(Ảnh ghép : DR)

Theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, nếu Việt Nam phản ứng một cách yếu ớt, Trung Quốc tất nhiên sẽ tìm cách lấn lướt thêm. Ngoài ra, nếu chính quyền Việt Nam không khéo thì sẽ bị mất uy tín trước dân chúng Việt Nam, bị suy yếu đi, và như thế chỉ có lợi cho Trung Quốc mà thôi. Đối sách tốt nhất trước thái độ chèn ép của Trung Quốc là chính quyền Việt Nam phải công khai hơn nữa vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông với Trung Quốc, để cho công luận trong nước và ngoài nước cùng hiểu rõ, qua đó gây sức ép trên Trung Quốc.

Sau đây mời quý vị nghe bài phỏng vấn giáo sư Ngô Vĩnh Long.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine (Hoa Kỳ)

< object data="/player/popupMultimedia/flash/audio/player.swf" width=200 height=20 type=application/x-shockwave-flash>< /object>
 
 

18/01/2010 Trọng Nghĩa

RFI : Kính chào giáo sư Ngô Vĩnh Long, thưa giáo sư, trong thời gian gần đây, người ta thấy trong tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc, trọng tâm tranh chấp có vẻ như chuyển qua khu vực quần đảo Hoàng Sa. Giáo sư giải thích hiện tượng đó như thế nào ?

Giáo sư Ngô Vĩnh Long : Trước hết, tôi xin nói, đây không phải chỉ là vấn đề tranh chấp ở Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây là vấn đề bành trướng của Trung Quốc đối với khu vực Biển Đông, kể cả khu vực Thái Bình Dương nữa. Ví dụ, ngày 18/12/2008, tại Washington, Đô đốc Mỹ Timothy Keating nói rằng một số đề đốc của Trung Quốc đề nghị với ông rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc chia Thái Bình Duong làm đôi [lấy mốc là đảo Hawaii]. Ông Keating nói rằng ông để ý đến đề nghị đó, nhưng ông không đồng ý.

Tàu đánh cá Trung Quốc dừng trước quân hạm của Mỹ (AFP)

Tàu đánh cá Trung Quốc dừng trước quân hạm của Mỹ (AFP)

Sau đó, vào tháng 3 năm 2009, khi tàu của Mỹ đi vào khu vực gần đảo Hải Nam, cách đảo này 75 dặm, thì Trung Quốc cho một số tàu của Trung Quốc ra bao vây. Rồi sau đó, khi tàu trinh sát của Hoa Kỳ đi trong khu vực gần Philippines thì Trung Quốc cho tàu của mình ra đụng và cắt đứt dây cáp kéo linh kiện do thám của tàu Mỹ.

Bắt đầu từ cuối 2008 trở đi, Trung Quốc muốn nắn gân Mỹ và muốn dọa các nước khác ở trong khu vực, cũng nhu muốn làm cho dân Trung Quốc tự hào về sự lớn mạnh của quân đội của họ. Đó là lý do.

Bắc Kinh tìm cách khoả lấp thế yếu về pháp lý

Còn đối với Việt Nam, vấn đề Hoàng Sa, nếu nói tranh chấp thì chỉ có Việt Nam và Trung Quốc tranh chấp thôi. Hoàng Sa gần đảo Hải Nam. Đảo Hải Nam là nơi mà Trung Quốc sẽ trở thành đầu não của Nam Hải Hạm Đội của Trung Quốc. Trung Quốc muốn từ đó bành trướng đi và muốn dùng Hoàng Sa như một nơi để điều phóng hải quân Trung Quốc càng ngày càng về phía nam.

Cho nên, nếu đe dọa Việt Nam và Việt Nam chịu nhượng bộ trong khi các nước khác không có tranh chấp ở vùng đó, thì tất nhiên Trung Quốc được lợi. Đó là lý do vì sao Trung Quốc càng ngày càng tỏ thái độ rất căng ở vùng Hoàng Sa. Thực ra, tình hình ở vùng phía dưới cũng căng, nhưng như anh nói, đối với Hoàng Sa, Trung Quốc tỏ ra rất căng đối với Việt Nam.

Tàu đánh cá Việt Nam bị hải quân Trung Quốc chặn lại

Tàu đánh cá Việt Nam bị hải quân Trung Quốc chặn lại

Trung Quốc chiếm đảo Hoàng Sa năm 1974 bằng quân sự. Về lý do lịch sử, luật pháp, trong vấn đề Hoàng Sa, Trung Quốc ở thế yếu chứ không phải là mạnh. Nếu Việt Nam im lặng, không tiếp tục đấu tranh, không tiếp tục nói cho thế giới biết là Trung Quốc đã làm những việc bất hợp pháp, thì theo luật pháp quốc tế, nếu anh im lặng thì có nghĩa là anh bằng lòng, anh chịu. Do vậy, nếu Trung Quốc làm như vậy mà Việt Nam im, không làm gì thì Trung Quốc có thể nói, là thấy không, Việt Nam chịu rồi, có chuyện gì đâu. Đây chỉ là chuyện giữa Việt Nam với Trung Quốc.

Lẽ dĩ nhiên là có cả Đài Loan trong đó, nhưng Đài Loan và Trung Quốc cũng có những yêu sách giống nhau. Nếu vậy, các nước khác sẽ nói, đối với Hoàng Sa, Việt Nam chịu lép với Trung Quốc, không chịu đấu tranh thì chúng tôi dại gì mà đưa đầu ra. Chúng tôi đưa đầu ra có lợi gì ? Chúng tôi thương lượng với Trung Quốc về các vấn đề khác. Như vậy, Trung Quốc dùng vấn đề Hoàng Sa để khiêu khích Việt Nam, để xem Việt Nam sợ Trung Quốc như thế nào hay là nhũn như thế nào ?

Ý đồ quân sự đằng sau hoạt động du lịch

RFI  :  Thưa giáo sư, mới đây, liên quan đến hành động của Trung Quốc, họ cho tổ chức du lịch tới khu vực Hoàng Sa. Vậy, ẩn ý đằng sau quyết định mang tính chất kinh tế du lịch là gì ?

Giáo sư Ngô Vĩnh Long : Trước hết, về kinh tế du lịch, sẽ không có nhiều người đi du lịch Hoàng Sa. Thực chất vấn đề là như sau. Muốn phát triển du lịch thì phải có sân bay. Bây giờ, Trung Quốc bành trướng, làm sân bay rộng hơn. Sau đó, trên danh nghĩa là để cho du lịch nhưng để xem thử máy bay từ Hải Nam hay một số vùng khác của Trung Quốc đến Hoàng Sa sẽ mau như thế nào, đáp xuống như thế nào. Trong khi đó, thuyền từ Hải Nam xuống sẽ đi nhanh như thế nào, để Trung Quốc có thể kết hợp thuyền đổ bộ và máy bay với mục đích chuẩn bị về quân sự, xem khả năng đáp ứng của họ về mặt quân sự như thế nào.

Vấn đề lớn ở đây không phải là tổ chức du lịch, mà là phô trương và khiêu khích Việt Nam.

RFI  : Thưa giáo sư, trong phản ứng của phía Việt Nam, như giáo sư vừa nói, thì Việt Nam phải lên tiếng, khẳng định trở lại chủ quyền của mình trong khu vực. Nhưng đó là những phản ứng về mặt ngoại giao « suông », có thể nói như vậy. Ngoài việc này, thì Việt Nam có thể làm được gì khác ?

Giáo sư Ngô Vĩnh Long : Tôi đồng ý là ngoại giao « suông » không được. Nếu chỉ ngoại giao « suông » giữa hai nước với nhau thì thua Trung Quốc. Trong vấn đề này, Trung Quốc đã dùng vũ lực để lấy Hoàng Sa mà Trung Quốc lại dùng vũ lực một cách sai trái.

Vấn đề bây giờ như sau. Việt Nam là nước yếu, không có quân sự mạnh, thì không có thể tái chiếm Hoàng Sa, mà tái chiếm thì sẽ có chiến tranh ngay. Khi đánh nhau với Trung Quốc thì không nước nào bênh vực Việt Nam đâu. Bởi vì như tôi đã nói, các nước khác không có quyền lợi ở đó. Trừ phi có đe dọa đối với thông thương hàng hải, nhưng đó là vấn đề khác.

Do vậy, ở đây, chính phủ Việt Nam phải để cho người dân Việt Nam, phải để cho trí thức và dân chúng trên thế giới bàn về chuyện này. Nếu Trung Quốc dọa Việt Nam mà Việt Nam lại bắt bớ những người chống chính sách về Hoàng Sa hay là nói rằng chính phủ quá nhượng bộ với Trung Quốc về Hoàng Sa, thì Trung Quốc sẽ làm tới. Đây là vấn đề rất nguy hiểm cho chính phủ Việt Nam.

"Cố ý dùng Hoàng Sa để hạ uy tín chính quyền Việt Nam"

Bởi vì, vấn đề ở đây là như thế này. Trung Quốc cố ý dùng vấn đề Hoàng Sa để làm mất chính danh của chính phủ Việt Nam, làm mất uy tín của chính phủ Việt Nam đối với nhân dân Việt Nam và đối với nhân dân thế giới. Nếu chính phủ Việt Nam im lặng hoặc bắt bớ những người chống chính sách của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, thì hóa ra, người ta sẽ nghĩ rằng chính phủ Việt Nam và những lãnh tụ Việt Nam là những con chốt, những con cờ của Trung Quốc.

Khi người ta nghĩ như vậy, thì chính phủ Việt Nam mất chính danh. Làm suy yếu chính phủ Việt Nam, Trung Quốc sẽ có cơ hội để bắt bí chính phủ Việt Nam, bắt bí những lãnh đạo Việt Nam về những vấn đề khác. Nguy hiểm là ở chỗ đó. Chính phủ Việt Nam, nếu không nói được thì phải để cho nhân dân Việt Nam nói và dân chúng các nước khác nói. Có thể không bao giờ lấy lại được Hoàng Sa, nhưng phải làm cho Trung Quốc bị động.

RFI  : Thưa giáo sư, cho tới nay, nhiều người nói rằng đứng về mặt kinh tế, Việt Nam và một số nước Đông Nam Á cần đến Trung Quốc. Vì lý do đó mà chính quyền Việt Nam có một thái độ có thể nói là nhũn nhặn đối với Trung Quốc, ngay cả trong vấn đề Hoàng Sa. Theo giáo sư, suy nghĩ này đúng sai ở chỗ nào ?

Giáo sư Ngô Vĩnh Long : Trước hết, tôi nghĩ rằng Việt Nam quá gần với Trung Quốc, do vậy, Việt Nam nhiều khi thán phục Trung Quốc quá lố. Một vấn đề khác là do quá gần, nên hàng hóa qua lại rất dễ, không phải đi xa, không cần luật lệ gì hết, miễn là hai bên đồng ý, gật đầu thì bên này kéo hàng sang bên kia. Trong khi đó, mậu dịch với châu Âu, với Mỹ thì khó khăn hơn, có nhiều luật lệ chặt chẽ hơn, hàng hóa phải sạch sẽ hơn v.v.

Không nên quá sợ Trung Quốc

Có nghĩa là muốn nhanh, muốn ẩu, thì cứ buôn bán với Trung Quốc. Một số người sẽ có lợi hơn. Nhưng, lợi cho một số người thì lại hại cho cả quốc gia. Hiện nay, nhập siêu của Việt Nam đối với Trung Quốc là lớn nhất so với các nước khác trên thế giới. Hàng Trung Quốc không bán được chỗ khác thì tống vào Việt Nam. Hàng Việt Nam cạnh tranh không được, bao nhiêu nhà sản xuất Việt Nam sạt nghiệp. Như vậy là phải làm công cho Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc sẽ đầu tư ở huyện này, tỉnh kia, các nhà cầm quyền ở những địa phương này phải quỵ lụy Trung Quốc. Đó là chuyện đã xẩy ra. Tôi đã về Việt Nam nhiều lần. Theo tôi biết, Trung Quốc đã có ảnh hưởng đến tận quận, huyện ở Việt Nam rồi. Ngay ở Mỹ chẳng hạn, tôi có biết một số người Việt gốc Hoa buôn bán cho Trung Quốc, đầu tư cho Trung Quốc, Công ty của ở Mỹ nhưng mà tiền là của Trung Quốc. Họ nói với tôi rằng nếu họ muốn thay đổi một ông bí thư huyện, một ông bí thư tỉnh, họ thay đổi dễ như chơi. Cái khó khăn là như vậy.

Thành ra, khi Trung Quốc dọa thì một số người Việt Nam sợ. Tôi nói thẳng là từ 2006, tôi về Việt Nam rất nhiều lần. Ngay năm 2006, trước khi Việt Nam ký dự án bauxite, một số quan chức Việt Nam đã hỏi tôi : "Anh Long, anh chuyên về Trung Quốc, vậy anh nghĩ bây giờ, mình phải nhượng bộ Trung Quốc cái gì để họ khỏi làm phiền mình ?" Tôi nói : "Không nhượng bộ được bởi vì càng nhượng bộ, nó càng lấn tới". Thế mà trong suốt hơn một năm, họ vẫn hỏi tôi câu đó. Rõ ràng là trong nước, có nhiều người có tư tưởng là nếu mình im, mình chịu nhượng cho Trung Quốc thì nó tha mình. Tôi nghĩ không phải như vậy.

RFI : Thì điều này cũng liên quan đến một vấn đề rất là mới. Vừa qua, ông đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam đã có một số tuyên bố mà có nhiều người cho rằng hàm ý đe dọa Việt Nam.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long : Tôi đồng ý với điều phê phán đó. Ông Tôn Quốc Tường nói rằng hợp tác với Trung Quốc thì sẽ phát triển, còn đấu tranh thì sẽ thất bại. Ông ấy nói trước công chúng. Ông ấy nói cho toàn thể dân tộc Việt Nam, chứ không phải  nói riêng với các lãnh tụ. Tôi nghĩ là họ đã đe dọa các lãnh đạo Việt Nam nhiều lần rồi.

Nhưng tại sao, ông ấy lại nói cho tất cả dân tộc Việt Nam như vậy, một cách rất trịch thượng. Tôi nghĩ, ông ấy nói như vậy, trước hết là để đe dọa dân chúng Việt Nam, nhưng vấn đề khác là để xem thử phản ứng của chính phủ Việt Nam như thế nào. Nếu chính phủ không phản ứng, thì chính phủ Việt Nam mất uy tín.

 

Ảnh chụp trang blog Mẹ Nấm với biểu tượng chống Trung Quốc, bị chính quyền Việt Nam làm khó dễ
RFI

Nếu những người phản ứng lại bị chính phủ Việt Nam hay là các cơ quan gọi vào điều tra, hỏi tại sao anh nói thế này, tại sao anh nói thế kia, làm như vậy thì khó khăn cho vấn đề bang giao giữa Việt Nam và Trung Quốc v.v. thì điều này lại càng làm cho chính phủ Việt Nam mất chính danh. Nếu mất chính danh, chính phủ Việt Nam suy yếu, Trung Quốc sẽ thừa thế chia rẽ Việt Nam và họ sẽ càng mạnh hơn lên.

Phát biểu của đại sứ Trung Quốc không chỉ là trịch thượng mà là có suy tính và cố ý để chia rẽ hay làm suy yếu chính quyền Việt Nam, làm cho chính quyền Việt Nam mất chính danh. Theo tôi, đó là một đòn tâm lý, loại chiến tranh tâm lý.

Phải để cho dân chúng và thế giới hiểu rõ vấn đề Hoàng Sa

Tôi nghĩ là nhiều chuyện, chính phủ Việt Nam không làm được. Trong ngoại giao giữa hai nước, thì nước lớn bao giờ cũng mạnh. Chúng ta học được nhiều bài học về vấn đề đó rồi. Chúng ta học được bài học về Pol Pot. Nhiều chuyện về Pol Pot mà Việt Nam giấu đi mặc dù là quan hệ rất là xấu với Trung Quốc. Cho đến khi chuyện xẩy ra rồi, Việt Nam không thể nào giải thích được với thế giới là chuyện gì đã xẩy ra.

Lúc đó, để bảo vệ đất nước, Việt Nam mới bắt buộc đánh đuổi Polpot. Trung Quốc dùng vấn đề này để vận động Mỹ và bao nhiêu nước khác bao vây Việt Nam hơn 10 năm, gây rất  nhiều khó khăn cho Việt Nam.

Rồi trong vấn đề Hoàng Sa, trong bao nhiều năm trời, Việt Nam cũng im lặng, lâu lâu mới lên tiếng rằng Việt Nam có nhiều cái này cái kia chứng minh chủ quyền, nhưng không làm gì khác, không để cho nhân dân Việt Nam bàn luận về vấn đề này. Không nói cho nhân dân thế giới biết là trong vấn đề này, Việt Nam mạnh chỗ nào, yếu chỗ nào, có lý chỗ nào v.v.

Đến khi Trung Quốc làm quá, bắt thuyền của Việt Nam thì phản ứng của Việt Nam lúc đầu là dẹp hết các blog chỉ trích chính phủ, đuổi một số ký giả ở trong một số báo. Mạng bauxite Việt Nam bắt đầu nói về vấn đề bauxite và quyền lợi Việt Nam như thế nào, Biển Đông như thế nào, tôi không biết ai đánh sập cái mạng này, nhưng tôi biết rõ ràng là ông Nguyễn Huệ Chi và bao nhiêu người khác bị an ninh Việt Nam gọi vào hỏi, lấy ổ đĩa cứng máy tính v.v. Làm như vậy thì sẽ mất chính danh của chính phủ. Mọi người thấy là chính phủ đàn áp hay là có cảm tưởng là chính phủ đàn áp vì Trung Quốc.

Để lấy lại chính danh, hay là để chứng minh cho dân chúng biết rằng Việt Nam cũng bảo vệ tổ quốc thì mình lại bỏ ra bao nhiêu tiền để mua vũ khí, mua tàu ngầm. Tôi đồng ý là phải tự vệ, nhưng mặt khác, nếu chúng ta có đường lối ngoại giao tốt, ngoại giao nhân dân, biết suy nghĩ trước, chuẩn bị đàng hoàng, thì không cần phải làm những vấn đề gấp như thế. Mua tàu bay, tàu ngầm trong khi kinh tế vẫn khó khăn. Hay là làm gấp như hồi đánh Polpot trong khi nếu chuẩn bị tốt thì không cần phải làm như vậy.

RFI : Xin thành thật cảm ơn giáo sư Ngô Vĩnh Long

Quách Tương Uy: Trả lời độc giả quanh chuyện tàu sân bay TQ

Posted by Thành Huỳnh On January - 17 - 2010

Quách Tương Uy
Viết cho BBCVietnamese.com từ London

Cảm ơn phản hồi của các bạn.

Tôi nhận ra rằng đa số độc giả Việt Nam nghi ngờ ý kiến của tôi về cử chỉ có lẽ là hòa bình của Trung Quốc về Biển Đông. Cũng dễ hiểu rằng từ góc nhìn của người Việt, mọi cử chỉ thân thiện của Trung Quốc chỉ là tung hỏa mù để lừa đối thủ, vì bằng chứng “sửa soạn cho chiến tranh” khá vững chắc:

1. Trung Quốc đang xây hạm đội hàng không mẫu hạm và đẩy nhanh quá trình nâng cấp tàu ngầm.

2. Trung Quốc đầu tư nhiều hơn cho tỉnh Hải Nam. Ngày 6 tháng Giêng 2010, Hội đồng Nhà nước đồng ý phát triển đảo Hải Nam làm nơi du lịch quốc tế tại Biển Đông, gồm cả Hoàng Sa. Và thực sự, các tín hiệu chính trị của chính phủ Trung Quốc được Việt Nam nhạy cảm nắm bắt ngay.

3. Trung Quốc cho phép tình cảm dân tộc trỗi dậy: sau khi Việt Nam và Malaysia nộp hồ sơ thềm lục địa cho LHQ tháng Năm 2009, người Trung Quốc tin rằng ASEAN đang định làm “cách mạng” trên Biển Đông, vì thế chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc phá vỡ âm mưu đó.

4. Trong nước, Trung Quốc đang chơi lá bài “cảm xúc” để giành sự ủng hộ của dân chúng. Cả trên tivi và báo chí, Hạm đội Biển Nam Trung Hoa được mô tả là Vạn lý Trường thành trên biển, trong khi lính thủy đánh bộ thường xuyên được mô tả là những người đáng kính và dễ mến.

Nhìn chung, có vẻ Trung Quốc sẵn sàng cho chiến tranh.

Nhưng những dữ kiện liệt kê ở trên có phải là dấu hiệu gây chiến với Việt Nam, hay phần lớn là tín hiệu Trung Quốc gửi ra cho bất kỳ ai dính líu khu vực.

Tôi chắc chắn đa số người Việt Nam muốn tin vào vế thứ nhất. Tôi không loại trừ khả năng chiến tranh giữa hai quốc gia, nhưng tôi vẫn khẳng định khả năng Trung Quốc đánh Việt Nam là thấp.

1. Trung Quốc cần chứng tỏ sức mạnh trong khi nước này ngày càng giàu mạnh, giống như hải quân của họ.

2. Trung Quốc cần năng lượng, kho dầu và khí đốt ở Biển Đông.

3. Trung Quốc cần nắm bắt cơ hội: cả Mỹ và Nhật nay dựa vào buôn bán với Trung Quốc, và sẽ không làm hỏng quan hệ với Trung Quốc vì Việt Nam.

4. Trung Quốc cần đối mặt với chủ nghĩa dân tộc trong nước.

Trung Quốc đang hiện đại hóa lực lượng hải quân

Trung Quốc đang hiện đại hóa lực lượng hải quân

Như các bạn thấy, không có ý định nào trong bốn ý định chắc chắn dẫn tới chiến tranh. Quyền lợi của Trung Quốc trên Biển Đông là cân bằng quyền lực, vốn đã được duy trì giữa Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, và ASEAN.

Bất kỳ hành động thiếu suy nghĩ nào cũng sẽ làm vỡ môi trường hòa bình ổn định mà Trung Quốc rất cần cho phát triển kinh tế.

Nếu Biển Đông quả thực quan trọng cho Trung Quốc như Vịnh Ba Tư cho Mỹ, thì chiến tranh lẽ ra đã nổ ra từ lâu.

Vì thế, lo ngại duy nhất của tôi là từ bên trong. Nếu chính phủ phải đối diện với chủ nghĩa dân tộc bùng nổ trong nước và sự khiêu khích từ Việt Nam, tình huống có thể xấu đi rất nhanh.

Đó là vì, hơn tất cả, Trung Quốc cần duy trì tính chính thống với nhân dân. Mất đảo là mất mặt, Trung Quốc khi đó có thể bị buộc phải rơi vào cuộc chiến “bảo vệ thể diện”.

Chúng ta phải hy vọng hai quốc gia có thể để cho nhau khoảng đất ngoại giao, và không làm tổn thương niềm tự hào dân tộc của nhau quá nhiều



Trần Quốc Toản bị bắt


18/01/2010

Nghe tin quân Nguyên vượt qua biên giới tấn công Việt Nam, chiếm hết đảo này sang đảo khác, lòng Hoài văn hầu Trần Quốc Toản nóng như lửa đốt. Khi biết tin vua triệu tập cuộc hội nghị ở Bình Than, chưa kịp ăn uống gì cả, Trần Quốc Toản chụp lấy trái cam trên bàn rồi nhảy lên ngựa phóng như bay đến dự.

Đến nơi, trời vừa nhá nhem tối, Toản thấy cung Bình Than đèn đuốc sáng rực. Trước cổng là các quán bia ôm xập xình tiếng nhạc. Mặc kệ lời chào mời của các cô gái chân dài quyến rũ đứng dọc bên đường, Trần Quốc Toản xăm xăm bước tới cổng. Tên lính gác cổng chận lại: “Ê, đi đâu đó?” Toản đáp: “Tôi muốn dự cuộc hội nghị Diên Hồng”. Tên lính gác: “Giấy mời đâu?” Toản lúng túng: “Không có.” Tên lính nghiêm giọng: “Vậy không được vào.” Bí thế, Toản thò tay trong túi rút ra tờ giấy trăm đô mới tinh duy nhất mà một thằng bạn Việt kiều mới tặng dúi vào tay tên lính; hắn nhìn tờ giấy bạc, cười hì hì, rồi nép qua bên cho Toản vào. Nhưng đến phòng hội nghị, tên 1ính gác cửa lại chận không cho Toản vào vì ông không có giấy mời. Năn nỉ cách mấy cũng không được. Toản lục hết túi quần đến túi áo, chỉ gom được vỏn vẹn có mấy trăm ngàn đồng Việt Nam. Ông đưa hết cho tên lính. Hắn nhìn một cách khinh bỉ, đá vào đít Toản mấy phát, bảo: “Xéo đi!” Toản tức mình, bóp nát trái cam, rồi chửi thề một tiếng, phủi đít bỏ về. Ông chỉ kịp nghe, từ sau lưng, bên kia cánh cửa khép kín của hội trường, vang lên những tiếng thét: “Quyết cống Hoàng Sa và Trường Sa! Quyết cống! Quyết cống!”

Đến nhà, Toản triệu tập tất cả anh em bạn bè lại, đề nghị thành lập đoàn chí nguyện quân thề đánh giặc đến cùng. Ai cũng tán đồng. Tiếng hô “Sát Thát” vang trời dậy đất. Ông sai gia nhân may một lá cờ thật lớn trên đó thêu mấy chữ màu vàng “Phá cường địch báo hoàng ân”. Xong đâu đó, ông dẫn đoàn quân chí nguyện tiến thẳng đến Bình Than với hy vọng được nhà vua cho phép tham gia đánh giặc. Nhưng chưa ra khỏi cổng làng, một đám người lạ ở đâu ùa đến đông nghẹt. Đứa thì giật lá cờ “Phá cường địch…” vất xuống đất, đứa thì dùng dùi cui đánh tới tấp vào đám thanh niên ngơ ngác; một đứa khác nhào đến kẹp cổ Toản, kéo quặt tay lại phía sau. Toản thở ằng ặc, thều thào: “Mấy ông làm gì vậy?” Một tên “người lạ” gằn giọng: “Mày không dẹp cái trò này đi, tao bắt mày vì tội trốn thuế bây giờ!” Nói xong, nó đẩy một cái thật mạnh, Toản ngã chúi xuống đất. Đám bạn bè xúm đến dìu Toản về nhà.

Không nản chí, ở nhà, Toản mở một trang website lấy tên là “Yêu Nước”. Bài đầu tiên Toản post lên là bài “Hịch tướng sĩ” của Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn. Bài hịch có những câu thống thiết: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức rằng chưa xả thịt lột da, ăn gan uống máu quân thù, cho dẫu trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng cam lòng.”

Nhưng chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, mở lại trang web của mình, Toản thấy dòng chữ “Vì lý do kỹ thuật, trang nhà Yêu Nước ngưng hoạt động vô thời hạn”. Toản biết là trang web của mình bị tin tặc tấn công. Ông gọi điện thoại nhờ bạn bè giúp đỡ. Nhưng nói chưa xong câu chuyện, cánh cửa nhà Toản bị đạp tung, một đám người lạ ào ào xông vào. Một đứa nghiêm mặt bảo Toản: “Có lệnh bắt mày!” Toản ngạc nhiên: “Bắt vì tội gì?” Tên kia đáp: “Tội làm website phản động!” Toản cãi: “Đó là một trang mạng yêu nước. Tôi chỉ đăng bài của những người yêu nước.” Tên công an lại nói: “Mày viết ‘Nay, các ngươi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn, làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức’. Có phải mày ám chỉ Trung ương đảng không?” Toản gào lên: “Đó là văn của bác Tuấn!” Tên công an quát: “Tuấn nào? Nguyễn Hưng Quốc hả?”

Trần Quốc Toản chưa kịp lên tiếng, một tên người lạ đã nhào đến bịt miệng ông lại và đẩy lên xe.

Từ đó đến nay, không ai biết Trần Quốc Toản ở đâu cả.



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email  Thảo luận


Những nội dung khác:




Lên đầu trang

     Tìm kiếm 

     Tin mới nhất 
Nhận được tin vui viện trợ Mỹ được Hạ Viện chấp thuận, quân Ukraine tổng phản công đánh bom tàu ​​cứu hộ lâu đời của Nga ở Crimea
Bí mật 30-4 chưa bao giờ tiết lộ : Quân đội Mỹ và VNCH suýt bắn nhau tan nát vào giờ chót Vì Bị Bỏ Rơi
Viết về ngày Quốc Hận, 30-4-1975
Không khiếp nhược như CSVN,Philippines 'thách' Trung Quốc ra tòa quốc tế
Ukraine trước nguy cơ bị đảng Cộng Hòa của Trump bỏ rơi như VNCH thời TT Ford!
Nhiều nước thế giới cấm công dân miền Bắc CHXHCNVN nhập cảnh!
Tưởng niệm tháng tư 75
Nhân dân Pakistan chống Tàu cứu nước: Tấn công tự sát nhằm vào nhóm kỹ sư Trung Quốc, 6 người thiệt mạng
CSBK chứng tỏ tình yêu đối với Nga: đội mưa hiến máu cứu người - Phú Trọng tha thiết mời Putin thăm VN bảo đảm không bị bắt
Bấc Công Diệt Nam Cộng thu hết giang san vào tay BK độc quyền trị quốc bình thiên hạ
CHXHCNVN: Vô địch thế giới sinh viên đại học làm kinh tế: mãi dâm 4 lần được cho học
Ảnh hưởng của Nga đối với phe Trump và đảng Cộng Hoà tại quốc hội làm ngăn chân gói viện trợ vũ khí cho Ukraine để vừa lòng Putin
Nhiều thanh niên Ấn, TQ và VN đang du học, lao động hoặc định cu bị Nga bắt lính đưa ra tiền tuyến
Tưởng niệm cuộc chiến với đại cường TQ anh em môi hở răng lạnh sông liến sông núi liền núi
Tỷ lệ dân số độc thân Việt Nam và Đông Nam Á

     Đọc nhiều nhất 
Ảnh hưởng của Nga đối với phe Trump và đảng Cộng Hoà tại quốc hội làm ngăn chân gói viện trợ vũ khí cho Ukraine để vừa lòng Putin [Đã đọc: 643 lần]
Nhiều thanh niên Ấn, TQ và VN đang du học, lao động hoặc định cu bị Nga bắt lính đưa ra tiền tuyến [Đã đọc: 635 lần]
CSBK chứng tỏ tình yêu đối với Nga: đội mưa hiến máu cứu người - Phú Trọng tha thiết mời Putin thăm VN bảo đảm không bị bắt [Đã đọc: 620 lần]
Không khiếp nhược như CSVN,Philippines 'thách' Trung Quốc ra tòa quốc tế [Đã đọc: 552 lần]
Bấc Công Diệt Nam Cộng thu hết giang san vào tay BK độc quyền trị quốc bình thiên hạ [Đã đọc: 522 lần]
Nhân dân Pakistan chống Tàu cứu nước: Tấn công tự sát nhằm vào nhóm kỹ sư Trung Quốc, 6 người thiệt mạng [Đã đọc: 514 lần]
CHXHCNVN: Vô địch thế giới sinh viên đại học làm kinh tế: mãi dâm 4 lần được cho học [Đã đọc: 504 lần]
Tưởng niệm tháng tư 75 [Đã đọc: 491 lần]
Ukraine trước nguy cơ bị đảng Cộng Hòa của Trump bỏ rơi như VNCH thời TT Ford! [Đã đọc: 475 lần]
Nhiều nước thế giới cấm công dân miền Bắc CHXHCNVN nhập cảnh! [Đã đọc: 438 lần]

Trang chủ :: Tin tức - Sự kiện :: Website tiếng Việt lớn nhất Canada email: vietnamville@sympatico.ca :: Bản sắc Việt :: Văn hóa - Giải trí :: Khoa học kỹ thuật :: Góc thư giãn :: Web links :: Vietnam News in English :: Tài Chánh, Đầu Tư, Bảo Hiểm, Kinh Doanh, Phong Trào Thịnh Vượng :: Trang thơ- Hội Thi Nhân VN Quốc Tế - IAVP :: Liên hệ

Bản quyền: Vietnamville
Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút: Tân Văn.